1. Kết quả khi một linh mục cấp tiến mời mục sư Tin lành đến nhà thờ đồng tế thánh lễ

Giám mục địa phương và bề trên miền của một linh mục dòng đã quyết định treo chén một cha người Brazin vì đã đồng tế Thánh Lễ với một mục sư Tin lành.

Cha Jose Carlos Pedrini, một thành viên của Hội Thừa sai Thánh Charles Borromeo, đã được yêu cầu đình chỉ các thừa tác vụ công khai tại giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Jundiai.

“Chúng tôi thành thật lấy làm tiếc về sự kiện đã tạo ra sự nhầm lẫn và chia rẽ lớn giữa các tín hữu,” Đức Cha Vicente Costa, Giám Mục của Jundiaí viết vào ngày 20 tháng 2. Vị giám mục nói thêm rằng sự tham gia tích cực như vậy của một mục sư không phải Công Giáo “không được chuẩn mực của Giáo hội chúng ta cho phép.”

Sự thật mặc khải là năng quyền truyền phép Thánh Thể chỉ thuộc về trong một linh mục được thánh hiến hợp lệ.

Cha Pedrini đã cử hành Bí tích Thánh Thể cùng với mục sư Francisco Leite, của giáo hội Tin lành Thống nhất Brazil, vào ngày Thứ Tư Lễ Tro 17 tháng 2.

Một đoạn video của Thánh lễ cho thấy mục sư Leite đang đọc một phần của Kinh nguyện Thánh Thể và rước lễ.

Giám mục Costa cho biết việc phổ biến rộng rãi video trên mạng xã hội đã gây ra “những phản ứng đa dạng và hoàn toàn trái ngược nhau” và “càng làm nổi bật thêm vết thương gây ra cho sự hiệp nhất của Giáo hội vốn được tìm thấy chính xác trong Bí tích Thánh Thể, nguồn gốc và nền tảng cuối cùng của hiệp nhất trong cùng một đức tin, hy vọng và bác ái”.

“Chúng tôi tin rằng Cha Pedrini, người được biết đến với sự tận tụy và quảng đại của mình, đặc biệt là đối với người nghèo và người di cư, đã không hành động với ác ý,” ngài nói thêm.

Tuy nhiên, Đức Cha Costa nhấn mạnh rằng “sự hiểu biết không đầy đủ về các sáng kiến liên quan đến cuộc đối thoại đại kết luôn được ca ngợi có thể là cơ sở cho các hành động thiếu suy nghĩ chín chắn của ngài.”

“Do đó, điều quan trọng cần nhấn mạnh là hành động của ngài dường như không xuất phát từ ý thức rõ ràng là muốn bất tuân các chuẩn mực của Giáo Hội Công Giáo hoặc muốn xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể”.

Đức Cha Costa nói rằng giáo phận tiếp tục tin tưởng vững chắc vào “cuộc đối thoại đại kết lành mạnh và đích thực với các cộng đồng Kitô giáo khác, do Công đồng Vatican II và các tuyên bố của các giáo hoàng gần đây chủ trương.”

Đức Cha Costa nói rằng vụ việc đã được gửi đến Bộ Giáo lý Đức tin, “để họ có thể cho chúng tôi biết cách giải quyết vấn đề này như thế nào.”

Giáo luật số 900, triệt 1 quy định: “Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Ðức Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.”

Điều 908 nói thêm: “Cấm các tư tế Công Giáo đồng tế Thánh Lễ với các tư tế hay thừa tác viên của các giáo hội và các giáo đoàn không thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.”

Điều 3 triệt 4 trong Normae 2010, quy định về việc giải quyết các tội nghiêm trọng trong Giáo Hội, đã dành cho tòa án của Bộ Giáo Lý Đức Tin quyền giải quyết vấn đề “cử hành Hy tế Thánh Thể bị cấm với các thừa tác viên của các cộng đồng giáo hội không có quyền kế vị tông đồ và không thừa nhận phẩm giá bí tích của việc truyền chức linh mục như được nêu trong giáo luật số 908 của Bộ Giáo luật, và trong giáo luật số 702 của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương, cũng như được đề cập đến trong giáo luật 1365 của Bộ Giáo luật, và trong giáo luật 1440 của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương.”

Hầu chắc linh mục Jose Carlos Pedrini sẽ bị huyền chức.
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo thúc giục chính phủ Sri Lanka công bố báo cáo về các vụ đánh bom khủng bố trong lễ Phục sinh 2019

Các nhà lãnh đạo Công Giáo cho biết chính phủ Sri Lanka phải công bố báo cáo của mình về các vụ tấn công khủng bố vào Lễ Phục sinh 2019 vào các nhà thờ Kitô Giáo và các khách sạn.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Colombo cho biết ngài sẽ không gặp bất kỳ chính trị gia Sri Lanka nào do sự chậm trễ này. Ngài đã hoãn các cuộc họp với các thành viên Công Giáo trong quốc hội của liên minh cầm quyền và phe đối lập, tờ The Island của Sri Lanka đưa tin, trích dẫn các nguồn tin trong văn phòng của Đức Hồng Y.

Các giám mục khác cũng đã lên tiếng về việc không công bố báo cáo từ cuộc điều tra của tổng thống về các cuộc tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh, khiến hơn 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.

“Chúng tôi có rất nhiều nghi ngờ về toàn bộ quá trình này, và muốn biết tại sao toàn bộ mọi sự đã bị đình lại”, Đức Cha Winston Fernando, Giám Mục giáo phận Badulla, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công Giáo Sri Lanka, nói với hãng tin AP.

Chín kẻ đánh bom liều chết đã tấn công hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu nhà ở vào ngày 21 tháng 4 năm 2019. Các cuộc tấn công vào nhà thờ xảy ra vào giữa lúc các cử hành Chúa Nhật Phục sinh đang diễn ra. Hai nhóm người Sri Lanka có liên quan đến quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bị quy trách nhiệm trong các vụ tấn công.

Những người chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ lo ngại tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố những người cộng tác trong vụ tấn công.

Đức Cha Fernando cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Sri Lanka đã rất hoảng hốt trước quyết định của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chỉ định một ủy ban mới gồm sáu thành viên để nghiên cứu lại báo cáo mà không chia sẻ báo cáo này với Giáo hội hoặc với Bộ trưởng Tư Pháp để truy tố các nghi phạm.

“Nếu có những người liên quan mà họ muốn bảo vệ họ, tôi cho rằng còn xảy ra nhiều chuyện nữa?” vị giám mục nói.

Ủy ban nghiên cứu chỉ bao gồm các bộ trưởng chính phủ là thành viên của liên minh cầm quyền.

Đức Cha Fernando chỉ trích cách hình thành ủy ban. Nó không được cân bằng và tính liêm chính của nó có thể bị nghi ngờ vì một số thành viên đang dính líu vào các vụ kiện tụng khác chống lại họ.

Đầu tháng 2, Đức Hồng Y Ranjith đã viết thư cho tổng thống Rajapaksa để yêu cầu một bản sao của báo cáo. Đức Hồng Y đã cảnh báo rằng ngài sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan Giáo hội quốc tế nếu chính phủ không nhanh chóng hành động.

Vào tháng 10 năm 2020, 5 trong số 7 nghi phạm bị bắt liên quan đến các vụ tấn công đã được chính phủ trả tự do, với lý do thiếu bằng chứng.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đã bị bắt giữ và đã được phóng thích. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân cho biết họ lo ngại việc thả các nghi phạm vì tham nhũng, hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng, về phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.

Việc thả Riyaj Bathiudeen, anh trai của nghị sĩ Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo đảng Đại hội Makkal Toàn Ceylon ở Sri Lanka, được xem là đáng ngờ nhất. Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta bị cáo buộc có những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom.

Sri Lanka là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, phía tây nam của vịnh Bengal. Dân số hơn 21 triệu người. Hơn 70% người Sri Lanka theo đạo Phật, khoảng 13% theo Ấn Giáo, gần 10% theo đạo Hồi và chưa đến 8% theo Công Giáo. Có 1.5 triệu người Công Giáo trong nước.

Đất nước này đã phải hứng chịu bạo lực định kỳ kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục yêu cầu các quan chức y tế xem xét lại lệnh cấm thờ phượng công cộng tại British Columbia

Sau gần một năm hạn chế và nhiều tháng các nhà thờ bị đóng cửa không cho phép thờ phượng công khai, Đức Tổng Giám Mục J.Michael Miller đang yêu cầu chính quyền British Columbia trao cho các nhà thờ Công Giáo quyền tự do như các quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục trong suốt trận đại dịch.

Đức Tổng Giám Mục Miller đã gửi một bản đệ trình dài 19 trang tới các quan chức y tế British Columbia vào ngày 19 tháng 2 yêu cầu các nhà thờ Công Giáo phải được phép cử hành Thánh lễ trực tiếp với các biện pháp an toàn COVID-19 và giới hạn số người tham dự là 10% sức chứa.

Trong yêu cầu của ngài, Đức Tổng Giám Mục chỉ ra tầm quan trọng của việc đích thân tham dự Thánh lễ đối với người Công Giáo và tính cấp thiết của vấn đề này với Lễ Phục sinh, ngày linh thiêng nhất trong lịch, chỉ còn hơn một tháng nữa.

Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài không tìm kiếm những đặc quyền nào cả mà cỉ muốn được đối xử công bằng.

“Trong khi chúng tôi tôn trọng các biện pháp mà chính phủ thực hiện để bảo vệ sức khỏe của người dân British Columbia, chúng tôi muốn được bảo đảm rằng các lệnh này đang được áp dụng công bằng cho tất cả các thành phần dân cư”, ngài viết trong một bức thư gửi cho người Công Giáo thông báo về yêu cầu của mình.

“Cụ thể, chúng tôi tìm hiểu lý do tại sao không cho phép tụ tập để thờ phượng dù với số lượng hạn chế và với các biện pháp phòng ngừa an toàn, trong khi các quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục vẫn được mở cửa tự do”.

Trước khi lệnh cấm các buổi thờ phượng được đưa ra vào ngày 19 tháng 11, các nhà thờ Công Giáo đã tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang, sát trùng tay và các biện pháp khác và không thấy bất kỳ đợt bùng phát nào.

“Mặc dù không có sự lây truyền hoặc bùng phát COVID-19 nào được biết đến trong các nhà thờ của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thấy các báo cáo về sự bùng phát tại các cơ sở trượt tuyết và các cơ sở kinh doanh địa phương đã được phép tiếp tục hoạt động”, Đức Tổng Giám Mục Miller viết trong yêu cầu của mình.

“Tôi không nghi ngờ rằng lệnh cấm tụ tập tôn giáo đã gây ảnh hưởng xấu đến tâm linh và sức khỏe tinh thần của người Công Giáo ở British Columbia”.

Đức Tổng Giám Mục Miller không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo đầu tiên xin miễn trừ lệnh cấm tụ tập tôn giáo của British Columbia. Giáo sĩ Meir Kaplan của Vancouver đã tìm kiếm và nhận được sự miễn trừ cho những người Do Thái chính thống, những người bị cấm sử dụng công nghệ vào ngày Sabát và do đó không thể thay thế các cuộc tụ họp tôn giáo bằng những cuộc tụ họp ảo.

Trong trường hợp đó, chính quyền tỉnh cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo giới hạn ở 25 người tham gia và tổ chức ngoài trời. Đức Tổng Giám Mục Miller cho biết các Thánh lễ ngoài trời sẽ không “thiết thực” và không mang lại “lợi ích tốt nhất” cho người Công Giáo.

Ngài đề xuất các biện pháp y tế khác để giữ an toàn cho giáo dân, bao gồm giới hạn 10% sức chứa, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và các yêu cầu vệ sinh khác mà các nhà thờ đã tuân theo trước khi có lệnh cấm.
Source:British Columbia Catholic

4. Các giám mục Công Giáo Đức kêu gọi thay đổi Giáo lý về đồng tính luyến ái

Một giám mục Công Giáo người Đức đã công khai bảo vệ sự ủng hộ của mình cho một cuốn sách hô hào ban phép lành và các nghi thức công nhận các kết hiệp đồng tính luyến ái.

Đức Cha Peter Kohlgraf, Giám Mục Mainz gợi ý rằng Giáo Hội không thể yêu cầu tất cả những người Công Giáo có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải sống trong sạch và Giáo hội nên áp dụng một cách tiếp cận mục vụ trong đó thừa nhận điều này.

“Rất nhiều người có sức hấp dẫn đồng tính thuộc về Giáo hội và thực sự ngoan đạo theo nghĩa tốt nhất của từ này,” Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz đã viết trong một chuyên mục cho tờ báo giáo phận của ngài, và cũng được xuất bản trên trang web của giáo phận, với tiêu đề “Đừng bỏ qua khoa học,” vào ngày 3 tháng 2.

“Đối với nhu cầu về sự thanh sạch: nó có nghĩa là gì từ quan điểm của những người trải nghiệm sự hấp dẫn đồng giới? Tôi nghĩ rằng ít người trong số họ sẽ coi yêu cầu này của Giáo Hội là tế nhị và tôn trọng họ, bởi vì khuynh hướng này không phải là tự chọn”.

Cuốn sách về các nghi thức chúc lành được xuất bản bởi Bonifatiusverlag, một nhà xuất bản trực thuộc Tổng giáo phận Paderborn. Cuốn sách cũng có lời tựa của Giám mục Ludger Schepers, một Giám Mục Phụ Tá tại Giáo phận Essen.

Giám mục Kohlgraf xác nhận vào ngày 3 tháng 2 rằng các thành viên trong Tòa Giám Mục của ngài đã tham gia vào quá trình biên soạn cuốn sách và khẳng định sự ủng hộ của ngài đối với việc xuất bản cuốn sách. Ngài cũng nói rằng ngài đã sớm “nhận thức được” rằng nhiều hình thức chúc phúc khác nhau dành cho các cặp đôi đồng giới đã tồn tại “và sẽ tiếp tục tồn tại” sau khi ngài làm giám mục Mainz vào năm 2017.

Giám mục Kohlgraf là người mới nhất trong một loạt các giám mục Đức công khai kêu gọi thay đổi lập trường của Giáo hội về đồng tính luyến ái. Các giám mục Đức cho đến nay đã công khai lên tiếng ủng hộ việc ban phước cho các kết hiệp đồng giới bao gồm Hồng Y Reinhard Marx ở Munich và Freising, Giám mục Franz-Josef Bode của Osnabrück, và Giám mục Heinrich Timmerervers của Dresden-Meißen.

Tuyên bố của Đức Cha Kohlgraf đối kháng triệt để với sách giáo lý Công Giáo. Sách giáo lý Công Giáo số 2357 cho biết:

Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên.

Nghĩa vụ của ngài, công việc được Giáo Hội ủy thác cho ngài là giảng dạy đức tin tinh tuyền. Không phải là chiến đấu dưới ngọn cờ đồng tính. Đó là một sự phản bội trâng tráo.

Theo các dữ liệu được Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức công bố 216,078 tín hữu Công Giáo đã bỏ đạo trong năm 2018. Trong khi đó, Giáo Hội Tin Lành Đức cho biết 220,000 tín hữu Tin Lành đã rời bỏ hàng ngũ của họ.

Tổng cộng, khoảng 23 triệu công dân Đức vẫn là thành viên của Giáo Hội Công Giáo và 21 triệu người là thành viên của Giáo Hội Tin lành. Hai nhóm chiếm 53.2% trên tổng số 83 triệu dân Đức.

Cố nhiên, chúng ta hiểu các Giám Mục Đức muốn chặn đứng làn sóng bỏ đạo bằng cách đề ra các “cải cách”. Tuy nhiên, tất cả các đề xuất của các ngài như công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn. Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
Source:Catholic News Agency