Tạp chí America, ít nhất trong cuộc tranh cử vừa qua ở Hoa Kỳ, tỏ ra ủng hộ liên danh Biden-Harris rõ rệt. Nhưng cũng tạp chí này, ngay lúc việc thắng cử của liên danh Biden-Harris chưa ngã ngũ, đã tỏ ra lo ngại đối với viễn tượng cai trị nước Mỹ của hai người này.

Thực vậy, trong cùng một ngày, tạp chí trên có đến hai bài theo chiều hướng ấy. Bài đầu tiên là của ký giả Michael J. O’Loughlin tường trình về ngày đầu tiên phiên họp tháng 11 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; bài thứ hai là của Jennifer A. Frey nói về việc Biden đề cử một chuyên gia y tế đứng đầu toán đặc nhiệm giải quyết đại dịch Covid-19.



Các Giám mục Hoa Kỳ lo ngại

Theo O’Loughlin, đa số người Công Giáo Hoa Kỳ có thể đã bỏ phiếu cho ông Biden, nhưng các Giám Mục Mỹ đã phát biểu một quan ngại nào đó về cách cai trị có thể có của vị tổng thống Công Giáo thứ hai của quốc gia, người tuy thường xuyên nói về đức tin Công Giáo của mình, “cho thấy một số cơ may nhưng cũng khá nhiều thách đố”.

Vào dịp gặp nhau tuần này, các Giám Mục Hoa Kỳ công bố việc thành lập “nhóm làm việc” đặc biệt gồm các Giám Mục để xử lý điều mà Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gọi là “tình hình khó khăn và phức tạp” được các ngài nhìn thấy trong việc bầu ông Biden.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói rằng “chúng ta đang đối diện với khoảnh khắc độc đáo trong lịch sử Giáo Hội ở đất nước này. Vì đây chỉ là lần thứ hai, chúng ta dự ứng một sự chuyển quyền sang một tổng thống tuyên xưng đức tin Công Giáo”.

Về phía tích cực, Đức Tổng Giám Mục Gomez cho hay “tổng thống đắc cử cho chúng ta lý do để tin rằng các cam kết đức tin của ông sẽ thúc đẩy ông ủng hộ một số chính sách tốt. Điều này bao gồm các chính sách có lợi cho việc cải tổ nhập cư, người tị nạn và người nghèo, và chống kỳ thị chủng tộc, tử hình và thay đổi khí hậu”.

Quả thế, tuần qua, Ông Biden nói rằng ông có kế hoạch gia tăng con số người tị nạn định cư tại Hoa Kỳ và ông hy vọng sẽ tái gia nhập hiệp ước Paris về khí hậu, đồng thời cải tổ việc nhập cư.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói rằng Ông Biden cũng ủng hộ các chính sách “đi ngược lại các giá trị nền tảng mà người Công Giáo chúng ta coi là thân thiết” như ủng hộ quyền của những người thuộc dạng L.G.B.T. cũng như quyền phá thai và ngừa thai.

Ngài quả quyết “các chính sách ấy đặt ra một đe dọa nghiêm trọng đối với thiện ích chung, bất cứ khi nào một chính trị gia ủng hộ chúng”.

Ngài nói thêm: “khi các chính trị gia tuyên xưng đức tin Công Giáo ủng hộ chúng, ta có thêm nhiều vấn đề vì nó tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn cho tín hữu đối với điều Giáo Hội thực sự giảng dạy về các vấn đề này”.

Có hại cho người cao niên

Trong khi ấy, Jennifer A. Frey, một giáo sư triết học tại Đại Học South Carolina, thì cho rằng “nếu qúy trọng người cao niên, qúy vị nên được báo động về việc Biden bổ nhiệm toán đặc nhiệm về Covid”.

Thực thế, chỉ mấy ngày sau khi cho rằng mình thắng cử, Ông Biden đã tập họp một toán đặc nhiệm về Covid mà theo lời ông sẽ “giúp lên khuôn phương thức của tôi trong việc quản lý việc gia tăng con số lây nhiễm được báo cáo; bảo đảm để vắcxin được an toàn, hữu hiệu, phân phối có hiệu quả, công bình, và miễn phí; và bảo vệ dân số gặp nguy hiểm”.

Dân số gặp nguy hiểm tử vong nhiều nhất là người cao niên. Ấy thế mà Biden lại chọn Bác sĩ Ezekiel Emanuel làm người chủ chốt trong việc điều hướng chính sách quốc gia của nhóm đặc nhiệm này. Mặc dù Bác sĩ Emanuel là một chuyên viên lành nghề, một y sĩ được Harvard đào tạo và là một triết gia chính trị, một nhà nghiên cứu lâu năm về đạo đức học y khoa, và hiện là chủ tịch của khoa Đạo Đức Học Y Khoa và Chính Sách Y Tế tại Đại Học Pennsylvania, nhưng thái độ của ông đối với người cao niên và khuyết tật khiến ông không thích hợp với vai trò này.

Frey cho biết: “trong tư cách một giáo sư luân lý, thỉnh thoảng có dạy bác sĩ Emanuel trong các lớp đạo dức học y khoa của tôi tại Đại Học South Carolina, tôi thất vọng về sự chọn lựa của Ông Biden”.

Bác sĩ Emanuel được nhiều người biết đến vì thái độ bác bỏ đối với người cao niên và khuyết tật. Trong một bài báo năm 2014 trên tờ The Atlantic, với tựa đề khá khiêu khích là “Tại sao tôi hy vọng sẽ chết lúc 75 tuổi”, ông mô tả người cao niên như những người “không còn được tưởng nhớ như là sinh động và dấn thân nhưng như những người yếu đuối, hết hữu hiệu, và thậm chí bệnh lý”; do đó, ông không muốn ở lâu trong hàng ngũ của họ. Lập luận căn bản của ông như sau: nhờ các tiến bộ trong y khoa và kỹ thuật, nhiều người Mỹ sống lâu hơn trước. Bác sĩ Emanuel tự hỏi liệu cái tuổi thọ mới có đó có tính tích cự hay không vì các năm tháng cao niên của chúng ta chắc chắn bao gồm tính khuyết tật và mất chức năng. Bác sĩ Emanuel tỏ ý đặc biệt khiếp đảm trước viễn ảnh khuyết tật nhận thức, điều được ông mô tả “như khả thể khiếp đảm hơn hết”.

Khi chúng ta trở nên già yếu và phụ thuộc, Bác sĩ Emanuel đặt câu hỏi liệu “việc tiêu dùng của chúng ta có xứng đáng với sự đóng góp của chúng ta hay không”. Đối với Bác sĩ Emanuel, có vẻ như, sự sống con người chỉ có giá trị và ý nghĩa ở mức độ nó có năng suất và sáng tạo; trong khi trẻ em là những người lao động có tiềm năng hữu ích, thì người già chỉ đơn giản là đã qua tuổi cường tráng.

Ngay cả khi đối đầu với nhiều chỉ trích rộng rãi, Bác sĩ Emanuel vẫn không làm dịu lập trường của mình. Trong một cuộc phỏng vấn tiếp theo vào năm 2019, ông được hỏi về những người cao tuổi khỏe mạnh vẫn còn thích các hoạt động như đi bộ đường dài, dành thời gian cho gia đình hoặc tham gia vào các sở thích thú vị. Khi trả lời, Bác sĩ Emanuel cho rằng “khi tôi nhìn những điều những người đó ‘làm’, hầu như tất cả những điều đó tôi phân loại là trò chơi. Chứ không phải việc làm có ý nghĩa". Ông tiếp tục kết luận rằng nếu cuộc sống của một người được dành cho những hoạt động như vậy thì đó “có lẽ không phải là một cuộc sống có ý nghĩa”.

Những thái độ như vậy đối với người cao tuổi là vô nhân đạo bởi vì, xét cho cùng, chúng dựa trên sự tự lừa dối sâu xa. Như triết gia Alasdair MacIntyre đã lập luận một cách mạnh mẽ trong cuốn “Các Động vật phụ thuộc có lý trí” của ông, con người chúng ta về cơ bản không độc lập hay tự chủ. Ngược lại, chúng ta chỉ có thể đạt được tiềm năng của mình trong các cộng đồng nơi chúng ta có thể phụ thuộc vào sự chăm sóc và giúp đỡ của người khác trong suốt cuộc đời. Sự phụ thuộc này đặc biệt được biểu lộ ở đầu và cuối cuộc đời của chúng ta, lúc chúng ta dễ bị tổn thương và yếu đuối nhất. Nhưng ngay cả trong thời kỳ cường tráng của cuộc đời, chúng ta cũng phải nhìn nhận mạng lưới phụ thuộc, một mạng lưới giúp sự triển nở của chúng ta khả hữu. Thành đạt như hiện nay, Ezekiel Emanuel không nẩy sinh mà đã hoàn toàn đầy đủ hình thù như thế từ chiếc đầu của thần Zeus như Athena, các thành đạt hiện nay của ông cũng không phải hoàn toàn của riêng ông.

Khi chúng ta thừa nhận tính dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc lẫn nhau của con người — thì chúng ta nên hiểu ra rằng người tàn tật hoặc đau yếu không hề là “người khác” với chúng ta, vì tính dễ bị tổn thương và nhu cầu trước mắt của họ xẩy ra trước, và nếu chúng ta may mắn, ở một lúc nào đó nó sẽ lại là của riêng chúng ta. Vì chúng ta là những động vật phụ thuộc có lý trí, những động vật chỉ có thể phát triển trong các cộng đồng biết chăm sóc qua lại, chúng ta cần phát triển điều mà Giáo sư MacIntyre gọi là “các nhân đức phụ thuộc đã được thừa nhận”. Những nhân đức này là những thiên hướng để nhận biết và đánh giá các điểm dễ bị tổn thương và phụ thuộc của chúng ta và đáp ứng chúng một cách thích hợp.

Theo quan điểm của Giáo sư MacIntyre, tính dễ bị tổn thương và yếu đuối là điều có tính yếu tính đối với cuộc sống con người; do đó, chúng ta không nên sợ hãi mà nên chấp nhận sự phụ thuộc của mình, vì nó cung cấp cho mọi người chúng ta cơ hội để trau dồi và thực hành các nhân đức tập trung quanh công việc thiết yếu là chăm sóc người khác, mà không có nó, không ai trong chúng ta có thể phát triển thích đáng hoặc thăng hoa.

Sự kinh hoàng của Bác sĩ Emanuel trước viễn ảnh trở nên phụ thuộc, yếu đuối và không còn năng suất, phản ảnh tình trạng mắc bệnh tâm thần và tự đánh lừa mình. Bác sĩ Emanuel muốn nhấn mạnh rằng không những ông không giống như họ, những người cao niên gây gánh nặng phần lớn sống cuộc sống vô nghĩa, ông còn sẽ làm điều khôn ngoan là tránh sống với họ quá lâu. Bắt đầu từ 75 tuổi, ông sẽ từ chối các phương pháp điều trị hoặc can thiệp để bảo tồn sức khỏe của mình. Ông muốn được con cái nhớ đến như là “người độc lập” chứ không phải là “gánh nặng”.

Những người bảo vệ Bác sĩ Emanuel sẽ lập luận rằng ông chỉ nói rõ sở thích cá nhân của mình và những gì ông nói sẽ không có hệ quả chính sách rõ ràng đối với đại dịch này. Giáo sư Frey e rằng quan điểm này ngây thơ sâu xa. Bác sĩ Emanuel không nói rằng tình cờ cá nhân ông muốn chết ở tuổi 75, như cách ai đó tình cờ thích kem sô cô la hơn là kem vanilla. Đúng hơn, ông đưa ra lập luận về việc bất cứ người nào có lý trí cũng nên cảm nhận ra sao khi về già và phụ thuộc, và ông muốn thuyết phục người đọc rằng chủ trương của ông là chủ trương chính xác nên theo.

Hơn nữa, thái độ vô nhân đạo của Bác sĩ Emanuel đối với người già và người khuyết tật rất hiển nhiên trong công việc của ông về việc phân bổ chăm sóc sức khỏe trong một đại dịch. Trong các bài báo có tính bác học và một bài bình luận trên tờ The New York Times, ông đã vạch ra một trường hợp phân bổ việc chăm sóc sức khỏe có lợi cho những người có cơ hội sống sót cao nhất. Tất nhiên, điều này là để bênh vực cho việc kỳ thị chống lại những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch này, và nó rõ ràng bắt nguồn từ tri nhận của ông về phẩm chất sự sống của họ (hoặc việc thiếu nó).

Chúng ta cũng nên xem xét việc lựa chọn Bác sĩ Emanuel làm trầm trọng thêm ra sao nỗi tủi nhục mà những người dễ bị tổn thương nhất của chúng ta vốn cảm thấy do sự yếu đuối của họ. Trong một tiểu luận mủi lòng và đẹp đẽ, Ian Marcus Corbin, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Y Harvard, mô tả các tương tác của ông với những bệnh nhân đang vật lộn để hồi phục sau cơn đột quỵ. Ông Corbin nói một cách xúc động tới sự tủi nhục mà họ cảm thấy đối với sự bất lực của họ và cách mà sự tủi nhục này buộc họ phải chịu những hình thức cô lập rất bất lợi cho sự phục hồi và sức khỏe tổng thể của họ.

Ông Corbin cảnh báo chúng ta rằng các nạn nhân đột quỵ đã nội tâm hóa nhận định phổ biến này là "quyền làm chủ (mastery) là điều kiện tự nhiên, thích hợp của chúng ta và nếu bạn không có khả năng ấy, bạn là người khiếm khuyết." Nhưng ông cho hay, mặc dù quyền làm chủ là một thành tựu, nó “chỉ đạt được một cách tạm thời và với sự giúp đỡ to lớn từ những người khác”. Ông Corbin lập luận rằng chúng ta không được quên sự kiện này là điều làm cho con người trở nên độc đáo, cả theo quan điểm biến hóa lẫn nhân học, là mức độ chúng ta luôn đặt việc chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương ở trung tâm cuộc sống của chúng ta. Yếu điểm của chúng ta không có gì đáng xấu hổ - ngược lại, đó là sức mạnh của chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta nên đặt câu hỏi đối với các giả định của Bác sĩ Emanuel về việc điều gì làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và giá trị ưu việt mà ông đặt lên việc làm như thước đo nó. Mặc dù việc làm cung cấp cho hầu hết mọi người những nguồn lực họ cần để duy trì bản thân, nhưng rất ít người trong chúng ta coi việc làm như một điều chúng ta sống vì nó hoặc như một điều mang lại cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hoặc mục đích cao cả nhất của nó. Mọi người làm việc để họ có quyền tự do tận hưởng những gì họ thực sự yêu thích: dành thời gian với những người thân yêu (có lẽ, vâng, trong các hình thái vui chơi lễ hội), chiêm ngưỡng những gì đẹp đẽ hoặc tôn thờ những gì họ coi là thần thánh. Vào cuối cuộc đời, mọi người không muốn được bao quanh bởi những chiến tích hay dấu chỉ thành tích khác nhưng bởi những người họ yêu thương và chăm sóc, những người đã yêu thương và chăm sóc họ.

Tổng thống đắc cử Biden đã nâng Ezekiel Emanuel lên một vị trí quyền lực và thế giá, trong thời điểm mà sự lo lắng của những người dễ bị tổn thương nhất của chúng ta tăng cao một cách dễ hiểu. Nhưng khi nói đến nhận thức về nhân tính, Bác sĩ Emanuel đã chứng minh rằng ông ta không hề là một chuyên gia. Những ý tưởng của ông về giá trị của cuộc sống con người không chỉ sai lầm nông cạn và sâu xa mà còn có khả năng gây chết người cho nhiều người Mỹ dễ bị tổn thương.