Tạp chí First Things, số tháng 8 năm 2021, đăng tải bài diễn văn của ký giả Ross Douthat, vốn giữ mục ý kiến của tờ New York Times, đọc tại Đại hội “Nước Mỹ, Chủ nghĩa Tự do, và Đạo Công Giáo” tổ chức tại Đại Học Dallas hồi tháng Tư, 2021. Tựa đề bài diễn văn của ông là “Các Ý niệm và Thực tại Công Giáo về Duy Dân túy, Duy Hoà nhập, Duy Biển đức và Duy Tân Cựu” (Catholic Ideas and Catholic Realities on Populists, Integralists, Benedictines, and Tradinistas). Nguyên bản có thể đọc tại đây: https://www.firstthings.com/article/2021/08/catholic-ideas-and-catholic-realities.



Trong năm mươi năm qua, kể từ Công đồng Vatican II trở đi, quả có nghĩa khi nói về một Đạo Công Giáo Hoa Kỳ đã hoàn toàn hòa hợp với nền dân chủ cấp tiến. Ở bên lề, vẫn còn một số tạp chí và người viết Công Giáo chống cấp tiến và cực đoan đáng lưu ý, nhưng chính dòng đã được xác định bởi phe đối lập giữa “Công Giáo cấp tiến” và “Công Giáo bảo thủ” lần lượt được liên kết đại khái với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, - dù đôi khi, các giám mục và giáo hoàng lập luận cho một tổng hợp khác: một chủ nghĩa Công Giáo chính trị vượt trên các phạm trù tả và hữu hiện có ở Mỹ.

Trong chính trị đảng phái, đạo Công Giáo cấp tiến hơn tìm thấy những hiện thân nổi tiếng nhất của mình trong những nhân vật như Mario Cuomo và Joseph Biden, những người mưu toan duy trì mối liên hệ dễ dàng kiểu thời kỳ Thỏa thuận Mới giữa người Công Giáo và đảng Dân chủ trong khi hạ thấp hoặc trên thực tế, tư nhân hóa các yếu tố của giáo huấn Công Giáo— nhất là phá thai— trong đó, Đảng Dân chủ và Giáo hội ngày càng phân rẽ hơn.

Đối với đạo Công Giáo bảo thủ hoặc tân bảo thủ hơn, những nhân vật như Paul Ryan, John Boehner, và Antonin Scalia là đại diện hợp lý. Người Công Giáo bảo thủ, ủng hộ đảng Cộng hòa, thường nối kết quan điểm cứng rắn về phá thai và kết hôn với quan điểm không ổn định hơn về phúc lợi nhà nước, một quan điểm đôi khi cố gắng sửa chữa chủ nghĩa tự do hoàn toàn [libertarianism] cánh hữu, đôi khi tìm kiếm một đường lối tôn giáo để biện minh cho nó, và đôi khi cổ vũ một chủ nghĩa hiệp đoàn [corporatism] chịu ảnh hưởng của Phòng Thương mãi nhiều hơn là học thuyết xã hội của Giáo hội.

Về mặt trí thức, sự phân cực tương tự là giữa “Đạo Công Giáo của tờ Commonweal” và “Đạo Công Giáo của tờ First Things” —giữa quan điểm Công Giáo cấp tiến hơn về thần học, nhấn mạnh lý thuyết “áo không viền” của giáo huấn xã hội Công Giáo như một lý do để ủng hộ đảng Dân chủ bất chấp lập trường của đảng này về phá thai, và quan điểm bảo thủ hơn về thần học, vốn tìm được tổ ấm của mình trong Đảng Công Hòa khi đảng này trở nên ủng hộ sự sống một cách nhất quán hơn và tìm được khoảnh khắc gây ảnh hưởng chính trị tối đa trong nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush tin lành.

Các phe trí thức này có những khác biệt đáng lưu ý nhưng cũng có một điểm chung đáng kể: Họ cho là đương nhiên sự hài hòa giữa cách giải thích về Công Giáo sau Công đồng Vatican II và cách giải thích của họ về trật tự tự do. Họ khác nhau một cách căn bản nhất về việc, sau cuộc cách mạng tình dục và sự trỗi dậy của kinh tế học tân tự do, chủ nghĩa tự do cánh tả hay cánh hữu đã đi chệch hướng nghiêm trọng hơn.

Sự phân cực căn bản trong nội bộ Công Giáo này đã không biến mất, và các chính trị gia Công Giáo nổi tiếng nhất ở Mỹ ngày nay - từ Biden đến Nancy Pelosi đến cựu Tổng chưởng lý Bill Barr - vẫn hiện thân nó. Nhưng nơi những người Công Giáo trẻ tuổi hơn, đặc biệt là trong giới trí thức, cả hai tổng hợp này đều đã rơi vào thế căng thẳng nghiêm trọng.

Việc tiếp tục tục hóa nước Mỹ tự do đã khiến chủ trương của các đảng viên Dân chủ Công Giáo trở nên khó khăn hơn, khi chủ nghĩa duy tiến bộ của giới ưu tú ngày càng tìm cách không những bảo vệ quyền phá thai hoặc hôn nhân đồng tính mà còn sách nhiễu các định chế tôn giáo bất đồng quan điểm với các quan điểm tiến bộ. Trong khi đó, các thất bại chính trị của những người theo Đảng Cộng hòa chính dòng và sự trôi dạt chung của xã hội Hoa Kỳ thời hậu Kitô giáo, thậm chí (đặc biệt?) dưới sự cai trị bảo thủ đã đặt ra những câu hỏi cho phe hữu về tính hữu hiệu của một liên minh Công Giáo với chủ nghĩa bảo thủ tự do hoàn toàn [libertarianism] — và các nghi ngờ về cùng đích tối hậu của chính chủ nghĩa tự do.

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đã làm gia trọng thêm những căng thẳng này. Đến một mực đang còn bị tranh luận, khi chia tay với chủ nghĩa tân bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II và chủ nghĩa duy truyền thống mềm dịu của Đức Bênêđíctô XVI, triều đại giáo hoàng hiện tại đã tạo ra một bầu không khí khủng hoảng giữa những người bảo thủ thần học, ngay cả khi nó pha trộn giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa phản hiện đại về các vấn đề kinh tế và sinh thái đã trẻ trung hóa cánh tả Công Giáo.

Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump cũng gây xáo trộn, bằng cách, trong các diễn đàn kinh tế dân túy và thu hút thành công một số cử tri thiểu số, hứa hẹn một chủ nghĩa bảo thủ của Mỹ phù hợp với giáo huấn xã hội Công Giáo hơn là chủ nghĩa chính thống hoàn toàn tự do, mà, trong việc pha trộn một cách độc đáo chủ nghĩa duy sinh [nativism], lý thuyết âm mưu và việc bản thân thờ ơ tôn giáo, còn cho rằng có thể có một chủ nghĩa bảo thủ Mỹ mà về mặt chức năng có tính hậu Kitô giáo.

Tất cả những căng thẳng trên đối với mô hình hậu thập niên 1960 vẫn chưa làm thay đổi hoàn toàn tác phong chính trị của người Công Giáo Hoa Kỳ. Nơi những người Công Giáo da trắng, sự phân chia tự do-bảo thủ vẫn xác định việc bỏ phiếu toàn quốc. Sự phân chia sắc tộc giữa người Công Giáo da trắng và gốc Tây Ban Nha vẫn còn, cho dù có thu hẹp (có lẽ đáng ngạc nhiên) dưới thời Trump.

Nhưng nơi các tác giả Công Giáo, đã có sự rạn nứt, thử nghiệm, tái sắp xếp hàng ngũ và chia rẽ đáng kể. Các phạm trù cũ hơn chắc chắn vẫn tồn tại. Vẫn còn những người Công Giáo bảo thủ tin tưởng vào dự án có thể liên hiệp (fusion) chủ nghĩa bảo thủ Mỹ, cách hiểu Công Giáo về việc sáng lập nước Mỹ do John Courtney Murray đề xướng, và các đức hạnh của đảng Cộng hòa trước Trump. Trong khi đó, nhiệm kỳ tổng thống của Biden đã thúc đẩy những người Công Giáo cấp tiến tin rằng đảng Dân chủ là tổ ấm tự nhiên của họ và chủ nghĩa tự do với hai chủ trương duy cải thiện [meliorist] và nhà nước phúc lợi là cách hiển nhiên để giáo huấn xã hội Công Giáo đầu tư.

Nhưng cũng có những phạm trù mới, những phong trào và xu hướng được phục hưng và tái sáng chế, có ý nghĩa đối với cuộc tranh luận trí thức hơn những năm trước và cuối cùng có thể cũng quan trọng đối với nền chính trị Công Giáo.

Công Giáo duy dân túy

Xin cho phép tôi thử đề nghị một cách phân loại các phạm trù mới này. Đầu tiên, có những người theo chủ nghĩa dân túy, những người coi nhiều thay đổi từ thời Trump trong chính sách bảo thủ như phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, và một sự sửa chữa đáng hoan nghênh đối với những sai lầm của chủ nghĩa tự do hoàn toàn [libertarianism] mà họ liên kết với những nhân vật như Paul Ryan. Những người theo chủ nghĩa dân túy có xu hướng ủng hộ bước ngoặt duy liên hiệp [fusionist] trong kinh tế, tìm kiếm các chiến lược nhằm tái tạo mức lương gia đình qua chính sách kỹ nghệ hoặc trợ cấp gia đình hoặc một hỗn hợp nào đó của cả hai. Nhìn chung, họ ủng hộ các hạn chế nhập cư để bảo vệ người lao động trong nước và xây dựng lại tình liên đới xã hội; họ dễ dãi đối với các hành động phản độc quyền [antitrust] chống lại những công ty khổng lồ ở Silicon Valley; họ tìm một chiến lược chiến tranh văn hóa tích cực hơn, một cuộc phản công sau một cuộc rút lui lâu dài, về các vấn đề như chủ nghĩa chuyển giới và nội dung khiêu dâm trên liên mạng. Và mặc dù họ bị chia rẽ về các năng lực và đạo đức của Trump, họ chủ yếu coi sự thăng tiến của ông như có tính cứu rỗi và nhiệm kỳ tổng thống của ông ít nhất như điều ít xấu hơn và có lẽ là tốt.

Về mặt triết học, những người theo chủ nghĩa dân túy thường được mô tả như những người theo chủ nghĩa hậu tự do hoặc chống tự do, và đôi khi họ tự mô tả theo cách đó. Nhưng không rõ nhãn hiệu đó có phù hợp hay không. Chủ bút Công Giáo của tạp chí đại kết này [First Things], R. R. Reno, đã lên tiếng thay cho nhiều người theo chủ nghĩa dân túy khi ông lập luận rằng chủ nghĩa dân túy là một biện pháp sửa chữa có tính liên đới và tôn giáo trong trật tự tự do, chứ không phải là một loại biện pháp thay thế cho chủ nghĩa duy hiến [constitutionalism] của Mỹ. Người ta có thể cho rằng các chính trị gia đang cổ vũ các ý tưởng chính sách liên quan đến chủ nghĩa dân túy này – trong đó có Marco Rubio Công Giáo, Josh Thệ phản, và Mitt-Romney theo Mormon - sẽ hết lòng đồng ý.

Những người theo chủ nghĩa dân túy rõ ràng khác với những người theo chủ nghĩa tự do hoàn toàn Kitô giáo và những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển mà họ thường tranh đấu với. Nhưng họ có thể không khác biệt như thế đối với một nhân vật như (cha) Richard John Neuhaus trong các cam kết đệ nhất đẳng của họ. Giống như ngài, họ tin rằng nền dân chủ tự do đòi một nền chính trị tôn giáo mạnh mẽ và một liên minh giữa những người theo đạo Tin lành và người Công Giáo. Họ đơn thuần không còn chấp nhận viễn kiến về nền kinh tế chính trị và chính sách đối ngoại mà (cha) Neuhaus đã gắn bó với vào cuối sự nghiệp của ngài.

Công Giáo duy hòa nhập

Ý tưởng về chủ nghĩa dân túy như một biện pháp sửa chữa bên trong chủ nghĩa tự do đã tách những người theo chủ nghĩa dân túy khỏi nhóm tiếp theo, tức những người Công Giáo theo chủ nghĩa duy hòa nhập [integralists], những người đối với họ, chủ nghĩa tự do không thể sửa chữa được vì nó đã mục ruỗng ngay từ đầu. Những người duy hòa nhập là những người thừa kế của Triumph, tức tạp chí gây tranh cãi của L. Brent Bozell, và xa hơn nữa là các vị giáo hoàng của thế kỷ mười chín và các vạ tuyệt thông đầy mùi chống tự do của họ. Giống như Vua Josiah (người đã cho mượn tên của mình trên trang mạng duy hoà nhập hàng đầu) đang khôi phục cuốn sách luật bị thất lạc, họ tin rằng họ đang kêu gọi người Công Giáo quay trở lại với nền chính trị Công Giáo đích thực và duy nhất, bị che khuất một thời gian bởi những ảo tưởng yêu quí và chủ nghĩa duy Mỹ [Americanism], nhưng bây giờ, giữa cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do, một lần nữa hiển hiện như một biện pháp thay thế.

Những người theo chủ nghĩa duy hòa nhập đứng cùng hàng với những người theo chủ nghĩa dân túy về nền kinh tế phò gia đình và chính sách kỹ nghệ (Gladden Pappin, một biên tập viên duy hoà nhập của tạp chí American Affairs, thường xuyên viết và cho công bố về những chủ đề này), nhưng họ bị chia rẽ nhiều hơn về các khía cạnh khác của nền chính trị tân cánh hữu: hạn chế nhập cư, hoài nghi về biến đổi khí hậu và ý niệm quốc gia như một điều đáng để trung thành. Những người theo chủ nghĩa hòa nhập cuối cùng tin vào đế quốc Công Giáo, chứ không phải chủ nghĩa dân tộc Công Giáo, và họ coi một số yếu tố tả khuynh trong huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như có tính duy hòa nhập mặc nhiên, đặc biệt là thông điệp sinh thái Laudato Si', là thông điệp mà các lời khuyến dụ và lệnh lạc không có gì nổi bật trong nền chính trị dân túy vào lúc này.

Bất chấp lời chỉ trích trên, những người theo chủ nghĩa hòa nhập có xu hướng có cái nhìn thiện cảm đối với các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc [nationalist], từ Trump đến Viktor Orban. Họ thích chủ nghĩa dân tộc phi tự do hơn chủ nghĩa quốc tế tự do, và họ tin rằng các cuộc nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc dân túy mang lại cơ hội cho một cuộc nổi dậy Công Giáo bên trong giới tinh hoa của phương Tây.

Bởi vì cuộc nổi dậy trên vẫn chưa hiển hiện một cách chính xác, tác động thực tế của các ý niệm của họ vẫn chưa chắc chắn. Nhưng các nhà duy hòa nhập đang dấn thân vào ít nhất hai dự án thế giới thực: thúc đẩy các viên chức Giáo hội hướng tới một khẳng định mạnh mẽ hơn các quyền hợp pháp và quyền lực pháp lý của Giáo hội đối với các tín hữu, đồng thời thúc đẩy cả những người Công Giáo theo chủ nghĩa dân túy và tân bảo thủ hướng tới một nền chính trị Công Giáo trọn vẹn hơn và sử dụng quyền lực nhà nước một cách năng nổ hơn. Trên hết, họ tin rằng các điều kiện cho một Giáo hội hồi sinh và sự phục hưng Kitô giáo ở Mỹ chỉ có thể xảy ra nếu có một cuộc cách mạng từ bên trên.

Công Giáo duy biển đức

Trong điều này, họ hoàn toàn trái ngược với nhóm thứ ba, những người duy biển đức (benedictines), không phải các tu sĩ Biển Đức, mà là những người Công Giáo chấp nhận chẩn đoán của Rod Dreher, trong The Benedict Option [giải pháp Biển Đức](2017), về việc gần như không thể tránh khỏi việc tiếp tục tục hóa và tiếp tục rút lui của Kitô giáo — những người đồng ý với kết luận của Patrick Deneen, trong Why Liberalism Failed [Tại sao chủ nghĩa tự do thất bại] (2018), rằng các thử nghiệm địa phương là chìa khóa để hồi sinh nền văn hóa từng một thời là của Kitô giáo chúng ta — và là những người đặc biệt quan tâm, với các nhà văn như Brandon McGinley và Leah Libresco Sargeant, trong việc đổi mới nội bộ như một điều kiện tiên quyết cho bất cứ hình thức chính trị Kitô giáo mới nào.

Tất nhiên, Deneen đã biểu lộ sự thiện cảm mạnh mẽ đối với các lập luận của cả chủ nghĩa dân túy lẫn chủ nghĩa hòa nhập, và McGinley gần đây đã đồng tác giả một cuốn sách có xu hướng hòa nhập với Scott Hahn - chứng minh rằng các phạm trù này không ổn định và chồng chéo lên nhau, chưa được giải quyết hoặc ấn định. Nhưng mặc dù một số người duy biển đức có thể bỏ phiếu cho các chính trị gia duy dân túy hoặc tán thành chủ nghĩa hoà nhập ở một mức độ nào đó, và những người khác có thể có những thiện cảm thiên tả hơn, nói chung, họ hoài nghi về các giải pháp chính trị quốc gia và nghi ngờ triển vọng có bất cứ loại phục hồi Kitô giáo nào từ trên đi xuống, thích dồn năng lực của họ vào việc xây dựng định chế từ bên dưới. Khẩu hiệu của họ là lời khuyên nổi tiếng của Joseph Ratzinger:

[Giáo Hội] sẽ trở nên nhỏ bé và ít nhiều sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo Hội sẽ không còn có thể ngự trong nhiều dinh thự mà Giáo Hội đã xây dựng trong thời kỳ thịnh vượng... Là một xã hội nhỏ, nó sẽ yêu cầu nhiều hơn nơi các thành viên cá thể của mình phải có sáng kiến... [nó] sẽ là một Giáo hội tâm linh nhiều hơn, không lợi dụng một ủy nhiệm chính trị, ít tán tỉnh với cả Cánh tả lẫn Cánh hữu.

Điều này có nghĩa là các người duy biển đức thường có khuynh hướng đại kết nhiều hơn những người duy hòa nhập, nhiều thiện cảm với các nhân vật Thệ phản bài chính trị như Stanley Hauerwas và Wendell Berry và các cộng đồng như Bruderhof. Nó có nghĩa họ thích Alexis de Tocqueville hơn Carl Schmitt, và các chiến lược xây dựng cộng đồng và truyền bá Tin Mừng hơn các chiến lược quyền lực. Và nó có nghĩa ảnh hưởng văn hóa của họ trở nên tăng hay giảm tùy thuộc vào triển vọng biểu kiến có một nền chính trị Công Giáo ở bình diện quốc gia: Việc gạt ra bên lề những người bảo thủ tôn giáo vào cuối nhiệm kỳ Obama khiến giải pháp biển đức trở nên hấp dẫn hơn, trong khi, vào thời Trump, việc mở rộng biểu kiến các khả thể chính trị đã đẩy các ý tưởng của họ vào thế đình chỉ. Họ có thể trở lại, nếu nhiệm kỳ tổng thống của Biden mở ra một thời kỳ tự do lâu dài.

Công Giáo duy tân cựu

Khả thể đó đưa chúng ta đến nhóm thứ tư, mà tôi sẽ gọi là những người duy tân cựu [tradinistas], chữ mượn của một tuyên ngôn năm 2016 mà những người ký tên, theo cách của những người cánh tả ở mọi thời đại, đã sớm bất đồng với nhau. Bất chấp các tranh luận của họ, thuật ngữ này phù hợp với một khuynh hướng dễ nhận diện, một niềm tin cho rằng chủ nghĩa tư bản cuối thời hơn là chủ nghĩa tự do cuối thời, về căn bản, không tương thích với đức tin Kitô giáo, và sự phục hưng gần đây của chủ nghĩa xã hội có thể được tư tưởng xã hội Công Giáo thích nghi và triển khai. (“LeftCath” [Công Giáo Tả Khuynh], tên gọi của nhóm trên Twitter, truyền đạt hai điều họ hy vọng sẽ kết hợp lại với nhau).

Xu hướng tân cựu đã tìm được tổ ấm trong các tạp chí và không gian liên quan đến phe Commonweal và Cuomo thời có sự phân chia tự do-bảo thủ trước đó, nhưng nó tự phân biệt với phần lớn đạo Công Giáo tự do sau những năm 1960 bằng cách tiếp nhận một lập trường cấp tiến hơn về kinh tế, y như những người theo chủ nghĩa xã hội thiên niên kỷ thế tục thường được phân biệt với những người theo chủ nghĩa tự do của thế hệ Baby Boomer. Những người duy tân cựu cũng tỏ ra tương đối ít quan tâm đến dự án tự do của thế hệ Baby Boomer trong việc thích ứng giáo huấn Công Giáo với cuộc cách mạng tình dục, dù họ không phản đối dự án này một cách rõ ràng và nhất quán, điều mà những người bảo thủ có thể thích. Các giải pháp của họ đôi khi trùng lắp với các giải pháp của những người duy dân túy, nhưng họ coi bất cứ loại chủ nghĩa dân tộc cánh hữu nào cũng đều bị tổn hại bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và dễ dàng bị tư bản mua chuộc.

Herbert McCabe và Alasdair MacIntyre, hai nhà tư tưởng của trường phái Tôma thiên Mácxít khá khác nhau, là những nguồn cảm hứng cho những người duy tân cựu. Elizabeth Bruenig của tờ Atlantic có thể là quán quân nổi bật nhất của họ. “Tiếng hót Công Giáo kỳ lạ” [Weird Catholic Twitter], thường được gọi như thế, là trang chủ trực tuyến của họ. Nếu tất cả những điều này làm cho những người duy tân cựu nghe có vẻ ở ngoài lề so với các khuynh hướng khác mà tôi đang mô tả — thì, một cách nào đó, quả họ là như vậy, nhưng viễn kiến kinh tế của họ thường có Đức Thánh Cha đương kim ở một góc nào đó của họ, và điều đó hẳn phải đáng kể đối với một điều gì đó.

Ngay cả khi nó thiếu ảnh hưởng chính trị trực tiếp của những người duy dân túy hoặc các tham vọng của những người duy hoà nhập, thì những người duy tân cựu vẫn có một lý thuyết chính trị rõ ràng: Các điều kiện để đổi mới Kitô giáo phụ thuộc vào việc phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa tư bản, và do đó, liên minh với các nhà xã hội thế tục có thể là tìm kiếm điều tốt đẹp về lâu về dài cho Giáo hội, bất chấp khoảng cách giữa một nhân vật như Bernie Sanders và giáo huấn Giáo hội về hầu như mọi vấn đề phi kinh tế. Và trong phạm vi họ tham gia một cách nhỏ nhoi nào đó vào sự phục hưng lớn hơn của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, một tư tưởng, ngược lại, tham gia cách nào đó vào nghị trình kinh tế đầy tham vọng của tổng thống Biden, những “Người Công Giáo Tả khuynh” này có thể cho là mình ít nhất gây được một mức độ ảnh hưởng nhỏ nhoi từ xa nào đó đối với vị Tổng thống Công Giáo thứ hai của chúng ta.

Tất cả các phạm trù này, một lần nữa, không ổn định và thay đổi luôn. Người ta có thể dễ dàng chia nhỏ chúng hơn nữa và có thể di chuyển từ phe này sang phe nọ hoặc đơn giản đứng chân trong chân ngoài cả hai phe. Người ta có thể cùng một lúc là người duy hoà nhập và là người duy tân cựu nếu đối với họ, chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế chính trị của nhà nước duy hòa nhập, hoặc là người duy biển đức bị lôi cuốn theo duy dân túy vì nó hứa hẹn bảo vệ chính trị cho địa phương và cho thử nghiệm, hoặc là một người duy hoà nhập nhưng trở thành duy tân cựu chỉ vì chán ghét Donald Trump. (Tôi có thể nhận diện các nhà văn đã thực hiện các phiên bản của những động thái này chỉ trong vài năm qua).

Trong khi đó, cho phép một số chính trị gia Cộng hòa có thiện cảm trong quỹ đạo của những người duy dân túy, các khuynh hướng này, hiện nay, thuộc về giới trí thức và chỉ giới trí thức mà thôi. Giống như phần lớn giới chuyên gia Công Giáo, tất cả họ đều đặc biệt xa cách đối với dân số gốc Tây Ban Nha đang phát triển của Giáo hội Hoa Kỳ và tầng lớp lao động da trắng bất mãn. Đúng, những người duy dân túy mong muốn lên tiếng nói thay cho các cử tri thiểu số đã ủng hộ Trump, và sự thiện cảm duy tân cựu dành cho Bernie Sanders đã được nhiều đảng viên Đảng Dân chủ Latinh chia sẻ. Nhưng hầu hết những người tham gia các cuộc tranh luận này đều là những người phần nào được giáo dục quá mức cần thiết [overeducated], và chưa có những cán bộ tự ý thức mình như những người hậu tự do trong giai cấp công nhân, không có phong trào quần chúng nào tương đương với vai trò của phong trào phò sự sống trong việc xác định đạo Công Giáo bảo thủ sau thập niên 1970.

Tương tự như vậy, bên trong Giáo hội, trên Twitter, cũng có những linh mục duy hòa nhập hoặc duy tân cựu hoặc duy biển đức, nhưng những nhãn hiệu này khiến hầu hết các giám mục bối rối. Các nhà lãnh đạo của đạo Công Giáo Hoa Kỳ rõ ràng vẫn thuộc về các phe phái tự do và bảo thủ lâu đời hơn được thành lập vào những năm 1970 và 1980, và hầu hết các định chế Công Giáo cũng vậy.

Còn 1 kỳ