Sau cuộc gặp gỡ của ngài với các giáo sĩ, tu sĩ và giáo lý viên Công Giáo tập trung tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite ở Nicosia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi xe đến dinh tổng thống Síp. Tại đây đã diễn ra nghi thức chào đón chính thức vào lúc 17h15 theo nghi thức long trọng dành cho quốc khách. Mới hơn 5 giờ chiều nhưng trời đã rất tối.

Síp là một quốc gia cộng hoà theo Tổng thống chế. Lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo chính phủ là Tổng thống, tổng thống được bầu qua một quá trình phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Quyền hành pháp do chính phủ đảm nhiệm và quyền lập pháp thuộc Nghị viện trong khi nhánh Tư pháp độc lập với cả nhánh lập pháp và hành pháp.

Hiến pháp năm 1960 quy định hành pháp, do một Tổng thống Síp gốc Hy Lạp và một Phó tổng thống Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Hai người này được các cộng đồng của mình bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm và mỗi người đều có quyền phủ quyết đối với một số quyết định hành pháp và lập pháp. Quyền lập pháp thuộc Nghị viện, với các đại biểu cũng được bầu lên trên căn bản tỷ lệ người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Síp hiện nay là ông Nicos Anastasiades. Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1946 đã giữ chức Tổng thống Síp từ năm 2013. Ông tái đắc cử vào năm 2018. Trước đó, ông là lãnh đạo của Đảng Dân chủ từ năm 1997 đến năm 2013 và là Thành viên Quốc hội thuộc đơn vị Limassol từ năm 1981 đến năm 2013.

Theo thông lệ của quốc gia này, giờ đây Đức Thánh Cha đang tỏ lòng thành kính đối với vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa này. Một chi tiết độc đáo là vị tổng thống đầu tiên của Síp là một vị Tổng Giám Mục. Đó là Đức Tổng Giám Mục Makarios Đệ Tam.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã gặp riêng Tổng thống Síp là ông Nikos Anastasiades, sau đó là trao đổi các tặng vật và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương và ngoại giao đoàn.

Tổng thống Anastasiades đã cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về chuyến thăm của ngài tới Síp, nêu bật lịch sử lâu dài của quốc gia trong việc chào đón người dân đến vùng đất của mình, và vai trò quan trọng của quốc gia này do vị trí địa lý giữa tây và đông, đồng thời ủng hộ sự chung sống hòa bình và chào đón các dân tộc khác. Tổng thống lưu ý rằng đa sắc tộc là đặc trưng của quốc gia, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với công việc của Tòa thánh trong việc thúc đẩy hòa bình và đối thoại trên toàn thế giới. Ông cũng lưu ý cách Síp đã chào đón rất nhiều người tị nạn và di cư đến đất nước của mình, và cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì tất cả những gì ngài đã làm trong lĩnh vực này, đặc biệt là đưa 50 người di cư từ Síp đến Ý. Tổng thống cũng đặc biệt nhấn mạnh đến thách thức đang diễn ra bởi một quốc gia Síp bị chia rẽ thành 2 phần: phần phía Bắc do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, chính phủ Síp chỉ giữ được phần phía Nam của hòn đảo.

Trong diễn từ tại Phủ Tổng thống Nicosia trước các thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn, các nhà chức trách tôn giáo và dân sự, đại diện của các thành phần xã hội và thế giới văn hóa, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng thống,

Các thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn,

Quý vị hữu trách tôn giáo và dân sự,

Quý đại diện của xã hội và thế giới văn hóa,

Kính thưa quý vị,


Tôi thân ái mến chào các bạn và tôi rất hân hạnh được có mặt giữa các bạn. Tôi cảm ơn ngài, thưa Tổng thống, vì sự chào đón mà ngài đã dành cho tôi nhân danh toàn dân. Như một người hành hương, tôi đã đến với một đất nước nhỏ về mặt địa lý, nhưng vĩ đại về mặt lịch sử; đến với một hòn đảo mà trong nhiều thế kỷ đã không cô lập các dân tộc nhưng mang họ lại với nhau; đến với vùng đất có biên giới là biển; đến một nơi là cửa ngõ phía đông của Âu Châu và cửa ngõ phía tây của Trung Đông. Các bạn là một cánh cửa rộng mở, một bến cảng hợp nhất. Síp, nơi giao thoa của các nền văn minh, có một thiên chức bẩm sinh là gặp gỡ, phù hợp với tính cách chào đón của người dân Síp.

Chúng ta vừa bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa này, là Đức Tổng Giám Mục Makarios, và qua cử chỉ đó, tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính đối với tất cả các công dân của nước Cộng hòa này. Tên của ngài, “Makarios”, gợi cho chúng ta nhớ đến phần mở đầu Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu: là Các Mối Phúc thật (xem Mc 5: 3-12). Ai là makarios, là người thực sự được chúc phúc, theo đức tin Kitô mà vùng đất này gắn bó một cách bất khả phân ly? Thưa: Tất cả mọi người đều có thể được chúc phúc, và những người được chúc lành hơn hết là những người có tinh thần nghèo khó, những người đã trải qua đau khổ trong cuộc sống của họ, những người sống hiền lành và nhân hậu, tất cả những người trung thực trong việc thực thi công lý và những người kiến tạo hòa bình. Các Mối Phúc, các bạn thân mến, là hiến chương lâu đời của Kitô Giáo. Khi các Mối Phúc này được sống, Tin Mừng trở nên trẻ trung và lấp đầy xã hội với niềm hy vọng tươi mới. Các Mối Phúc là chiếc la bàn, ở mọi vĩ độ, chỉ ra những lộ trình mà Kitô Hữu phải đi trong hành trình cuộc đời.

Chính từ nơi này, nơi Âu Châu và Phương Đông gặp nhau, đã bắt đầu cuộc hội nhập văn hóa vĩ đại đầu tiên của Tin Mừng trên lục địa này. Tôi vô cùng xúc động khi có thể nhắc lại những bước đi của các nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội sơ khai, đặc biệt là các Thánh Phaolô, Banaba và Máccô. Vì vậy, tôi đây, một người hành hương ở giữa các bạn, đi cùng các bạn, hỡi những người Síp thân yêu, tất cả các bạn, với mong muốn rằng tin mừng của Phúc Âm có thể mang từ đây đến Âu Châu một sứ điệp của niềm vui, dưới ngọn cờ của Các Mối Phúc. Vì những gì mà các Kitô hữu đầu tiên đã ban cho thế giới bằng quyền năng dịu dàng của Thánh Linh là một thông điệp đẹp đẽ chưa từng có. Chính sự mới mẻ đáng kinh ngạc của các Mối Phúc, được gửi đến mọi người, đã chiếm được cảm tình và mang đến tự do cho nhiều người. Đất nước này được thừa hưởng một trách nhiệm đặc biệt trong vấn đề này, đó là trở thành sứ giả của thẩm mỹ giữa các châu lục. Síp tỏa ra vẻ đẹp tự nhiên cần được bảo vệ và gìn giữ bằng các chính sách môi trường thích hợp, được áp dụng phù hợp với các nước láng giềng. Vẻ đẹp được thể hiện rõ ràng trong kiến trúc, nghệ thuật của nó, đặc biệt là nghệ thuật thánh, và hàng thủ công tôn giáo, và nhiều kho tàng khảo cổ học. Để vẽ ra một hình ảnh từ biển xung quanh chúng ta, tôi có thể đi xa đến mức nói rằng hòn đảo này, với kích thước nhỏ, tượng trưng cho một viên ngọc trai có giá rất cao ở trung tâm của Địa Trung Hải.

Trên thực tế, một viên ngọc càng ngày càng trở nên nó là gì, bởi vì hình dạng của nó cần thời gian để hình thành. Phải mất nhiều năm cho các lớp khác nhau của nó trở thành nhỏ gọn và mang đến cho nó ánh quang lấp lánh. Cũng như thế, vẻ đẹp của vùng đất này đến từ các nền văn hóa mà qua nhiều thế kỷ đã gặp và pha trộn ở đây. Hôm nay cũng vậy, ánh sáng của Síp được phong phú và đa dạng. Nhiều dân tộc và các quốc gia đã góp phần vào các gam màu đậm nhạt khác nhau cho dân tộc này. Tôi cũng nghĩ đến sự hiện diện của nhiều người nhập cư: với một tỷ lệ bách phân nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trong Liên minh Âu Châu. Để duy trì vẻ đẹp nhiều màu và đa diện của toàn bộ không phải là chuyện dễ dàng. Như trong sự hình thành của một viên ngọc, nó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn; nó đòi hỏi một tầm nhìn rộng có khả năng nắm bắt một loạt các nền văn hóa và nhìn về tương lai với một viễn kiến. Về phương diện này, tôi nghĩ đến tầm quan trọng của việc bảo vệ và hỗ trợ tất cả các thành viên của xã hội, đặc biệt là những người theo thống kê là một thiểu số. Tôi cũng nghĩ đến các cơ quan Công Giáo khác nhau sẽ được hưởng lợi từ một sự thừa nhận thể chế phù hợp, để sự đóng góp của họ cho xã hội thông qua các hoạt động của mình, đặc biệt là qua các công trình giáo dục và bác ái, có thể được xác định rõ ràng từ quan điểm pháp lý.

Một viên ngọc trai phát huy vẻ đẹp của nó trong những tình huống khó khăn. Nó được sinh ra trong gian nan, khi con hàu phải “chịu đựng” sau khi gặp phải mối đe dọa bất ngờ đối với sự an toàn của nó, chẳng hạn như một hạt cát khiến nó khó chịu. Để tự bảo vệ mình, nó phản ứng bằng cách đồng hóa thứ đã làm nó bị thương: nó bao bọc lấy vật thể lạ gây nguy hiểm cho nó và biến vật thể ấy thành một thứ đẹp đẽ: một viên ngọc trai. Viên ngọc trai của đảo Síp đã bị thâm đen bởi đại dịch, điều này đã cản trở nhiều du khách đến thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó; ở đây, cũng như ở những nơi khác, điều này đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi này, đó không phải là những nỗ lực lo lắng để khôi phục những gì đã mất nhằm bảo đảm và củng cố sự tăng trưởng, nhưng là cam kết thúc đẩy sự phục hồi của xã hội, đặc biệt là thông qua một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng và mọi thứ vi phạm phẩm giá con người; ở đây tôi nghĩ, cách riêng đến tai họa buôn người.

Tuy nhiên, vết thương lớn nhất mà vùng đất này phải gánh chịu là vết rách khủng khiếp mà nó đã phải chịu đựng trong những thập kỷ gần đây. Tôi nghĩ đến nỗi đau khổ sâu sắc của tất cả những người không thể trở về nhà và nơi thờ phượng của họ. Tôi cầu nguyện cho hòa bình của các bạn, cho hòa bình của toàn bộ hòn đảo, và tôi biến nó thành niềm hy vọng nhiệt thành của mình. Con đường hòa bình, hòa giải những xung đột và tái tạo vẻ đẹp của tình huynh đệ, chỉ có duy nhất một từ được dùng như biển báo của nó. Từ ngữ ấy là đối thoại, một từ mà ngài Tổng thống, đã thường xuyên lặp lại. Chúng ta phải giúp nhau tin tưởng vào sức mạnh đối thoại kiên nhẫn và khiêm tốn, sức mạnh của sự kiên nhẫn, của sự “mang trên vai chúng ta” với lòng kiên nhẫn dựa trên nền tảng của các Mối Phúc. Chúng ta biết rằng đó không phải là con đường dễ dàng; nó dài và quanh co, nhưng không có cách nào khác để đạt được hòa giải. Chúng ta hãy nuôi dưỡng hy vọng nơi sức mạnh của những cử chỉ, hơn là hy vọng nơi những cử chỉ của sức mạnh. Có một sức mạnh của các cử chỉ, điều này chuẩn bị cho con đường hòa bình. Không phải các cử chỉ quyền lực, đe dọa trả đũa và thể hiện vũ lực, mà là cử chỉ kiên quyết và các bước cụ thể hướng tới đối thoại. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn như, sự cởi mở đối với các cuộc thảo luận chân thành dành ưu tiên cho nhu cầu của người dân, sự tham gia ngày càng hiệu quả hơn của cộng đồng quốc tế, nhu cầu bảo vệ di sản tôn giáo và văn hóa, và sự đền bù tất cả những gì mà mọi người trân quý trong lòng, chẳng hạn như các địa điểm hoặc ít nhất là các vật dụng thánh. Với suy nghĩ này, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao và khích lệ của tôi đối với Dự án Hòa bình Síp do Đại sứ quán Thụy Điển cổ vũ, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Những thời khắc xem ra kém thuận lợi nhất, khi cuộc đối thoại diễn ra chậm chạp, lại có thể là những thời điểm chuẩn bị cho hòa bình. Viên ngọc trai cũng nhắc nhở chúng ta về điều này, vì nó hình thành trong một tiến trình kiên nhẫn, lặng lẽ đan xen các chất mới cùng với tác nhân gây ra vết thương. Trong những trường hợp này, lòng căm thù không được phép nổi lên, nhưng phải cố gắng hàn gắn vết thương và ghi nhớ hoàn cảnh của những người đã biến mất. Và khi bị cám dỗ trước sự nản lòng, hãy nghĩ đến những thế hệ sắp tới, những người luôn khao khát được thừa hưởng một thế giới hòa bình, hợp tác và gắn kết, chứ không phải một thế giới bị tàn phá bởi những đối thủ kinh niên và bị đầu độc bởi những tranh chấp chưa được giải quyết. Vì vậy, đối thoại là cần thiết, để tránh sự nghi ngờ và oán giận tăng lên. Chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề này của Địa Trung Hải, giờ đây thật đáng buồn là một nơi của những xung đột và bi kịch nhân đạo; trong vẻ đẹp sâu xa của nó, nó là biển của chúng ta, là biển của tất cả các dân tộc có biên giới với nó, để được kết nối, chứ không phải để bị chia cắt. Síp, với tư cách là ngã tư địa lý, lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có vị thế là một người kiến tạo hòa bình. Cầu mong nó là một xưởng sản sinh hòa bình ở Địa Trung Hải.

Hòa bình thường không đạt được bởi những con người vĩ đại, mà bởi quyết tâm hàng ngày của những người nam nữ bình thường. Lục địa Âu Châu cần hòa giải và thống nhất; nó cần sự can đảm và nhiệt tình, nếu nó muốn tiến về phía trước. Vì tiến trình của nó không được bảo đảm bằng những bức tường của sợ hãi, và những quyền phủ quyết do các lợi ích của chủ nghĩa dân tộc, cũng thế, phục hồi kinh tế mà thôi sẽ không đóng vai trò bảo đảm an ninh và ổn định của Âu Châu. Mong rằng chúng ta nhìn vào lịch sử của Síp để xem sự gặp gỡ và chào đón đã mang lại những hoa trái tốt lành bền lâu như thế nào. Không chỉ trong lịch sử của Kitô Giáo, nơi mà Síp là “bàn đạp” trên lục địa này, mà còn là việc xây dựng một xã hội giàu mạnh khi hội nhập. Tinh thần mở rộng này, khả năng nhìn ra ngoài biên giới của chính mình, mang lại sự trẻ hóa và có thể tái khám phá sự tươi sáng đã mất.

Sách Tông Đồ Công Vụ nói về Síp, cho chúng ta biết rằng hai Thánh Phaolô và Banaba đã “đi qua toàn bộ hòn đảo” để đến Paphos (xem Công vụ 13: 6). Tôi vui mừng, trong những ngày này, tôi có thể đi qua lịch sử và tinh thần của vùng đất này, với mong muốn rằng khao khát thống nhất và thông điệp về vẻ đẹp của nó sẽ tiếp tục dẫn đường cho cuộc hành trình hướng tới tương lai. [Bằng tiếng Hy Lạp:] Xin Chúa phù hộ cho Síp!
Source:Holy See Press Office