Giải đáp phụng vụ: Được rước lễ khi dự lễ trực tuyến không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con viết thư cho cha để xin cha lời khuyên về phụng vụ, trong thời gian độc nhất này trong lịch sử của chúng ta. Là một cộng đoàn nữ tu, chúng con, may mắn thay, lưu giữ một số Bánh thánh đã truyền phép. Liệu có đúng về phụng vụ chăng, nếu chúng con dự Thánh lễ truyền hình của Đức Thánh Cha, và mẹ bề trên cho chúng con rước lễ với các Bánh thánh ấy trong thời điểm Hiệp lễ? - M. P., Rôma, Ý.

Đáp: Trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19 này, có lẽ có nhiều tu viện các nữ tu và tu hội đời ở trong hoàn cảnh tương tự.


Trong tình hình cấm cửa hiện tại, thật là tốt khi tham dự Thánh lễ trực tuyến do Đức Thánh Cha hoặc bất cứ linh mục nào có sáng kiến như vậy cử hành. Đó là một thời điểm cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa cùng với vị chủ tế, và thực hiện một hành động dâng hiến thiêng liêng và rước lễ thiêng liêng với hy tế Thánh Thể.

Tuy nhiên, đó không phải là sự tham gia Thánh lễ thật sự, vốn đòi hỏi phải có sự hiện diện thể lý, và do đó, sẽ là không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn khi cho rước lễ trong một thánh lễ trực tuyến.

Việc rước lễ có thể được thực hiện ngay sau khi Thánh lễ đã kết thúc, hoặc vào một thời điểm thích hợp khác, và luôn tuân theo các nghi lễ đã được phê duyệt của Hội Thánh về việc cho rước lễ ngoài Thánh lễ.

Hội Thánh có hai hình thức tương tự nhưng khác nhau của nghi lễ này: nghi lễ cho bệnh nhân rước lễ, và ‘Nghi lễ cho rước lễ ngoài thánh lễ với việc cử hành Lời Chúa.” Trong bối cảnh của một cộng đoàn tu sĩ, nghi lễ thứ hai phải được sử dụng.

Theo chữ đỏ của nghi lễ này:

“26. Nghi lễ sẽ được sử dụng chủ yếu khi Thánh lễ không được cử hành, hoặc khi việc rước lễ không được thực hiện vào thời gian dự kiến. Mục đích là cho mọi người được nuôi dưỡng bởi lời Chúa. Bằng cách lắng nghe lời Chúa, họ biết rằng các điều kỳ diệu mà Lời Chúa tuyên bố đạt đến đỉnh cao trong mầu nhiệm vượt qua, mà Thánh lễ là một tưởng niệm bí tích, và trong đó họ chia sẻ bằng sự rước lễ. Được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, họ được dẫn đến sự tham gia đầy biết ơn và hiệu quả vào các mầu nhiệm cứu độ.”

Nghi lễ có cấu trúc như sau:

- Nghi thức giới thiệu: Lời chào và hành động thống hối.

- Cử hành Lời Chúa

- Nghi thức rước lễ: Đọc Kinh Lạy Cha, Chúc bình an, “Đây Chiên Thiên Chúa… Lạy Chúa, con chẳng đáng…”, cho rước lễ, khoảnh khắc thinh lặng hoặc hát một bài hát, lời nguyện kết thúc.

Về việc cử hành Lời Chúa, nghi lễ nói:

“29. Phụng vụ Lời Chúa diễn ra như trong Thánh lễ. Các bài đọc cho dịp này hoặc lấy từ Thánh lễ trong ngày, hoặc từ các Thánh lễ ngoại lịch của Thánh Thể hoặc Máu Châu Báu, các bài đọc từ trong sách Bài đọc. Một danh sách các đoạn này có thể được tìm thấy trong các số 113‐153 của sách Nghi thức. Sách Bài đọc cung cấp một loạt các bài đọc có thể được rút ra cho các nhu cầu cụ thể, chẳng hạn như Thánh lễ ngoại lịch Thánh Tâm. Xem các số 154‐158 bên dưới.

“Có thể có một hoặc nhiều bài đọc, sau bài đọc 1 thì hát thánh vịnh, hoặc một bài thánh ca, hoặc một khoảnh khắc thinh lặng cầu nguyện. Việc cử hành Lời Chúa kết thúc với lời nguyện giáo dân.”

Thí dụ, nếu nghi lễ cho Rước lễ được cử hành ngay sau Thánh lễ trực tuyến, một lựa chọn hợp pháp là sử dụng một trong các bài đọc khác được đề xuất trong chữ đỏ trên đây, để không lặp lại các bài đọc trong ngày. Nếu nghi lễ được cử hành riêng biệt, thì sự lựa chọn tốt nhất là sử dụng các bài đọc của ngày ấy.

Ngoài ra còn có một hình thức ngắn hơn của nghi lễ với một bài đọc rất ngắn. Hình thức này có thể được sử dụng, khi chỉ có một hoặc hai người rước lễ mà thôi. (Zenit.org 7-4-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/distribution-of-communion-during-a-tv-mass/