1. Mới mở cửa lại được một tháng Bảo tàng viện Vatican lại bị đóng cửa vì lo ngại coronavirus

Tính đến chiều thứ Hai 15 tháng Ba, tử vong toàn thế giới đã lên đến 2,665,249 người chết, trong số 120,417,290 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật đã có 8,144‬ người chết và thêm 490,230‬ người nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Ý đã lên đến 102,145 người, trong số 3,223,142 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong vòng 24 giờ của ngày Chúa Nhật có 264 người chết, và 21,315 trường hợp nhiễm coronavirus.

Vì số người nhiễm bệnh trong một ngày lên quá cao như thế, nên Bảo tàng viện Vatican lại phải đóng cửa. Các nơi khác thường thu hút khác du lịch như dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, cách Roma khoảng 25 cây số, cũng bị đóng cửa.

Ngày 1 tháng Hai vừa qua, sau 88 ngày đóng cửa, Bảo tàng viện Vatican đã mở cửa lại, nhưng chỉ được một tháng 12 ngày, bây giờ lại phải đóng cửa. Mức độ lây nhiễm coronavirus ở Italia đang gia tăng. Miền Lazio, bao quanh Rôma, từ màu vàng đã chuyển sang sang màu cam, và người ta dự báo vào dịp lễ Phục sinh cả nước này sẽ bị giới nghiêm từ mùng 3 đến 5 tháng Tư.

Bà Barbara Jatta, Tổng giám đốc viện bảo tàng Vatican, cho biết: “Trong những tháng bị đóng cửa, số người viếng thăm viện bảo tàng này tăng vọt qua các mạng xã hội, cũng như nhờ sự cộng tác của Bộ truyền thông của Tòa Thánh và việc xuất bản các videos tham viếng trực tuyến.”

Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn chưa thể lên lịch cho các hoạt động quan trọng trong Tuần Thánh và Lễ Phục sinh.
Source:Vatican Museums

2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức chỉ trích tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Hội Đồng Giám Mục Đức, qua Giám mục Georg Bätzing, đã nộp dubium, tức là Bản câu hỏi chính thức lên Bộ Giáo Lý Đức Tin để yêu cầu trả lời về khả năng chúc lành cho các kết hiệp đồng giới.

Chỉ vài giờ sau khi Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố “KHÔNG”, Giám mục Georg Bätzing đã lên tiếng chỉ trích câu trả lời của Đức Hồng Y Tổng trưởng Luis Ladaria. Thực ra, đó không chỉ là câu trả lời của Đức Hồng Y Luis Ladaria. Đức Giáo Hoàng cũng đồng ý với ý kiến này và truyền công bố.

“Không có câu trả lời dễ dàng nào”, Giám mục Bätzing phản ứng lại trước tuyên bố ‘KHÔNG’ của Vatican đối với các hình thức chúc phúc đồng giới.

Giám mục Georg Bätzing, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đưa ra lời bình luận trên vào hôm thứ Hai 15 tháng 3, chỉ vài giờ sau khi Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, của Vatican minh định rằng Giáo Hội Công Giáo không có quyền ban các phép lành phụng vụ cho các kết hiệp đồng tính luyến ái.

Giám mục Bätzing nói rằng câu trả lời của CDF đối với câu hỏi về khả năng ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới phản ánh “tình trạng giáo huấn của Giáo hội như được thể hiện trong một số tài liệu của Giáo triều Rôma”, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo.

Ông nói tiếp: “Tại Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới, đã có những cuộc thảo luận trong một thời gian về cách thức mà giáo huấn và việc phát triển giáo lý này nói chung có thể được nâng cao với những lập luận khả thi - trên cơ sở những chân lý căn bản của đức tin và luân lý, những suy tư thần học tiến bộ, và cũng là sự cởi mở với những kết quả gần đây hơn của khoa học nhân văn và hoàn cảnh sống của con người ngày nay. Không có câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi kiểu này”.

CNA Deutsch trước đây đã báo cáo rằng Bätzing bày tỏ sự ủng hộ đối với các mối quan hệ đồng giới, nói rằng “chúng tôi cần các giải pháp cho điều này”.

Trong tuyên bố của mình, các Giám mục đã đề cập đến tác động của những can thiệp từ CDF trên “Tiến Trình Công Nghị tại Đức”, một sự kiện kéo dài nhiều năm đưa giáo dân và các giám mục đến việc thảo luận bốn chủ đề chính: việc thực thi quyền lực trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Bätzing nói rằng “Tiến Trình Công Nghị” đang tìm cách giải quyết “chủ đề về các mối quan hệ thành công một cách toàn diện, đồng thời cũng xem xét sự cần thiết và giới hạn của sự phát triển tín lý Giáo Hội”.

Ông nói thêm: “Các quan điểm mà Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra ngày hôm nay phải và sẽ tự nhiên tìm thấy đường lối của chúng trong các cuộc thảo luận này”.

Trong khi đó, Đức Cha Rudolf Voderholzer Giám mục Regensburg hoan nghênh tài liệu của CDF.

Trong một tuyên bố ngày 15 tháng 3, ngài nói: “Bộ Giáo lý Đức tin đã nói rõ rằng Giáo hội không có thẩm quyền chúc lành cho các mối quan hệ đồng giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận việc công bố tài liệu và các giải thích kèm theo”.

“Cùng với Đức Giáo Hoàng và các thành viên của Thượng Hội đồng Gia đình năm 2015, tôi cũng nhấn mạnh rằng mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục, đều phải được tôn trọng về phẩm giá của mình và phải được đối xử một cách thận trọng, trong khi ‘mọi dấu chỉ của sự phân biệt đối xử bất công’ phải được cẩn thận tránh xa” (Amoris laetitia, 250).
Source:Catholic News Agency

3. Đụng đến đồng tính, Đức Hồng Y Ladaria trở thành mục tiêu oanh kích tự do

Sau khi Vatican nói rằng Giáo Hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng giới, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã trở thành mục tiêu tấn công trên các mạng xã hội. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết ngay cả Tòa Bạch Ốc cũng đưa ra phản ứng.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng Tổng thống Biden ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng giới.

Hôm thứ Hai, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về thẩm quyền của Giáo hội trong việc chúc lành cho các kết hiệp đồng giới. CDF nói rằng Giáo hội không có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới hoặc bất kỳ mối quan hệ nào “liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân”.

Khi được một phóng viên hỏi hôm thứ Hai rằng liệu tổng thống có phản ứng với tuyên bố của Vatican hay không, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết ông không có “phản ứng cá nhân” nhưng tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của tổng thống đối với các kết hiệp đồng giới.

“Tôi không nghĩ ông ấy có phản ứng cá nhân với Vatican, không. Ông ấy tiếp tục tin tưởng và ủng hộ các kết hiệp đồng giới, như các bạn biết đấy. Ông ấy đã có quan điểm đó từ lâu rồi,” Psaki nói.

Ông Biden là tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông ta đã nhiều lần tuyên bố đức tin Công Giáo của mình trước công chúng, và Psaki đã gọi Biden là “một người Công Giáo sùng đạo”.

Trong quá khứ, Biden đã từng phản đối việc xác định lại hôn nhân, đã bỏ phiếu cho Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân của liên bang vào năm 1996 định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Là ứng cử viên phó tổng thống trong chiến dịch tranh cử năm 2008, Biden tuyên bố phản đối việc “xác định lại về mặt dân sự những gì cấu thành hôn nhân”, theo Reuters.

Đến tháng 5 năm 2012, Biden bắt đầu thay đổi lập trường qua tuyên bố ủng hộ việc xác định lại hôn nhân vài ngày trước khi Tổng thống Obama ủng hộ điều này.

Vào năm 2016, Biden đã tổ chức một lễ cưới đồng giới - một hành động khiến một số giám mục hàng đầu của Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích.

“Khi một chính trị gia Công Giáo nổi tiếng công khai và tự nguyện làm lễ tại một buổi lễ để long trọng hóa mối quan hệ của hai người đồng giới, sự lầm lạc nảy sinh liên quan đến giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và các nghĩa vụ đạo đức tương ứng của người Công Giáo. Những gì chúng tôi thấy là một nhân chứng phản chứng, thay vì một nhân chứng trung thành được xác lập trên sự thật”, thông báo trên blog của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, viết như trên bốn ngày sau khi Biden chủ trì buổi lễ.

Tuyên bố được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như các chủ tịch ủy ban hôn nhân và tư pháp trong USCCB lúc bấy giờ, là Đức Cha Richard Malone ở Buffalo và Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hiện nay, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, gần đây đã đề cập đến lập trường của Biden về hôn nhân như một lập trường mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội.

Trong một tuyên bố ngày 20 tháng Giêng trong lễ nhậm chức tổng thống của Biden, Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng “Tổng thống mới của chúng ta đã cam kết theo đuổi một số chính sách có thể phương hại đến đạo đức và đe dọa tính mạng và phẩm giá con người, nghiêm trọng nhất là trong các lĩnh vực phá thai, tránh thai, hôn nhân, và ý thức hệ giới tính”.
Source:Catholic News Agency

4. Nữ sinh 17 tuổi bị giết trong một trường trung học Công Giáo Canada

Một nữ sinh Công Giáo 17 tuổi đã chết sau khi bị đâm tại một trường trung học Công Giáo gần Edmonton vào sáng thứ Hai 15 tháng Ba.

Theo các quan chức địa phương, cảnh sát đã được yêu cầu tới Trường Công Giáo Christ the King ở Leduc, Alberta ngay trước 10 giờ sáng ngày 15 tháng Ba.

Họ nói rằng cô gái đã bị đâm trong một lớp học. Cô được chở đến một bệnh viện địa phương, nơi cô chết vì vết thương của mình.

Một nam sinh 19 tuổi đã bị bắt sau đó trong cùng ngày và hiện đang bị giam giữ, Edmonton Journal đưa tin.

Danh tính của nghi phạm và nạn nhân chưa được công khai, và không rõ họ có quen biết nhau hay không.

Charlie Bouchard, giám đốc của Trường Công Giáo Saint Thomas Aquinas Roman, gọi tắt là STAR, bao gồm cả trường Chúa Kitô Vua, cho biết cộng đồng nhà trường cảm thấy mất mát rất lớn.

“Chúng tôi không thể bày tỏ đủ nỗi buồn sâu sắc mà chúng tôi cảm thấy đối với các thành viên gia đình, bạn bè và các nhân viên đã mất đi một người thân yêu ngày hôm nay và cuộc sống của họ sẽ mãi mãi thay đổi”, Bouchard nói trong một tuyên bố.

Michelle Lamer, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công Giáo STAR, đã lên tiếng cầu nguyện và chia buồn.

“Là một cộng đồng đức tin được liên kết với nhau, chúng tôi cầu xin Chúa ban sức mạnh cho tất cả những người đang đau khổ, và cầu nguyện cho họ tìm thấy niềm an ủi và sự chữa lành nhờ Chúa Giêsu Kitô.”
Source:Catholic News Agency