1. Chứng tá đức mến: Cháy nhà thương không bỏ chạy, tiếp tục mổ tim cho đến khi xong

Các bác sĩ Nga tại bệnh viện thành phố Blagoveshchensk đã giành được sự ngưỡng mộ không chỉ ở Nga mà còn trên toàn thế giới, sau khi quyết định ở lại mổ tiếp cho một bệnh nhân trong khi một bệnh viện được xây từ thời Nga hoàng đang bốc cháy ở vùng Viễn Đông của nước này hôm thứ Sáu Tuần Thánh.

Không chỉ có các bác sĩ, lính cứu hỏa cũng được tuyên dương là các ánh hùng. Các nhân viên cứu hỏa đã mất hơn hai giờ để dập tắt ngọn lửa ở thành phố Blagoveshchensk. Họ cho biết họ đã sử dụng quạt để xua khói ra khỏi phòng mổ và chạy dây cáp điện để tiếp tục cung cấp điện cho phòng mổ.

Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp của Cộng Hòa Liên Bang Nga cho biết, một nhóm gồm 8 bác sĩ và y tá đã hoàn thành ca phẫu thuật trong hai giờ trước khi đưa bệnh nhân đến một địa điểm khác.

“Chúng tôi không thể làm khác hơn được. Chúng đã phải cứu người. Chúng tôi đã làm mọi thứ ở mức chính xác nhất”, bác sĩ phẫu thuật Valentin Filatov nói trên REN TV. Anh cho biết đó là một ca phẫu thuật tim.

Bộ cho biết 128 người đã được sơ tán ngay lập tức khỏi bệnh viện khi ngọn lửa bùng phát trên mái nhà.

“Bệnh viện được xây dựng hơn một thế kỷ trước, vào năm 1907, và cháy lan như chớp qua trần gỗ của mái nhà.”

May mắn là không ai bị thương.

Vasiliy Orlov, thị trưởng Blagoveshchensk cho biết: “Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhân viên y tế và lính cứu hỏa. Theo ý tôi, đó là một chứng tá đức tin được đưa ra trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh”.
Source:Reuters

2. Dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook bị rò rỉ trên web

Các loại tin tặc đã chia sẻ một lượng lớn dữ liệu Facebook cá nhân từ tháng Giêng cho đến nay. Theo Business Insider, nhà nghiên cứu bảo mật Alon Gal đã phát hiện ra một người dùng trên một diễn đàn các điện tặc đã công khai toàn bộ tập dữ liệu, làm lộ thông tin chi tiết của khoảng 533 triệu thành viên Facebook. Dữ liệu bao gồm số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ email, công ăn việc làm, cùng những thông tin quan trọng khác.

Trong số 533 triệu thành viên Facebook bị ảnh hưởng bởi tiết lộ này có khoảng 32 triệu người đang ở Mỹ, 11 triệu người ở Anh và 6 triệu người khác ở Ấn Độ.

Gal lần đầu tiên phát hiện ra việc rò rỉ dữ liệu này vào tháng Giêng, khi người dùng Telegram có thể trả tiền để truy cập vào cơ sở dữ liệu. Những kẻ xâm nhập được cho là đã lợi dụng một lỗ hổng mà Facebook đã sửa vào tháng 8 năm 2019 và bao gồm thông tin từ trước khi sửa chữa. Bạn có thể không gặp rắc rối nếu bạn là một người mới gia nhập Facebook sau tháng 8 năm 2019 hoặc đã thay đổi các chi tiết quan trọng trong thời gian một năm rưỡi trở lại đây. Tuy nhiên, việc rò rỉ thông tin vẫn khiến nhiều người bị tổn thương.

Nguy hiểm đối với nhiều người dùng Facebook là mạng xã hội này thường đòi hỏi quá nhiều những chi tiết cá nhân từ người dùng. Cơ quan này đề nghị người dùng cung cấp các chi tiết như đã từng học trường nào, sinh sống ở đâu.. như một thứ sơ yếu lý lịch. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra đối với Facebook là tại sao họ muốn biết các chi tiết ấy. Cố nhiên, bạn có thể khai tào lao, nhưng cứ liên tục lặp lại các câu hỏi như vậy, cộng với việc nắm được các thông tin khác, Facebook vẫn có thể có một profile khá chính xác về người dùng.

Một yếu tố nữa là nếu bạn dùng chung một password đối với nhiều mạng xã hội khác nhau, việc rò rỉ thông tin từ Facebook có thể khiến bạn bị tổn thương.
Source:Reuters

3. Chính phủ đồng tính của Ái Nhĩ Lan nói rằng cử hành thánh lễ công cộng là phạm tội hình sự

Chính phủ Ái Nhĩ Lan nhấn mạnh rằng việc một linh mục cử hành thánh lễ công cộng là một hành vi phạm tội hình sự.

Lập trường này xem ra trái ngược với tuyên bố với tờ Dáil của Bộ trưởng Y tế Stephen Donnelly vào tháng 10 vừa qua bác bỏ những lo ngại rằng chính quyền của thủ tướng Micheál Martin đang ra mặt bách hại người Công Giáo và mưu toan hình sự hóa việc cử hành thánh lễ của các linh mục và việc tham dự thánh lễ của anh chị em giáo dân tham dự các thánh lễ bằng các quy định tàn bạo dưới chiêu bài bảo vệ sức khoẻ trước đại dịch coronavirus.

Tờ The Irish Catholic cho biết chính phủ nhấn mạnh rằng việc một linh mục rời nhà để cử hành thánh lễ công cộng là một vi phạm hình sự trừ ra trường hợp đám tang hoặc đám cưới.

Chính phủ Ái Nhĩ Lan cũng nói thêm rằng việc một giáo dân rời khỏi nhà của họ để tham dự Thánh lễ cũng là một hành vi hành sự với khung hình phạt tương tự.

Những tuyên bố nóng bỏng như trên đã được đưa ra sau một số linh mục tuyên bố sẽ cử hành các thánh lễ trong Tuần Thánh và lễ Phục sinh. Tình hình được ghi nhận là căng thẳng nhất ở giáo xứ Mullahoran và giáo xứ Loughduff ở County Cavan.

Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan, đã áp dụng khoản tiền phạt 500 euro hay 595 Mỹ Kim đối với Cha Peter John Hughes, là cha sở của hai giáo xứ trên, sau khi ngài dâng thánh lễ với một số ít giáo dân hiện diện, tờ Irish Catholic đưa tin hôm 20 tháng Ba.

Trong Tuần Thánh, Gardaí dựng 3 trạm kiểm soát để bắt bớ các giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ.

Theo các biện pháp y tế của chính phủ, việc thờ phượng có giáo dân tham dự đã bị đình chỉ ở nước này kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2020. Các thánh lễ có giáo dân tham dự cũng bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 trong đợt đại dịch coronavirus đầu tiên.

Trong một bản tin của giáo xứ ngày 21 tháng 3, Cha Hughes viết: “Chúa Nhật tới đánh dấu cuộc hành trình Tuần Thánh. Thật khó tin khi đã sang đến năm thứ hai mà mọi người không thể đến tham gia các nghi lễ của Tuần Thánh”.

“Bất chấp quy mô của nhà thờ và các đền thánh, và bất kể sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Nhà tạm, nhà thờ đã bị Gardaí coi là một điểm nóng gây ra lây lan vi-rút”.

“Người dân có thể đi mua sắm, đưa con cái đến trường và nhiều người đang làm việc trong môi trường khép kín. Chúng ta đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi từ chối Chúa của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô bằng cách tránh xa các nơi thờ phượng vì các quan chức chính phủ nói rằng chúng ta phải làm như thế”.

Vị linh mục phục vụ tại Giáo phận Ardagh và Clonmacnoise tiếp tục: “Tôi không chấp nhận yêu cầu này của những người không nhận ra điều sai trái mà họ đang làm. Chúng ta có quyền phản đối, đó là quyền hiến định của chúng ta miễn là nó diễn ra trong hòa bình; đó là quyền hiến định của chúng ta để thực hành đức tin của chúng ta và tập hợp để cầu nguyện cùng nhau”.

“Đối với những người sợ bị nhiễm vi-rút trong nhà thờ thì họ có quyền lựa chọn tự do ở nhà và sống cuộc sống của họ như họ nghĩ là tốt nhất”.

“Tôi đã được báo cáo lại và Gardaí đã phạt tiền vì tôi đã cử hành thánh lễ với những người có mặt. Tôi sẽ thực hiện quyền hiến định của mình ngay cả khi mọi người phàn nàn, mặc dù tôi không tuân theo vị giám mục của mình khi tôi đi ngược lại lời khuyên của ngài. Chúng ta không thể khước từ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể”.

Tháng 11 năm 2020, Gardaí đã yêu cầu Cha Hughes khóa cửa nhà thờ khi ngài cử hành thánh lễ để ngăn không cho giáo dân tham dự. Nhưng ngài vẫn tiếp tục mở rộng cửa nhà thờ.

Trích dẫn các nguồn tin thân cận với vị linh mục, tờ báo nói thêm rằng Cha Hughes sẽ không đóng tiền phạt và sẵn sàng bị bỏ tù thay vì ngừng cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:The Irish Catholic

4. Đức Hồng Y Bo đề cao hy vọng khi Miến Điện trải qua đàng thánh giá của riêng mình

Trong thông điệp Phục sinh của mình, Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon đã vẽ ra một điểm song song giữa sự đau khổ và cái chết của chính Chúa Giêsu và cuộc chiến đấu cho dân chủ của đất nước ngài, và nói rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một dấu chỉ hy vọng, và là một lời kêu gọi hòa giải khi xung đột tiếp tục.

Thông điệp của Đức Hồng Y có tiêu đề “Hãy để đất nước của tôi thức tỉnh từ nền văn hóa của cái chết để hướng tới nền văn hóa của sự phục sinh đầy hy vọng”.

Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 đến nay, “500 người của đất nước chúng tôi đã bị đóng đinh”.

“Trong hai tháng qua, Miến Điện đã chứng kiến một Đàng Thánh Giá thực sự. Tra tấn, lạm dụng, giết người tàn nhẫn đã làm cho nó thành đồi Canvê của thế kỷ 21. Khi sự tàn bạo lan tràn khắp mọi nơi, trầm cảm và mất niềm tin len lỏi vào tâm trí người dân chúng tôi”.

Tuy nhiên, “Những người đấu tranh cho phẩm giá của người khác, không bao giờ chết. Họ sống trong lịch sử”, ngài nhấn mạnh như trên, và lưu ý rằng thập tự giá của Chúa Giêsu kết thúc với sự phục sinh của Ngài.

“Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Những kẻ đã hành hạ Chúa Kitô, những kẻ kêu gào máu của Người, những kẻ đã đóng đinh Người đã bị đưa vào đống rác của lịch sử. Chúa Giêsu mới là trung tâm của lịch sử.” Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng Đàng Thánh Giá của Miến Điện “sẽ không bao giờ vô ích. Nó sẽ kết thúc trong sự phục sinh của tự do, dân chủ và hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

“Với niềm hy vọng đó, chúng ta hãy nhảy múa với niềm vui và tuyên bố trước mọi quyền lực của bóng tối rằng Chúa Giêsu đã sống lại: Hallelujah- Miến Điện sẽ sống lại!”

Trong gần hai tháng qua, những người biểu tình đã liên tục xuống đường khắp Miến Điện để phản đối việc bắt giữ và giam giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ hàng đầu khác vào ngày 1 tháng 2 với lý do gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020.

Để đối phó với các cuộc biểu tình lớn, lực lượng an ninh đã bắn vào dân thường không có vũ khí, bao gồm cả trẻ em, và đã có nhiều vụ đánh đập, bắt giữ tùy tiện, và thậm chí cả các cuộc đột kích ban đêm vào nhà của các thành viên đối lập bị tình nghi.

Cuối tuần qua, Miến Điện đã chứng kiến ngày đẫm máu nhất của mình, với ít nhất 114 người thiệt mạng chỉ trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh trong bối cảnh quân đội đàn áp. Tổng cộng hơn 520 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Hôm thứ Tư, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp để thảo luận về cuộc đảo chính quân sự của Miến Điện, và cùng ngày, quân đội nước này tuyên bố ngừng bắn kéo dài một tháng, nhưng khẳng định họ sẽ tiếp tục đáp trả “các hành động gây rối loạn an ninh và sự quản lý của chính phủ”.

Được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước MRTV của Miến Điện, tuyên bố của quân đội nước này kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc duy trì hòa bình và cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 4.

Các nhóm vũ trang dân tộc dường như là trung tâm của lệnh ngừng bắn này, nhưng từ hôm thứ Bảy, các lực lượng an ninh Miến Điện đã tiến hành các cuộc không kích ở bang Karen của nước này, vì nhiều ngôi làng ở đó do Liên minh Quốc gia Karen kiểm soát. Nhóm này là một trong nhiều nhóm dân tộc vũ trang ủng hộ các cuộc biểu tình của phe đối lập.

Trong thông điệp Phục sinh của mình, Đức Hồng Y Bo cho biết lễ Phục sinh, được công nhận là ngày thánh thiêng nhất trong lịch Kitô Giáo, đã “diễn ra trong những ngày đau buồn nhất trong lịch sử Miến Điện”.

“Một trận tắm máu đã xảy ra trên mảnh đất thiêng liêng của chúng ta. Người già, trẻ nhỏ và thậm chí cả trẻ em đã bị giết một cách không thương tiếc”

Đức Hồng Y Bo nói, mỗi người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, có nghĩa là “cuộc chiến chống lại tuổi trẻ của chúng ta, giết họ trên đường phố, là cuộc chiến chống lại nhân phẩm”.

“Bất cứ ai giết người vô tội của Chúa sẽ phải trả lời trước mặt Chúa. Không có cơ quan quốc tế nào mạnh bằng Chúa,” ngài nói và lưu ý rằng khi Cain giết Abel trong Kinh Thánh, Chúa đã nói rằng vùng đất này đã thấm đẫm máu người vô tội.

Điều tương tự cũng có thể nói về những người bị giết vì phản đối độc tài, “máu người vô tội sẽ khóc hết thế hệ này sang thế hệ khác dâng lên Chúa cho đến khi công lý được thực thi”.

Chúa luôn đứng về phía “những người dễ bị tổn thương nhất. Khi mọi người đấu tranh cho công lý, chính Thiên Chúa là người đứng về phía những người bị áp bức và hạ gục tất cả các Pharaoh kiêu ngạo. Lịch sử sẽ lặp lại, bởi vì Giavê là Thiên Chúa hằng sống và Ngài không bao giờ quên dân Ngài.”
Source:Crux