1. Tuyên bố của Đức Cha Eugenio Lira Rugarcía về làn sóng tội phạm tại biên giới Mễ Tây Cơ
Giữa làn sóng tội phạm tràn vào Reynosa, Mễ Tây Cơ, vị giám mục của giáo phận Matamoros đã kêu gọi “đừng bạo lực nữa” nhưng “hãy hoán cải”.
Reynosa nằm ở phần viễn đông của biên giới Hoa Kỳ với Mễ Tây Cơ, và là một phần của giáo phận Matamoros.
Tại thánh lễ tối ngày 23 tháng 6, được cử hành đặc biệt cho các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt gần đây và cho gia đình của họ, cũng như cho hòa bình ở vùng biên giới, Đức Cha Eugenio Lira Rugarcía nói rằng “hiện nay nhiều gia đình Reynosa có bạn bè, hàng xóm và những người bạn đang chôn cất những người thân yêu của họ với sự đau buồn vô cùng”.
“Reynosa đã mất vài đứa con độc đáo của mình! Độc đáo, bởi vì mỗi người trong chúng ta đều là duy nhất và không thể lặp lại”.
“Và ai đã lấy đi của chúng ta những đứa con, anh em, cha mẹ, bạn bè, hàng xóm và những người bạn đồng hành độc đáo và không thể lặp lại này? Đó chính là bạo lực ích kỷ và vô nhân đạo.”
Vào ngày 19 tháng 6, một băng nhóm vũ trang có thể có liên quan đến buôn bán ma túy đã giết hại 15 thường dân một cách ngẫu nhiên, trong các vụ bắn tài xế taxi, y tá, thương gia và thậm chí cả người lớn tuổi ở Reynosa.
Bốn người được cho là có liên hệ với băng nhóm tội phạm cũng thiệt mạng sau cuộc đọ súng với chính quyền địa phương.
Trang web Animal Político của Mễ Tây Cơ đưa tin ngày 23 tháng 6 đã có những vụ xả súng và nạn nhân mới ở Reynosa kể từ sau vụ bạo loạn ngày 19 tháng 6.
Phát biểu với đài Irving Barrios Mojica, bộ trưởng tư pháp bang Tamaulipas - bao gồm Reynosa và Matamoros - nói rằng “giả thuyết ngày càng tăng” là bạo lực bắt nguồn từ “một liên minh của hai phe nhằm cướp đi lãnh thổ từ phe thứ ba”.
“Trong khu vực này, trên lãnh thổ này, là cầu Pharr, một trong những cây cầu quốc tế quan trọng nhất ở bang Tamaulipas và trong cả nước,” Barrios nói, có thể ám chỉ thị trường ma túy bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Đức Cha Lira đã than thở trong bài giảng ngày 23 tháng 6 rằng “Bao nhiêu tổn hại, bao nhiêu đau đớn và bao nhiêu tàn phá mà chúng ta gây ra khi, khép kín trong chính chúng ta, chúng ta cho phép mình bị tội lỗi lừa dối” và đưa ra những quan điểm sai lầm.
“Sau đó, bị lóa mắt bởi tiền bạc và quyền lực, chúng ta tuyệt vọng tìm kiếm chúng, tin rằng không có gì khác ngoài mạo hiểm mạng sống của chính mình và vượt qua cuộc sống, phẩm giá và quyền lợi của người khác”
“Những người hành động như thế này thực sự đã chết. Theo lời Thánh Bede, tội lỗi chết người của họ đã khiến họ bị nhốt trong quan tài.”
Tuy nhiên, Đức Cha Lira nhấn mạnh, “Chúa Giêsu, Đấng dẫn chúng ta đến sự bình an của Thiên Chúa, đang ở đây. Ngài quan tâm đến những gì xảy ra với chúng ta. Ngài đến gần chúng ta”.
Chúa tiếp tục “an ủi chúng ta qua Lời Ngài, Phụng vụ, Thánh Thể, lời cầu nguyện và con người, khiến chúng ta thấy rằng với Ngài, cuộc sống không có hồi kết”.
Đức Giám Mục của Matamoros chỉ ra rằng “không phải mọi thứ đều kết thúc trên trái đất này. Có một cái gì đó khác! Một điều gì đó cao cả và tuyệt vời vô cùng: đó là cuộc sống mãi mãi hạnh phúc bên Chúa. Sự sống mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta với sức mạnh của tình yêu; yêu đến mức trở thành người trong chúng ta và hiến dâng mạng sống của Người”.
Source:Catholic News Agency
2. Các Giám Mục Công Giáo Âu Châu vô cùng đau buồn trước nghị quyết của Nghị viện Âu Châu
Các giám mục Công Giáo đã chỉ trích tuyên bố của Nghị viện Âu Châu cho rằng phá thai là “chăm sóc sức khỏe thiết yếu” và sự phản đối vì lý lương tâm bị tái định nghĩa là “từ chối chăm sóc y tế”.
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nói rằng việc Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ báo cáo Matić báo hiệu rằng Liên minh Âu Châu đang chấp nhận “một nền văn hóa của cái chết và sự loại trừ”.
“Tôi vô cùng đau buồn trước nghị quyết của Nghị viện Âu Châu kêu gọi việc giết chết những đứa trẻ chưa sinh ra đời là một quyền thiết yếu của phụ nữ” Đức Tổng Giám Mục Poznań viết trên tài khoản Twitter của mình ngày 24/6.
“Nền văn hóa cuộc sống được các Tổ phụ sáng lập của Liên minh Âu Châu hình dung đang biến thành một nền văn hóa của cái chết và sự loại trừ, trong đó ý thức hệ được ưu tiên hơn lý trí”.
Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo, nói với hãng thông tấn Kathpress rằng cuộc bỏ phiếu là “vô cùng đáng tiếc”.
Theo CNA Deutsch, việc xếp loại phá thai như một biện pháp sức khỏe và như một thứ nhân quyền xói mòn quyền sống của đứa trẻ chưa sinh ra và là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
Đức Cha Kevin Doran nói rằng ngài chết điếng trong lòng khi biết rằng tất cả thành viên Ái Nhĩ Lan của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ báo cáo.
Viết trên phương tiện truyền thông xã hội, ngài nói: “Rất thất vọng khi thấy rằng tất cả thành viên Ái Nhĩ Lan của Nghị viện Châu Âu ngày hôm nay đều bỏ phiếu chống lại quyền tự do lương tâm là điều đã được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu; và ủng hộ cho cái quyền không hế tồn tại là quyền được phá thai. Xin Chúa phù hộ cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của chúng ta”.
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, Nghị viện Châu Âu nói rằng họ lấy làm tiếc rằng một số quốc gia Âu Châu có “cái gọi là điều khoản lương tâm” công nhận quyền không thể bị buộc tham gia phá thai của các y tá và bác sĩ.
Nghị viện Châu Âu cho rằng:
“Điều này dẫn đến việc từ chối chăm sóc phá thai vì lý do tôn giáo hoặc lương tâm và khiến cuộc sống của phụ nữ gặp nguy hiểm”.
Thông cáo báo chí dẫn lời Predrag Fred Matić, chính trị gia người Croatia đã trình bày báo cáo trước Nghị viện châu Âu, cho biết: '' Cuộc bỏ phiếu này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong Liên minh châu Âu và là sự phản kháng thực sự đầu tiên đối với một chương trình nghị sự thoái trào đã chà đạp lên quyền của phụ nữ ở Âu Châu trong nhiều năm”.
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu, cơ quan xây dựng luật của Âu Châu, đã bỏ phiếu với 378 phiếu thuận, 255 phiếu chống và 42 phiếu trắng, để thông qua báo cáo tại phiên họp toàn thể ở Brussels, Bỉ.
Chỉ có hai trong số 27 quốc gia thành viên của Âu Châu - là Ba Lan và Malta - không cho phép phá thai theo yêu cầu.
Source:National Catholic Register
3. Giáo Hội Venezuela kêu gọi ngày cầu nguyện cho đất nước sớm được giải phóng
Để kỷ niệm 500 năm trận chiến Carabobo, hôm 24 tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã nêu bật trên trang web của các ngài một ngày cầu nguyện và ăn chay cầu nguyện cho đất nước sớm được giải phóng khỏi ách độc tài của tên Nicolas Maduro.
Trận Carabobo là trận đọ sức giữa những người yêu nước Venezuela chống lại lực lượng bảo hoàng Tây Ban Nha, và chiến thắng của những người yêu nước vào năm 1821 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giành Độc lập của đất nước khỏi ách cai trị của Tây Ban Nha.
Ngày cầu nguyện và ăn chay này có chủ đề: “Venezuela sống và hành trình với Chúa Giêsu Kitô, Chúa của lịch sử”. Ngày cầu nguyện và ăn chay bao gồm việc tôn thờ Thánh Thể và đọc Kinh Lòng Chúa Thương Xót.
Các giáo dân cầu nguyện cho sự giải phóng đất nước, cải thiện điều kiện sống và chấm dứt đại dịch coronavirus.
Trong thông cáo báo chí của các ngài, các giám mục nói rằng tất cả các ý định trong ngày sẽ được “đặt trong bàn tay của Chúa vì lợi ích chung của đồng bào” và chỉ ra rằng lễ kỷ niệm này là “một dấu chỉ hy vọng cho Venezuela. “
Trong thông điệp gởi cho các tín hữu Venezuela để kỷ niệm trận chiến, Hội Đồng Giám Mục nói rằng sự kiện lịch sử này “đánh dấu một thời gian trước và sau trong lịch sử của đất nước này, đại diện cho sự giải phóng và độc lập của Venezuela khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha, với một tiểu đoàn do nhà giải phóng Simón Bolívar chỉ huy, cùng với những người nam nữ cống hiến tất cả vì một quốc gia tự do và hạnh phúc”.
Để kỷ niệm Trận chiến Carabobo, Hội Đồng Giám Mục đã kêu gọi tất cả các nhà thờ trong cả nước rung chuông, cử hành Thánh lễ và tái thánh hiến đất nước cho Mình Máu Thánh Chúa.
Kể từ khi tên độc tài Nicolas Maduro kế nhiệm Hugo Chávez làm tổng thống Venezuela vào năm 2013, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực, và biến động chính trị và xã hội. Dưới chính phủ xã hội chủ nghĩa, đất nước đã thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cần thiết và siêu lạm phát, khiến hàng triệu người đã phải di cư.
Source:Catholic News Agency