ĐÔI GIÒNG GHI NHỚ VỀ GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LA VANG, PORTLAND, TIỂU BANG OREGON

TỪ BỐN PHƯƠNG VỀ HỌP MẶT

Tháng 7 năm 1975, ba tháng sau ngày Cộng sản cuỡng chiếm miền Nam và Sàigòn đổi chủ, trên một trăm ngàn người Việt nam tị nạn ào ạt được đưa vào định cư trên đất Mỹ. Tiểu bang Oregon cũng là một trong 48 tiểu bang Hoa Kỳ (trừ hai tiểu bang Main và New York) đã mở rộng vòng tay với chương trình đặc biệt để đón tiếp kho?ng một ngàn người tị nạn Cộng sản Việt trong đợt đầu. Tổng giáo phận Portland với những tổ chức có sẵn như: Veritas, Catholic Relief Services, Catholic Charities, cũng tiếp tay bằng nhiều chương trình để giúp người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Trong số người Việt tị nạn đến Oregon trong đợt đầu này, tỷ số người Công giáo rất cao, cho nên bên cạnh trách nhiệm chung của một cơ quan thiện nguyện, Tổng Giáo phận còn có trách nhiệm tinh thần đối với người Công giáo trong liên đới của Giáo hội hoàn vũ.

Cũng như những tập thể tị nạn khác, người tị nạn Công giáo đến Portland vào tháng 7 năm 1975, gồm nhiều thành phần khác nhau. Họ là nhũng người về đây từ khắp nơi trên đất nước và gồm đủ thành phần xã hội. Nhớ nước thương nhà và lo âu cho tương lai cuộc sống mới, chính là tâm trạng của họ trong lúc này. Mới hôm qua đây còn thấy phố phường, còn có thôn trên xóm dưới, còn nghe giọng hát tiếng cười, còn Thánh đường tiếng chuông, hôm nay,sáng sớm vừa hé đôi mắt đón một ngày mới đã thấy cảnh xa người lạ, đã nghe những âm điệu như từ một thế giới nào khác. Hầu hết chưa biết nhau, nhưng họ đã dễ dàng và nhanh chóng trở nên thân tình, trở thành nguồn an ủi lẫn nhau, chỉ vì họ đã gặp nhau trong một căn phòng nằm giữa khu chung cư Halsey. Đó là căn chung cư số 83 mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ. Căn chung cư này là nơi mà mỗi chiều họ gặp nhau trong Thánh lễ, trong những buổi cầu nguyện và sinh họat.

Có lẽ cũng cần nhắc lại một sự kiện là Tổng giáo phận Portland, sau khi được sự đồng ý của Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế tại Denver, Colorado và chi nhánh dòng Chúa Cứu Thế tại Portland, đã mời Linh mục Cao Đăng Minh thuộc dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ, nguyên là sinh viên du học và đã tốt nghiệp cao học về giáo dục tại trường University of Portland về để trực tiếp lo săn sóc đời sống tinh thần cho cộng đồng Công giáo tị nạn vừa đến định cư. Với sự giúp đỡ tích cực của cha Morton Park, giám đốc cơ quan thiện nguyện USCC, cha Minh đã khởi đầu trách nhiệm của ngài bằng việc thuê căn chung cư như vừa đề cập để cộng đồng Công giáo tị nạn sinh họat.

Chính từ căn chung cư nhỏ bé này, cộng đồng Công giáo Việt Nam tị nạn tại Portland đã đặt bước khởi đầu cho cuộc hành trình cam go nhưng cũng đầy hãnh diện sau này. Đây cũng là cái nôi đã phát sinh, nuôi duỡng và tạo môi trường thuận tiện khởi đầu cho sức sống lớn mạnh của cộng đồng suốt ba mươi năm sau này. Từ đây, họ đã họp lại với nhau và đoàn ngũ hóa tập thể với danh xưng tạm: Cộng Đồng Công GiáoViệt Nam Portland. Tổ chức và danh xưng này được Tổng giáo phận Portland công nhận là một thực thể qua việc giao dịch và trợ giúp. Cũng từ đây, niềm ước mơ một giáo xứ Việt nam trên đất khách bắt đầu chớm nở trong lòng mỗi giáo dân Việt nam tị nạn, để như một phần khỏa lấp cho vết thương xa quê hương còn quá mới trong lòng người biệt xứ. Niềm ước mơ ấy, không ai dự đóan được, là sẽ trở thành sự thật trên bước căn bản vào sáu năm sau.

GIÁO XỨ SAINT ROSE DE LIMA, NƠI DỪNG CHÂN

Sau hơn một năm sinh họat tạm thời trong căn chung cư 83, tháng 9 năm 1976 cộng đồng CGVN Portland được sự thỏa thuận của giáo xứ St. Rose, đã di chuyển từ chung cư Halsey sang sinh họat bên giáo xứ này. Cộng đồng được xử dụng tất cả tiện nghi của giáo xứ vào mỗi chiều Chúa nhật để cử hành Thánh lễ và sinh họat. Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Lễ Giáng sinh, lễ Tạ ơn, sinh họat Văn hóa v.v. cộng đồng cũng được xử dụng hội trường nhà thờ để tổ chức họp mặt. Mỗi tháng chúng ta góp $700. để chia sẻ chi phí điện nước với giáo xứ St.Rose.

Từ ngôi chung cư số 83 chật hẹp và thiếu thốn về mọi phương diện, chúng ta bước sang St. Rose rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Giáo dân đến dự Thánh lễ không còn phải đứng ngoài nhìn vào. Đoàn thiếu nhi không còn phải chia toán, thay phiên để tham dự các lớp giáo lý và các buổi sinh họat. Thanh thiếu niên cũng được đoàn ngũ hóa và khởi đầu sinh ho?t riêng. Các đoàn thể Công giáo tiến hành cũng trên tiến trình thành lập. Chúng ta chưa có Ban Chấp hành giáo xứ vì tuy sinh hoạt theo khuân mẫu giáo xứ nhưng thực ra, như đã đề cập trong phần đầu, chúng ta mới chỉ là một cộng đồng, cho nên trong thời gian sinh ho?t tại khu chung cư 83 hay khi đã sang bên St. Rose, cha Cao Đăng Minh chỉ mời một số giáo dân trong cộng đồng, gồm những vị cao niên có kinh nghiệm điều hành và một số giáo dân tình nguyện có khả năng Anh ngữ, tạm thời đứng ra lo việc cộng đồng, với danh xưng là Ban đại diện cộng đồng. Ban đại diện lúc đó gồm có nhiều giáo dân, nhưng đứng đầu là cụ Phạm Văn Định, c? Nguyễn Bá Nhân và ông Vũ Văn Đề. Nhiệm vụ chính của Ban đại diện cộng đồng là giúp cha Minh điều hành việc thờ phượng và các sinh họat khác thuộc phạm vi tôn giáo. Nhưng một nhiệm vụ khác không kém quan trọng là chuẩn bị thành lập một giáo xứ Việt nam trên đất Mỹ. Chúng ta đã tham gia những buổi họp với Ban Chấp hành giáo xứ St Rose. Chúng ta cũng mời giáo dân St Rose cùng tham dự các sinh hoat tập thể với chúng ta trong dịp Tết Nguyên Đán; những buổi mừng Xuân, sinh họat văn hóa dân tộc là những dịp mà giáo dân Mỹ rất nao nức được mời tham dự, vì văn hóa, phong tục tập quán Việt nam vào thời kỳ này tương đối còn xa lạ đối với đa số người Mỹ.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 1978, khi ngân sách tài khóa mới của Liên bang dành cho người tị nạn Đông Nam Á được ưu tiên giải tỏa hầu giải quyết nạn ứ đọng tại các trại, thì số người tị nạn được đưa về tiểu bang cũng do đó mà tăng. Ảnh hưởng từ tình trạng chung này, số người công giáo tại Portland chỉ trong hai tháng đầu năm đã lên con số ngàn.

Nếu căn chung cư 83 tại Halsey là cái nôi đã ấp ủ và nuôi dưỡng chúng ta từ những tháng ngày sơ khởi của cuộc sống mới, thì giáo xứ St. Rose chính là cái bờ đã giúp chúng ta đặt bước chân vững vàng để từ đó mới đến được cái bến, đó là việc thành lập Trung Tâm Mục Vụ sau này để chăm sóc mục vụ độc lập và thuần túy Việt nam như chúng ta hằng mong ước.

Những năm sau này, khi đã trưởng thành, chúng ta vẫn hướng sang giáo xứ Saint Rose với tất cả lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Chúng ta nhớ đến cha chánh xứ Zenner đã qua đời, nhớ đến ông chủ tịch Ban Chấp hành giáo xứ Leturneau là những vị đã cho chúng ta cả tấm lòng hải hà giữa lúc chúng ta còn ngơ ngác trên đường lưu lạc. Nếu không có giáo xứ St. Rose mở rộng hai cánh tay thân ái đón chào và cho chúng ta nơi dừng chân để từ đó dùng thời gian cho những buớc tiến mới, thì làm sao chúng ta giải quyết được nhu cầu phụng vụ và các nhu cầu khác cho gần một ngàn giáo dân trong một căn chung cư chỉ có khả năng đón nhận tối đa 60 người. Nhưng không phải chỉ cho chúng ta nơi thờ phượng và sinh họat, giáo xứ St. Rose còn sát cánh bên chúng ta để cùng chia sẻ và nâng đỡ chúng ta trên những chông gai, thử thách mà chúng ta gặp phải trên đường xây dựng tương lai giáo xứ thời gian sau này.

THÀNH LẬP MỤC VỤ VIỆT NAM

Vì nhu cầu mục vụ phát triển nhanh chóng và để đáp ứng với số người đến định cư ngày càng đông, vào mùa Hè năm 1980, cha Cao đăng Minh đã đề nghị với Tòa TGM Portland mời Cha Trần Công Nghị lúc đó đang sống tại thủ đô Washington để xin về Portland một thời gian nhất định để giúp xây dựng cơ chế mục vụ cho người Việt Nam và giúp chương trình định cư trong TGP Portland. Cha Nghị là người có kinh nghiệm về định cư và mục vụ tại Hoa Kỳ, ngay cuối năm 1975 đã thành thành lập Trung Tâm Mục Vụ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ đó là Trung Tâm Mục Vụ tại TGP New Orleans, tiếp đến được ngài được mời về thủ đô Washington DC thành lập Trung Tâm Đông Dương (Indochinese Center) nhằm giúp việc hướng dẫn hội nhập của người di cư vào nếp sống mới. Cha Nghị đã chấp nhận lời mời và đến Portland để giúp Cha Minh và Cộng Đồng Công Giáo tại đây.

Cha Nghị đã bắt đầu công tác ngay là đã cộng tác và dưới sự hướng dẫn của Cha Cao Đăng Minh và các vị đại diện các sắc tộc, các Hội Thiện Nguyện định cư, để hoàn thành viết dự án thành lập Hội Đông Dương (SouthEast Asian Associations) hầu thu nhập những ngân khoản tài trợ của Liên Bang trong việc định cư và giúp phát triển các đoàn thể. Các chương trình định cư và các hội đoàn được tài trợ hầu phát triển mạnh mẽ thêm, số người Việt di cư càng ngày càng đông thêm.

Đang khi đó, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cũng được chính thức thừa nhận như một thực thể độc lập, với sinh họat độc lập và thuần túy Việt Nam đầu tiên của người Việt trên trong cả Tiểu Bang Oregon. Tất cả người Việt Nam trong giáo phận đều trực thuộc về Trung Tâm Mục Vụ này.

TIẾN ĐẾN VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐÔNG NAM Á

Khi thành lập Mục Vụ cho người Việt Nam, dĩ nhiên chúng ta phải nghĩ tới cơ sở vật chất. Giữa lúc chúng ta chưa biết xoay sở ra sao thì thật may, Đức Tổng Giám mục phó Waldsmidth cho cha Minh biết tin là Dòng Holy Child có cơ sở Trường Nội Trú ngay cạnh nhà thờ St Rose sắp cắm bảng bán. Đức TGM phó cũng cho biết giá mà dòng Holy Child đòi là 3 triệu dollars. Việc đầu tiên và cũng quan trọng nhất mà chúng ta phải nghĩ đến là tài chánh. Không có khả năng tài chánh thì không thể làm gì được, nhất là khi nghĩ đến một dự án lớn để lo cho cộng đồng đang lớn mạnh lúc đó.

Trước tiên các Cha mời Ban đại diện vào thăm cơ sở dòng Holy Child rồi về thảo luận với cộng đồng. Tiếp đó, qúi Cha Cộng Đoàn để tham khảo ý kiến có nên quyết định mua Trường Nội Trú này làm cơ sở sinh hoạt hay không. Đa số Ban Đại Diện và giáo dân đều đồng ý, nhưng cũng có một số bất đồng vì lo ngại lấy đâu ra tài chánh để trang trải...

Tuy dù ai cũng nhận thấy đây là một cơ sở lý tưởng. Cơ sở có sẵn một hội trường tạm dùng làm nhà thờ cho khoảng 800 người ngồi, có nhà nguyện khang trang cho khoảng 350 chỗ ngồi, có tòa building lớn ba tầng làm các văn phòng và sinh họat, có mấy chục phòng học lớn nhỏ với bàn ghế đầy đủ để cho hàng trăm học sinh, có hai nhà bếp, có khu riêng biệt dành cho các nữ tu, có thư viện, có đầy đủ tiện nghi đón khách vãng lai. Bên ngoài là những khu đất rộng rãi.

Tuy nhiên vì cơ sở đã bị bỏ trống trong 12 năm trời, nên nếu muốn sử dụng phải cần nhiều công lao dọn dẹp, sửa chữa, và tân trang, bên ngoài cỏ mọc um tùm, bên trong rác rước bụi bặm, hệ thống sưởi và nước bị ứ đọng... nhưng tương lai sẽ là nơi sinh họat ngoài trời rất tốt cho các đoàn thể, nhất là giới trẻ. Nói tóm lại, cơ sở này là một nơi rất thích hợp với một giáo xứ mà chúng ta mong đợi.

Do vậy để toàn thể cộng đồng có dịp quan sát tại chỗ và lấy ý kiến chung, sau Thánh lễ Chúa nhật vài tuần sau đó, qúi Cha và ban đại diện đã mời các gia trưởng đến thăm cơ sở dòng. Sau cuộc thăm viếng, tất cả đều đồng thanh nói lên nguyện vọng mua cơ sở này để thành lập giáo xứ. Ước vọng thì như vậy, nhưng vấn đề lại phải trở về từ đầu, đó là khó khăn về tài chánh. Tiền triệu đối với những người di cư mới sang đây vài ba năm như chúng ta là một việc ngòai tầm tay. Nhưng nếu để mất cơ hội mua cơ sở này thì cũng là điều thật đáng tiếc. Chúng ta càng nóng lòng hơn khi được Đức TGM phó cho biết rằng cũng có vài ba cơ sở thương mại đến thăm dòng và muốn mua. Nhưng họ gặp trở ngại về luật lệ xây cất. Dù vậy, với địa điểm nằm ngay trung tâm khu phố và một diện tích tương đối lớn, cơ sở của dòng là một thu hút đối với nhiều giới đầu tư. Cho nên, ngày nào cộng đồng chưa bước chân vào được cơ sở dòng, ngày đó chúng ta còn bồi hồi lo âu.

Nhưng, như một phép mầu, trong lúc cả cộng đồng chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh năm 1980 trong tâm trạng lo âu về cơ sở muốn mua thì được Đức TGM phó Waldsmidth cho biết, dòng Holy Child gốc tại Missouri đã thuận lời đề nghị của Tòa Tổng Giám mục Portland cho cộng đồng Công giáo Việt nam tại Portland thuê cơ sở của dòng trong thời gian ba năm để làm nơi thờ phượng và sinh họat với giá $2000 một tháng. Số tiền thuê này để giúp dòng trả bảo hiểm và đóng thuế bất động sản. Trong lúc chúng ta chưa có điều kiện để nghĩ đến việc mua cơ sở này, thì tin trên đây là một tin mừng lớn. Vì tuy chưa mua được cơ sở dòng, nhưng ít nhất chúng ta cũng đã bắc được một đầu cầu để chuẩn bị cho việc mua hẳn cơ sở. Thêm một lần nữa, người Công giáoViệt nam tị nạn chúng ta cần ghi ơn đối với Đức cố TGM phó Waldsmidth, ngài đã âm thầm tiến từng bước để mua bằng được cơ sở này cho cộng đồng chúng ta.

Để tìm ngân khoản tài trợ cho những chi phí thuộc cơ sở trên, các cha đã khôn khéo dàn xếp để các Hội Thiện Nguyện thuê các phòng ốc của Cơ Sở Holy Child làm các văn phòng dịch vụ giúp người di cư, đặc biệt Cha Morton Park đã di chuyển tất cả các dịch vụ định cư về nơi này, cũng như Hội Soars và Hôị Thiện Nguyện Lutheran, v.v...

Đang khi đó, hai Cha Minh và Cha Nghị nghĩ tới dự án thành lập Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam dùng cơ sở dòng Holy Child để phát triển. Với sự tích cực hỗ trợ và giúp đỡ của LM Morton Park là giám đốc Catholic Charities, Cha Minh đệ trình dự án lên Đức TGM Porland là giám mục Power. Đức TGM Power đã chấp thuận, nhưng thay vì lấy tên là Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam, Đức TGM Power đã quyết định cho thành lập Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á.

Vào tháng 1 năm 1981 chúng ta đón nhận sắc lệnh thành lập Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á, Đức TGM Power chỉ định giám mục phó là Đức cha Waldsmidth đặc trách về mục vụ của giáo phận giám sát và hỗ trợ chương trình nêu trên. Đồng thời Đức TGM Power cũng bổ nhiệm Cha Cao Đang Minh làm Đại Diện Giám Mục coi sóc Trung Tâm và nhu cầu mục vụ của các sắc dân Đông Nam Á, cử Cha Trần Công Nghị làm giám đốc điều hành Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á. Đây là Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam thứ hai trên đất Hoa Kỳ và là Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đây là một văn kiện lịch sử mở đường cho việc thành lập một giáo xứ thuần túy Việt nam trên đất Mỹ. Và đây cũng là niềm vinh dự cho người công giáo Việt nam tị nạn, vì Tổng giáo phận Portland với 168 giáo xứ, chỉ có hai Trung Tâm Mục Vụ mà chúng ta là một. Cũng trong thời gian này, Cha Phạm Văn Ninh lúc đó đang thi hành công tác mục vụ cho Cộng Đoàn Việt Nam tại Salem cũng được mời về sinh sống và thi hành mục vụ tại Trung Tâm, tuy nhiên vẫn đặc trách cộng đoàn Salem. Số giáo dân Việt nam đến Portland lúc này đã lên khỏang hai ngàn người.

Tháng 3 năm 1981, chúng ta bước vào cơ sở dòng Holy Child với tư cách người thừa hưởng (Beneficiary) và do Tổng giáo phận Portland đứng tên người tặng hiến (Benefactor). Đối với những qúi vị trong giáo xứ sinh họat trong thời điểm này, có lẽ không bao giờ quên được ngày vui lớn đó, khi mấy trăm giáo dân cùng với cha Minh và Cha Nghị bước vào cơ sở nhà dòng với tiếng cười tiếng nói, một vài vị còn cất tiếng hát "Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời... " Tiếng giáo dân vang lên giữa khu dòng rộng lớn hoang vắng vì đã không có sinh họat từ nhiều năm, tạo nên bầu không khí vừa vui mừng vừa cảm động. Một niềm tin mới đang mở ra cho ngàn người. Đó là niềm tin tìm lại mái giáo xứ thân yêu như những ngày xưa cũ.

NHỮNG THỬ THÁCH VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN THỜI KỲ XÂY DỰNG NỀN MÓNG

Nhưng cũng chính trong thời gian này, như tất cả mọi người còn nhớ, chúng ta đã gặp một thử thách lớn, khi một giáo hội Tin lành, rồi sau đó một công ty xây cất, đã trả giá xong để mua cơ sở này và họ đã đặt tiền cọc và dòng Holy Child đang cùng họ tiến hành thủ tục mua bán. Trước tình trạng này, chúng ta nhìn thấy ngày bước ra khỏi cơ sở dòng không còn xa. Nhưng một lần nữa, lại như một phép mầu. Đức TGM phó, với sự quen biết rộng rãi và uy tín lớn lao, ngài đã thuyết phục được công ty mua cơ sở để họ nhường lại quyền mua cho Tổng Giáo phận đứng mua để chúng ta xử dụng.

Trong thời gian khởi đầu này, cũng có một số người không mấy bằng lòng vì danh xưng "Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á". Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng, nếu không như vậy thì chắc chắn giáo phận không thể cho phép chúng ta lập Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam tách rời ra được, nếu chúng ta không đồng ý lo mục vụ cho các sắc dân thiểu số khác.

Vào giữa năm 1981, vì nhu cầu mục vụ ngày càng tăng, để lo việc mục vụ cho các Hội đoàn, Cha Minh đã mời Cha Hồng Phúc mới từ Pháp qua, hiện đang sống tại Nam Cali về Trung Tâm để chuyên lo việc mục vụ Hội Đoàn cho Trung Tâm.

Tháng 7 năm 1982, Tổng giáo phận Portland bước thêm một bước nữa trong kế họach thu mua cơ sở dòng Holy Child bằng cách thương lượng với dòng, đặt thẳng vấn đề mua. Sau nhiều lần hội họp và thương lượng cam go, cuối cùng, dòng Holy Child bằng lòng bán cơ sở này cho Tổng giáo phận Portland với giá một triệu Mỹ kim, sau đó bớt xuống còn 900 ngàn. Từ đây vấn đề cơ sở dòng Holy Child không còn là mối lo âu cho cộnt đồng chúng ta và mối bận tâm của Đức TGM phó Waldsmidth nữa. Sau việc mua bán ngã ngũ, Tổng giáo phận ứng trả 700 ngàn, giáo dân chúng ta trả 200 ngàn để hợp chung trả cho dòng Holy Child. Cơ sở nhà dòng Holy Child từ nay đã mang tên chủ mới. Giáo xứ chúng ta bắt đầu đặt kế họach xây dựng cơ sở đồng thời với việc kiện tòan tổ chức giáo xứ theo mô thức và tiêu chuẩn chúng ta đề ra. Trong thời gian này, một việc đáng buồn đã xẩy đến với anh em một nhà, làm đau lòng cả cộng đồng và gây ngạc nhiên không ít đối với Tổng giáo phận. Tạ ơn Chúa, thời gian đã làm lành vết thương và dấu vết của nỗi hận xưa cũng đã đi vào dĩ vãng.

Sau khi lo xong cơ sở, giáo xứ bắt đầu dồn khả năng vào việc kiến thiết, xây dựng và sinh họat, với những chương trình càng ngày càng đa dạng và phát triển. Cuối năm 1983, Cha Nghị được Cha Mai Thanh Lương lúc đó là Chũ Tịch Liên Đoàn Công Giáo mời về New Orleans để đặc trách lo việc tổ chức Đại Hội của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào Mùa Hè năm 1984.

NHỮNG THÀNH QUẢ ĐÁNG GHI NHỚ

Thời gian từ năm 1988 đến năm 1993, giáo xứ chúng ta vinh dự được góp công sức với tập thể công giáoViệt nam thế giới và tạo nên thành công đáng ghi nhớ qua hai biến cố lịch sử. Đó là cuộc phong Thánh cho 117 vị Tử đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại giáo đô La Mã và Đại hội giới trẻ thế giới tháng 8 năm 1993 tại Denver, Colorado. Vào thời gian này, số giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta đã tăng lên khỏang gần bốn ngàn. Cơ sở đã có, giáo dân lại tăng cao. Đây là lúc chúng ta cần phải khởi đầu một việc mà chúng ta đã nghĩ đến từ lâu : Kiến tạo ngôi Thánh đường mới.

Tháng 8 năm 1994, môt tháng sau Hành hương kỳ 17, giáo xứ họp gia trưởng để nghe Ban Chấp Hành Giáo Xư thuyết trình và sau đó biểu quyết dự án xây nhà thờ. Một trăm phần trăm trong số kho?ng 200 gia trưởng có mặt đồng thanh chấp thuận đề nghị của Ban chấp hành. Để chứng tỏ quyết tâm trong việc này, một gia trưởng là ông Phạm văn Mão, cư ngụ gần Trung tâm đã dâng cúng tại chỗ 2 ngàn đôla cho dự án. Ông Phạm văn Mão trở thành gia trưởng đầu tiên trong danh sách ân nhân xây dựng nhà Chúa.

Ngày 29 tháng 9 năm 1996 Đức TGM Francis George, nay là Hồng y Tổng giáo phận Chicago, đã đến Trung Tâm Mục Vụ đặt viên đá đầu tiên xây cất Thánh đường La Vang. Một tháng sau đó, chúng ta khởi sự thực hiện hai việc căn bản : Thiết lập hồ sơ pháp lý và kỹ thuật nộp tòa thị chính Portland để xin phép xây cất và phát động chiến dịch quyên góp để có đủ ngân khoản dự trù là 2 triệu đô la cho dự án. Hai công việc được đồng thời thực hiện. Nhưng nhịp độ tiến triển thì khác nhau một trời một vực. Trước hết, về ngân khoản thì ngay sau khi gia trưởng Phạm văn Mão tiên phong dâng cúng thì chỉ một tháng sau, đã có hơn 100 gia đình làm xong nhiệm vụ đóng góp 1200 đôla theo tiêu chuẩn ấn định trong khi một số giáo dân khác ký giấy hứa dâng cúng từ 10 ngàn đến 20 ngàn. Một số thuộc thành phần giới trẻ tình nguyện đóng góp tiền vựơt qúa tiêu chuẩn ấn định để các hãng sở này theo đó mà tặng cho giáo xứ theo chính sách "matching". Các em thiếu nhi mở chiến dịch bán lon nước ngọt và hi sinh một đồng bố mẹ cho ăn quà hàng tuần để xung vào quĩ xây Thánh đường, thanh niên lặn lội đi xin từng bộ quần áo cũ mới, từng đôi giầy, từng cái nồi cái chảo rồi mở Ềparking saleỂ tại nhà thờ kiếm tiền góp qũi. Không khí thi đua góp công góp của xây dựng ngôi nhà Chúa cho giáo xứ thật sôi nổi và đầy phấn khởi. Theo sổ sách của ủy ban đặc trách xây dựng Thánh đường thì mới sáu tháng đầu ủy ban đã thu được kho?ng năm trăm ngàn đôla. Như vậy, thời gian dự trù cho việc gây qũi là hai năm để giáo xứ có thể khởi công xây cất vào năm 1997 đã đi đúng như kế họach chúng ta phác họa.

Trong khi chiến dịch đóng góp và dâng cúng tiến triển nhanh chóng và tốt đẹp như thế, thì ngược lai, thủ tục phép tắc lại gặp biết bao trở ngại. Trở ngại về kỹ thuật và tất cả những đòi hỏi khác chiếu theo luật lệ hiện hành của thành phố thì chúng ta không có vấn đề gì đang kể. Nhưng khó khăn lớn lao nhất mà giáo xứ phải đương đầu là sự chống đối của hàng xóm, trong đó quyết liệt hơn cả là người bạn sát cạnh chung hàng rào với chúng ta. Người ta không ra mặt phản đối việc chúng ta xin xây ngôi Thánh đường mới. nhưng họ viện dẫn nhiều lý do để đạt mục đích không cho chúng ta làm. Họ nêu ra những vấn đề như trở ngại lưu thông trên ngã năm Sandy-57th -Alameda, hoặc làm mất kiến trúc lịch sử, hoặc bãi đậu xe không đủ lớn. Rồi mỗi sáng Chúa nhật, họ cho người đứng tại các cổng ra vào Trung tâm với những dụng cụ kiểm số để chứng minh số người sinh họat tại cơ sở trung tâm vượt quá số luật lệ qui định. Họ còn đưa ra lý do có hai nhà thờ của cùng một tôn giáo quá gần nhau ( nhà thờ của chúng ta và St Rose ) Những phản đối dưa trên luật lệ đã đưa đến những buổi điều trần (hearing) kéo dài hết ngày này đến tháng khác tại tòa Thị chính làm mất rất nhiều thì giờ và gây cho chúng ta sự mệt mỏi, đôi khi chán nản. Cha Cao Đăng Minh là người đứng đầu mũi chịu đựng tất cả những hạch sách và đòi hỏi đôi khi thấy như qúa đáng của hàng xóm này, đã có lúc thất vọng đến độ muốn bỏ cuộc. Cha Minh họp bàn với ban chấp hành giáo xứ ngỏ ý muốn hủy bỏ dự án xây cất và thay vào đó bằng việc nới rộng hội trường để có thêm 200 ghế ngồi cho giáo dân thay vì xây nhà thờ mới. Việc nới rộng hội trường sẽ không đòi hỏi những điều kiện khắt khe như xây một công thự mới.

Nhưng mọi khó khăn nêu trên đều được hóa giải. Trước hết nhờ sự cầu nguyện của tất cả giáo xứ với nhiều tuần tam và cửu nhật do cha cồ Hồng Phúc tổ chức song song với sự kiên nhẫn làm việc của toàn thể giáo xứ. Thứ đến, chúng ta có sự nhiệt tình ủng hộ và luôn sát cánh bênh vực chúng ta của Tổng giáo phận Portland, của giáo xứ St. Rose. Chúng ta cũng nhận được sự khuyến khích của một số hàng xóm mà từ khi chúng ta dọn vào cơ sỡ Trung tâm này họ vẫn dành nhiều cảm tình.

NHỮNG GIÒNG SỬ VIẾT TIẾP THEO...

Cuối cùng, Thánh đường Đức Me La Vang của giáo dân Việt nam tại Portland đã được Toà Thị Chính Portland cấp giấy phép xây cất trong niềm hân hoan mừng rỡ của tòan thể giáo dân. Và ngôi Thánh đường mới đã được bà Thị trưởng Portland Very Kartz và Đức Giám mục Basin Meking đại diện Đức Tổng Giám mục Portland đồng cắt băng khánh thành ngày 08 tháng 10 năm 1999 ghi dấu một công trình và sự hi sinh lớn lao của bốn ngàn giáo dân Viêt nam tại Portland, Oregon.

15 tháng sau ngày khánh thành Thánh đường Đức Mẹ La Vang và sau hơn 25 năm phục vụ cộng đồng dân Chúa tại Portland, dầu tháng 4 năm 2001 cha Cao Đăng Minh rời Trung Tâm và giáo xứ để trở về dòng Chúa Cưú Thế của ngài. Với bao buồn vui từng chia sẻ. với bao ân tình gắn bó không phai, đối với rất nhiều giáo dân trong giáo xứ, sự xa biệt cha Minh là một nỗi buồn khó quên.

Ngày 02 tháng 7 năm 2001, Cha Giacôbê Phạm Văn Ninh, phụ tá cha Vinh Sơn Cao Đăng Minh được Tòa Tổng giám mục cử giữ chức vụ quản nhiệm giáo xứ.

Ngày 25 tháng 01 năm 2001, tại giáo xứ St. Anthony, nhân chủ tọa hội nghị thứ 180 của tòan thể Linh mục Tổng giáo phận, Đức TGM John G. Vlazny đã chính thức ban hành sắc lệnh thành lập giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Việt nam. Đây là một quyết định lịch sử đối với giáo dân Việt nam tại Oregon. Sau gần 30 năm mong chờ và cầu nguyện, sau gần 30 năm hi sinh miệt mài, nguyện ước của chúng ta từng ươm trồng từ cái nôi chung cư 83, nay đã hình thành.

Ngày 15 tháng 7 năm 2002, mười sáu tháng sau khi ban hành sắc lệnh thành lập giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Tòa Tổng Giám mục ban hành sắc lệnh chính thức bổ nhiệm cha Giacôbê Phạm Văn Ninh vào chức vụ cha Chính (Vicar) cai quản Trung Tâm Mục Vụ và chánh xứ (Pastor) Giáo xứ Đức Mẹ La Vang.. Phó xứ cho cha Ninh, cho đến nay có cha Phêrô Hoàng Thái Bình, cha Giuse Nguyễn Đức Hậu và cha Giuse Vũ Hải Đăng.

Hôm nay, nhìn ngược lại con đường 30 năm đã đi, kể từ khi còn sinh họat trong căn chung cư 83 nhỏ bé khu Halsey, chúng ta đã đón nhận không biết bao ơn nghĩa lớn lao. Hình ảnh một cộng đồng non nớt nhỏ bé ngày nào, hôm nay là một thực thể lớn mạnh vươn cao sức sống. Những thiếu nhi lớp hai lớp ba năm xưa, nay đã là những bà mẹ những người cha trẻ trung trong một gia đình gương mẫu, hăng say việc Tông đồ. Một hồng ân lớn lao khác mà chúng ta không thể quên, là cho đến nay đã có 16 linh mục xuất thân từ các gia đình trong giáo xứ và hiện đang phục vụ khắp nơi trên cánh đồng lúa của giáo hội.

Phải cùng nhau nhìn lại thật rõ những gì chúng ta không có, nay đang trên tay. Phải biết thân phận ta ba mươi năm trước đây, không khác gì những cánh vạc lưng trời giữa đêm thẳm mênh mông biết bay về đâu, nay đang thảnh thơi trên bầu trời bình yên. Phải hình dung lại con đường Tổ phụ Abram và dân Do Thái đã đi với bao nước mắt đổ ra trên đường tị nạn, rồi so sánh với cuộc tị n?n hai ngàn năm sau của chúng ta, ta mới cảm nhận được tường tận hồng ân bao la mà Thiên Chúa đã ban xuống giáo xứ chúng ta.

Những trang sử của giáo xứ đã được viết. Những trang sử ấy được viết từ Đức Tin và bằng tất cả tim óc của cả ba thế hệ giáo xứ trong suốt 30 năm qua. Hi vọng các thế hệ mai này sẽ viết tiếp, cũng bằng những nét hào hùng dể trong Chúa, chúng ta sẽ bền vững với thời gian.

Kỷ niệm Đại hội Hành hương kỳ 29 năm 2005