THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

Chương Sáu: Độc Thân và Đồng Trinh

Bài 3

Phải chăng thánh Phaolô có thái độ ‘nhất bên trọng’ đối với đời sống độc thân và đồng trinh, và ‘nhất bên khinh’ đối với đời sống hôn nhân?

Trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã lên tiếng y như một người mục tử chân chính và thực tế, đã chứng kiến những cảnh hôn nhân nhiều oan trái và trắc trở. Ngài muốn giữ cho con chiên của ngài không bị những nỗi gian truân này dập vùi. Đứng trước những khó khăn mà con chiên bổn đạo của mình đang gặp phải, thử hỏi có mấy vị chủ chăn có được những tư tưởng và tâm tình như thánh Phaolô? Thế nhưng có người lại cho rằng lá thư này đã biểu lộ một thứ ác cảm nào đó với đời sống hôn nhân. Muốn giữ cho con chiên khỏi những oan trái trong hôn nhân không nhất thiết phải đi ngược lại với hôn nhân. Quả thực, thánh Phaolô không hề chống lại hôn nhân. Ngài nói đến việc người chồng hay vợ có đạo có thể thánh hóa được người vợ hay chồng ngoại đạo. (xem 1Cor. 7:14) Ngài cũng nói đến việc các cặp vợ chồng không chia lìa nhau. (xem 1Cor. 1:10-11) Ngài minh thị rằng hôn nhân không hề là tội lỗi, mà là một ơn gọi của Chúa. Ngài còn dậy rằng nhiều người kết hôn có đời sống rất gương mẫu và thánh thiện. Bên cạnh những lời bàn có tính cách mục vụ, thánh Phaolô còn có những suy tư cá nhân về mối tương quan giữa hôn nhân và đồng trinh hoặc độc thân. Khi trả lời những câu hỏi về đức tin liên quan đến các khó khăn cá nhân, thông thường hay có sự pha trộn giữa giáo huấn về giáo lý hoặc luân lý, những ứng dụng có tính cách mục vụ với những suy tư cá nhân. Nhưng thánh Phaolô đã phân biệt rõ ràng các ý kiến cá nhân xuất phát từ kinh nghiệm của mình với những điều răn của Chúa. Tỉ như trong câu 7-8, ngài viết, “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ.” (1Cor. 1:7-8) Đây là một suy tư cá nhân dựa trên kinh nghiệm của chính đời ngài, đúng như câu ngài nói: ‘Tôi ước muốn mọi người đều như tôi.’ Không hề thấy có sự viện dẫn nào về một giới luật của Chúa. Đọc tiếp đoạn văn ấy, ta thấy: “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người--nhờ Chúa thương-đáng được anh em tín nhiệm.” (1Cor. 1:25) Một lần nữa, đây là một quan niệm cá nhân. Ngài nói rõ là ‘không hề có chỉ thị nào của Chúa cả.’ Như để xác nhận đây chỉ là ý kiến cá nhân, ngài viện dẫn sự khả tín của ngài cũng như sự hiểu biết của các tín hữu về sự khả tín này như một động lực để thừa nhận ý kiến ngài. Trong câu 10 thì lại thấy một ghi nhận hoàn toàn khác: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng; mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” (1Cor. 7:10-11) Ở đây ngài rõ ràng viện dẫn uy tín của Chúa Kitô. Hai câu sau nữa cũng cho thấy một ý kiến cá nhân khác: “Còn với những người khác, thì tôi nói-chính tôi chứ không phải Chúa--nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ.” (1Cor. 7:12) Điều thật đáng nói là những giáo huấn của thánh Phaolô hệ tại sự kiện này: khi trình bầy chân lý mà Chúa Kitô rao giảng với tất cả tính trung thực và thiết yếu của nó, thánh Phaolô đã tô cho nó một nét dấu ấn hoặc lối giải thích ‘cá nhân’ của ngài. Nếu như đọc thư mục vụ của Phaolô mà không đặt trong ánh sáng những đoạn văn về giáo lý của ngài là một sai sót, thì cũng thật là sai lầm nếu đọc các bình luận cá nhân của ngài mà không đặt trong ngữ cảnh toàn thể giáo huấn của ngài, kể cả những đoạn văn giáo lý.

Có một vài đoạn trong lá thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô có thể gây cảm tưởng là thánh Phaolô nhìn hôn nhân chỉ như một phương thuốc trị ‘bệnh lăng loàn.’ Đây quả là lối giải thích khá phổ biến trong giáo hội khi suy tư về giáo huấn của Phaolô. Tỉ như ngài khuyên nên kết hôn thì hơn là để bị ‘thiêu đốt.’ (xem 1Cor. 7:9) Ngay đầu chương, ngài viết là: “Đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng.” (1Cor. 1:2) Câu văn này thật dễ được giải thích theo kiểu cho rằng hôn nhân chỉ dành cho những kẻ yếu nhược không thể kiểm soát được những đam mê dục vọng của mình. Nhưng thực ra câu này chính là để đối lại với câu 7 khi ngài viết rằng: “Mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác.” Cả hai ơn gọi đều là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không thể là chỗ ẩn náu của những kẻ yếu nhược.

Khi dùng từ ‘thiêu đốt’ để ám chỉ dục vọng, thánh Phaolô không hề muốn bảo rằng hôn nhân chỉ là phương thuốc trị thứ bệnh ấy. Thực ra, ngài viết thế trong tư cách là một mục tử hiểu thấu thân phận yếu đuối và bản chất sa ngã của con người (do nguyên tội gây ra). Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đã bộc lộ toàn thể tính chất duy thực trong nền thần học xác thân của Phaolô. Nếu trước đó ngài viết rằng: ‘thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần,’ (1Cor. 6:9) thì trong cùng lúc ấy ngài cũng hoàn toàn ý thức rằng con người ta thì yếu đuối tội lỗi, liên tục bị tính lăng loàn của xác thịt dằn vặt.

Nếu hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa-y như đức đồng trinh và độc thân--chứ không phải là chốn nương thân của kẻ yếu nhược, thì tại sao không phải hết mọi người đều chọn đời sống ấy? Chương 7 của thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đã mang sẵn câu trả lời cho câu hỏi này; “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa; họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời; họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.” (1Cor. 7:32-34) Như vậy, với Phaolô, có hai lý do để sống đời độc thân hay đồng trinh, đó là (1) để chuyên lo việc Chúa, và (2) để làm đẹp lòng Người. Theo lý do thứ nhất, chuyên lo việc Chúa tức là dấn thân vào các công cuộc tông đồ. Nói khác đi, đó là ôm ấp lý tưởng rao giảng Tin Mừng của Chúa và giúp người khác sống Tin Mừng này. Điều này đòi hỏi thời giờ và sự cam kết dấn thân, xem ra chỉ những ai không có gia đình mới có thể hoàn toàn tự hiến cho công việc này. Thế nhưng chính cái động lực của việc dấn thân tông đồ lại nằm trong lý do thứ hai, đó là ‘làm đẹp lòng Chúa.’ Câu này đã được chính Chúa Kitô áp dụng cho mình: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” (Jn. 8:29) Làm đẹp lòng ai là hòa hợp ý muốn với người đó, là làm điều người đó muốn. Động lực của đời tận hiến rao giảng Tin Mừng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa.

Phaolô cũng viết rằng người kết hôn thì bị ‘chia đôi.’ Người Kitô hữu kết hôn thì không chỉ sống cam kết với người phối ngẫu, mà còn với Chúa nữa. ‘Chia đôi’ là vì thế: vừa phải yêu thương người phối ngẫu, vừa phải yêu mến Thiên Chúa. Muốn hiểu điều Phaolô nói, cần phải ghi nhớ một số điều. (1) Trước hết, Phaolô viết cho những người mới trở lại đạo, vốn chưa có cơ hội phát triển một đời sống kết hôn Kitô hữu chân chính. Họ vẫn còn ngụp lặn trong một thứ quan niệm trần tục và ngoại đạo về hôn nhân. Cách hiểu về hôn nhân mang mầu sắc văn hoá Hy Lạp thời thế kỷ thứ nhất này thật khác xa với quan niệm Kitô giáo. Lối sống hôn nhân kiểu này hiển nhiên đưa đến tâm trạng bị ‘chia đôi.’ (2) Tiếp đến, cần nhớ rằng Phaolô viết thư này bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình. Do bởi cuộc sống truyền giáo, Phaolô hiểu rõ rằng cá nhân ngài hầu như không thể đảm đương nổi một đời sống gia đình, lo cho vọ và nuôi dậy con cái. (3) Tiếp nữa, ngài cũng viết từ chính kinh nghiệm mục vụ của mình. Chắc hẳn ngài đã chứng kiến những mảnh đời ‘chia đôi’ trong số những con chiên bổn đạo, nhất là nơi những cuộc hôn nhân pha phôi giữa người Kitô hữu với người ngoại đạo. (4) Điểm rất quan trọng là, tất cả mọi điều trong chương 7 này PHẢI được nhìn trong ánh sáng nguyên tắc giáo lý đã vạch ra ngay từ đầu chương, là ‘mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác.’ (1Cor. 7:7) Nếu một người được gọi sống đời hôn nhân mà cố tình phớt lờ ơn gọi này để tìm đến đời sống độc thân hay đồng trinh, thì người ấy sẽ thấy bị ‘chia đôi’ bởi vì họ không thể ‘làm đẹp lòng Chúa’ hoặc ‘chuyên lo việc Chúa.’ Một người như thế sẽ khó mà sống đời độc thân hay đồng trinh hoàn toàn được, bởi vì họ cứ liên lỉ mong ngóng một người phối ngẫu và một đời sống gia đình. Mỗi người chúng ta được gọi sống một ơn gọi nào đó và được ban ơn đầy đủ để sống ơn gọi đó. Thế nên khi không sống ơn mình được kêu gọi, thì hẳn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trắc trở. Ơn gọi ‘tối hảo’ duy nhất cho một người chính là ơn Chúa đã kêu gọi người đó. (5) Trong hôn nhân Kitô giáo, hiểu theo một nghĩa sâu xa, thì người phối ngẫu được thánh tẩy chính là Chúa Kitô, và gia đình chính là một giáo hội tại gia, một ‘tiểu đơn vị’ của giáo hội toàn cầu. Khi yêu vợ, là ta yêu Chúa. Khi lo cho gia đình, là ta đang tham dự vào công cuộc truyền giáo của giáo hội bởi vì người cần được nghe giảng Tin Mừng và dậy dỗ về giáo lý trước hết chính là con cái, và có khi, chính là người vợ. Ngày nay, các vị chủ chăn và thầy giáo không còn dùng từ ‘chia đôi’ để ám chỉ người kết hôn nữa. Thế nhưng tư tưởng ấy của Phaolô được lưu truyền theo ý tưởng là: người độc thân hoặc đồng trinh thì ‘làm đẹp lòng Chúa’ và ‘chuyên lo việc Chúa’ trong sự thông hiệp toàn cầu của giáo hội, còn người kết hôn thì ‘làm đẹp lòng Chúa’ và ‘chuyên lo việc Chúa’ trong giáo hội tại gia, tức là gia đình. Đây cũng chính là tư tưởng của ĐGH Gioan Phaolô II trong Tông Huấn về gia đình, “Familiaris Consortio.”

(Kỳ tới: Chương 7: Hôn Nhân)