Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phản ứng của Giáo hội Chính thống Nga trước tuyên bố của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô về Ukraine

Theo tin của Interfax hôm 18 tháng Sáu, Giáo hội Chính thống Nga đã bày tỏ sự bối rối trước tuyên bố gần đây của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Tòa Constantinople, theo đó hàng triệu người Ukraine “không thuộc quyền tài phán” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tháng Tư vừa qua, tổng thống Poroshenko của Ukraine đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô để yêu cầu ngài ủng hộ một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập, tách khỏi qũy đạo Mạc Tư Khoa. Sau cuộc họp không có chi tiết nào về cuộc họp giữa hai vị được tiết lộ.

Nay với tuyên bố này Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, là Thượng Phụ danh dự của Chính Thống Giáo, chính thức ủng hộ ý kiến của tổng thống Poroshenko.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn với Interfax rằng:

“Thật ngạc nhiên khi nghe từ một nhà lãnh đạo tôn giáo rằng toàn bộ hàng triệu người Ukraine nằm ngoài quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chúng tôi và do đó cần có sự can thiệp khẩn cấp từ bên ngoài. Nhưng còn Giáo hội Chính thống Ukraine từ lâu vẫn thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với hơn 12,000 giáo xứ, trên 200 tu viện, và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine thì sao?”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã công khai chào đón Đức Tổng Giám Mục Onufry của Kiev và Toàn Ukraine tại hội nghị các nhà lãnh đạo các Giáo hội Chính thống địa phương vào năm 2016, và gọi Đức Giám Mục Onufry là “hàng giáo phẩm duy nhất của Giáo hội Chính thống ở Ukraine, một cách tự nhiên, như với tất cả các tổng giám mục Chính Thống Giáo khác.”

Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói rằng “những người ly giáo Ukraine, chứ không phải người dân Ukraine nằm ngoài sự hiệp thông với Giáo hội chúng tôi”, và nói thêm rằng ly giáo đời nào cũng có và Chính Thống Giáo Nga sẽ vượt qua như đã từng vượt qua vào thập niên 1990.

2. Vài nét về Giáo hội Chính thống Ukraine

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tổng thống Pháp vào ngày 26 tháng 6

Môi trường, người di cư, châu Âu là những chủ đề chính trong “cố gắng chung” mà tổng thống Emmanuel Macron sẽ thảo luận với Đức Thánh Cha vào ngày 26 tháng Sáu, trong chuyến thăm của ông tới Vatican. Tiếp theo bài diễn văn của ông trước các Giám Mục Pháp tại học viện Bernardins hôm 9 tháng Tư, một diễn tiến hòa giải hơn với Giáo Hội Công Giáo sẽ xảy ra khi ông Emmanuel Macron đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để nhận danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ này.

Ông Emmanuel Macron được tin là sẽ đi cùng với ông François Bayrou là chủ tịch của phong trào Dân Chủ Pháp gọi tắt là MoDem.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc mừng ông Emmanuel Macron sau khi ông thắng cử cách đây một năm, và khích lệ ông tăng cường “truyền thống Kitô giáo” của Pháp để thăng tiến “một xã hội công bằng hơn”.

Theo một truyền thống bắt đầu vào thế kỷ 15 khi nước Pháp còn theo chế độ quân chủ (dưới thời Vua Henry Đệ Tứ), các nhà lãnh đạo Pháp được tự động trao danh hiệu “Kinh sĩ danh dự duy nhất” của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ của giáo hoàng với tư cách là giám mục Rôma. Các nhà lãnh đạo Pháp, kể cả những người vô thần, đều được tự động trao danh hiệu này. Tuy nhiên, những người vô thần hay có ác cảm với Công Giáo thường không tỏ ra hứng thú với danh hiệu đó. Tổng thống Emmanuel Macron chào đời trong một gia đình vô tín ngưỡng nhưng khi lên 12 tuổi, ông tự mình xin được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tháng 11, tổng thống Pháp bày tỏ ý định hân hoan được nhận danh hiệu này.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, là Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseille, xác nhận vào tháng Ba năm nay rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Pháp đã được “dự tính” nhưng vẫn cần phải tìm một thời điểm thích hợp trong lịch làm việc dày đặc của Đức Giáo Hoàng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Croix vào năm 2016, chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý muốn thăm Marseille, Lộ Đức và Paris. Nhưng đến nay không có thông báo nào của Vatican về một chuyến đi sắp tới tới Pháp.

4. Các linh mục tại tiểu bang Nam Úc nói rằng các ngài thà vào tù còn hơn là vi phạm ấn tín tòa giải tội.

Nam Úc đã thông qua một luật mở rộng việc bắt buộc các linh mục phải báo cáo những hành lạm dụng tình dục trẻ em, cho dù việc báo cáo như thế là vi phạm ấn tín tòa giải tội. Sau một đề nghị của Ủy Ban Hoàng Gia, các tiểu bang khác cũng đang xem xét việc áp dụng luật này. Tuy nhiên, nhiều linh mục đã bác bỏ ý tưởng này và khẳng định rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì vi phạm niềm tin của mình.

Cha Michael Whelan, một linh mục thuộc Giáo xứ Thánh Patricks tại Church Hill, Sydney nói rằng “Tiểu bang sẽ đòi buộc chúng tôi là những linh mục Công Giáo phạm một tội được coi là một tội ác nghiêm trọng nhất và tôi nhất định sẽ không làm điều đó.”

Cha Whelan nói rằng ngài không tin Giáo Hội đứng trên luật nhưng ngài đặt niềm tin của mình lên trên hết mọi thứ khác.

Cha nói rằng “Một khi nhà nước cố gắng xen vào tự do tôn giáo của chúng tôi, coi thường nền tảng của người Công Giáo thì chúng tôi sẽ chống lại.”

Cha Whelan trình bày những quan ngại liên quan đến cách thế chính quyền áp dụng một luật như vậy và làm sao họ biết được là các linh mục có báo cáo hay không? Cha Whelen cũng đưa ra một giải pháp khác, theo đó thay vì buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, nếu một người lạm dụng trẻ em đến xưng tôi, thì linh mục sẽ can thiệp “ngăn chặn họ ngay lập tức.”

Những tiểu bang khác như New South Wales cũng đang xem xét trong tháng tới là liệu họ có thi hành những luật tương tự hay không.

Cha Whelan nói rằng “Tôi cho rằng mỗi khu vực tài phán ở Úc bây giờ sẽ áp dụng khuyến cáo này nhưng tôi kỳ vọng là Giáo Hội trên cả nước sẽ đơn giản là không tuân hành cái luật đó.”

5. Những nỗ lực nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại sự hài hòa qua đối thoại.

Theo Thông tấn xã Fides từ Yangon cho hay Giáo hội địa phương và các tổ chức phi chính phủ đang phát động một chiến dịch nhằm kết thúc những tranh chấp thù địch hầu đem lại cuộc sống hài hòa qua những nỗ lực đối thoại.

Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên trong khu vực đang nỗ lực đưa những người di tản về những nơi an toàn, tổ chức các hoạt động dành cho các trẻ em vị thành niên và các cuộc thăm viếng các gia đình mới đến các trại tập trung. Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên cũng tìm hiểu để định giá các nhu cầu cấp thiết nhất trong các khu vực có số lượng những người di cư cao nhất, họ đặc biệt cần được giáo huấn… Các dịch vụ xã hội của Dòng Tên đang hỗ trợ các tổ chức đối tác tại bang Kachin hầu cung cấp các dịch vụ giáo dục cho các trại tị nạn, lo cung ứng các học phí và các tài liệu giáo dục, lương bổng cho giao chức và đào tạo giáo viên.

Sau vụ đánh bom thảm khốc vừa qua và các cuộc không chiến của các lực lượng vũ trang Miến Điện, hàng ngàn thường dân - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - đã phải bỏ làng mạc mà chạy trốn. Từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo (UNOCHA), cho chúng tôi hay có hơn 6.800 người đã bị di tản nội trong tháng Tư vừa qua.

Tổng cộng có hơn 100.000 người di cư trong cuộc nội chiến vừa qua đang phải sống vất vưởng trong các trại được thiết lập trong toàn tiểu bang Kachin.

Các giáo xứ địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, một số cơ quan chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Myanmar và các nhà tài trợ tư nhân tiếp tục cung ứng những nhu cầu cho những người mới di tản tới được cung cấp đầy đủ thực phẩm và chỗ ăn ở. Đặc biệt lưu tâm tới các phụ nữ đang mang thai, các trẻ em và người già là những người dễ bị tổn thương nhất. Các bậc cha mẹ đã tẩu thoát với con cái đang lo âu về việc giáo dục của các em, vì không biết các em di tản này có được phép theo học tại các trường công lập nơi các em tạm trú hay không.

6. Giáo Hội tại Nam Hàn cầu nguyện cho đất nước

Sau 2 cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử, các giám mục Hàn Quốc vừa ra một thông cáo kêu gọi người Công Giáo thực hiện một tuần cửu nhật cho chín mục đích cụ thể cho bán đảo Triều Tiên.

Tuần cửu nhật bắt đầu ngày 16/6/18 và kết thúc ngày 25 tháng 6, đó cũng là ngày đỉnh điểm cuả tuần cửu nhật, với chủ đề “Ngày cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của nhân dân Hàn Quốc”.

Các giám mục Hàn Quốc đã từng thực hiện nhiều sự kiện như thế để cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Theo Đức Tổng Giám Mục Kim Hee-joong ở Gwangju, người Công Giáo Hàn Quốc đã dùng ngày 25 tháng 6 hằng năm là một ngày cầu nguyện cho bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1965.

Tuần cửu nhật đầu tiên dành cho việc hòa giải và đoàn kết của Hàn Quốc đã được tổ chức vào tháng 6 năm 1993, khi Bắc Triều Tiên bắt đầu rơi vào nạn đói triền miên. Đó là kết quả cuả một nên kinh tế cộng sản phụ thuộc nặng nề vào Liên Xô đã bị xụp đổ. Theo ước tính của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thì có khoảng từ 500.000 đến 600.000 người đã chết vì đói ở Bắc Triều Tiên từ năm 1993 đến năm 2000.

Tuần cửu nhật là một thời gian chín ngày liên tiếp để cầu nguyện cho một ý định cụ thể nào đó, thí dụ như xin một vị thánh ban ơn lành. Đó là một mô hình dựa theo sự việc các thánh tông đồ đã cầu nguyện chín ngày trong khoảng thời gian giữa lễ thăng thiên của Chúa Giêsu và Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Linh.

Chín ý chỉ cầu nguyện cuả giáo hội Hàn quốc trong dịp này cũng phản ảnh 9 vấn đề mà bán đảo Triều Tiên đang phải đối mặt.

Ngày 17 tháng 6: Cầu nguyện cho việc chữa lành của một quốc gia bị chia cắt.

Ngày 18 tháng 6: Cầu nguyện cho các gia đình bị chia ly.

Ngày 19 tháng 6: Cầu nguyện cho các anh chị em Bắc Triều Tiên

Ngày 20 tháng 6: Cầu nguyện cho những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên

Ngày 21 tháng 6: Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc

Ngày 22 tháng 6: Cầu nguyện cho việc phúc âm hóa Bắc Triều Tiên

Ngày 23 tháng 6: Cầu nguyện cho các cuộc giao lưu giữa Bắc và Nam Hàn

Ngày 24 tháng 6: Cầu nguyện cho sự hòa giải thực sự giữa hai miền Bắc Nam

Ngày 25 tháng 6: Cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của người dân Hàn Quốc

7. Giám Mục Việt Nam thất vọng với cách hành xử của nhà cầm quyền

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục nghỉ hưu của Giáo phận Kontum, đã công bố một lá thư ngỏ ký ngày 16 tháng 6 năm 2018, gởi cho Trần Đại Quang, Chủ tịch nhà nước Việt Nam, để chỉ trích mạnh mẽ luật mới về Internet vừa được thông qua. Vị Giám Mục kêu gọi chế độ tôn trọng ý nguyện và quyền hợp pháp của công dân, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị bắt trong những ngày qua.

Trong khi đó, bất kể sự hiện diện dày đặc của cảnh sát tại các thành thị, hàng chục ngàn người Công Giáo ở Hà Tĩnh và Vinh (miền Trung Việt Nam) đã bày tỏ sự phản đối của họ một cách hòa bình vào ngày Chúa Nhật [17 tháng Sáu, 2018]. Họ chống lại luật an ninh mạng và dự luật “đặc khu kinh tế” nhằm “bán đứng đất đai cho Trung Quốc”.

Trong lá thư ngỏ gởi cho Chủ tịch nước đề ngày 16 tháng Sáu, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, lên án một số tuyên bố hung hăng của các viên chức nhà nước và thúc giục họ ăn nói lễ độ để tạo sự hài hòa trong xã hội và tôn trọng quyền hợp pháp của công dân. Bình luận về những gì diễn ra trong các ngày qua, vị Giám Mục nói:

“Luật an ninh mạng nhằm ngu dân, và dự luật về các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt là bán đất nước này cho Trung Quốc. Vào ngày Chúa Nhật 10 tháng 6, khi mọi người bày tỏ ý chí của họ chống lại hai dự luật, chính phủ đã tấn công họ dã man thay vì lắng nghe họ! Sau đó, hàng loạt người đã bị bắt tại Bình Thuận và những nơi khác!”

“Tôi yêu cầu ông Chủ tịch ra lệnh cho chính quyền các cấp trả tự do cho tất cả những người bị bắt, công bố luật mới về quyền biểu tình theo quy định của Hiến pháp, và tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Trong một video đăng trên Internet, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng công khai khiển trách các linh mục là thành viên của Quốc hội. Tất cả những người này được tường thuật đã biểu quyết ủng hộ luật an ninh mạng vào ngày 12 tháng Sáu.

“Các linh mục đó phản bội đức tin của họ và phản bội đất nước của chúng ta, vì tiền và thế giá mà người ta ban cho họ,” vị Giám Mục nói.

Luật an ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, nhưng ngay từ bây giờ nó đã làm giảm đáng kể số lượt truy cập vào các trang web Công Giáo. Người dùng phải giảm bớt các hoạt động của họ trên Internet, vì sợ bị truy tố. Trong một thông cáo báo chí được công bố cách đây vài ngày, Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam đã chỉ trích tính chất hàm hồ và áp chế của luật này.

“Các điều khoản của luật an ninh mạng có thể giúp chính phủ dễ dàng xác định và truy tố mọi người về các hoạt động trực tuyến hòa bình của họ”, vị linh mục cảnh báo.

Cha Joseph Nguyễn, của tổng giáo phận Hà Nội, lo ngại rằng từ giờ trở đi, để truy cập thông tin, các tín hữu sẽ phải dựa nhiều hơn vào các cơ quan truyền thông do nhà nước chi phối, như tờ “Công Giáo và Dân tộc”, một tạp chí do nhà nước tài trợ và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.

“Tờ báo này xem ra giàu nội dung. Nhưng hãy cẩn thận, mọi thứ đã từng và sẽ bị xuyên tạc thông qua lăng kính của chủ nghĩa cộng sản. Đừng quá ngây thơ khi nghĩ rằng cộng sản sẽ tài trợ cho người Công Giáo rao giảng Tin Mừng,” vị linh mục nói với AsiaNews.

Được thành lập vào năm 1975 bởi nhà cầm quyền cộng sản, như một phần trong nỗ lực tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, tạp chí này hiện được điều hành bởi linh mục Phan Khắc Từ, một đảng viên cộng sản và là phó chủ tịch cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công Giáo”, một cơ chế được thành lập với ý định tách Giáo Hội Việt Nam khỏi Vatican.

Ông Từ công khai sống với một người phụ nữ trong nhiều thập kỷ qua và là cha của hai đứa con.

Giáo luật Công Giáo cấm các giáo sĩ không được giữ các chức vụ công quyền, ngoại trừ trong các trường hợp hết sức đặc biệt và phải được thẩm quyền Giáo Hội chấp thuận.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều linh mục, kể cả cha Nguyễn Văn Lý, một người bất đồng chính kiến đã bị cộng sản bỏ tù 15 năm, đã yêu cầu các giám mục kỷ luật các linh mục vi phạm giáo luật.

“Họ không góp phần vào việc cải thiện các điều kiện hoạt động của Giáo Hội”, cha Joseph Nguyễn nói. “Họ không bao giờ dám lên tiếng chống lại những đàn áp và các vụ chiếm đoạt đất đai tài sản của Giáo Hội.”

Hơn nữa, khi xảy ra các vi phạm về tự do tôn giáo trong nước, như các cuộc tấn công vào các linh mục bất đồng chính kiến, những linh mục quốc doanh này thậm chí còn kêu gọi “trừng phạt nặng hơn đối với các anh chị em của họ trong đức tin”.

“Sự hiện diện của những linh mục này trong chính phủ làm suy yếu tính chất khả tín và hiệu quả truyền giáo của Giáo Hội”, ngài cảnh báo.

Trong khi đó, hôm qua hàng ngàn người Công Giáo đã diễn hành một cách bình tĩnh trên đường phố, mặc dù bị cảnh sát quay phim, chụp ảnh với những cử chỉ đe dọa. Những người biểu tình đọc Kinh Mân Côi, cầm cờ Vatican và những biểu ngữ như “Không cho cộng sản Trung Quốc thuê đất, dù một ngày cũng không” hay “Luật an ninh mạng giết chết tự do”.

Các cuộc biểu tình vào tuần trước đã kết thúc với hàng ngàn vụ bắt giữ. Chưa bao giờ trong lịch sử của chế độ cộng sản Việt Nam đã có quá nhiều vụ bắt giữ như thế trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi nhà cầm quyền đàn áp dân chúng thẳng tay.

Trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thề sẽ trừng phạt người biểu tình, gọi họ là những kẻ “cực đoan”. Ba ngày trước, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lên án “các hành vi lạm dụng dân chủ, bóp méo sự thật, kích động, gây rối loạn xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, thậm chí người ta còn thấy những lời đe dọa từ Đại tá cảnh sát Trần Anh Huy, người thề sẽ “bắn bể sọ” bất cứ ai dám tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại luật an ninh mạng mới được thông qua.

8. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các công ty công nghệ đừng trở thành tay sai cho nhà cầm quyền Việt Nam

Luật an ninh mạng mới của Việt Nam mang lại những quyền hạn vô biên cho nhà cầm quyền Việt Nam, cho phép họ ép buộc các công ty công nghệ bàn giao một lượng lớn dữ liệu, bao gồm các thông tin cá nhân và kiểm duyệt các bài viết của người dùng. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra nhận xét trên và đã viết thư cho các giám đốc điều hành của Apple, Facebook, Google, Microsoft và chủ tịch Samsung bày tỏ những lo ngại của mình về luật này và thúc giục các công ty gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam.

Clare Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố như sau:

“Quyết định này có những hệ quả hủy diệt tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong bầu khí đàn áp sâu rộng tại đất nước này, không gian trực tuyến là một chỗ nương náu tương đối, nơi mọi người có thể chia sẻ những ý kiến và các quan điểm của mình mà phần nào ít sợ sự tấn công của nhà cầm quyền.”

“Với một quyền lực quá rộng lớn, nó cho phép nhà cầm quyền theo dõi các hoạt động trực tuyến, cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là hiện nay không còn nơi nào có thể coi là an toàn ở Việt Nam để mọi người có thể bàn thảo tự do.”

“Luật này sẽ có những tác dụng nghiêm trọng nếu các công ty công nghệ hợp tác với những yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam và bàn giao cho họ những dữ liệu cá nhân. Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng các công ty công nghệ không được dự phần vào các vụ lạm dụng nhân quyền. Ngược lại, chúng tôi kêu gọi họ sử dụng những quyền lực đáng kể có trong tay để đối phó với chính phủ Việt Nam về thứ luật lệ lạc hậu này.”