(Rôma).
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I
Trong những ngày qua, toàn thế giới hướng về Thổ Nhĩ Kỳ để hồi hộp theo dõi chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, một chuyến tông du được vị cựu giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro -Valls mô tả là một chuyến tông du “liều lĩnh” sau biến cố triệu triệu người Hồi Giáo nổi điên lên trước bài thuyết trình tại Đại Học Regensburg của Đức Thánh Cha hôm 12/9.

Giới truyền thông, thường khi thờ ơ hay thậm chí có ác cảm trước sứ điệp Tin Mừng, đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến chuyến tông du này. Người ta chờ đợi những tiếng súng, một vị Giáo Hoàng ngã gục, hay đi xa hơn là một cuộc thế chiến như “nhà dăng” Yuvel Kaya trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng “Âm mưu chống Giáo Hoàng”. Bớt giật gân hơn, và có vẻ thực tế hơn, họ chờ đợi những cuộc biểu tình khổng lồ của người Hồi Giáo, và/hay một sự thất bại nhục nhã của Đức Bênêđíctô XVI trước sự thờ ơ của dân Thổ.

Tuy nhiên, khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du của ngài, cũng là lúc giới truyền thông quốc tế đồng loạt lên tiếng với những lời ngợi khen như “can đảm”, “thành công hiển nhiên”, “ngoạn mục”, “ít nhất 5 triệu người dân Thổ dán mắt vào truyền hình theo dõi biến cố Đức Giáo Hoàng thăm đền thờ Xanh” …

Đúng như câu ngạn ngữ “Thành công không gian lao, chiến thắng không vinh quang!”. Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I “xác tín sâu xa là chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI có một giá trị chưa lường hết được trong tiến trình hòa giải, đặc biệt khi nó đã xảy ra trong một thời điểm khó khăn và trong những hoàn cảnh rất tế nhị”.

Trong phần sau đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị bài phỏng vấn Đức Thượng Phụ Bathôlômêô I về cảm nghĩ của ngài đối với chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha do nhật báo Ý Avvenire thực hiện.

Hỏi: Đức Thượng Phụ có thể nói gì về chuyến tông du này?

Đức Thượng Phụ:Trên tất cả mọi sự, tôi phải nói rằng tôi chân thành cám ơn Đức Thánh Cha vì chuyến viếng thăm chúng tôi ngày lễ Thánh Anrê. Đây thực sự là một bước tiến đầy ý nghĩa trong quan hệ của chúng ta, và đã được thực hiện trong khuôn khổ của một chuyến tông du mà về tổng thể là một đóng góp cho cuộc đối thoại liên tôn mà tôi nghĩ là rất quan trọng.

Hỏi: Đức Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ nhau mặt đối mặt nhiều lần, xa các nhiếp ảnh gia và các phóng viên. Các vị đã đề cập với nhau những gì?

Đức Thượng Phụ: Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự quan tâm của ngài đối với Tòa Thượng Phụ và những khó khăn của Tòa Thượng Phụ; về điều này chúng tôi thật sự cám ơn ngài.

Đó là một cơ hội để biết nhau tốt hơn, bao gồm cả các vị hồng y trong đoàn tùy tùng, những vị mà tôi tin là chúng tôi đã thiết lập một tình bạn tốt, và điều này đối với tôi cũng rất là quan trọng.

Chúng ta thật sự có thể nói là ngày Thứ Năm vừa qua, chúng tôi đã sống một ngày lịch sử, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Lịch sử cho tiến trình đối thoại đại kết, và như chúng ta đã thấy trưa nay, lịch sử cho mối quan hệ giữa các nền văn hóa và các tôn giáo. Và, hiển nhiên, vì tất cả điều này, đó là một ngày lịch sử cho đất nước chúng tôi.

Hỏi: Những bài diễn văn và tuyên ngôn chung mà Đức Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng đã ký rất “cao cả” và đầy thiện chí hợp tác. Đức Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng có đề cập gì về tương lai không?

Đức Thượng Phụ: Về phương diện này, tôi có thể nói rằng tôi đã đề cập với Đức Thánh Cha một số điểm mà chúng tôi có thể thực hiện trong tương lai. Tôi đã đưa ra một đề nghị mà hiê,n nay tôi chưa thể nói gì thêm trong khi chúng tôi vẫn còn phải chờ đợi một đáp trả chính thức, nhưng tôi có thể nói rằng Đức Thánh Cha rất hào hứng với đề nghị này và đã tiếp nhận nó một cách thích thú.

Chúng tôi hy vọng là điều đó sẽ được thực hiện vì nó hướng đến tiến trình đại kết như chúng tôi đã xác nhận và đã viết trong tuyên ngôn chung là cả hai chúng tôi quyết tâm theo đuổi.

Hỏi: Tại sao các vị quyết tâm theo đuổi?

Đức Thượng Phụ: Hiệp nhất là một trách nhiệm cao cả, nhưng đồng thời cũng phải hiểu là một điều khó khăn nếu không được chia sẻ trong tình huynh đệ. Lịch sử của thế kỷ vừa qua là một “ký ức” đau thương về thực tại này.

Chúng tôi xác tín sâu xa là chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI có một giá trị chưa lường hết được trong tiến trình hòa giải, đặc biệt khi nó đã xảy ra trong một thời điểm khó khăn và trong những hoàn cảnh rất tế nhị.

Không nghi ngờ gì, với sự trợ lực của Thiên Chúa, chúng ta đang được trao ban một cơ may để chọn một bước tiến thuận lợi trong tiến trình hòa giải các Giáo Hội chúng ta. Và có lẽ, với sự trợ lực của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được ban cho cơ may vượt qua một số những trở ngại từ sự thiếu thông cảm lẫn nhau giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau, đặc biệt giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Hỏi: Đức Thượng Phụ cũng đã đề cập tầm quan trọng của chuyến đi này với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại sao, thưa Đức Thượng Phụ?

Đức Thượng Phụ: Là cầu nối giữa Âu và Á, thành phố này và Giáo Hội này giữ một vị trí độc đáo giúp cho sự gặp gỡ giữa các nền văn minh hiện đại. Trong một nghĩa nào đó, Istanbul là một nơi chốn hoàn chỉnh để trở thành trung tâm thường xuyên của đối thoại giữa các niềm tin và các nền văn hóa khác nhau.