1. Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha với các nạn nhân tai nạn giao thông ở Bulgari

Các nạn nhân là công dân nước Bắc Macedonia đi trên xe bus của hãng Beta Trans về nước, sau cuộc viếng thăm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sáng sớm ngày 23 tháng Mười Một, xe trệch đường và đụng vào thành chắn vệ đường, rồi bị nổ làm cho 46 người, trong đó có 12 trẻ em, đang ngủ trên xe bị chết cháy. Chỉ có 7 người 3 nam, 3 nữ và một thiếu niên phá vỡ được cửa kính xe và thoát ra ngoài. Đây là tai nạn thê thảm nhất trên đường lộ Âu châu trong những năm gần đây.

Chính phủ Cộng hòa Bắc Macedonia tuyên bố cả nước để tang ba ngày và treo cờ rủ, cả Bulgari, hay còn gọi là Bảo Gia Lợi, cũng tuyên bố một ngày để tang. Chính phủ Bulgari mở cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên do tai nạn.

Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Tổng thống Cộng hòa Bắc Macedonia, ông Stevo Pendarvovski, hôm 24 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết: “Đức Thánh Cha rất đau buồn khi hay tin nhiều người bị thiệt mạng và bị thương vì tai nạn xe bus, xảy ra tại Bulgari. Ngài chân thành liên đới với tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này, và đặc biệt nghĩ đến các trẻ em đã bị thiệt mạng. Ngài phó thác linh hồn những người thiệt mạng cho lòng thương xót của Đấng Toàn Năng, và khẩn cầu phúc lành an ủi của Thiên Chúa và ơn an bình trên các gia đình đang chịu tang và những người bị thương”.

2. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và ủy ban CIASE chưa từng được lên kế hoạch

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ không tiếp các thành viên của Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Pháp, gọi tắt là CIASE, và chủ tịch của nó là Jean-Marc Sauvé vào ngày 9 tháng 12 năm 2021. Thông tin này đã được xác nhận với tờ Il Media của Ý.

Một cuộc họp của các thành viên CIASE với Đức Thánh Cha đã được Jean-Marc Sauvé công bố trong phiên điều trần với các nghị sĩ Pháp vào ngày 20 tháng 10. Sau đó, một số nguồn tin thông báo rằng ngày 9 tháng 12 đã được chọn.

“Cuộc gặp chưa bao giờ được xác nhận,” một nguồn tin của Vatican nói với Il Media, và giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một chương trình nghị sự rất bận rộn vào ngày này. Ngài cũng mới trở về sau một chuyến đi mệt mỏi đến Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Emmanuel Macron tại Vatican vào hôm thứ Sáu 26 tháng 11 năm 2021. Theo một nguồn tin từ điện Élysée, vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo Hội là một trong những chủ đề mà tổng thống Pháp đã thảo luận với Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến riêng này, nhưng cuộc gặp gỡ với CIASE chưa từng được nêu ra.

Jean-Marc Sauvé, Chủ tịch của CIASE, cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tự xưng là một người Công Giáo. Tuy nhiên, vào năm 2013, ông ta đã từng mở tiệc khoản đãi các nhân vật Tam Điểm cùng với các nhân vật chính trị nổi tiếng như Christiane Taubira, cựu Bộ trưởng Tư pháp, thành viên của Tam Điểm và là người quảng bá luật “hôn nhân” đồng giới vào năm 2013. Trong bữa tối này, theo một blog được xuất bản bởi tờ L'Express của Pháp, Sauvé đã thảo luận về sự phát triển của các cộng đồng theo đạo Tin lành và Hồi giáo trong nước, than thở về “việc thiếu các nhà thờ Hồi giáo ở Pháp” và kêu gọi nước cộng hòa Pháp là một chế độ đa nguyên thế tục lớn hơn.


Source:Cath.ch

3. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tố cáo việc bắt cóc các thiếu nữ Kitô để kết hôn và cải đạo là 'hành động diệt chủng'

Trên khắp thế giới, con số trẻ em gái và phụ nữ trẻ từ các gia đình Kitô bị ép làm nô lệ tình dục và cải đạo đang ngày càng gia tăng.

Đây là một trong những ví dụ ít được báo cáo nhất về việc bách hại các tín hữu Kitô, thường là ở các quốc gia đa số theo đạo Hồi nhưng có dân số Kitô Hữu đáng kể, chẳng hạn như Ai Cập và Pakistan.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN. đã ghi lại các tài liệu trực tiếp về các vụ bắt cóc, kết hôn cưỡng bức và cưỡng bức cải đạo trong báo cáo có nhan đề “Hear Her Cries”, nghĩa là “Hãy nghe tiếng khóc của cô ấy”, được trình bày tại London vào ngày 24 tháng 11.

Tổ chức bác ái của giáo hoàng đã đánh dấu Ngày Thứ Tư Đỏ, một sự kiện hàng năm nhằm thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh của các Kitô Hữu bị bách hại trên khắp thế giới.

Báo cáo lưu ý rằng việc xem xét chủ đề bạo lực tình dục và đàn áp tín ngưỡng thiểu số là không dễ dàng.

“Mặc dù ngày càng có nhiều sự đồng thuận về nhu cầu nghiên cứu về bản chất và quy mô của việc cưỡng bức phụ nữ về mặt tôn giáo và tình dục, nhưng những thách thức trong nhiệm vụ này luôn được nhấn mạnh trong các nghiên cứu. Một báo cáo mô tả vấn đề này là 'phức tạp, đầy bạo lực và dấu diếm.' Áp lực xã hội, bao gồm nỗi sợ hãi tạo ra sự xấu hổ cho gia đình, và những mối đe dọa trả thù từ những kẻ bắt cóc và đồng bọn, là một trong những yếu tố thường được viện dẫn để giải thích những khó khăn khi điều tra vấn đề”.

Báo cáo “Hãy nghe tiếng khóc của cô ấy” lưu ý rằng các vụ phụ nữ Kitô giáo bị ép buộc kết hôn trái với ý muốn của họ đã xuất hiện ở 90% trong số 50 quốc gia được đưa vào danh sách theo dõi cuộc đàn áp của Open Doors phiên bản năm 2021, và tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.

ACN lưu ý rằng trong số các nhóm tín ngưỡng thiểu số, các cô gái và phụ nữ trẻ theo Kitô giáo đặc biệt dễ bị tấn công, như trong trường hợp Pakistan, nơi các nạn nhân Kitô giáo có thể chiếm tới 70% số các cô gái và các phụ nữ trẻ theo các tôn giáo thiểu số bị cưỡng bức cải đạo và kết hôn hàng năm.

“Một phát hiện quan trọng khác, thường xuyên xuất hiện trong nghiên cứu về chủ đề này, đó là tỷ lệ phụ nữ bị ngược đãi tình dục và tôn giáo cao hơn trong các tình huống xung đột. Điều này đặc biệt rõ ràng trong thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS tiếp quản các khu vực của Syria và Iraq, nơi có cả ‘một hệ thống nô lệ tình dục có tổ chức’.

“Trường hợp quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng chỉ ra yếu tố lâu dài đáng quan tâm nhất liên quan đến việc ép buộc kết hôn và cải đạo các cô gái và phụ nữ Kitô giáo. Động cơ của thủ phạm là hạn chế sự phát triển, và đôi khi thậm chí là sự sống còn của nhóm tín ngưỡng cụ thể đó. Việc buộc một người phụ nữ từ bỏ đức tin Kitô của mình không chỉ giúp bảo đảm rằng bất kỳ trẻ em nào được sinh ra, kể cả thông qua các vụ hôn nhân cưỡng bức đều theo niềm tin của những kẻ bách hại.”

ACN cho biết bằng chứng trong báo cáo chỉ ra rằng các trường hợp bắt cóc là có hệ thống, cho nên bạo lực tình dục, cưỡng ép kết hôn và cải đạo các phụ nữ Kitô ở nhiều quốc gia “có thể được coi là tội diệt chủng về bản chất.”


Source:Catholic News Agency