Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa thánh, Callista Gingrich, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu khi bà chuẩn bị rời Rôma vào lúc tổng thống của Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ.

Callista Gingrich sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng Giêng để trở về Hoa Kỳ. Ông Patrick Connell sẽ là Tham Tán (Chargé d 'Affaires) cho đến khi một đại sứ mới được bổ nhiệm.

Gingrich đã được Tổng thống Trump đề cử làm Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa thánh vào tháng 5 năm 2017, nhưng mãi đến 5 tháng sau đó, sau những cuộc điều trần khó khăn, mới được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận vào ngày 16 tháng 10 cùng năm.

Những cuộc điều trần đầy khó khăn của Gingrich vào năm 2017, như một hệ quả tất nhiên của việc bà tham gia tích cực vào các tổ chức phò sinh, tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho bà một khi tổng thống Trump thất cử. Chính quyền Biden mà chịu để yên cho bà ở vị trí thì thật là một chuyện lạ bốn phương. Vì thế, ngay cả khi Biden chưa nhậm chức, bà đã chào từ biệt Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong ba năm ở Rôma, Gingrich, vợ của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, là một người rất năng nổ. Bà đã thu hút sự chú ý đến các vấn đề như buôn người, đàn áp Kitô hữu và tự do tôn giáo, bằng cách tổ chức các hội nghị chuyên đề và các sự kiện khác.

Trên Twitter, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh cho biết ngày 15 tháng Giêng “Đại sứ và phu quân Newt Gingrich rất vinh dự được có chuyến thăm từ biệt với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày hôm nay”.

Hai người cũng đã gặp gỡ các quan chức Vatican khác hôm thứ Sáu. Gingrich đã viết trên Twitter vào ngày 15 tháng Giêng rằng bà đã có một “chuyến thăm tuyệt đẹp hôm nay với Đức Hồng Y Parolin” và một “chuyến thăm tuyệt đẹp Điện Tông tòa”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên trang web của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được xuất bản vào tháng 9 năm 2020, Gingrich nói “đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc và mãn nguyện khi làm đại sứ của quốc gia chúng ta cạnh Tòa thánh”.

“Hoa Kỳ và Tòa Thánh hợp tác trong nhiều mục tiêu đối ngoại quan trọng. Từ việc thúc đẩy tự do tôn giáo và đối thoại giữa các tôn giáo, đến chống buôn người, hỗ trợ nhân đạo, ngăn chặn xung đột và bạo lực, quan hệ đối tác của chúng ta với Tòa thánh là một lực lượng toàn cầu vì thiện ích”, bà nói.

Gingrich, là một người Công Giáo từ tấm bé, cũng lưu ý rằng làm việc ở Rôma và Vatican đã “củng cố rất nhiều” đức tin của bà.

“Mỗi lần tôi tham gia vào một cuộc họp tại Vatican hoặc tham dự một nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tôi cảm thấy vinh dự và may mắn”, bà nói.

Vào tháng 5 năm 2020, Gingrich kêu gọi sự chú ý đến vai trò của các tổ chức dựa trên đức tin trong việc cung cấp các quỹ cứu trợ của chính phủ Hoa Kỳ để hỗ trợ những người đang bị đau khổ do coronavirus ở Ý.

“Nước Mỹ đang tài trợ các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dựa trên đức tin mà hiệu quả có thể cung cấp sự hỗ trợ quan trọng”, bà nói với EWTN.

“Điều quan trọng là tiền của Mỹ phải được sử dụng tốt. Các tổ chức dựa trên niềm tin là những đối tác hiệu quả và đáng tin cậy. Họ được truyền cảm hứng bởi ý thức về mục đích và sự cống hiến để giúp đỡ những người khó khăn nhất”, bà đại sứ nói.

Trong một chuyên mục cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, năm 2019, Gingrich đã phản ánh về 35 năm quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

“Mặc dù đại sứ quán của chúng ta mới chính thức thành lập vào năm 1984, nhưng quan hệ của chúng ta với Tòa Thánh đã có từ thời lập quốc”, bà nói.

“Trong suốt lịch sử của chúng ta, các tổng thống Hoa Kỳ đã công nhận vai trò quan trọng của Tòa Thánh trong việc thúc đẩy hòa bình và công lý. Từ năm 1870 đến năm 1984, một số đặc phái viên tổng thống đã được cử đến Vatican để thảo luận về các vấn đề nhân đạo và chính trị. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phái viên của Tổng thống Franklin Roosevelt đã gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Pius XII, và đã làm việc với Tòa thánh để nuôi những người tị nạn Âu châu, cung cấp viện trợ cho Đông Âu và giúp đỡ các tù nhân chiến tranh”.

Gingrich nói rằng trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, Tổng thống Ronald Reagan và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “nhận ra rằng mối quan hệ không chính thức giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh không còn đủ để đáp ứng những nguy cơ do chủ nghĩa Cộng sản gây ra”.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Thành phố Vatican vào năm 1982, và trong vòng hai năm, quan hệ ngoại giao chính thức đã được thiết lập.

Bà kể lại rằng:

“Khi Đại sứ Wilson trình quốc thư cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 9 tháng 4 năm 1984, Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng sự hợp tác mới giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh có nghĩa là ‘nỗ lực chung để bảo vệ phẩm giá và quyền của con người’”.

“Trong 35 năm qua, sự hợp tác độc đáo này đã làm được điều đó. Nó đã tồn tại, theo lời của Tổng thống Reagan ‘vì lợi ích của những người yêu chuộng hòa bình ở khắp mọi nơi’”.

Callista Gingrich là chủ tịch của Gingrich Productions ở Arlington, Virginia, và chủ tịch của tổ chức bác ái phi lợi nhuận Gingrich Foundation.

Bà từng là một ca viên lâu năm của dàn hợp xướng tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington, DC

Newt và Callista kết hôn vào năm 2000. Newt theo đạo Công Giáo vào năm 2009 và giải thích, trong một cuộc phỏng vấn cùng năm với Deal Hudson tại InsideCatholic.com, rằng chứng tá của Callista với tư cách là một người Công Giáo đã đưa ông đến với đức tin.

Hai vợ chồng đã làm việc cùng nhau trong một bộ phim tài liệu được phát hành vào năm 2010, “Chín ngày thay đổi thế giới”, tập trung vào chuyến hành hương năm 1979 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Ba Lan, khởi đầu cho tiến trình giải thể cộng sản tại Đông Âu.


Source:Catholic News Agency