HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG (13)



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


PHẦN II: TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH

Bài 13

Tình Yêu Hỗ Tương là Nguyên Do chính của Hôn Nhân

Một khi đã ý thức đầy đủ về sự lớn lao và cao trọng nhiệm mầu của Hôn Nhân Kitô giáo, thì vấn đề nguyên do chính yếu để bước vào hôn nhân trở thành quan trọng. Chỉ một nguyên do duy nhất có thể coi là hoàn toàn thỏa đáng đối với hôn nhân là: tình yêu hỗ tương và niềm xác tín rằng sự phối hợp này sẽ dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu cho đôi lứa yêu nhau.

Cũng như niềm tin vào chân lý của Thiên Chúa được chan hoà bởi tình yêu trở thành nguyên do tối hậu và chân chính duy nhất cho việc hoán cải, thì niềm xác tín rằng cô nàng kia chính là nhân vị được Thiên Chúa an bài dành sẵn cho tôi, cũng như chính tôi đây là nhân vị được Thiên Chúa an bài dành sẵn cho nàng, và Thiên Chúa đã phối hiệp cả hai chúng tôi trong tình yêu vợ chồng, niềm xác tín ấy là nguyên cớ duy nhất có thể khiến cho cộng đồng tình yêu này trở thành đáng khao khát và có ý nghĩa.

Chỉ khi có được tình yêu như thế, thì tính chân thực—sau khi đã được khảo sát kỹ luỡng và được minh chứng--sẽ tạo thành nguyên do chính để đi đến hôn nhân.

Như ta đã thấy, cho dù lứa đôi có một nguyên cớ để yêu thương do bởi được phối hợp với nhau như vợ chồng (thực ra thì sự phối hợp vợ chồng đòi hỏi tình yêu này), thì nguyên do tối hậu của tình yêu họ phải được tìm thấy trong các phẩm tính nơi nhân cách của người kia.

Tình yêu vợ chồng không hiện hữu để chỉ phục vụ hôn nhân (làm cho hôn nhân dễ hơn, khả hữu hơn, đến độ một người có thể mau chóng yêu thương một ai đó trong ý định tiến đến hôn nhân với người đó). Không phải thế: hôn nhân chính là một chu toàn tình nghĩa vợ chồng. Ta kết hôn với một ai đó bởi vì ta yêu chính nhân vị mà Thiên Chúa đã an bài dành sẵn cho ta.

Cũng có thế có các Nguyên Do khác nữa

Mặc dù tình yêu là nguyên do chân chính và thoả đáng để kết thúc một hôn nhân, nhưng không có nghĩa là tất cả các nguyên do khác đều bất xứng xét về mặt luân lý. Một tình yêu bao hàm một chối từ nào đó cũng có thể biện minh cho việc đi đến kết hôn. Như thế, ta hiểu đó là một tình yêu không hề dựa trên sự hoà nhập duy nhất của các linh hồn khiến đem lại niềm vui, hay dựa trên niềm xác tín là được an bài dành sẵn cho nhau, mà là dựa trên tình yêu được thấu nhập bởi niềm trìu mến sâu xa đối với người phối ngẫu và được sinh động hoá bởi ý hướng khai sáng một cộng đồng đời sống cao cả.

Trong sự sung mãn toàn thiện của nó, tình yêu hôn nhân không phải là được ban cho tất cả mọi người đâu. Tỉ như, có thể ta đã không bao giờ gặp được người hoàn toàn hợp tính hợp nết với ta, và sự kết thúc của một hôn nhân mà chỉ được tác động bởi một tình yêu mang theo một chút nhẫn nhục thì không thể coi là chấp nhận được xét về mặt luân lý, mặc dù đó không hẳn là một hoàn cảnh khiến cho ý nghĩa chân thực của hôn nhân có thể hoàn toàn được khai mở ra.

Có nhiều người vì quá thô tục, quá lỗ mãng, hay quá ngây ngô nên không thể cảm nghiệm được tình yêu tối hậu của vợ chồng như thế. Tuy nhiên, họ vẫn có thể kết hôn—cho dù chỉ cảm nghiệm được một tình yêu hời hợt mà thôi.

Các Nguyên Do Bất Xứng và Đáng Trách của Hôn Nhân

Trái lại, một khát vọng thuần túy nhục cảm mà thiếu tình yêu đích thực phải coi là một nguyên cớ hoàn toàn không thể chấp nhận được. Mối tương quan ích kỷ và bên ngoài này, vốn thường làm giảm hạ nhân vị khác xuống thành một thứ phi ngã vị, thì trực tiếp đối nghịch với ý nghĩa cao cả của sự hiệp thông hoàn toàn kết hợp hai nhân vị mà chỉ sự chết mới chia lià được. Thật là một xúc phạm nếu coi sợi dây ràng buộc long trọng này, vốn mang ý nghĩa kết hợp tình yêu giữa hai nhân vị, chỉ dựa trên một nguyên cớ hời hợt, tạm bợ và thấp hèn.

Quan tâm đến những lợi nhuận kinh tế, hay bất kỳ một tham vọng nào (tỉ như khát vọng về địa vị trần thế, về danh thơm tiếng tốt của người phối ngẫu), những nguyên do chẳng nói lên mối ân cần đối với nhân vị kia, tất cả đều là bất xứng hoàn toàn.

Hiển nhiên, nếu vì thất bại trong địa vị trần thế, mà ai đó đã tự giam mình trong cánh cửa tu viện hầu bảo đảm an toàn cho đến mãn đời, thì thật là đáng xấu hổ. Cũng thế, khi thắt chặt mối dây ràng buộc hai nhân vị trở thành một qua một tình yêu hỗ tương trong Chúa Giêsu, mà chỉ để đổi lấy một mối lợi bên ngoài mà thôi, thì cũng thật là đáng xấu hổ.

Nhưng không có nghĩa là một hôn nhân kết thúc vì những căn cớ không thể chấp nhận được về mặt luân lý lại không thể sau đó trở thành một cộng đồng tình yêu chân thật hầu tôn vinh Thiên Chúa. Điều này cũng y như sự kiện là ai đó gia nhập một hội dòng vì những lý do không thể chấp nhận được, nhưng sau này lại trở thành một tu sĩ gương mẫu. Tuy nhiên, diễn tiến sau này vẫn không thể biện minh cho các nguyên do bất xứng được.

Chỉ Hôn Nhân nào được Tình Yêu Tác Động thì Mới Hợp Lý

Rủi thay, dường như là các nguyên do không thể chấp nhận được này không phải lúc nào cũng bị người Công giáo lên án một cách đầy đủ. Ta phải hết sức minh bạch trong việc chối bỏ chúng do bởi chúng hoàn toàn bất xứng, và ta phải nhấn mạnh rằng chỉ duy tình yêu vợ chồng mà thôi cũng đủ để tạo nên nguyên cớ chân chính để đi đến hôn nhân. Ngay trong giới Công giáo, ta cũng thường thấy cái quan niệm về một hôn nhân hợp lý, theo nghĩa là một hôn nhân không xuất phát từ tình cảm, mà là từ những suy xét hữu lý.

Điều này bao hàm một chọn lựa sai lầm. Hẳn nhiên, quyết định kết hôn với một ai đó cũng phải là đề tài suy xét của trí năng--thế nhưng cái đề tài xác đáng của việc suy xét này phải là câu hỏi liệu xem tình yêu vợ chồng (ở đây bị coi như một thứ tình cảm) có thật sự hiện hữu giữa hai nhân vị chăng, liệu xem người phối ngẫu tương lai có thật sự là mình chăng, có thật sự là người mà Thiên Chúa đã an bài dành sẵn cho tôi chăng, liệu xem sự phối hợp có đúng là điều đẹp lòng Chúa không, và liệu xem có nguy cơ nào trong sự phối hợp này ảnh hưởng đến hạnh phúc vĩnh cửu của nàng hay của tôi chăng.

Tuy nhiên, khi trí năng hướng về những điều chẳng liên quan gì đến hôn nhân hay những điều quan trọng thứ yếu, hoặc tệ hơn nữa, làm cho những suy xét này tự nó trở thành duyên cớ của hôn nhân, thì nó hoàn toàn đánh mất vai trò riêng biệt của mình là suy xét và soi sáng cho cái tình yêu tiền hữu đó, vốn là nguyên do chính đáng của hôn nhân. Làm sao ta có thể coi hôn nhân loại này không phải là cái gì bất hợp lý? Để có thể gọi là hợp lý, thì một thái độ phải đi đôi với bản chất và ý nghĩa của sự vật mà nó quy hướng đến.

Gia nhập một dòng tu là một hành động hợp lý khi đó là lời đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, và khi sự hiện hữu của một ơn gọi đã được tận tình cứu xét. Nhưng khi các suy xét của trí năng về lợi ích của đời sống đan viện hướng về một mục đích vị kỷ nào đó được coi như thay thế cho ơn gọi, thì động lực đã trở thành đối nghịch lại với ý nghĩa đời sống đan viện rồi. Cho dù quyết định ấy có nhẹ nhàng đến mấy, thì cái động lực vẫn hoàn toàn là bất hợp lý rồi.

Cái gọi là một hôn nhân hợp lý (tức là được quyết định sau một toan tính kỹ lưỡng: tình trạng tài chánh khả quan, lợi ích chuyên nghiệp có thể đạt đuợc, hai người có thể sống chung hoà bình, và tuổi tác cũng tuơng xứng)--một hôn nhân trong đó các suy xét tính toán như thế (chứ không phải là tình yêu vợ chồng) trở thành động lực chính, một hôn nhân trong đó không hề thấy được niềm mong ước về một cộng đồng bất khả phân ly với người yêu--một hôn nhân như thế không chỉ bị tước đi hết mọi nét đẹp và vẻ sung mãn, mà còn là một cái gì hoàn toàn vô lý nữa.

(còn tiếp)