11 giờ 30 Chúa Nhật 05/04/2020: Giáo Xứ Việt Nam tại Paris đã cử hành Lễ Lá trực tuyến, trong khuôn khổ dịch bệnh coronavirus. Cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang chủ lễ, cùng với cha Vũ Minh Sinh, chủ tịch Liên Tu sĩ, cha Trần Anh Dũng, cha Nguyễn Hữu Vinh đồng tế.

Trên vòng nhật nguyệt cung thánh là hai cành thiên tuế, cùng với cành lá trên bàn thờ. Mở đầu, cha chủ tế mời gọi các tín hữu hiệp thông với thánh lễ truyền hình: ‘‘Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá và cũng là ngày dẫn vào Tuần Thánh để tưởng niệm những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu nơi trần thế, lúc Ngài vào thành Giêrusalem giữa tiếng hoan hô của dân chúng, lúc Ngài lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, lúc Ngài bị kết án tử hình và chết trên thập giá. Nhưng cái chết đã không làm chủ được Ngài. Ngài đã phục sinh sống lại để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh với buổi cầu nguyện hôm nay và xin Chúa Kitô luôn nung đúc niềm tin của chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn nầy, biết chấp nhận những hy sinh để thông phần vào sự đau khổ của Ngài trên thập giá hầu được chia sẻ vinh quang Phục sinh và sự sống của Ngài.’’

Sau thánh ca nhập lễ ‘‘Hãy đến tung hô Chúa’’ là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô (21,1-11): ‘‘Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời.’’

Bài đọc 2 trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Philiphê (2,6-11): ‘‘Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”

Tiếp theo là bài Thương Khó Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô. (27,11-54): ‘‘… Chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Đang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simôn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Khi đến nơi gọi là Gôlgôtha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giêsu, vua dân Do thái.” Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái. (…) Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lêma xabáctha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Êlia !” Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không !” Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”

Trong phần chia sẻ lời Chúa, cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang nêu bật hai ý nghĩa tương phản của bài Thương khó: Phần I tung hô Chúa Giêsu vinh hiển vào thành Giêrusalem và phần II: Chúa thụ nạn sầu đau. Ngài mời gọi cộng đoàn theo gương Chúa Kitô: sống vâng lời, khiêm nhường và hy sinh, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, mỗi người sống trung thực với chính mình, với Thiên Chúa và với cộng đoàn, biết vâng phục hy sinh trong bối cảnh đại dịch lan tràn trên nước Pháp và khắp nơi trên thế giới.

Lời nguyện tín hữu thể hiện tình yêu Đức Kitô dành cho nhân loại, thôi thúc mỗi người một đáp trả:

1 - “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết”. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh sẵn sàng chết đi với Đức Kitô trong đời sống vâng phục thánh ý Chúa và hiến mình phục vụ con người, để lan tỏa niềm hy vọng và chia sẻ sức sống cứu độ cho Dân Chúa.

2 - Hôm nay là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Xin cho các bạn trẻ can đảm bước theo Đức Kitô, sẵn sàng sống chết vì niềm tin vào Người, để giữa bao thử thách, họ luôn hy vọng vươn lên, tỏa sáng một đức tin kiên vững đầy lòng mến Chúa - yêu người.

3 - Hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, xin cho những người bị bệnh Covid được tận tình giúp đỡ và chữa trị, để họ được giải thoát khỏi tình trạng bi đát này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các bác sĩ và nhân viên y tế có nhiều nghị lực và can đảm để chăm sóc bệnh nhân chóng được bình phục.

4 - Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cùng cầu nguyện cho những người di dân và những người vô gia cư. Họ không có nhà để trú thân và bảo vệ sức khỏe trước sự lây lan của bệnh dịch corona. Xin Chúa gìn giữ họ khỏi bệnh dịch và cho có nhiều bàn tay từ thiện đến giúp họ trong lúc này.

5 - Chúa Giêsu thưa: “Lạy Cha, nếu Con phải uống chén này, thì xin theo ý Cha”. Xin cho chúng ta luôn theo sát Chúa Giêsu trong Tuần Thánh này, sốt sắng hiệp thông với Chúa trong cuộc khổ nạn, để xứng đáng chia sẻ niềm vui phục sinh với Người.

Vị chủ sự đọc lời nguyện: Lạy Chúa, Con Chúa chấp nhận khổ đau và cái chết để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con kiên trung vác Thập giá mình mà bước theo Con Chúa giữa cuộc đời đầy gian khó, biết kề vai chia sẻ gánh nặng của tha nhân với lòng yêu mến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Các tín hữu tại gia hướng lòng về Mình Thánh Chúa và xin Chúa ngự vào lòng một cách thiêng liêng.

Sau cùng, vị chủ sự mời gọi mỗi người cùng hướng về Mẹ Maria, xin Mẹ phù hộ gia đình chúng ta, che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ và dẫn đưa tới sự sống muôn đời.

Thánh lễ trực tuyến của Giáo xứ là do kỹ sư Lương Công Bình thực hiện. Thánh lễ này tiếp nối truyền thống Thánh lễ Chúa Nhật (Le Jour du Seigneur) của Giáo hội Pháp, được cử hành luân phiên tại các giáo xứ trên toàn nước Pháp. Thánh lễ đầu tiên được phát sóng ngày 24/12/1948, do linh mục Raymond Pichard thuyết giảng và được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Lê Đình Thông