PHẦN II: Giải Thích

Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi

73. Trong Phần II, chúng ta cần đào sâu thêm một số yếu tố và động lực để có thể giải thích thỏa đáng các tình huống đã mô tả trong Phần I. Lời kêu gọi của Chúa Kitô để sống theo các ý định của Người là chân trời tham chiếu của chúng ta và, đồng thời, là nguồn cho sự bồn chồn và cuộc khủng hoảng có lợi: «Đức tin mà không gây phiền phức cho chúng ta là một đức tin phiền phức. Đức tin mà không khiến chúng ta phát triển là một đức tin cần phải phát triển. Đức tin mà không đặt ra các câu hỏi là một đức tin phải được đặt câu hỏi. Đức tin mà không khuấy động chúng ta là một đức tin cần được khuấy động. Một đức tin không lay động chúng ta là một đức tin cần được lay động» (Đức Phanxicô, Lời chúc mừng Giáng sinh với Giáo Triều Rôma, 21/12/2017).

Chương I: Ơn Phúc Tuổi Trẻ

74. Để hiểu sự thật về tuổi trẻ, một tuổi không những là một điều kiện hiện thời, mà còn là một tuổi đặc biệt trong đời sống vốn là một phần của thân phận con người đúng nghĩa của chúng ta, chúng ta phải đưa ra một quan điểm nhân học và thánh kinh, vì Lời Thiên Chúa đem lại cho chúng ta các yếu tố để ta hiểu và giải thích giai đoạn quyết định này trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, nếu Giáo hội là «tuổi trẻ thực sự của thế giới», thì việc rõi sáng lên các đặc điểm đặc trưng và phổ quát của tuổi trẻ có nghĩa là thu thập các yếu tố có giá trị để giúp Giáo Hội «trẻ trung hóa hình ảnh của mình» (Công đồng Vatican II, Diễn văn với thanh niên nam nữ), vì Thượng Hội đồng Giám mục «cũng sẽ là một lời kêu gọi Giáo hội tái khám phá tính năng động trẻ trung đổi mới» (Đức Phanxicô, Diễn văn tại cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng, 2).

Chúa Kitô, "một người trẻ giữa những người trẻ"

75. Tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và thú vị trong đời, mà chính Chúa Kitô đã trải qua, Người thánh hóa nó bằng sự hiện diện của mình. Thánh Irênê thành Lyons giúp chúng ta hiểu rõ thực tại này, khi ngài nói rằng «Chúa Giêsu không bác bỏ hay bỏ qua bất cứ điều kiện nào của nhân loại, cũng không bãi bỏ nơi Người lề luật mà Người đã chỉ định cho nhân loại, nhưng Người thánh hóa mọi lứa tuổi bằng sự tương tự mà chúng ta có với Người. Vì Người đến để cứu mọi người nhờ phương thế là chính Người – mọi người, tôi xin nói, tất cả những ai nhờ Người được tái sinh cho Thiên Chúa - trẻ sơ sinh, và trẻ em, các chàng trai, thanh thiếu niên, và những người già. Do đó, Người đã trải qua mọi lứa tuổi, trở thành một trẻ sơ sinh cho các trẻ sơ sinh, do đó đã thánh hóa các trẻ sơ sinh; trở thành một em bé cho các em bé, do đó thánh hóa các em ở độ tuổi này, cùng một lúc, trở thành một điển hình về lòng đạo đức, chính trực và tùng phục cho các em; trở thành một thanh niên cho các thanh thiếu niên, nên điển hình cho giới trẻ, và do đó thánh hóa họ cho Chúa » (Chống lại các Lạc Giáo, II, 22,4). Do đó, Chúa Giêsu là “một người trẻ giữa các người trẻ”, và Người muốn gặp họ và bước đi bên cạnh họ, như Người đã làm với các môn đệ trên đường Emmau (xem Lc 24: 13-35). Ngày nay, Người vẫn muốn hiến mình Người hoàn toàn để mỗi người trẻ có thể có được cuộc sống dồi dào (xem Ga 10:10).

Lời mời gọi phổ quát bước vào niềm vui yêu thương

76. Trả lời Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng, một thanh niên chắc chắn rằng «tin vào Thiên Chúa là nguồn yêu thương và niềm vui, không phải là nỗi buồn!». Một chủ đề liên tiếp diễn ra thời tuổi trẻ là niềm vui: “Hỡi những ai trẻ tuổi, hãy hạnh phúc lúc còn trẻ tuổi, và hãy để trái tim các ngươi hân hoan trong thời trẻ trung” (Gv 11: 9; xem Kn 2: 6) ). Mệnh lệnh hân hoan ở trong tuổi trẻ một cách khá tự nhiên, dựa vào vẻ đẹp thể lý vốn trở thành điểm chú ý và thu hút người khác. Thể xác trong mọi nét rực rỡ và sung mãn của nó trở thành không gian của tình yêu, được coi như một mầu nhiệm của con người nhân bản, sẽ kéo dài muôn thu vì được thấm nhiễm tình yêu. Đây là lý do tại sao tình yêu «hy vọng tất cả» (1Cr 13: 7), và mọi người trẻ đều được kêu gọi trở thành những người loan báo sự sống lại (xem Mc 16: 6). Toàn bộ Diễm Ca cử hành cuộc tình giữa hai người trẻ tìm kiếm nhau và thèm khát nhau như một biểu tượng thực sự của tình yêu cụ thể giữa Thiên Chúa và dân Người, cho thấy ơn gọi bước vào niềm vui qua tình yêu có tính phổ quát và không thể ngăn cản. Nhiều người tin rằng Giáo Hội cần làm sống lại lời kêu gọi của mình nhằm đóng góp vào niềm vui của người trẻ một cách tự do và vô vị lợi (xem 2Cr 1:24).

Sức mạnh thể lý, dũng cảm tinh thần và can đảm chấp nhận rủi ro

77. «Vinh quang của người trẻ là sức mạnh của họ» (Châm ngôn 20:29). Tuổi trẻ có đặc điểm ở thái độ chủ động một cách tự nhiên đối với cuộc sống: thời gian năng lực vật lý tột đỉnh được kèm theo sự dũng cảm độc đáo trong việc đối đầu với các thách thức của đời sống và táo bạo bước theo các nẻo đường mới. Trong nhân vật Thánh Kinh Giosuê, phụ tá của Môsê từ thời niên thiếu, các đặc điểm này xuất hiện rõ ràng ngay khi ông được kêu gọi lãnh đạo dân Chúa để chinh phục Đất hứa. Nhiều lần ông được thúc giục «hãy mạnh mẽ và can đảm», cả bởi Môsê (Đnl 31: 7,23) lẫn bởi chính Thiên Chúa (Gs 1: 6,7,9). Giáo Hội mong muốn ngỏ cùng những lời lẽ này với mọi người trẻ sắp đối diện với các thách thức và rủi ro của đời sống, theo các chỉ dẫn của Thánh Tông Đồ Gioan: «Tôi viết thư cho anh em, hỡi những người trẻ tuổi, vì anh em mạnh mẽ, và lời của Thiên Chúa sống trong anh em, và anh em đã vượt thắng thần ác» (1Ga 2:14). Trong phần I, việc phân tích tình thế đã cho thấy người trẻ ngày nay rất dễ đánh mất sự dũng cảm và lòng can đảm vốn đặc trưng đối với giai đoạn này của đời sống, sa vào sợ hãi và nản chí. Chính Giáo hội cũng có nguy cơ mất đi sự hào hứng vốn phát sinh từ lời mình kêu gọi phải nắm lấy rủi ro của đức tin, do đó, đã thu mình vào các an toàn giả hiệu của thế gian. Cần phải phục hồi các động lực này.

Không chắc chắn, sợ hãi và hy vọng

78. Khi họ đối diện với cuộc sống, nhất là ngày nay và thời nay, người trẻ trải nghiệm sự ngẫu nhiên và phân mảnh của cuộc sống. Việc thiếu an toàn tạo ra sự không chắc chắn, việc có quá nhiều chọn lựa sẵn có cũng tạo ra sự lẫn lộn mơ hồ, trong khi sự hiện diện của thù hận và bạo lực khiến các thế hệ mới đầy sợ hãi, giảm thiểu lòng tin của họ đối với các tài nguyên của chính họ. Làm thế nào một người trẻ tuổi có thể là một tiên tri của hy vọng trong một thế giới nơi thối nát và bất công mặc sức tung hoành? Đó là tình huống y hệt như tình huống của tiên tri Giêrêmia, khi đối diện với lời kêu gọi trở thành tiên tri các dân nước, ông đã nhắc đến tuổi trẻ của mình với Chúa: «Ôi, Chúa ơi! Này, tôi không biết cách nói, vì tôi chỉ là một thiếu niên »(Giêrêmia 1: 6). Ông cảm thấy cần có Thiên Chúa ở gần ông, Đấng, mà qua ơn thánh của Người, sẽ đem niềm hy vọng đáng tin cậy vào cõi hiện sinh mong manh của ông.

Mặt khác, tuổi trẻ là tuổi mang theo sự thiếu kinh nghiệm và, do đó, sự sợ hãi hợp lý và sự không chắc chắn về cơ cấu khi đối diện với các nhiệm vụ lớn lao mà đời sống vốn dành cho ta. Mọi người trẻ đều khao khát sự đồng hành, hỗ trợ, thân mật, gần gũi. Giêrêmia chỉ thanh thản trở lại khi chính Thiên Chúa ngỏ các lời sau đây với ông: «Đừng sợ họ, vì Ta ở cùng ngươi và sẽ giải cứu ngươi” (Giêrêmia 1: 8). Do đó, nhiều người trẻ yêu cầu có được một Giáo Hội là mẹ và không bao giờ lãng quên họ (xem Is 49: 15-16).

Sa ngã, ăn năn và chào đón

79. Phát triển khả năng yêu thương vẫn là vẻ đẹp và nguy cơ của tuổi trẻ, bởi vì tình yêu, khi được theo đuổi và sống một cách hỗn loạn, có thể trở thành một đam mê bất kham và một lực phá hoại chỉ đem đến nỗi buồn. Sự ác và tội lỗi cũng có trong cuộc sống của người trẻ và lời họ yêu cầu được chào đón và tha thứ là một tiếng kêu mà chúng ta phải chú ý. Một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, kể về câu chuyện của hai người con trai và là anh em, là dụ ngôn "người cha thương xót", nhưng ta cũng có thể gọi nó là "dụ ngôn của người cha ra ngoài hai lần" (xem Lc 15: 11-32): lần đầu tiên để chào đón đứa con trai thứ của mình sau thời gian bất cẩn và bất kham, và lần thứ hai để xin đứa con trai trưởng, người mà trái tim đã cứng đờ và tê liệt, trở vào trong nhà để ăn mừng và chia sẻ niềm vui của việc em trai mình trở về. Người Cha trong câu chuyện dụ ngôn này là khuôn mặt “người lớn” đích thực mà nhiều người trẻ đang tìm kiếm trong đời sống họ và, thật không may, họ không tìm thấy. Câu chuyện dụ ngôn này đề cập đến người cha can đảm, người đã để cho con cái mình trải nghiệm rủi ro của tự do, mà không áp đặt các ràng buộc làm tổn thương các chọn lựa của chúng. Ông là một người cha có trái tim lớn đến mức không loại trừ bất cứ ai và ông muốn tái hòa nhập mọi người trong gia đình ông cùng một lúc. Giáo Hội được kêu gọi đảm bảo rằng mọi người trẻ mình gặp gỡ trên đường mình đi đều có thể trải nghiệm được cùng các thái độ phụ mẫu này.

Việc sẵn sàng lắng nghe và nhu cầu đồng hành

80. Trong Tài Liệu Chuẩn Bị, các nhân vật Gioan và Maria mô tả hữu hiệu việc sẵn sàng lắng nghe và ước muốn bước vào con đường biện phân ơn gọi không thể hoàn thành trong một khoảnh khắc, nhưng trở thành một hành trình hiện sinh liên tục được đồng hành bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu, là thầy, người mẫu và bạn bè của mọi người trẻ.

81. Trong số các lời kêu gọi trong Thánh Kinh ngỏ trực tiếp với người trẻ, chúng ta tìm thấy lời kêu gọi ngỏ với Samuen (xem 1Sm 3: 1-21). Ở đó, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng thời trẻ là thời để lắng nghe, nhưng cũng là thời khi người ta không có khả năng tự mình hiểu được lời của đời sống và Lời của Thiên Chúa. So với người lớn, người trẻ thiếu kinh nghiệm: người lớn “nhờ thường xuyên tập luyện, đã tự rèn luyện mình trong việc phân biệt điều tốt với điều xấu” (Dt 5:14). Do đó, họ giả thiết phải làm gương sáng chủ yếu vì lương tâm chính trực của họ, một điều vốn xuất phát từ sự thực hành liên tục việc chọn lựa giữa điều thiện và điều ác. Việc đồng hành với các thế hệ trẻ không phải là một yếu tố nhiệm ý trong nhiệm vụ giáo dục và truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ, mà là một nhiệm vụ của giáo hội và là một quyền của mọi người trẻ. Chỉ có sự hiện diện thận trọng và khôn ngoan của Eli mới cho phép Samuen giải thích chính xác lời lẽ Thiên Chúa ngỏ với mình mà thôi. Về khía cạnh này, các ước mơ của người lớn và các lời tiên tri của người trẻ chỉ cùng nhau xảy ra mà thôi (xem Gioen 3: 1), do đó, đã xác nhận tính hợp lệ của các liên minh liên thế hệ.

Trưởng thành đức tin và hồng phúc biện phân

82. Trước hết và trên hết, đức tin là một hồng phúc được chào đón và sự trưởng thành của nó là con đường phải theo. Tất nhiên, trước tiên chúng ta phải nhắc lại rằng «làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ một biến cố, một con người, một cuộc gặp gỡ mang lại cho đời sống một chân trời mới mẻ và một hướng đi dứt khoát» (DC 1; EG 7). Cuộc gặp gỡ này tạo ra một kinh nghiệm thay đổi cuộc sống, điều hướng nó theo lối đối thoại và trách nhiệm. Khi họ lớn lên, mọi người trẻ đều nhận ra rằng đời sống lớn hơn họ, và họ không kiểm soát được mọi điều trong cuộc hiện sinh của họ; họ nhận ra họ có thế nào là nhờ sự quan tâm chăm sóc nhận được từ những người khác, trước hết là cha mẹ họ. Họ trở nên xác tín rằng, muốn sống tốt, họ phải lãnh trách nhiệm vì người khác, tái tạo các thái độ chăm sóc và phục vụ từng giúp họ phát triển. Trên hết, họ được mời gọi xin cho được ơn biện phân, vốn không phải là một kỹ năng mà ta có thể tự sức mình phát triển được, nhưng chủ yếu là một hồng phúc mà chúng ta phải tiếp nhận, thực hành cách cẩn trọng và phát triển cách khôn ngoan. Và người trẻ nào nhận được hồng phúc biện phân này và biết cách làm cho nó sinh hoa trái, là một phước lành đối với những người trẻ khác và đối với mọi người.

83. Vua trẻ Solomon, khi được mời xin Thiên Chúa điều ông muốn cho vai trò quyết định của mình, đã xin được «một trái tim hiểu biết» (1V 3: 9). Và Thiên Chúa lập tức đánh giá cao lời cầu xin này: «Bởi vì ngươi đã xin cho chính ngươi sự hiểu biết để biện phân điều đúng, này, giờ đây, Ta làm theo lời xin của ngươi» (1V 3: 11-12).

Mọi người trẻ đều thực sự là “những người cai trị” chính cuộc sống của họ cách nào đó, nhưng họ cần được giúp đỡ để biết xin ơn biện phân và được đồng hành để đạt tới sự toàn vẹn của việc hiến mình. Câu chuyện nữ hoàng trẻ Esther soi sáng ta về khía cạnh này: được đồng hành và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của dân (xem Et 4:16), bà đã từ bỏ các đặc ân của mình và can đảm liều chết để cứu dân, chứng tỏ cho mọi người thấy sự dũng cảm trẻ trung và sự tận tụy nữ tính đã có thể tiến xa đến mức nào.

Kế hoạch đời sống và các động lực ơn gọi

84. Trong thời kỳ trẻ trung, việc xây dựng bản sắc đã được hình thành. Thời ta, một thời được đánh dấu bằng tính phức tạp, phân mảnh và không chắc chắn về tương lai, việc thiết lập được một kế hoạch cho đời sống là một điều khó khăn, nếu không nói là không thể. Trong tình huống khủng hoảng này, sự đóng góp của Giáo Hội thường nhằm hỗ trợ các dự án sống tốt đẹp. Trong những trường hợp may mắn hơn, và ở bất cứ nơi nào người trẻ dễ tiếp thu hơn, loại chăm sóc mục vụ này giúp họ một cách hữu hiệu trong việc khám phá ra ơn gọi của họ, một điều, xét cho cùng, vẫn là một thuật ngữ chỉ có thể áp dụng cho một ít cá nhân may mắn và là một lý tưởng nói lên mục đích phải đạt tới. Nhưng cách thực hành sự việc kiểu này há không có nguy cơ giảm thiểu và xâm hại sự thật trọn vẹn của thuật ngữ “ơn gọi” đó ư?
Về phương diện này, điều hữu ích là nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên giàu có (xem Mt 19: 16-22; Mc 10: 17-22; Lc 10: 25-28). Ở đó, ta thấy Vị Thầy thành Nadarét không ủng hộ kế hoạch sống của chàng thanh niên, mà Người cũng không đề nghị cách để đạt được kế hoạch này; Người không đề nghị thêm các cam kết, cũng như Người không muốn lấp đầy sự trống rỗng của chàng thanh niên, khi anh ta hỏi Người: «Tôi còn thiếu điều gì?»; ít nhất, Người không muốn lấp đầy sự trống rỗng này bằng cách ủng hộ ý nghĩ của chàng thanh niên về tương lai của anh. Chúa Giêsu không lấp đầy sự trống rỗng của anh, nhưng thay vào đó yêu cầu chàng thanh niên tự làm rỗng mình để dành chỗ cho một tầm nhìn mới hướng tới việc tự hiến mình qua một cách tiếp cận mới với cuộc sống, phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Người, Đấng vốn là “đường, sự thật và sự sống »(Ga 14: 6). Bằng cách này, qua một việc mất phương hướng thực sự, Chúa Giêsu yêu cầu chàng thanh niên lên khuôn lại toàn bộ cuộc sống của anh. Đây là lời mời gọi nhận lãnh rủi ro, mất đi những gì đã kiếm được, để tin tưởng. Đây quả là một cuộc khiêu khích nhằm phá bỏ lối tư duy lập kế hoạch mà nếu đi đến chỗ cực đoan sẽ dẫn đến thái độ tự yêu mình thái quá và tự rút lui vào chính mình. Chúa Giêsu mời chàng thanh niên bước vào kiểu tư duy của đức tin, một kiểu tư duy thách thức cuộc sống của anh một khi anh bước chân theo Chúa Kitô, bằng ánh mắt yêu thương mãnh liệt đi trước và đồng hành: «Chúa Giêsu nhìn anh ta và yêu anh ta. Người nói "Anh còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết mọi thứ anh hiện có và cho người nghèo, và anh sẽ có một kho báu ở trên trời. Sau đó, hãy đến, theo tôi» (Mc 10:21).

Kỳ sau: Chương Hai: Ơn gọi trong ánh sáng đức tin