TẢN MẠN ĐẦU XUÂN (Lm Nguyễn Hồng Giáo)

Tết đến rồi tết đi. Thật nhanh, như mọi sự khác trên đời, ngay cả trong cảm nhận của một người tu hành và lớn tuổi như tôi. Tôi cũng vừa đi ăn tết vài ngày trong gia đình mới trở lại.Tôi cảm thấy tu viện (học viện) lúc này thật yên tĩnh vì các tu sĩ trẻ đã về nhà nghỉ tết hai tuần. Ngày xưa, thời gian trong các tu viện được đo lường bằng những buổi cầu nguyện và nghi lễ, còn ngày nay hình như đời sống tại đó cũng không thể thoát khỏi nhịp hối hả của nền văn minh thời đại. Người ta không còn dễ dàng nói về các tu viện rằng ở đó cuộc sống như ngừng trôi vì đã đặt một chân vào vĩnh cữu. Điều này có nghĩa là một phần nào, sự sâu lắng tâm hồn của chính tu sĩ ngày nay đang bị đe doạ. Có thể đó là mặt trái của chủ trương “vào đời” theo nghĩa vốn rất tích cực của công đồng Va-ti-can II. Dĩ nhiên cách tính thời gian của tu sĩ vẫn nặng tính phụng vụ : sau tết là chuẩn bị vào mùa Chay, mùa Chay đưa tới Phục Sinh, Phục Sinh rồi Thăng Thiên, Hiện Xuống, Thường Niên … Hơi giống với cuộc sống người Tây phương Kitô giáo Trung cổ. Chỉ khác một điều –và rất căn bản- là cuộc sống xã hội Tây phương xưa diễn ra hoàn toàn theo nhịp “đạo”, nhịp phụng tự vì tôn giáo hiện diện khắp mọi nơi, trong mọi sinh hoạt của con người. Còn ngày nay các dòng tu (và nói chung các cộng đoàn giáo hội) nằm bên trong một xã hội hoàn toàn trần tục, và những ngày lễ nghỉ, những lễ kỷ niệm của xã hội bên ngoài không dính dáng gì tới tôn giáo và vẫn tác động mạnh vào cuộc sống và tâm lý người tu hành bên trong. Riêng với các tu sĩ sinh viên, họ còn tính thời gian theo cách sinh viên, -mùa thi, mùa nghỉ hè, nghỉ tết, mùa đi thực tập… Tu viện mở cửa là tốt, giáo hội mở cửa là tốt nhưng như người ta đã nhận xét, mở cửa gió mát vào nhưng bụi bậm cũng vào theo, tinh thần thế tục cũng vào theo.

Tôi vừa nghe một câu chuyện kể trong bữa ăn sáng mùng một tết tại tu viện : Gia đình kia đã nấu mấy cái bánh chưng bằng nồi áp suất. Họ gói ba cặp, mỗi lần nấu một cặp, chỉ mất một tiếng đồng hồ thay cho 12 tiếng thông thường, nấu ba lần hết vỏn vẹn 3 giờ ! Họ còn coi đó là sáng tạo nữa! Nhưng còn gì là thú vui được ngồi bên bếp lửa canh bánh, thêm củi, thay nước, “trở bánh”, thử bánh và rân ran trò chuyện, nhất là vào ban đêm mùa đông. Người kể chuyện trên còn thêm một chi tiết là có kẻ còn khoe chỉ gói bánh bằng một lớp lá thôi nhưng vẫn “bảo đảm” màu xanh cho hạt nếp bằng cách vo lá rau ngót lấy nước trộn vào nếp tạo màu như ý ! Theo các “sáng kiến” trên, ta có bánh tết “như thật” nhưng dù sao chắc chắn chỉ “như” thôi, chưa “thật”, không thể đậm đà hương vị mà cha ông ta đã tạo ra theo cách gói, cách nấu bánh cổ truyền từ kinh nghiệm đời sống nông nghiệp. Đưa kỷ thuật hiện đại trộn vào văn hoá như thế là làm chết văn hoá.

Đới sống nông nghiệp ở vùng quê xưa diễn ra rõ ràng theo nhịp của thiên nhiên. Thiên nhiên làm mọi việc thong thả, từ từ. Hạt giống gieo xuống phải có đủ thời gian để nẩy mầm và mọc lên. Nó lại cần có thời gian để phát triển thành cây giống có thể đưa đi trồng cấy. Và cứ như thế cho đến khi đâm hoa, kết trái và trái trăng bông hạt chín muồi để thu hoạch. Người ta có thể can thiệp bằng kỷ thuật và hoá chất để đẩy nhanh các quá trình tự nhiên nhưng tới chừng mực nào đó thôi. O ép thiên nhiên quá, nó sẽ trả thù, người ta sẽ gặp thất bại. Ngon lành gì một quả dưa, một trái vú sữa, một quả thanh long bị ép cho mau to, mau chín. Sự sống có những qui luật riêng của nó. Bào thai phải được phát triển chín tháng mười ngày trong lòng mẹ. Đẻ non không bao giờ là điều tốt. Ngày nay, người ta có huynh hướng bắt thiên nhiên đi theo nhịp phát triển tốc độ của khoa học kỹ thuật. Có những thành công, nhưng cũng có quá nhiều thất bại, nhất là khi áp dụng cho sự phát triển tâm sinh lý của con người.

Thời gian cần thiết cho kinh nghiệm, cho nhận thức và tình yêu nẩy nở và chín muồi; thời gian cần thiết để tập luyện các khả năng, các nhân đức. Nhưng thời gian cũng có sức phá hủy hầu như tất yếu đối với vật chất và những gì cần tới điều kiện vật chất để hoạt động. Tuổi già thì sức yếu, đi lại khó khăn, phản ứng chậm chạp, thính lực, thị lực giảm sút, trí nhớ trí hiểu bớt tinh tường. Điều đó là bất khả kháng. Về mặt này con người cũng giống các sinh vật khác. Nhưng thánh Phao-lô nói con vật chỉ có sinh khí, còn con người có thêm thần khí (x. 1Cr 15,46) nên nó không chịu qui luật khắt khe tàn nhẫn của thời gian trong mọi sự. Ngài còn chia sẻ rằng thể xác càng suy yếu nhưng tinh thần ngài càng tăng tiến, ngài càng tự do hơn cho đời sống vĩnh cửu.

Thời đại chúng ta là thời công nghiệp hoá, thời của tốc độ, văn hoá ngày nay là văn hoá tốc độ. Mọi sự quay cuồng đến chóng mặt. Ta có đủ thứ ăn liền, những cửa hàng fast-food (thức ăn nhanh) và đồ may mặc sẵn. Mọi sự được tính toán, thời giờ được tính toán sao cho hợp lý và hiệu năng. An bao nhiêu phút là đủ, ngủ bao nhiêu giờ là vừa, gặp gỡ nhau chừng nào là được, cần chi dài dòng, cần chi nghi thức ? Đẩy cái lô-gích này cho đến cùng, con người sẽ trở thành như một chiếc máy; người ta sẽ sống hời hợt, thực dụng; các quan hệ giữa con người với nhau sẽ được đo lường bằng lợi ích, và sớm muộn khó tránh khỏi khủng hoảng về thể xác và tinh thần.

Đất nước ta đang đi theo hướng phát triển của nền kinh tế tư bản Tây phương. Nền kinh tế đó có triết lý riêng của nó, nghĩa là cơ sở lý thuyết của nó, một quan niệm nhất định về con người, về cuộc đời. Tư bản chủ nghĩa đã từng rơi vào khủng hoảng khi hì hục phát triển theo công thức sản xuất và tiêu thụ : sản xuất để tiêu thụ và tiêu thụ (thật nhiều) để kích thích sản xuất. Quan niệm nhân văn ngấm ngầm trong đó là của cải càng nhiều con người càng phát triển và càng hạnh phúc; số lượng quy định chất lượng. Người ta, thậm chí đã khái quát cách mỉa mai quan niệm ấy bằng câu : tôi tiêu thụ vậy tôi hiện hữu (je consume, donc je suis). Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng chạy theo hướng sản xuất-tiêu thụ đó chẳng những không “biết đâu là bờ là bến” mà con người càng thấy hụt hơi và trống trải tâm hồn. Tây phương đã nhận rõ ngõ cụt của hướng phát triển “man rợ” trên và đã điều chỉnh dần dần. Cuộc khủng hoảng họ vừa kinh qua (nhưng vẫn chưa hết) là khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống : Tất cả những thứ ấy, tức mọi thứ của cải tiêu thụ ngày càng tích luỹ ấy, cuối cùng là để làm gì ? Nó có đem lại hạnh phúc cho con người hơn không ? Tôi nghĩ rằng hầu hết người phương Tây khi qua Việt Nam đều bị đánh động bởi sự vui vẻ, lạc quan, cách ăn ở còn đậm tình người và quan niệm còn giản dị và lành mạnh về cuộc sống nơi quảng đại quần chúng chưa bị tiêm nhiễm bởi “ý thức hệ” duy vật chất và thực dụng đã từng mê hoặc họ.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế xã hội của chúng ta, những người cộng sản Việt Nam, nói là họ phát triển đất nước theo kinh tế thị trường (thực tế là tư bản) nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi không tin là về mặt lý thuyết người ta có thể đi theo kinh tế tư bản đồng thời trung thành với học thuyết Mác-Lênin, nhưng tôi nghĩ rằng họ rất muốn hạn chế mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Tôi cũng không tin rằng học thuyết Mác-Lênin sẽ giúp họ làm được điều tốt đẹp đó, nhưng tôi nghĩ rằng chính nền văn hoá dân tộc, chính nền đạo lý của dân tộc có khả năng đương đầu với những tàn phá của chủ nghĩa tư bản. Hai “anh” duy vật, dù là duy vật thực tiễn (Tây phương) hay duy vật biện chứng (cộng sản) cộng lại với nhau vẫn không thể mang lại hạnh phúc thật cho con người nếu hai anh cứ muốn trung thành với “bản chất” của mình.

Xã hội ta chưa phải là một xã hội công nghiệp phát triển cao nhưng ngay từ bây giờ chúng ta bắt đầu nghiệm thấy rằng muốn giữ được quân bình trong tâm hồn (và có khi cả thể xác nữa), cần phải biết dừng lại, biết giảm bớt tốc độ khi cần, thậm chí có lúc mạnh dạn đi ngược lại với tốc độ một cách ý thức, biết từ khước những mời mọc của xã hội tiêu thụ, biết đề cao tính “nhưng không” (vô vị lợi) trong hành động và cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội, và biết dành cho mình những quãng thời gian trầm lắng cần thiết. Nếu người thường đã có nhu cầu như thế thì huống hồ là người Kitô hữu và nhất là tu sĩ, linh mục !

(Mùng năm tết Bính Tuất)