Khi Đức Thượng Phụ Michel Sabbah của Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Thánh Địa cử hành thánh lễ tại nhà thờ Giáng Sinh trong buổi tối Vọng Giáng Sinh, tình hình nơi ngôi làng nhỏ bé này cũng như trong vùng đã thay đổi quá xa so với thời điểm một năm trước đây.

Đức Thượng Phụ Michel Sabbah
Lễ Giáng Sinh năm ngoái, tiếp theo những dàn xếp của ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice, Do Thái đã chịu triệt thoái ra khỏi dải Gaza. Những cuộc tấn công khủng bố ngang qua biên giới với Do Thái biến mất, và người dân Palestine tại Gaza cũng như ở khu vực Tây Ngạn sông Jordan đã hoàn tất cuộc bầu cử dưới sự giám sát của chính phủ được bầu lên cách dân chủ của tổng thống Muhammad Abbas, một biểu tượng cho sự ôn hòa và thương thảo. Buổi lễ Giáng Sinh tại Bêlem năm ngoái với sự hiện diện của tổng thống Abbas, một người Hồi Giáo Sunni, và những tháo gỡ các hạn chế đi lại của quân đội Do Thái, đã được giới quan sát coi là một dấu chỉ hy vọng.

Tuy nhiên, giờ đây khi người dân Palestine quyết định bầu cho các phần tử Hồi Giáo quá khích Hamas, chiến tranh lại tái phát trên dải Gaza. Hòa bình tại phần đất nơi hoàng tử hòa bình đã được hạ sinh giờ đây trở nên mờ mịt. Làn sóng bạo lực tại Thánh Địa gia tăng mạnh mẽ sau các cuộc tấn kích của Do Thái tại dải Gaza cũng như trên phần đất Li Băng nhằm tấn công vào nhóm khủng bố Hezbollah do Syria yểm trợ.

Mẹ Maria và Thánh Giuse bị bức tường ngăn cản!
Tuy nhiên, trong khói lửa chiến tranh hy vọng hòa bình tại phần đất này vẫn chưa lụi tàn. Dù tại Trung Đông hiện nay, chủ nghĩa cuồng tín Hồi Giáo và hệ quả là chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo phát triển hơn bao giờ, khuynh hướng chung của các nước trong vùng vẫn là hòa hoãn để phát triển. Khuynh hướng này đang lớn dần, đặc biệt sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thổ Nhĩ Kỳ, và tối hậu sẽ có thể cân bằng được với tư duy bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua.

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đang có quan hệ ngoại giao hoàn toàn. Theo thống kê, năm 2003 có 300,000 du khách Do Thái đến thăm khu du lịch Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, và trong năm 2006, đây vẫn là địa điểm du lịch lý tưởng của người Do Thái.

Trong năm ngoái, bất chấp cuộc tấn công 34 ngày vào miền Nam Li Băng để thanh toán nhóm Hezbollah do Syria yểm trợ, biên giới giữa Do Thái và Syria đã không có thương vong nào được ghi nhận.

Israel và Jordan cũng đã có những tiến triển ngoại giao quan trọng. Giờ đây, hàng không Do Thái có đường bay thẳng sang thủ đô Amman của Jordan. Trong khi, các hãng hàng không Jordan được phép bay ngang qua không phận Do Thái, một điều chưa có quốc gia Ả rập nào được phép. Các cuộc thương thảo vẫn đang tiếp diễn sẽ cho phe;p các khoáng sản của Do Thái tại Biển Chết được xuất cảng ra nước ngoài thông qua cảng Aqaba của Jordan. Trong khi Jordan cũng đamg muốn dùng các cảng ven bờ Địa Trung Hải dể xuất cảng hàng hóa của mình.

Quan hệ ngoại giao giữa Do Thái và Ai Cập vẫn là một quan hệ lạnh lùng nhưng hòa bình từ sau cuộc viếng thăm lịch sử của tổng thống Anwar Sadat 29 năm trước đây. Do Thái đã chịu trả lại bãi biển Taba bên bờ vịnh Elat dẫn ra Biển Đỏ. Và giờ đây các khách sạn mà trước đây do người Do Thái làm chủ giờ đây dù đã rơi vào tay người Ai Cập, vẫn đông đúc khách du lịch Do Thái sang tắm nắng.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tổng thống Abbas. Ông Abbas tiếp tục phục vụ trong chính quyền Palestine tại Gaza và khu vực Tây Ngạn sông Jordan, và vẫn còn là đối tác thương thảo với Do Thái và Tây phương. Người ta có nhiều hy vọng ông sẽ lại có mặt trong lễ Vọng Giáng Sinh tới đây trong nhà thờ Giáng Sinh và tiếp tục những con đường thương thảo cho một hy vọng về hòa bình trong tương lai gần.