Theo hãng tin CNA, ngày 13 tháng 10, 2020, tại Thượng Viện Hoa Kỳ Thẩm phán Amy Coney Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ rằng bà không có nghị trình cá nhân nào để lật lại các quyết định trước đó nếu bà được xác nhận gia nhập Tối cao Pháp viện và bà sẽ xem xét riêng từng trường hợp tùy theo giá trị riêng của nó, đúng theo pháp luật.
Trong buổi sáng ngày thứ hai của phiên điều trần để xác nhận, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (D-CA) đã yêu cầu Barrett bình luận về việc liệu phán quyết phá thai mang tính lịch sử của tòa án trong vụ Roe kiện Wade có phải đã được đưa ra cách sai lầm hay không. Barrett từ chối trả lời thẳng cách này hay cách khác, chỉ nhấn mạnh trong tư cách thẩm phán, bà có nghĩa vụ giải thích pháp luật.
“Tôi muốn thẳng thắn và trả lời mọi câu hỏi, trong chừng mực tôi có thể,” Barrett nói như thế, trước khi nhắc đến Thẩm phán Elana Kagan, người đã nói trong phiên điều trần xác nhận của chính mình rằng bà “sẽ không xếp hạng tiền lệ hoặc không đưa ra một 'ngón tay cái ủng hộ’ hay một ‘ngón tay cái phản đối’ về các phán quyết chuyên biệt.
Phán Quyết năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade cho thấy có quyền phá thai theo hiến pháp. Phán Quyết năm 1992 trong vụ Planned Parenthood of Southeastern Pennsylvania kiện Casey giữ nguyên phán quyết trong vụ Roe, nhưng cũng tạo ra một tiêu chuẩn “gánh nặng quá mức” khi nói đến luật phá thai.
Bà nói, “Tôi nghĩ rằng trong một lĩnh vực mà tiền lệ tiếp tục bị gây áp lực và gây tranh tụng, như vụ Casey, sẽ đặc biệt - thực sự là sai và vi phạm các quy tắc – khi tôi làm điều đó với tư cách một thẩm phán đương nhiệm".
Barrett giải thích rằng nếu bà cho thấy quan điểm của mình về một tiền lệ, theo nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, thì điều này sẽ gửi một thông điệp cho những người tranh tụng "rằng tôi nghiêng cách này hay cách khác trong một vụ án đang chờ xử lý".
Barrett cho biết: “Tôi không thể cam kết trước hoặc nói, ‘Vâng, tôi đang tham gia với một số nghị trình nào đó’ vì tôi không có một nghị trình như thế".
“Tôi không có bất cứ nghị trình nào. Tôi không có nghị trình nào để thử và đảo ngược phán quyết trong vụ Casey. Tôi chỉ có nghị trình để tuân theo quy định của pháp luật và quyết định các trường hợp khi chúng được đệ trình”.
Thay vào đó, Barrett nói với Feinstein rằng bà sẽ “tuân theo mọi quy định của Stare Decisis”, tức nguyên tắc pháp lý tôn trọng các phán quyết trước đây của tòa án.
Barrett nói: “Tôi sẽ tuân theo luật Stare Decisis, áp dụng nó như tòa án đã nói rõ, bằng cách áp dụng mọi nhân tố - độ tin cậy, khả thể có thể áp dụng được (workability), bị xâm hại bởi các sự kiện và luật lệ sau này, đơn giản là tất cả các nhân tố hợp tiêu chuẩn”.
Bà nói thêm, “Và tôi hứa sẽ làm điều đó cho bất cứ vấn đề nào xuất hiện, phá thai hoặc bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ tuân theo pháp luật”.
Trước đó trong phiên họp buổi sáng, Barrett đã được Thượng nghị sĩ Lindsay Graham (R-SC), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, hỏi về cảm nghiệm được đề cử vào Tối cao Pháp viện. Barrett nói rằng dù bà đã cố gắng "không xem các phương tiện truyền thông vì lợi ích sức khỏe tâm thần của tôi", bà vẫn "biết khá nhiều bức tranh biếm họa đang được phổ biến xung quanh" về gia đình, đức tin và niềm tin của bà.
Bà nói, “Tôi nghĩ điều tôi muốn nói để trả lời cho câu hỏi đó là, này, tôi đã có những lựa chọn khác biệt. Tôi quyết định theo đuổi sự nghiệp và có một gia đình lớn. Tôi có một gia đình đa chủng tộc. Đức tin của chúng tôi là điều quan trọng đối với chúng tôi. Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng đó là sự lựa chọn của tôi”.
Barrett nói rằng trong các tương tác bản thân và nghề nghiệp của bà với người ta, kể cả những người “có những lựa chọn khác” với bà, bà “chưa bao giờ cố gắng áp đặt các lựa chọn của tôi trong cuộc sống bản thân lên họ”.
Bà nói, “Tôi áp dụng pháp luật, và thưa Thượng nghị sĩ, tôi nghĩ, điều đó sẽ nói lên lý do tại sao tôi ngồi ở chiếc ghế này, tại sao tôi đồng ý có mặt ở đây”.
Barrett gọi diễn trình xác nhận là điều “khó nhá” và “cực kỳ khắt khe” và bà và chồng bà có “một khoảng thời gian rất ngắn” để quyết định xem có nên chấp nhận đề cử vào Tối cao Pháp viện hay không. Bà nói rằng quyết định này xẩy đến gây ra "nhiều hậu quả nghiêm trọng" cho gia đình bà.
Bà nói, “Chúng tôi biết rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ bị cào bới đễ kiếm bất cứ chi tiết tiêu cực nào, chúng tôi biết rằng đức tin của chúng tôi sẽ bị châm biếm, chúng tôi biết gia đình chúng tôi sẽ bị tấn công, và vì vậy chúng tôi phải quyết định xem liệu những khó nhá đó có đáng giá hay không. Bởi vì một người lành mạnh sẽ trải qua điều gì nếu không có lợi ích gì ở phía bên kia?"
Barrett nói “Lợi ích là tôi cam kết với việc thượng tôn pháp luật và vai trò của Tối cao Pháp viện và phân phối công lý bình đẳng cho mọi người. Tôi không phải là người duy nhất có thể làm được công việc này, nhưng tôi đã được yêu cầu, và điều này khó nhá cho bất cứ ai ”.
Bà nói, “Tại sao tôi phải nói người khác nên chịu điều khó nhá này, nếu chuyện khó nhá là lý do duy nhất để nói không? Tôi nên phục vụ đất nước của tôi, và mọi người trong gia đình tôi chung sức vào việc này vì họ chia sẻ niềm tin của tôi vào vai trò của pháp luật”.