Trong tuần này, tấm bích chương giới thiệu cuốn phim ‘‘Le Pape François - Un homme de parole’’ được dán khắp nơi ở Kinh thành Ánh sáng, trên các đại lộ, lối vào métro, dọc theo tuyến xe điện, giới thiệu vị giáo chủ, lời nói đi đôi với việc làm.

Cuốn phim do đạo diễn Wim Wenders thực hiện, mời gọi khán giả tìm hiểu hành trình của Đức Thánh Cha Phanxicô với các công việc của ngài, những cải cách, những lời giải đáp của vị giáo chủ về cái chết, về công bằng xã hội, các vấn đề di dân, môi sinh, sự chênh lệch giàu nghèo, về chủ nghĩa duy vật hoặc về vai trò của gia đình.

Khán giả trực diện với Đức Thánh Cha, trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa đấng kế vị thánh Phêrô và thế giới hôm nay. Ngài trả lời các công nhân, giới thợ thuyền, ông già bà cả, những người lâm cảnh tù đầy, những người sống chen chúc trong các khu ổ chuột. Tất cả tiêu biểu cho mọi thành phần của nhân loại hôm nay. Ngài gửi thông điệp từ diễn đàn Liên Hiệp Quốc, cạnh đài kỷ niệm Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, đài kỷ niệm người Do Thái bị tàn sát ttrong Đệ Nhị Thế chiến ở Jérusalem. Ngài tới thăm hỏi các tù nhân trong trại giam. Nói chung, ngài nối vòng tay lớn với mọi thành phần xã hội trong cả năm châu lục.

Trong cuốn phim, Đức Thánh Cha Phanxicô cho ta thấy cái nhìn của ngài về Giáo Hội, nỗi ưu tư, trăn trở trước cảnh nghèo khó, túng bẫn, sự dấn thân của ngài về vấn đề môi sinh, lời kêu gọi hòa bình trước các cuộc xung đột vũ trang và trước thù hận của những thành phần khủng bố cực đoan.

Suốt cuốn phim trải dài tư tưởng của thánh Phanxicô. Thánh nhân là tấm gương sáng ngời của tình huynh đệ và lòng nhân ái. Một số hình ảnh đen trắng cực tả ý nguyện của vị giáo chủ muốn trở thành một ‘‘Poverelle’’ trong kiếp sống nghèo, khiêm hạ.

Đức Thánh Cha là một nhân vật tri hành hợp nhất, dẫn ta đến với tha nhân trong một xã hội tràn lan tham nhũng, ngài mời gọi chúng sinh sống theo tinh thần Phúc âm.

Paris, ngày 07/09/2018

Lê Đình Thông