Cuộc Di Dân Của Dân Tộc Việt Nam:

KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP CÁC TRẠI ĐỊNH CƯ TẠI MIỀN NAM VÀ CÔNG LAO CỦA CÁC VỊ CHA GIÀ

II. CUỘC DI CƯ NĂM 1954

1. Tình hình: Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Pháp thua trận Điện Biên Phủ.

Hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 đình chiến và chia đôi lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 tại Việt Nam. Quân đội Pháp và chính quyền quốc gia có 300 ngày để rút vào Nam vĩ tuyến 17. Các đơn vị Việt Cộng tập kết tại Đồng Tháp, Xuyên Mộc, Hàm Tân và Cà Mau để rút ra Bắc. Tại miền Trung, quân Pháp rút khỏi Bến Hải, Quảng Ngãi, và Bình Định để Việt Cộng tập kết và rút ra ngoài vĩ tuyến 17.

Chính lúc đó, ngày 8 tháng 7 năm 1954, ông Ngô Đình Diệm nhận làm thủ tướng chính phủ quốc gia. Tân thủ tướng bắt đầu thu hồi chủ quyền. Đẩy mau việc triệt thoái quân đội Pháp. Cải tạo xã hội. Đặc biệt là làm mọi cách giúp cho gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

2. Tại sao đồng bào đành rời bỏ mồ mả tổ tiên, làng mạc, của cải, ruộng vườn để ra đi vào miền đất xa lạ? Bởi vì họ muốn ‘tị nạn Cộng Sản’. Những người hiểu biết thì coi nạn Cộng Sản chính là cái ách Đệ Tam Quốc Tế từ Liên Sô cộng với ‘cuộc cách mạng nông dân, cải cách ruộng đất’ kiểu Trung Cộng mà Hồ Chí Minh và đảng của ông bằng mọi giá đang quàng lên cổ dân tộc Việt Nam. Đối với giới bình dân, nạn Cộng Sản chính là chính sách tiêu thổ kháng chiến đốt sạch, phá sạch; là đấu tố ‘địa chủ’; là tố cáo lẫn nhau; là bóp nghẹt mọi quyền tự do căn bản, trong đó sự thù nghịch, bách hại các tôn giáo là lí do tinh thần quan trọng nhất

Thành phần dân di cư tính theo tôn giáo:Tin Lành: 1.041 người; Phật giáo: 182.817 người; Công giáo: 676.348. Ngoài ra có khoảng 40,000 người Hoa cũng di cư vào Nam.

Đó là số người may mắn đi thoát, bởi vì khi thấy đồng bào lũ lượt ra đi, chính quyền Cộng Sản đã tìm mọi cách tuyên truyền, dọa nạt và cả bạo lực để ngăn cản làn sóng di cư. Chẳng hạn như hàng ngàn giáo dân Ba Làng, tay cầm tràng hạt miệng đọc kinh, tiến qua làn đạn của Cộng Sản để đi tìm tự do, 6 người chết, 40 người bị thương; 2000 giáo dân thà chết chìm ở bãi biển Trà lí chứ không chịu quay lại, may sao tầu Le Capricieux và một số tầu khác đã tới cứu được 1445 người.

3. Các tổ chức cứu trợ:

- Phía chính quyền: Đầu tiên luật sư.Lê Quang Luật là đại biểu chính phủ ở Bắc Việt kiêm việc di tản đồng bào tị nạn. Trong Nam có bộ Thanh Niên và Bộ Xã Hội đảm trách. Sau khoảng một tháng, làn sóng di cư trở nên ồ ạt khiến chính phủ phải thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn. Phủ Tổng Ủy lần lượt do các ông Nguyễn Văn Thoại (từ ngày10.8.1954), Gs. Ngô Ngọc Đối (từ ngày 21.8.1954), Bs. Phạm Văn Huyến (từ ngày 4.12.1954), ô. Bùi Văn Lương (từ ngày17.5.1955) làm Tổng ủy trưởng. Tới ngày 21 tháng 8. Mỗi ban ngành đều có đại diện của Phủ Tổng ủy. Phủ Tổng ủy có 3 nhiệm vụ: - Cứu trợ và di chuyển. - Kiểm soát và tiếp cư. - Giúp đỡ định cư.

- Phía tư nhân, ngay từ những ngày đầu, có các đoàn thể cách mạng, các đoàn thể Công giáo, Dòng Chúa Cứu Thế, Đại Chủng viện, v.v., giúp tổ chức tiếp cư tại phi trường Tân Sơn Nhất và bến tầu Sài Gòn.Tới tháng 8 năm 1954, phía Giáo hội Công giáo thành lập Ủy Ban Hộ Trợ Định Cư do giám mục Phạm Ngọc Chi phụ trách, văn phòng đặt cạnh nhà thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn. Ủy ban cử các linh mục tới mỗi trại tạm cư và trại định cư làm đại diện. Ủy ban giúp đỡ Phủ Tổng Ủy trong các việc giữ trật tự, an ninh; cấp phát tiền bạc, thuốc men, vải vóc; những hoạt động văn hóa, tinh thần. Ủy ban cũng tích cực vận động các tổ chức phước thiện quốc tế ủng hộ tinh thần, vật chất cho đồng bào di cư. Ủy ban còn bênh vực, tố cáo trước dư luận thế giới về những vụ việc Cộng Sản ngăn cản, bách hại những người muốn đi tìm tự do.

Ngoài 2 tổ chức kể trên, còn có các tổ chức khác cũng tích cực giúp đỡ như: Văn Phòng Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì do Mgr. Joseph Harnet phụ trách; Văn Phòng Thanh Thương Hội Phi Luật Tân; Rotary Club; Hội Cứu Trợ Pháp; Báo Figaro quyên giúp 35,000,000 quan Pháp (1955).

4. Di chuyển, Tiếp cư và Tạm cư

Hàng ngày, từng ngàn người kéo về Hà Nội để được vào Nam. Chúng tôi chỉ biết một địa điểm đồng bào tụ họp tạm trú là trường trung học Dũng Lạc. Tại đây, xe nhà binh tới chở hết lớp này tới lớp kia đi. Mỗi ngày, năm bảy chục chiếc máy bay chở khoảng 3.000 đồng bào đáp xuống Sài Gòn. Số đồng bào không tiện đáp máy bay thì đáp tầu thủy tại cảng Hải Phòng. Mỗi ngày, 2 hay 3 chuyến tầu Pháp hoặc tầu Mĩ đi Nam, có chiếc chở được 7.000 người. Có chuyến phát cho mỗi người 35$, 1 gói quà và tã lót cho con nít; có chuyến khi cập bến mỗi gia đình được lãnh 100$, một gói quà, xà bông, v.v. Ngày 26 tháng 5 năm 1955 tầu Gascogne là chuyến cuối cùng chở được 888 người cập bến Sài Gòn.

Chúng tôi không được biết tổng số những trại tạm cư. Riêng gia đình chúng tôi được ‘xe chở đồng bào di cư’ đưa về trường tiểu học Võ Tánh đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Tại đây, hàng ngàn đồng bào tạm trú trong các phòng học. Mỗi ngày, người lớn được lãnh 12$ tiền ăn, con nít lãnh 6$. Sau đó ít lâu, phải trả lại trường, số chúng tôi được đưa về tập trung tại ‘Trại Phú Thọ Lều’ (địa điểm trường Bách Khoa Phú Thọ sau này). Trại Phú Thọ Lều rất lớn, hàng chục ngàn người sống trong các lều vải, chờ ngày đi dịnh cư.

5. Định cư

Vừa mới chấp chánh, chính phủ Ngô Đình Diệm phải đương đầu với nhiều thế lực chống đối: người Pháp, số quân nhân thân Pháp, các giáo phái Miền Nam, vài đảng đối lập, v. v.. Đang khi đó chính phủ lại phải dồn rất nhiều nỗ lực lo cho đồng bào di cư tị nạn Cộng Sản. Đáp lại, chính khối đồng bào di cư đã trở thành khối hậu thuẫn đắc lực cho tân chính phủ. Trong nỗ lực định cư, lo cho đồng bào có nơi ăn chốn ở, an cư lạc nghiệp, chính phủ cũng lợi dụng khối đồng bào nạn nhân Cộng Sản này để khai khẩn những vùng đất bỏ hoang và để phục vụ cho an ninh lãnh thổ, an ninh các trục lộ giao thông quan trọng.

Ngay từ năm 1955, Phủ Tổng Ủy Di Cư đã đặt kế hoặch đưa đồng bào đi định cư tới nhiều địa điểm khác nhau ở miền Nam, miền Trung và Cao nguyên, tùy theo nguyện vọng nghề nghiệp của đồng bào. Năm sau, chính phủ mới công bố dụ số 28 vào ngày 30 tháng 4 năm 1956 về: các ruộng, đất bỏ hoang phải được khai khẩn. Sau đây là một số trại định cư tiêu biểu:

- Tiểu thủ công thương nghiệp và chăn nuôi: các trại vùng Xóm Mới, Gò Vấp; các trại vùng Tam Hà, Thủ Đức; các trại vùng Tân Mai, Hố Nai, Biên Hòa giúp an ninh cửa ngõ phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Các trại vùng Trung Chánh, Hốc Môn giúp an ninh cửa ngõ Tây Bắc thủ Đô Sài Gòn. Các trại vùng Bình An, quận 8 giúp an ninh cửa ngõ phía Nam thủ đô Sài Gòn.

- Nông nghiệp trồng khoai mầu và cây công nghiệp: Các trại vùng Gia Kiệm, Dốc Mơ, Túc Trưng, La Ngà, Phương Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng... giúp khai thông và duy trì an ninh cho quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây đi Đà Lạt (trước đó không xử dụng được). Các trại vùng Bình Giả, Phước Tuy; các trại miền cao nguyên Trung phần ở Đức Lập, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum...giúp mở mang đất mới và an ninh lãnh thổ.

- Nông nghiệp trồng lúa nước và chăn nuôi: Các Đức Hòa, Đức Huệ; các trại An Hoá, An Hiệp, Thành Triệu, Bến Tre; các trại Bà Bèo, Long Định, An Đức, Mĩ Tho; trại Phụng Hiệp, Cần Thơ; Các trại vùng Cái Sắn, Rạch Giá...giúp khai khẩn đất bỏ hoang và an ninh lãnh thổ.

- Ngư nghiệp: Các trại Thanh Bồ, Đức Lợi, Đà Nẵng; các trại ở Phan Rang, Phan Thiết; các trại Phước Lâm, Phước Tỉnh, Phước Tuy và các trại từ Cát Lở tới Bãi Dâu, Vũng Tầu; trại Phú Quốc...

- Một số trại nằm trong phạm vi thủ đô của đồng bào làm công tư chức và tiểu thủ công nghệ, như vùng Phú Nhuận, vùng Ngã Ba Ông Tạ.

Tính đến ngày 30 tháng 10 năm 1955 đã thành lập được 255 trại định cư (sau này còn thành lập thêm): 156 trại tại Nam phần, 65 trại tại Trung phần và 34 trại trên cao nguyên. Tổng số dân đi định cư là 596.031 người; số đồng bào di cư sống rải rắc các nơi là 140.039 người; gia đình binh sĩ là 125.393 người (những con số này có sai biệt chút ít giữa các bản thống kê, một phần cũng do số sinh tử mỗi ngày).

Ngân khoản dành cho chương trình di cư là 1.058.000.000$. Trong số đó 480 triệu dành để làm nhà sẵn cho đồng bào và 300 triệu cấp cho nơi nào đồng bào tự làm nhà lấy. Tại các trại có đợt phát tiền mặt cho mỗi đầu người 700$. Ngoài ra đồng bào còn được 124.813 dụng cụ canh nông; 681.585 kiện vải; 393.994 kg chỉ và 3.471 kg chì để làm chài lưới.

(Còn tiếp)