Một số khu chợ Giáng sinh mang tính biểu tượng nhất thế giới ở Đức và Áo đã buộc phải đóng cửa ngay sau hoặc ngay trước khi mở cửa, do nhiễm COVID-19 gia tăng khắp Âu Châu.

Cuộc khủng hoảng coronavirus năm 2020 đã khiến Âu Châu phải trải qua mùa Giáng sinh bị lockdown và không có chợ Giáng sinh, các quốc gia nói tiếng Đức đã mong chờ sự trở lại của sinh hoạt văn hóa tôn giáo này sau khi một tỷ lệ dân số đáng kể đã được tiêm vắc xin COVID-19 hai lần.

Chợ Giáng sinh thuộc về đời sống xã hội Mùa Vọng của Đức và thường hoạt động từ tuần trước Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng cho đến một hoặc hai ngày trước đêm Giáng sinh. Đây là nơi họ gặp nhau để uống hoặc ăn một chút trong khi mua các món hàng thủ công mỹ nghệ hoặc đặc sản địa phương tiêu biểu về làm quà.

Các quốc gia Nam Âu được tiêm chủng như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đã được tiêm chủng gần như 100%. Các quốc gia nói tiếng Đức như Áo, Thụy Sĩ và Đức có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều, ở Đức là 68%, và ở Áo là 66%

Một số giám mục Công Giáo, như Tổng giám mục Heiner Koch của Berlin, đã tuyên bố chỉ những người được tiêm chủng hoặc những người đã khỏi bệnh COVID-19 mới được phép tham gia các buổi lễ Giáng sinh.

Nhiều chợ Giáng Sinh ở miền bắc và miền tây nước Đức lần đầu tiên được mở cửa trong những điều kiện nghiêm ngặt kể từ năm 2019. Nhưng chỉ sau một tuần hoạt động, hôm 19 tháng 11, các bang Bavaria và Sachsen của Đức thông báo rằng họ sẽ đóng cửa tất cả các chợ Giáng sinh vào ngày 22 tháng 11. Nhiều chủ cửa hàng lỗ rất nặng.

Đáng buồn nhất là khu chợ Giáng Sinh Salzburg Christkindlmarkt, mở cửa trên quảng trường phía trước nhà thờ Công Giáo của Salzburg vào ngày 18 tháng 11. Đó là một khu chợ Giáng sinh đẹp nhất thế giới, được coi là nam châm du lịch cho vùng này. Ngày 18 tháng 11, sau khi khu chợ hoạt động được mới có một giờ, các chính trị gia trong khu vực thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn vào ngày 22 tháng 11. Salzburg là một trong những thành phố của Áo được xem là điểm nóng COVID-19.

Wolfgang Haider, chủ tịch hiệp hội Salzburg Christkindlmarkt, nói với đài truyền hình ORF của Áo sau đó: “Đèn sẽ tiếp tục cháy, nhưng các quầy hàng sẽ đóng cửa. Ông ước tính thiệt hại tài chính ít nhất là 2 triệu euro, số tiền này sẽ ảnh hưởng đến các nhà triển lãm. Ông nói thêm: “Đây mới chỉ là chi phí vận hành, chưa kể số lợi nhuận mất đi”.

Trong cuộc họp báo thông báo về việc đóng cửa, một nhà báo địa phương đã đứng dậy nói với các quan chức thành phố rằng, trên quảng trường chợ, nhiều người trong số hàng trăm chủ quầy hàng ở chợ Giáng sinh đã khóc nức nở sau khi nhận được tin báo. Nhiều quầy hàng trong số này là các cơ sở kinh doanh nhỏ do các gia đình điều hành.

Một ngày sau, có thông báo rằng toàn bộ nước Áo sẽ rơi vào tình trạng khóa cửa ba tuần - và là năm thứ hai liên tiếp, tất cả các chợ Giáng sinh, khách sạn và cửa hàng bán lẻ sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 13 tháng 12; không rõ liệu họ có thể mở lại hay không.

Ở Đức, các quy định của Bavaria và Sachsen đã tấn công một số khu chợ Giáng sinh truyền thống và lâu đời nhất ở Đức. Saxony có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Đức - chỉ 58% dân số được tiêm chủng đầy đủ và là nơi có nhiều phong trào chống bắt buộc tiêm vắc xin.

Holger Zastrow, người tổ chức nhiều chợ Giáng sinh ở Dresden, nói với đài truyền hình MDR địa phương: “Tôi rất thất vọng. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì thiếu hiểu biết và thiếu nhạy cảm như vậy”.

Zastrow cho biết anh lo lắng rằng văn hóa Giáng sinh ở Sachsen đang bị mai một. Văn hóa Giáng sinh ở Sachsen không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, mà còn là phong tục có hàng thế kỷ.

Tại Berlin, chỉ có một số chợ lớn mở cửa vào ngày 22 tháng 11 trong những điều kiện nghiêm ngặt. Kể từ cuộc tấn công khủng bố năm 2016 vào Breitscheidplatz của Berlin, các khu chợ ở Berlin đã có hàng rào cụ thể và việc triển khai nhân viên an ninh tăng cường.

Hôm 22 tháng 11, Ủy ban thường trực của hội đồng giám mục Đức đã nhóm họp tại Würzburg. Trong một tuyên bố sau đó, các giám mục nói các ngài đang chứng kiến ”sự tiến triển của làn sóng đại dịch coronavirus thứ tư đang diễn ra với tốc độ gần như không thể ngăn cản. Các con số về tỷ lệ mắc bệnh, các ca nhiễm mới và tử vong đang đạt đến một tỷ lệ đáng sợ”.

“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người Công Giáo và tất cả người dân ở đất nước chúng ta hãy tiêm phòng vắc xin ở mức độ đầy đủ nhất có thể. Tiêm phòng trong đại dịch này là nghĩa vụ công lý, đoàn kết và bác ái. Theo quan điểm đạo đức, đó là một bổn phận đạo đức. Chúng ta phải bảo vệ chính mình và những người khác”
Source:Crux