1. Một linh mục Mễ Tây Cơ đã nhanh trí ban ơn xá giải cho các nạn nhân trong vụ tai nạn xe điện

Cha Juan Ortiz cho biết ngài đã tìm cách đến hiện trường vụ tai nạn tại một cầu vượt tàu điện ngầm ở Mễ Tây Cơ ngay sau khi nó xảy ra vào 10g 25 phút tối thứ Hai, và ban ơn xá giải chung cho các nạn nhân.

“Tôi đến gần nhất có thể, ở một khoảng cách an toàn, tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương, và đưa ra lời xá tội chung,” ngài nói với Desde la Fe, nghĩa là “Từ Niềm Tin”, là tạp chí hàng tuần của Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ.

Hai toa xe của con tàu điện ngầm đang lao vút trên cao đã lật nhào, và rơi xuống đường, sau khi chiếc cầu vượt sụp đổ. Ít nhất 24 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Cha Ortiz là Cha sở của giáo xứ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Zapotitlán, nằm gần Tláhuac nơi xảy ra vụ tai nạn.

Giáo Hội Công Giáo cho phép các linh mục ban phép xá tội chung cho các tín hữu “sắp có nguy cơ tử vong dù cho linh mục hoặc các linh mục không có thời gian để nghe lời thú tội của từng hối nhân.”

Cha Ortiz cho biết ngài đang trả tiền mua hàng tại một siêu thị gần đó “khi điện đóm chập chờn đến hai lần. Tôi trả tiền xong và khi tôi rời đi, đường phố đã bị phong tỏa và xe tuần tra án ngữ ở đó”.

“Trong vòng chưa đầy năm phút, tôi đã đến hiện trường,” và “có thể thấy người chết đang được đưa ra ngoài trên cáng.”

Cha Ortiz nói rằng tất cả mọi người tại hiện trường “cảm thấy tuyệt vọng và bất lực khi biết có những người bị mắc kẹt ở đó; đó là một cảnh tượng rất kinh hoàng, rất choáng váng.”

Vị linh mục than thở rằng tai nạn có thể lường trước được, vì cư dân địa phương đã báo cáo rằng các cấu trúc tàu điện ngầm đã bị hư hại do trận động đất xảy ra ở Mễ Tây Cơ vào năm 2017.

Các quan chức chính phủ, bao gồm cả tổng thống Andrés Manuel López Obrador, hứa sẽ điều tra sâu về nguyên nhân của vụ tai nạn.

Đức Cha Andrés Vargas Peña của Xochimilco đã cầu nguyện cho những người đã khuất, những người bị thương và gia đình của họ và bày tỏ tình liên đới với họ, khi dâng thánh lễ cho các nạn nhân vào sáng hôm sau.
Source:Catholic News Agency

2. Pháp bắt giữ 7 chiến binh cộng sản Ý trốn tránh tại đây trong nhiều thập kỷ qua

Pháp đã bắt giữ 7 chiến binh cộng sản Ý trốn tránh tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua sau khi họ bị kết án ở Ý về tội khủng bố. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Paris và Rôma, vì vấn đề này đã tạo ra nhiều hiểu lầm giữa hai quốc gia.

Ý từ lâu đã tìm cách dẫn độ hàng chục du kích cánh tả, những người đã được tị nạn ở Pháp với điều kiện họ từ bỏ bạo lực sau một chiến dịch kéo dài từ những năm 1960 đến những năm 1980 nhằm cướp chính quyền tại Ý bằng bạo lực. Thời kỳ này chứng kiến hàng trăm người bị giết trong các hành vi bạo động bao gồm ám sát, bắt cóc và tống tiền.

Phủ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vụ bắt giữ diễn ra sau nhiều tháng thảo luận giữa Ý và Pháp, trong đó Ý yêu cầu cảnh sát Pháp bắt giữ những tay súng phạm các tội “đẫm máu”.

Thủ tướng Ý Mario Draghi, người vừa nhậm chức vào tháng 2 và đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tổng thống Macron, đã lên tiếng hoan nghênh hành động này của Pháp.

“Ký ức về những hành động man rợ đó vẫn còn sống trong lương tâm người Ý”, văn phòng Thủ tướng Ý cho biết trong một tuyên bố.

Một cố vấn của tổng thống Macron cho biết động thái này được thực hiện nhờ “bầu không khí tin cậy” mới giữa Macron và Draghi, sau nhiều năm căng thẳng giữa Paris và Rome.

Cố vấn của ông Macron cho biết: “Đó là một cách để chúng tôi thể hiện trách nhiệm, khi công nhận giai đoạn này trong lịch sử Ý, và ngừng nhắm mắt làm ngơ trước những hành động bạo lực gây ra từ giữa những năm 60 và những năm 80”.

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Eric Dupond-Moretti cho biết ông “tự hào được tham gia vào quyết định này mà tôi hy vọng sẽ cho phép Ý lật qua trang sử đẫm máu và nước mắt sau 40 năm”.

Trong số những người bị bắt có Giorgio Pietrostefani, người đồng sáng lập nhóm Lotta Continua, nghĩa là “Đấu Tranh Liên Tục”, bị kết án 22 năm tù vì vai trò của anh ta trong vụ sát hại thanh tra cảnh sát Luigi Calabresi ở Milan vào năm 1972.

Sáu người còn lại là thành viên của Lữ đoàn Đỏ, bao gồm Marina Petrella, Roberta Cappelli và Sergio Tornaghi, tất cả đều bị kết án tù chung thân vì tham gia vào nhiều vụ giết người và bắt cóc.

Phủ tổng thống Pháp cho biết một cuộc lùng bắt đang được tiến hành đối với 3 người Ý khác. Chúng đã kịp thời tẩu thoát khi cảnh sát Pháp bắt giữ 7 người nói trên. Văn phòng công tố Paris cho biết thêm rằng Rôma đã đưa ra danh sách 200 người bị truy nã và Pháp sẽ xem xét bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào từ Ý.

Hàng trăm người đã bị sát hại trong các vụ đánh bom, ám sát và chiến tranh trên đường phố trong những năm hỗn loạn chính trị và xã hội. Nhiều chiến binh cánh tả chạy sang Pháp, nơi Chủ tịch Đảng Xã hội Francois Mitterrand theo đuổi chính sách cấp quyền tị nạn cho những thành phần cánh tả này. Các chính phủ Pháp sau đó đã từ bỏ chính sách này, nhưng Ý đã liên tục vận động Paris giao nộp những người bị kết tội giết người.

Năm 2008, Tổng thống lúc bấy giờ là Nicolas Sarkozy từ chối dẫn độ Petrella, viện lý do nhân đạo và làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Ý. Petrella bị kết tội giết tướng Enrico Galvaligi vào năm 1980, cùng với hai vệ sĩ cảnh sát.

Cách đây hai năm, Brazil đã bắt Cesare Battisti giao cho Ý. Cesare Battisti là đảng viên cộng sản Ý, bị kết án vắng mặt vào năm 1990 vì bốn vụ giết người. Ban đầu Battisti lập gia đình ở Pháp, nhưng khi thái độ ở Paris bắt đầu thay đổi, y chạy sang Mễ Tây Cơ và sau đó chạy sang Brazil.
Source:Reuters

3. Đức Hồng Y Ruini nhìn thấy “nguy cơ ly giáo” gần kề ở Đức

Đức Hồng Y Camillo Ruini, người Ý, nói rằng ngài đang cầu nguyện để không xảy ra ly giáo ở Đức, trong khi các linh mục và giám mục tại quốc gia này tuyên bố bất đồng với một tuyên bố từ Vatican nói rằng Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 5 với tờ Il Foglio, Đức Hồng Y Ruini nói: “Tôi hy vọng với tất cả trái tim của mình rằng sẽ không có bất kỳ cuộc ly giáo nào, và tôi cầu nguyện cho điều này.”

Vị Hồng Y 90 tuổi đề cập đến bức thư năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài yêu cầu người Công Giáo Đức giữ “mối liên hệ với Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y Ruini nói: “Những lời này của Đức Thánh Cha đưa ra một tiêu chuẩn và một hướng đi có giá trị. Tôi không phủ nhận rằng có nguy cơ ly giáo, nhưng tôi tin tưởng rằng, với ơn phù trì của Thiên Chúa, điều đó có thể được chế ngự”.

Lời bình luận của Đức Hồng Y Ruini được đưa ra sau khi một số linh mục và giám mục trong thế giới nói tiếng Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với các mối quan hệ đồng giới, bất chấp một tài liệu gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, cho biết Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp như vậy.

Tại Đức, các nhân viên mục vụ Công Giáo đã lên kế hoạch cho một sự kiện toàn quốc vào ngày 10 tháng 5 bất chấp phán quyết của Vatican. Các nhà tổ chức hy vọng rằng các cặp đồng tính trên khắp nước Đức sẽ tham gia vào sáng kiến, được gọi là “Segnungsgottesdiensten für Liebende,” hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”.

CDF đã công bố “Responsum ad dubium”, nghĩa là “Bản phúc đáp cho một hồ nghi” vào ngày 15 tháng 3, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trả lời câu hỏi: “Giáo hội có quyền chúc lành cho sự kết hiệp của những người cùng giới tính không?” CDF đã trả lời: “Không”, và phác thảo lý do trả lời “Không” trong một ghi chú giải thích và đính kèm một bài bình luận.

Đức Hồng Y Ruini, từng là tổng đại diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 tại Rôma từ năm 1991 đến năm 2008, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý trong 16 năm. Ngài nói rằng “mọi người chắc chắn có thể được chúc phúc, để họ được hoán cải, chứ không phải là để tán thành tội lỗi của họ.”

“Chính Thiên Chúa ban phước cho con người tội lỗi để người ấy được hoán cải bởi Ngài, nhưng Ngài không thể chúc lành cho tội lỗi”.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến sức mạnh của lập trường này: đó không đơn thuần là một vấn đề Giáo hội đã quyết định không làm, mà là điều mà Giáo hội không thể làm. Không ai trong Giáo hội có thẩm quyền làm như thế.”

Đức Hồng Y Ruini rất nổi tiếng trong việc lên tiếng về các vấn đề xã hội và chính trị liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, và đặc biệt là trong những năm ở cương vị lãnh đạo, ngài thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Đức Hồng Y Ruini và nhiều Hồng Y và giám mục Công Giáo khác đã bày tỏ quan ngại về tình hình của Giáo hội ở Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn được phát sóng trên EWTN vào tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y George Pell, người Úc, cho biết ngài nghĩ rằng “có một số thành phần trong Giáo hội Đức dường như kiên quyết đi sai hướng.”

Giám mục người Anh Philip Egan của Portsmouth đã nói rằng ông lo lắng “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo hội Đức có thể dẫn đến một “cuộc ly giáo trên thực tế”.

Đức Hồng Y Ruini nhấn mạnh ngày 4 tháng 5 rằng “Giáo hội ngày nay chống lại mọi sự phân biệt đối xử bất công đối với những người đồng tính luyến ái và mong muốn rằng họ sẽ được chào đón trong cộng đồng Kitô với sự tôn trọng và tế nhị.”

Theo Đức Hồng Y vấn đề tranh cãi ở đây “nằm ở việc đánh giá đạo đức các mối quan hệ đồng tính luyến ái và các kết hiệp liên quan đến chúng”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Theo sự dạy dỗ liên tục của Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, và truyền thống của Giáo Hội, các hành vi đồng tính luyến ái về bản chất là rối loạn, bởi vì chúng không phù hợp để truyền sự sống và không dựa trên sự bổ sung tình cảm và tình dục thực sự. Vì vậy, không có trường hợp nào như thế có thể được chấp thuận”.
Source:Catholic News Agency

4. Tình hình tại Ấn Độ nguy ngập như thế nào?

“Tình hình thật khủng khiếp, hoàn toàn khủng khiếp... Mọi người đều sợ, mỗi người sợ một kiểu. Tôi đang nói chuyện với một người, có thể tôi sẽ không nói chuyện với họ vào ngày mai hoặc trong tương lai gần,” Manoj Garg, cư dân New Delhi, nói.

Bang Delhi cho biết cứ bốn phút lại có một người chết vì COVID-19 và xe cấp cứu đã đưa thi thể của các nạn nhân COVID-19 đến các cơ sở hỏa táng được xây dựng tạm thời trong các công viên và bãi đậu xe, nơi các thi thể bị thiêu rụi trên giàn hỏa táng vừa được cấp tốc hình thành.

Các chuyên gia y tế cho biết biến thể B.1.617 của vi rút được phát hiện ở Ấn Độ có tốc độ lây nhanh hơn các biến thể khác, và giết người cũng nhanh hơn.

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết:

“Làn sóng hiện nay là đặc biệt nguy hiểm. Nó cực kỳ dễ lây lan và những người mắc bệnh khó có thể phục hồi nhanh chóng. Trong điều kiện này, nhu cầu chăm sóc đặc biệt là rất lớn”.

Hệ thống y tế tại Ấn Độ được ghi nhận là sụp đổ hoàn toàn.

Các chuyên gia cho biết hy vọng cuối cùng cho Ấn Độ là chiến dịch tiêm vắc-xin thật nhanh, cho tất cả mọi người trên 18 tuổi.

Nguy cơ rất lớn là Ấn Độ có thể xuất khẩu làn sóng lây nhiễm hiện nay sang các quốc gia khác trong khu vực.
Source:Reuters