1. Diễn biến quá sức đau lòng trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Luân Đôn

Đức Tổng Giám Mục John Wilson của Southwark đã đến thăm Nhà thờ Công Giáo Ba Lan Chúa Kitô Vua ở phía nam thủ đô Luân Đôn vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh, một ngày sau khi cảnh sát can thiệp làm gián đoạn buổi cử hành tưởng niệm cuộc thương khó Chúa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cảnh sát cáo buộc giáo xứ vi phạm các nguyên tắc an toàn COVID-19, trong khi giáo xứ có các bằng chứng cho thấy họ tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn do chính phủ ban hành.

Giáo xứ Chúa Kitô Vua thuộc Hội Truyền giáo Công Giáo Ba Lan ở Anh và xứ Wales và nằm trong Tổng giáo phận Southwark, bao gồm các khu vực của London ở phía nam sông Thames.

Vào ngày 2 tháng 4, hai nhân viên cảnh sát đã làm gián đoạn nghi thức Phụng vụ tưởng niệm cuộc thương khó Chúa và nói với cộng đoàn rằng cuộc tụ tập là “bất hợp pháp” và họ phải giải tán, hoặc phải đối mặt với tiền phạt lên đến 200 bảng Anh một người, vì vi phạm các quy tắc về khoảng cách xã hội và khẩu trang y tế.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của họ, giáo xứ cho biết cộng đoàn đã phải tuân lệnh cảnh sát và giải tán trong khi đang đọc trình thuật cuộc thương khó Chúa Kitô.

“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng cảnh sát đã vượt quá quyền hạn của họ một cách tàn bạo khi ra lệnh mà không có lý do chính đáng,” tuyên bố cho biết.

“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng quyền của các tín hữu đã bị xâm phạm vào một ngày quan trọng như vậy đối với mọi tín hữu, và sự thờ phượng của chúng tôi đã bị xúc phạm,” tuyên bố tiếp tục.

Giáo xứ cho biết:

“Chúng tôi tin rằng các quan chức cảnh sát thành phố đã được thông tin sai lạc về các hướng dẫn hiện hành dành cho các địa điểm thờ phượng. Họ cho rằng lý do can thiệp của họ là do lệnh cấm tổ chức các cử hành có công chúng tham dự tại các địa điểm thờ phượng ở Luân Đôn được ban hành vào ngày 4 tháng Giêng năm nay”.

Thực ra, chỉ thị được đưa ra vào ngày 4 tháng Giêng năm nay đã được thay đổi và cảnh sát không nắm được. Các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở Anh cho phép tiếp tục các cử hành có công chúng tham dự, miễn là tuân thủ các quy tắc về khoảng cách xã hội.

Tổng giáo phận Southwark cho biết Đức Tổng Giám Mục John Wilson bày tỏ nỗi buồn của ngài trước diễn biến bi đát này và đã thảo luận vấn đề này với Đức ông Stefan Wylezek, là bề trên Hội Truyền giáo Công Giáo Ba Lan. Đức Ông có ý định liên hệ với các cơ quan Cảnh sát thủ đô trước khi đưa vụ này ra tòa.

Tổng giáo phận cho biết: “Việc thờ phượng nơi công cộng là được phép khi quy trình vệ sinh liên quan đến COVID và các hướng dẫn được ban hành bởi Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales được tuân thủ”.

Trong một tuyên bố, cảnh sát thủ đô Luân Đôn cho biết nghi lễ đã bị dừng lại vì một số người “không đeo khẩu trang y tế và những người có mặt rõ ràng không giữ đúng khoảng cách xã hội”.

Tuyên bố nói tiếp:

“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về nguy cơ lây truyền vi-rút COVID-19 do các cuộc tụ tập đông người trong nhà mà mọi người không giữ cách biệt về mặt xã hội và một số không đeo khẩu trang. Do đó, các viên chức đã đưa ra quyết định rằng việc tiếp tục buổi cử hành này là không an toàn”

Giáo xứ Chúa Kitô Vua phản bác ý kiến này của cảnh sát. Các chỉ thị mới nhất của chính phủ không đề cập đến yêu cầu đeo khẩu trang. Mặt khác, khoảng cách xã hội 1.5m chỉ áp dụng cho những người không cùng trong một gia đình. Các thành viên trong cùng một gia đình có thể ngồi chung xe hơi với nhau thì có lý do gì họ phải giữ khỏang cách 1.5m.

Một giáo dân cho biết:

“Nếu trong nhà thờ, người ta không giữ khoảng cách xã hội thì bảo người ta đứng cách xa. Giải tán cả một buổi cử hành quan trọng như thế là một hành động tàn bạo. COVID-19 là chiêu bài nhằm che đậy một sự phân biệt đối xử đã kéo dài hàng trăm năm.”

Trước thời gian đại dịch coronavirus, giáo xứ Chúa Kitô Vua muốn được tổ chức rước kiệu nhân ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa như truyền thống ở quê nhà. Họ nộp đơn xin trong nhiều năm, năm 2017 là năm đầu tiên họ xin được phép.

Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy người đi đường ngạc nhiên như thế nào trước cuộc rước kiệu Thánh Thể ngày 15 tháng 6, 2017 trên đường phố Luân Đôn do giáo xứ Chúa Kitô Vua tổ chức. Lần đầu tiên nhiều người thấy cảnh rước kiệu như thế.

Tiếc thay, các cuộc rước kiệu này chỉ diễn ra được thêm 2 lần nữa. Virus Tầu độc địa đã là một chiêu bài tốt để cấm đoán cử hành này.
Source:Crux

2. Kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trưa thứ Hai 5 tháng Tư, theo một truyền thống có từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan 23, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng thay cho Kinh Truyền Tin như thường lệ.

Nhân dịp này, Kim Thúy xin trình bày vài nét lịch sử về thực hành này của các vị Giáo Hoàng.

Kinh Truyền Tin, Angelus, là một lời cầu nguyện đặc biệt được người Công Giáo đọc ba lần một ngày, vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều và kèm theo tiếng chuông. Danh xưng Angelus này xuất phát từ tiếng Latinh Angel có nghĩa là Thiên thần. Kinh Truyền Tin là lời cầu nguyện nhắc nhở chúng ta về Mầu nhiệm Nhập thể qua đó Chúa Giêsu Kitô vì yêu thương nhân loại đã mặc lấy bản tính con người của chúng ta để cứu độ chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã nói về Angelus “như một bản tóm tắt ‘sử thi Kitô Giáo’ trong ba biến cố trọng đại: lời mời gọi và sáng kiến của Thiên Chúa; phản ứng của con người với tiếng xin vâng, fiat; và kết quả của sự vâng phục này là Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể”.

Buổi đọc kinh Truyền Tin của một vị Giáo Hoàng cùng với công chúng như chúng ta thấy hiện nay đã diễn ra lần đầu tiên vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, 11 tháng Hai, năm 1959, và được khởi xướng bởi vị “Giáo hoàng hiền lành” Gioan 23, là vị Giáo Hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II.

Ngày 11 tháng Hai, năm 1959 vừa là ngày khai mạc Mùa Chay vừa là ngày kỷ niệm các cuộc hiện ra tại Lộ Đức, và kết thúc các lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra.

Liên kết hai sự kiện với nhau, Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 nói rằng khi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thông điệp của Đức Mẹ là hãy sám hối, sám hối, và sám hối. Đó cũng là thông điệp của ngày thứ Tư lễ Tro.

Đức Gioan 23 cũng nhắc nhở những người hành hương Ý rằng đây là dịp kỷ niệm 30 năm Hiệp ước Lateranô. Đó là một thỏa thuận trong đó Ý công nhận Vatican là một quốc gia độc lập.

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên này, Đức Gioan 23 chỉ xuất hiện rải rác vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.

Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bắt đầu triều Giáo Hoàng của ngài, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng đã trở thành một phần thường xuyên trong các hoạt động của Đức Thánh Cha. Tất cả các Đức Giáo Hoàng kể từ đó đã tiếp tục truyền thống này, mở rộng nó để bao gồm các bài huấn đức bằng các ngôn ngữ khác như hiện nay. Thông thường, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha trình bày một bài huấn đức; và sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng sẽ nói thêm vài lời để thu hút sự chú ý của thế giới đến một vấn đề cần quan tâm cụ thể và yêu cầu các tín hữu gia tăng những lời cầu nguyện.

Lúc đầu, buổi đọc kinh Truyền Tin tại Vatican được nhắm đến những người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng giờ đây trong thời đại kỹ thuật số, hoạt động này dành cho tất cả mọi người trên khắp thế giới và đã trở thành một nền tảng để Đức Giáo Hoàng nói chuyện với đàn chiên lớn hơn của mình.

Trong suốt Mùa Phục sinh, thay cho Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Regina Caeli tức là Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Buổi đọc Kinh Truyền Tin hay Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng được các đài truyền hình Rai Uno và Eurovision Network phát sóng.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa thứ Hai 5/4/2021

Trong suốt Mùa Phục sinh, thay cho Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Ngày thứ Hai 5 tháng Tư là lễ nghỉ tại Italia và nhiều nước trên thế giới, trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng

Thứ Hai sau Lễ Phục Sinh còn được gọi là Thứ Hai Thiên Thần vì chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ của thiên thần với những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28: 1-15). Thiên sứ nói với các bà: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại như Người đã phán”. (c. 5-6). Thành ngữ “Người đã sống lại” này vượt quá khả năng của con người. Ngay cả những người phụ nữ đã đi vào ngôi mộ và thấy nó trống rỗng cũng không thể xác nhận “Người đã sống lại”, nhưng họ chỉ có thể nói rằng ngôi mộ trống rỗng. “Người đã sống lại” là một thông điệp. Chỉ một thiên thần mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại, chỉ một thiên thần có thẩm quyền mang thông điệp của thiên đàng, với quyền năng được Chúa ban mới có thể nói điều đó, giống như một thiên thần - chỉ một thiên thần - đã có thể nói với Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Vì thế, chúng ta gọi ngày hôm nay là Thứ Hai của Thiên thần bởi vì chỉ có một thiên thần với quyền năng của Thiên Chúa mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

Thánh sử Matthêu thuật lại rằng vào buổi sáng Phục sinh “có một trận động đất lớn; vì một thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá và ngồi trên đó” (xem câu 2). Hòn đá lớn đó, được cho là dấu ấn chiến thắng cái ác và cái chết, được đặt dưới chân, nó trở thành bệ ngồi của thiên thần Chúa. Tất cả các kế hoạch và những mưu lược của những kẻ thù và những kẻ bách hại Chúa Giêsu đều ra vô ích. Tất cả các phong niêm đã vỡ vụn. Hình ảnh thiên thần ngồi trên đá trước lăng mộ là biểu hiện cụ thể, biểu hiện hữu hình của sự chiến thắng cái ác của Thiên Chúa, biểu hiện của sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với hoàng tử của thế gian này, biểu hiện của sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Ngôi mộ của Chúa Giêsu không được mở ra bởi một hiện tượng vật lý, mà bởi sự can thiệp của Chúa. Thánh Matthêu nói tiếp rằng sự xuất hiện của thiên thần “giống như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (c. 3). Những chi tiết này là những biểu tượng xác nhận sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Đấng đang mở ra một kỷ nguyên mới, là thời kỳ cuối cùng của lịch sử vì sự phục sinh của Chúa Giêsu đã khởi đầu cho thời kỳ cuối cùng, có thể kéo dài hàng nghìn năm trong lịch sử, nhưng đó là lần cuối cùng.

Có một phản ứng gồm hai mặt khi nhìn thấy sự can thiệp này của Thiên Chúa. Đó là những người lính canh không thể đối mặt với quyền năng áp đảo của Thiên Chúa và bị rung chuyển bởi một trận động đất bên trong: họ đờ người ra như những người chết (xem câu 4). Quyền năng của Chúa Phục sinh lật nhào những kẻ đã được sử dụng để bảo đảm chiến thắng rõ ràng của cái chết. Và những người bảo vệ đó đã phải làm gì? Đến gặp những người đã ra lệnh cho họ phải canh gác và nói ra sự thật. Họ có một lựa chọn để thực hiện: hoặc nói sự thật hoặc để bản thân bị thuyết phục bởi những người đã giao cho họ lệnh canh gác. Và cách duy nhất để thuyết phục họ là tiền. Và những người đáng thương đó, những người nghèo, đã bán sự thật, và với số tiền trong túi, họ tiếp tục nói: “Không, các môn đệ đến và cướp xác”. Tiền bán Chúa, ngay cả ở đây, trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô, có khả năng phủ nhận sự thật. Phản ứng của những người phụ nữ thì khác vì họ được sứ thần Chúa mời gọi một cách rõ ràng là đừng sợ, và cuối cùng, các bà không sợ - “Đừng sợ!” (c. 5) - và không tìm kiếm Chúa Giêsu trong mộ.

Chúng ta có thể gặt hái được một giáo huấn quý báu từ những lời của thiên sứ: chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai gặp Ngài. Tìm kiếm Chúa Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Những người phụ nữ trong Tin Mừng cũng vậy, sau khi bị rúng động lúc đầu – là điều thường tình có thể hiểu được - đã cảm thấy vui mừng tột độ khi phát hiện ra Thầy còn sống (xin xem các câu 8-9). Trong Mùa Phục Sinh này, ước muốn của tôi là mọi người có thể có cùng một kinh nghiệm thiêng liêng, khi đón nhận trong tâm hồn, trong nhà và trong các gia đình của chúng ta lời loan báo vui mừng về Lễ Phục Sinh: “Đức Kitô, đã sống lại từ trong cõi chết, nay Người không còn ở đây nữa; cái chết không còn quyền thống trị trên Người nữa” (Ca nhập lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành với cuộc đời tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi để anh chị em có thể cho Người vào, Chúa Kitô đang sống. Trong những ngày lễ Phục sinh, sẽ là tốt cho chúng ta khi lặp lại điều này: Chúa vẫn đang sống.

Xác tín này thúc đẩy chúng ta cầu nguyện hôm nay và trong suốt Mùa Phục Sinh: kinh Regina Caeli, Laetare - tức là Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng. Thiên sứ Gabriel đã chào Mẹ như vậy lần đầu tiên: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Xem Lc 1:28). Giờ đây niềm vui của Mẹ Maria đã trọn vẹn: Chúa Giêsu hằng sống, Tình yêu đã chiến thắng. Mong rằng đây cũng là niềm vui của chúng ta!

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Trong bầu không khí của Lễ Phục sinh tiêu biểu của ngày hôm nay, tôi trìu mến chào tất cả anh chị em tham gia vào giờ phút cầu nguyện này qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Tôi đang nghĩ đặc biệt đến những người già, những bệnh nhân, được kết nối từ nhà riêng hoặc nhà nghỉ của họ. Tôi gửi lời khích lệ và ghi nhận chứng tá của họ: Tôi đang gần gũi với họ. Và với tất cả mọi người, tôi hy vọng anh chị em có thể sống đức tin trong những ngày của Tuần Bát nhật Phục sinh này, trong đó ký ức về sự phục sinh của Chúa Kitô được kéo dài. Hãy tận dụng mọi dịp thích hợp để làm chứng cho niềm vui và sự bình an của Chúa Phục sinh.

Chúc mọi người lễ Phục sinh vui vẻ, thanh thản và thánh thiện! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office


4. Lời Kêu Gọi Của Các Nhóm Công Giáo Châu Á Và Thái Bình Dương Về Phân Biệt Đối Xử Và Kỳ Thị Chủng Tộc Đối Với Người Mỹ Gốc Á

Cha Nguyễn Thanh Châu, Chủ Tịch, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều vị khác đã đưa ra tuyên bố sau đây liên quan đến các vụ tấn người Á Châu tại Hoa Kỳ.

Vụ xả súng chết người ở khu vực Atlanta vào tuần trước đã cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á châu. Là những lãnh đạo mục vụ trong các cộng đồng Á Châu và các Đảo Thái Bình Dương, chúng tôi vô cùng đau đớn khi biết về tin bi thảm này và chúng tôi xin dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất và niềm ủi an cho gia đình bạn hữu của họ. Chúng tôi đồng tâm đoàn kết với anh chị em của chúng tôi trong thời điểm hận thù và bạo lực nhắm vào cộng đồng châu Á ở nhiều nơi trên đất nước này.

Đức Giám Mục Oscar Solis, Chủ Tịch Tiểu Ban về các vấn đề Châu Á và các Đảo Thái Bình Dương của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra một tuyên bố, trong đó ngài nói: “Là giám mục, chúng tôi phản đối bất kỳ hình thức hận thù và bạo lực nào, đặc biệt khi chúng dựa trên chủng tộc, sắc dân, hoặc phái tính.” Vào tháng năm qua (2020), ba vị chủ tịch giám mục đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi những người Công Giáo, Kitô giáo và tất cả những người có thiện chí giúp ngăn chặn mọi hành động và thái độ phân biệt đối xử vì khác biệt chủng tộc, bởi chúng là những cuộc tấn công chống lại sự sống và phẩm giá con người và trái ngược với các giá trị Tin Mừng.”

Cùng với các chủ chăn của chúng ta, chúng ta hãy lưu tâm và hướng về sự thật căn bản này, “bởi vì tất cả loài người đều có chung một nguồn gốc, nên tất cả đều là anh chị em, tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi chân lý này bị bỏ qua, hậu quả là thành kiến và sợ hãi đối với người khác, và —thông thường nhất —là sự hận thù”.

Trong năm qua khi đại dịch COVID 19 hoành hành, đã có nhiều báo cáo về ngược đãi qua ngôn từ và tấn công thể lý đối với nhiều người châu Á. Tiếc thay, các tội phạm chống lại người Châu Á ít khi được báo cáo. Khi các sự kiện xảy ra, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều trường hợp trong số này thật đáng buồn đã biến thành những hành vi bạo lực và thậm chí dẫn đến cả cái chết. Hận thù, phân biệt đối xử và bạo hành không có chỗ trong xã hội chúng ta cũng như bất kỳ ở nơi đâu.

Chúng tôi kêu gọi các cộng đồng hãy dấn thân vào một cuộc đối thoại hòa bình ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia để thảo luận về vấn đề thành kiến và thiên kiến chống lại người Á châu. Chúng tôi cổ động việc hòa hợp chung sống cho tất cả mọi người, chúng tôi khấn nguyện cho lòng nhân hậu và tình yêu thương, cũng như cùng hợp tác hướng tới việc thuyên chữa và hiệp nhất.

Nhân dịp Mẹ Giáo Hội cử hành Đại lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô – cuộc khổ nạn, cái chết. và sự sống lại của Người, chúng ta đặt trọn niềm hy vọng và cậy trông vào Thiên Chúa đầy xót thương và nhân hậu, Đấng đã ban chính Con Một của Người, Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, để cứu độ tất cả chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết.