Hôm 01 Tháng 8, khi khai mạc lễ kỷ niệm hàng năm “Ơn Tha Thứ Assisi”, một ơn toàn xá có từ năm 1216, Cha Michael Anthony Perry, Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn khẳng định hòa giải với Thiên Chúa có nghĩa là hòa giải với anh chị em ta và với tất cả các tạo vật.

Nhà lãnh đạo người Mỹ của dòng Phanxicô trên toàn thế giới đã sử dụng cái chết của anh George Floyd, một người đàn ông da đen đã chết dưới bàn tay của một nhân viên cảnh sát da trắng ở Minnesota, như một ví dụ về “tội lỗi của xã hội và thể chế” mà các tín hữu phải chống lại nếu họ thật sự nghiêm túc trong cố gắng hoán cải và hòa giải.

“Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta qua lễ kỷ niệm Ơn Tha Thứ Assisi trọng đại này là phải từ bỏ tất cả những gì dẫn đến cái chết, tất cả những gì cướp mất khỏi chúng ta lòng thương xót, tha thứ, hòa bình và niềm vui từ Thiên Chúa.” Cha Tổng Phục Vụ nói như trên trong Thánh Lễ tại đền thánh Đức Mẹ Nữ vương các Thánh Thiên Thần ở Assisi. “Chúng ta được mời gọi để sống như con cái yêu dấu của một Thiên Chúa yêu thương, như những người được tiền định cho tự do, cho tình yêu, và cho Thiên Chúa”

Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu lãnh nhận “Ơn tha thứ Assisi”. Đó là một ơn toàn xá có thể lãnh nhận từ chiều ngày 1 tháng 8 đến nửa đêm ngày 2 tháng 8.

Thánh Phanxicô đã nhận được ơn thiêng liêng này từ Thiên Chúa qua sự can thiệp của Ðức Trinh Nữ Maria.

Ðức Thánh Cha giải thích: “Ðó là ơn toàn xá chúng ta có thể nhận được bằng cách lãnh nhận các bí tích giải tội và Thánh Thể và viếng các nhà thờ giáo xứ hay nhà thờ của dòng Phanxicô, đọc kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và cầu nguyện cho Ðức Giáo hoàng và theo ý của ngài.”

Ngài nhắc rằng “ơn toàn xá có thể được dành cho người đã qua đời” và “điều quan trọng là đặt sự tha thứ của Thiên Chúa, điều “hình thành nên thiên đường” trong chúng ta và xung quanh chúng ta, ở vị trí trung tâm.

Trong bài giảng của ngài ở Assisi, Cha Perry lưu ý rằng lễ kỷ niệm năm 2020 diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với các cử hành trước đây vì những hạn chế liên quan đến COVID-19 trong việc đi lại và trong việc tụ họp công cộng. Đó là chưa kể đến các tác động tinh thần và tâm linh của dịch bệnh này và tình trạng cô lập được đặt ra để kiềm chế nó.

Ngài nói:

“Chúng ta phải che mặt mình với các khẩu trang y tế; chúng ta phải giữ khoảng cách xã hội với nhau; chúng ta phải bước đi trong nỗi sợ hãi một kẻ thù vô hình; ít người hành hương có thể tụ tập trong không gian thánh thiêng này trong lễ kỷ niệm cuộc hành hương của chúng ta trong năm nay.”

Nhưng đồng thời, theo Cha Perry, đại dịch này “cũng đã mở mắt cho nhiều người - và tôi hy vọng nó cũng đã mở mắt cho nhiều người trong chúng ta đang có mặt ở đây trong lời cầu nguyện – cho vết thương sâu xa, lâu dài về xã hội và sinh thái âm ỉ ngay dưới bề mặt trong hầu hết nếu không muốn nói là trong tất cả các xã hội”

Những người mà chúng ta có thể gọi là “tầng lớp đặc quyền”, trước đây, có thể đã không nhận ra những kinh nghiệm phải chịu đựng của “những người được xem là tầng lớp thiểu số” trước sự mong manh xã hội và những thử thách trên cơ sở hàng ngày trong phần lớn cuộc đời của họ.

“Điều này đã được chứng minh rõ ràng nhất trong vụ giết hại dã man anh George Floyd, một người đàn ông vô tội người da đen ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ, là người đã bị cảnh sát ghì chặt xuống đến mức ngộp thở. Cha Perry giải thích cho cộng đoàn chủ yếu là người Ý.

Sự bất công như trong cái chết của anh George Floyd không phải là một tội lỗi giới hạn chỏ ở Hoa Kỳ. Những chuyện tương tự như thế cũng xảy ra ở Anh, Pháp, Ý, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil. Đó chỉ là một vài nơi trong đó nhiều người đã bị loại trừ một cách có hệ thống và bị dìm xuống một cuộc sống nghèo đói kinh niên. Hàng triệu người ‘không thể thở nổi’ vì màu da của họ, tầng lớp xã hội mà họ được chỉ định, hay niềm tin tôn giáo của họ.

Theo Cha Perry, bí tích hòa giải và truyền thống của các ân xá tập trung vào những tội lỗi cá nhân. Dù thế, Thánh Phanxicô Assisi biết một cách rõ ràng rằng đau khổ và các thử thách không chỉ giới hạn trên bình diện cá nhân.

“Nhận thức tinh thần của Thánh Phanxicô, lời kêu gào lòng thương xót, tha thứ và hòa giải của ngài cũng có một chiều kích xã hội, mà nếu được chấp nhận và theo đuổi, sẽ tạo ra trong mỗi người chúng ta một sự hoán cải sâu sắc. Sự hoán cải này sẽ tạo ra những thành quả của một cuộc sống chân thực, chính đáng, đầy lòng thương xót và tràn đầy niềm vui như các môn đệ và những người cùng truyền giáo với Chúa Kitô, cùng với Đức Maria và với Thánh Phanxicô”

Đại dịch cũng đang kêu gọi mọi người chú ý đến những bất công kinh tế và những hủy hoại môi trường, ngài nói.

“Những người kiểm soát các lực lượng sản xuất và phân phối kinh tế - các tập đoàn đa quốc gia - đang ngày càng giàu lên với tốc độ đáng báo động, ngay cả trong những thời điểm bấp bênh của đại dịch, trong khi những người nghèo, những người bị loại trừ, những người da màu đang trở nên nghèo hơn, bị thiệt thòi hơn, và bị đẩy đến bờ vực sinh tồn với một tốc độ đáng báo động”

Tham dự “Ơn Tha Thứ Assisi”, theo Cha Perry, phải là một dấu chỉ của sự tìm kiếm “đường lối hướng về Thiên Chúa, hướng về nhau, hướng về bản thân và hướng về tạo vật. Chúng ta đến như anh chị em với nhau, mang trong trái tim, tâm trí và cơ thể của chúng ta mọi sinh vật sống động, để tất cả có thể tham gia vào sức mạnh giải phóng từ tình yêu hòa giải của Thiên Chúa.”

“Ơn tha thứ Assisi” có từ năm 1216, khi Chúa Giêsu, Ðức Trinh Nữ Maria và các thiên thần hiện ra với thánh Phanxicô tại nhà nguyện Portiuncula nhỏ bé, là nhà nguyện mà thánh Phanxicô đã xây dựng ở thị trấn Assisi của Ý.

Khi Chúa Giêsu hỏi thánh Phanxicô ngài muốn điều gì để cứu rỗi các linh hồn, thánh nhân đã xin Chúa ban một ơn toàn xá cho tất cả những người vào nhà nguyện này.

Sau đó ơn toàn xá đã được mở rộng cho bất cứ ai viếng nhà thờ giáo xứ hoặc nhà thờ dòng Phanxicô vào ngày 1 hoặc 2 tháng 8.


Source:Crux