Chúa Nhật LỄ LÁ

Hôm nay với nghi thức làm phép và rước lá, tưởng niệm việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem trong vinh quang, Hội Thánh chính thức khai mạc tuần Thánh.

Lắng nghe và suy niệm bài Thương Khó dài tường thuật biến cố tử nạn đau thương, đầy ảm đạm của Chúa Giêsu, tôi lại thấy tiếng nói của thập giá vang trong tâm hồn mình, đòi hỏi cả một nỗ lực lớn, một lòng can đảm đầy quả cảm để có thể cùng Chúa vác thập giá bước theo Chúa suốt đời mình.

Đòi hỏi về sự quả cảm đó, không chỉ riêng bạn và tôi hôm nay, ngày xưa các môn đệ của Chúa cũng đã từng phải đối diện.

Đòi hỏi của thập giá là đòi hỏi nghiêm túc đến mức khắt nghiệt, có lúc ê chề, đau đớn. Các môn đệ Chúa Giêsu đã từng hoang mang, đau đớn như thế khi chứng kiến cuộc thương khó của Thầy.

Mới mấy ngày trước đây, dân chúng còn dành cho Thầy một vinh dự quá lớn khi đón tiếp Thầy vào thủ đô, vậy mà ngay sau đó, người ta đã trở mặt nhanh chóng và lạnh lùng.

Thay cho sự tiếp đón, bay giờ người ta dành cho Thầy những trận đòn độc ác đến ngỡ ngàng. Những trận đòn tàn nhẫn cứ y như là bao nhiêu nỗi căm hờn, sự tức tối, thù ghét chất chứa bao nhiêu năm tháng bây giờ được dịp bung ra dồn vào đầu ngọn roi, vào mọi lời sỉ vả, chửi bới, dồn vào những mũi đinh nhọn hằn học giết chết Thầy…

Hóa ra phút vinh quang của ngày lễ Lá chỉ là một ánh chớp thoáng qua rồi lịm tắt.

Đâu hết rồi cảnh huy hoàng của những người ái mộ trải áo, lót lá xuống đường nghênh đón Vua Trời? Đâu hết rồi những lời tung hô dậy trời: “Hoang hô con vua Đavit, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến ; hoang hô trên các tầng trời”? Đã biến đi đâu cảnh náo động đến tưng bừng khắp Giêrusalem khi “Tiên tri Giêsu” tiến vào thành?

Cứ như thế, niềm vui vừa mới chớm, nỗi khổ đã lên ngôi. Niềm vui sao mà nhỏ bé, còn nỗi buồn sao cứ ngất cao đầy ứ lòng người. Các môn đệ thấy hết, chứng kiến hết. Vậy đó, vinh quang chỉ là những ánh chớp, còn nỗi buồn cứ giăng mắc không thương tiếc. Không thể đối diện với nó, các môn đệ chỉ còn biết trốn chạy.

Cuộc thương khó vượt quá tầm hiểu biết, vượt lên trên mọi lý lẽ của mình, bởi sức người khó có thể chấp nhận được vì sao Đấng là Thiên Chúa làm người lại có thể bị vùi giập đến tan nát như thế?

Càng không thể hiểu, các môn đệ càng sợ hãi, càng mất tất cả niềm hy vọng, mất tất cả sinh lực sống. Các môn đệ Chúa Giêsu trở thành những kẻ bi quan, khiếp đảm, bạc nhược.

Nhưng đâu chỉ có thế, đòi hỏi của thập giá là đòi hỏi cá nhân, dành cho mỗi một người, cần sự đáp trả bằng lòng trung thành của mỗi một người.

Để chấp nhận thập giá và để đáp ứng mọi đòi hỏi của thập giá, chỉ có một điều kiện duy nhất, cũng là điều kiện tiên quyết, đó chính là lòng yêu mến thâm sâu và cá vị với Chúa Giêsu.

Thánh Gioan tông đồ, Đức Maria là những người có tâm hồn chan chứa lòng yêu mến ấy. Chính vì lòng yêu mến cá vị này, mà cả hai: Đức Mẹ và thánh Gioan đã can đảm chứng kiến đến giây phút sau cùng nỗi đau của thập giá mà Chúa Giêsu đã chấp nhận suốt đời của Người cho đến đỉnh cao là cái chết bi thương trên đồi Sọ.

Bởi thập giá Chúa Giêsu phải gánh lấy đâu chỉ là cây thập giá bằng gỗ trên đường thương khó, mà nó còn là cây thập giá suốt chiều dài trên đường dương thế của Người.

Chứng kiến đến cùng bằng sự nhìn ngắm thẳm sâu và bằng tình yêu hiệp thông mật thiết cách cá vị như thế, chính là lúc Mẹ Maria cũng như thánh Gioan tông đồ đã cùng kề vai vác thập giá với Chúa.

Chính trong tình yêu, nỗi đau hay niềm vui của người này trở thành nỗi đau hay niềm vui của người kia. Bởi đó ta có thể nói, trong lòng yêu mến cá vị của mình, thập giá của Chúa chính là thập giá của Đức Maria, của thánh Gioan khi đi bên cạnh Chúa Giêsu.

Cũng là người môn đệ của Thầy Giêsu trong cuộc đời này, chắc chắn đòi hỏi của thập giá đã và sẽ tiếp tục không khước từ chúng ta.

Theo Chúa giữa lúc Chúa được tung hô, chẳng khó gì. Nhưng tiếp tục theo Chúa và ở lại với Chúa giữa lúc Chúa bị loại trừ, bị bách hại là một khó khăn lớn. Càng dấn bước theo Chúa sâu xa bao nhiêu, đòi hỏi của thập giá càng lớn lao, mạnh mẽ và dữ dội bấy nhiêu.
Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, nhìn mẫu gương của thánh Gioan tông đồ mà cố gắng hiến dâng tình yêu, hiến dâng lòng trung thành của mình.

Hoặc nếu đã có lần nào ta va vấp trong cuộc đời, thì hãy nhìn mẫu gương của mười tông đồ còn lại, là những người đã từng khiếp đảm trốn chạy, nhưng cũng đã lấy lại niềm tin để tiếp tục sống trung thành.

Những tấm gương ấy sẽ tạo thêm nghị lực cho mình, đủ sức đứng lên làm lại những gì đã mất.

Mẫu gương trung thành của Đức Mẹ, của các thánh tông đồ phải là bài học thường xuyên liên tục suốt đời Kitô hữu của bạn và của tôi.

Nguyện xin Đức Mẹ, xin các thánh Tông đồ cầu bàu cho chúng ta, để chúng ta hoàn thành những đòi hỏi của thập giá suốt cuộc đời mình cách xuất sắc nhất.