Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tình yêu của Thiên Chúa không cần nhiều lời nhưng cần những cử chỉ cụ thể

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong bài giảng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu sáng thứ Sáu 08 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nhấn mạnh rằng sự vĩ đại của Thiên Chúa được thể hiện cả trong những điều nhỏ nhặt và trong sự dịu dàng.

Đức Thánh Cha nói:

“Không phải chúng ta là người yêu mến Thiên Chúa trước,” điều ngược lại mới đúng: “Chính Ngài là Đấng yêu thương chúng ta trước”.

Giải thích về điều này, ngài nói rằng các vị tiên tri đã sử dụng hoa hạnh nhân như một biểu tượng để giải thích thực tại này. Các ngài nhấn mạnh rằng hoa hạnh nhân là loài hoa đầu tiên nở vào mùa xuân.

“Thiên Chúa là như thế: Người luôn là người đầu tiên. Ngài là người đầu tiên chờ đợi chúng ta, người đầu tiên yêu mến chúng ta, người đầu tiên giúp đỡ chúng ta”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp, không dễ hiểu tình yêu của Thiên Chúa như được tường thuật trong Bài đọc Một Phụng Vụ ngày hôm nay, trong đó Tông đồ Phaolô nói về “việc rao giảng cho dân ngoại những sự giàu có vượt quá trí hiểu loài người của Chúa Kitô.”

“Đó là tình yêu không thể hiểu được. Một tình yêu vượt qua mọi tri thức. Nó vượt qua mọi thứ. Tình yêu của Thiên Chúa thật tuyệt vời; một nhà thơ mô tả tình yêu ấy như là một ‘biển sâu không đáy không biết đâu là bờ bến ...’ Đây là tình yêu mà chúng ta phải cố gắng để hiểu, vì đó là tình yêu mà chúng ta nhận được”.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng trong suốt lịch sử ơn cứu rỗi, Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta: “Ngài là một vị Thầy vĩ đại.”

Nhắc lại những lời của tiên tri Hôsê, Đức Thánh Cha giải thích rằng Thiên Chúa không bày tỏ tình yêu của Ngài qua quyền năng nhưng “bằng cách yêu thương dân Ngài, dạy họ tiến bước, mang vác họ trong vòng tay Ngài, chăm sóc cho họ”.

“Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài như thế nào? Có phải là qua những kỳ công tuyệt tác không? Thưa không: Ngài biến mình nhỏ lại và nhỏ hơn nữa với những cử chỉ của sự dịu dàng và thiện hảo. Ngài tiếp cận con cái của Ngài và với sự gần gũi ấy Ngài làm cho chúng ta hiểu được sự vĩ đại của tình yêu”.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến với chúng ta. “Ngài đã sai Con Ngài đến trong xác phàm” và “hạ mình cho đến chết”.

Điều này là bí ẩn của tình yêu Thiên Chúa: sự vĩ đại nhất được thể hiện trong sự nhỏ bé nhỏ nhất. Chính điều này cho phép chúng ta hiểu được Kitô giáo.

Suy tư về thái độ mà Chúa Giêsu dạy các Kitô hữu chúng ta nên có, Đức Thánh Cha nói điều này tóm gọn trong việc “thực thi công việc của Thiên Chúa theo cách thế nhỏ bé của chúng ta”: đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Những công việc của lòng thương xót, mở đường cho tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là phải tiếp nối tình yêu vĩ đại Thiên Chúa dành cho mình!

Đừng nói nhiều về tình yêu, nhưng hãy có các cử chỉ cụ thể

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng chúng ta không cần phải có một bài diễn văn tuyệt vời về tình yêu, nhưng hãy là những người nam nữ “biết cách làm những điều nhỏ bé này vì danh Chúa Giêsu, và Chúa Cha”.

“Những công việc của lòng thương xót, là sự tiếp nối của tình yêu này.”

2. Câu chuyện “Phép lạ tại thành Aleppo trước mắt linh mục dòng Phanxicô”

Cha Ibrahim Alsabagh, một linh mục dòng Anh Em Hèn Mọn hay vắn tắt là dòng Phanxicô vừa cho ra mắt một cuốn sách có tựa đề “A Moment before Dawn” nghĩa là “Khoảng khắc trước Bình Minh” dầy 200 trang ghi lại các sự kiện, những câu hỏi, chứng từ, phản ứng và trên tất cả là hy vọng giữa những đám mây đen che phủ một thành phố bị bao vây trong 4 năm 5 tháng 3 ngày.

Nhân dịp này Như Ý xin trình bày một vài trích đoạn trong cuốn sách và trong cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách mới tại Italia trong tuần qua.

Trả lời các ký giả về những lý do giúp cha có can đảm sống tại Aleppo, một thành phố được coi là tâm chấn của cuộc chiến ác liệt tại Syria, cha Ibrahim đã nói những lời hùng hồn này:

“Đây là logic của đức tin: chúng ta hoàn toàn nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, nhưng trong trái tim chúng ta trị vì sự xác tín rằng đức tin sẽ cho chúng ta sức mạnh để chống lại, bằng cách mơ về một thế giới đẹp hơn, và bắt đầu xây dựng nó ngay bây giờ với bàn tay của chính chúng ta.”

Ngày 11 tháng 12 năm 2015, cha Ibrahim nhận được bài sai từ Giêrusalem di chuyển đến Aleppo, Syria thay cho người anh em của ngài vừa nằm xuống trong cuộc chiến ác liệt đã bùng lên từ 19 tháng 7 năm 2012.

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2015, Cửa Thánh trong năm thánh Lòng Thương Xót được mở ra tại Giêrusalem: “ngay khi tôi đặt chân đến đền thờ” Cha. Ibrahim tâm sự, “Tôi đã hiểu ý Chúa muốn nói với tôi rằng sứ vụ của tôi là trở nên một cánh cửa mở, hay đúng hơn là mở ra những cánh cửa Lòng Thương Xót Chúa cho tất cả những người đau khổ.”

Nhà thờ Thánh Phanxicô, nơi ngài nhận được bài sai làm cha sở, nằm cách tiền đồn của quân chính phủ Syria chỉ có 60 mét. Cách đó chưa đến 500 thước là các giao thông hào của quân kháng chiến Hồi Giáo và cả quân khủng bố Hồi Giáo IS. Chưa đầy một tuần sau khi ngài đặt chân đến, quân khủng bố Hồi Giáo IS chào mừng ngài đến với Aleppo bằng một trái hỏa tiễn dài 3 mét rơi vào giữa sân nhà thờ.

Cha nói: “May quá nó không nổ. Nó nổ tôi chết rồi.”

Thành phố thiếu mọi thứ: nước uống, thức ăn, điện đóm, nhiên liệu, công việc. Tình hình thật khó khăn, tương lai ra sao không thể tưởng tượng ra nổi.

Một tháng sau đó, một trái hỏa tiễn đập vào mái vòm của nhà thờ trong Thánh Lễ tối Chúa Nhật ngay trong lúc đang Rước Lễ. Nó nổ tung. Nhưng thật là một phép lạ không có ai là nạn nhân của trái hỏa tiển này.

Cha Ibrahim nói tiếp: “Tuy nhiên, không chỉ có bom và tên lửa đang rơi xuống trên đầu chúng tôi. Phép lạ cũng rơi xuống như mưa”.

Nhờ các tổ chức Công Giáo trên thế giới chúng tôi có khả năng phân phát lương thực cho 600 gia đình mỗi tháng, cung cấp nước và thuốc men, sửa chữa các ngôi nhà. Một kỹ sư gõ cửa tu viện, giúp cho hơn 200 trẻ em có chỗ học tập.

Đây là tất cả những dấu hiệu của hy vọng, ngay cả khi không thấy chút ánh sáng nào cuối con đường hầm gần như dài bất tận. Ở đây Giáo Hội đang trở thành “cánh tay, bàn tay, bàn chân, tâm trí và trái tim.” Những dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót ấy góp phần tạo ra “phép lạ thực sự là sự biến đổi con tim. Đó là phép màu vĩ đại nhất,” Cha . Ibrahim nói.

Cộng đoàn Công Giáo Aleppo giờ đây rất đông dù rằng một số lớn các tín hữu Kitô đã di tản.

“Đó là Chúa làm nên lịch sử,” Cha. Ibrahim nói. Cả ngày, từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ tối ngài đều dành cho những người khác, dù họ là ai. “Công việc bác ái này không đến từ sức mạnh của riêng tôi. Nếu tôi không dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, tôi sẽ không thể làm bất cứ điều gì.”

“Đôi khi, nghĩ về bản thân, tôi cười một mình. Là một người yêu sách và say mê nghiên cứu thần học, giờ đây ở Aleppo tôi thấy mình phục vụ như một lính cứu hỏa, một y tá, một người chăm sóc và một linh mục.”

Trong một đoạn bút ký, cha đã viết những dòng thật cảm động này, Như Ý xin được gởi đến quý vị và anh chị em thay cho lời kết.

“Tôi không quan tâm đến việc ngày mai có thể là ngày tôi qua đời. Điều làm tôi sợ nhất là ý tưởng tôi không sẵn sàng trao ra mọi thứ tôi có cho những người gõ cửa van xin.”

3. Ký ức và Hy Vọng sánh bước bên nhau

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu hay suy tư về cuộc gặp gỡ thân tình giữa họ với Chúa Giêsu, hãy nuôi dưỡng ký ức về những người đầu tiên đã loan truyền cho chúng ta đức tin, và hãy ghi khắc trong lòng giới luật yêu thương.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 07 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nhấn mạnh rằng để có thể thăng tiến trong đời sống Kitô, chúng ta cần phải suy tư và bảo tồn ký ức về những cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa Giêsu, và nhớ tới những người đã truyền đạt đức tin cho chúng ta.

Lấy cảm hứng từ các bài đọc Phụng Vụ trong ngày, trong đó Thánh Phaolô khuyên nhủ Timothêô “Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô”, Đức Thánh Cha nói ký ức Kitô là muối cho cuộc sống.

Hồi tưởng lại những lần gặp gỡ đầu tiên của ta với Chúa thật là cần thiết để “tìm được sức mạnh để có thể tiếp tục tiến bước”, Đức Thánh Cha cho hay “Ký ức Kitô luôn là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô”.

“Ký ức Kitô giống như muối cho cuộc sống. Không có những hồi niệm, chúng ta không thể tiếp tục. Khi chúng ta gặp những Kitô hữu 'đã quên lãng những ký ức', chúng ta có thể nhận thấy họ đã mất đi hương vị của đời sống Kitô để cuối cùng họ chỉ là những người tuân giữ các giới răn một cách vô hồn!’.

Đức Thánh Cha nêu ra ba tình huống trong đó tất cả chúng ta đã gặp được Đấng Cứu Thế: vào lúc bắt đầu cuộc đời của chúng ta như những Kitô hữu, khi nói về tổ tiên của chúng ta, và trong giới luật yêu thương.

Đức Thánh Cha nhắc lại đoạn văn trong Thư gửi người Do Thái, tron đó Thánh Phaolô nói:

“Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được biết về Đấng Cứu Thế. Hãy nhớ rằng anh em vẫn trung thành như thế nào…” để có thể nói được rằng trong cuộc sống của mỗi người chúng ta đều có những khoảnh khắc khi “Chúa Giêsu gần gũi chúng ta, tỏ hiện Ngài cho chúng ta…”

“Đừng quên những khoảnh khắc này: hãy suy nghĩ và hồi tưởng lại chúng bởi vì đó là những giây phút cảm hứng, gặp gỡ Chúa Kitô”.

“Mỗi người trong chúng ta có những giây phút như thế: khi ta biết Chúa Giêsu, khi Ngài thay đổi cuộc sống của ta, khi Chúa cho ta thấy ơn gọi của ta, khi Chúa đến thăm ta vào một thời điểm khó khăn ... Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong tim. Hãy chiêm niệm những giây phút này.”

Chúa Giêsu là nguồn gốc của cuộc hành trình Kitô giáo của chúng ta, nguồn cung cấp cho chúng ta sức mạnh để chúng ta tiếp tục tiến bước.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc gặp gỡ thứ hai với Chúa Giêsu diễn ra qua những hồi tưởng về tổ tiên của ta, mà trong Thư gửi cho người Do Thái, Thánh Phaolô gọi là “những người dẫn đường, những người đã truyền dạy đức tin cho anh em”.

Trong thư thứ hai gửi cho Timothêô, Thánh Phaolô khuyên ông: “Hãy nhớ tới mẹ của con và bà của con, vì họ đã truyền đạt niềm tin cho con”.

“Chúng ta đã không nhận được đức tin qua thư từ” mà qua những con người sống động đã truyền đạt nó cho chúng ta.

Và một lần nữa trong Thư gửi người Do Thái, Thánh nhân nói: “Hãy nhìn vào cơ man các chứng nhân sống động và kín múc sức mạnh từ các ngài”.

Khi nước của cuộc sống trở nên đục, Đức Thánh Cha nói, “điều quan trọng là tìm về nguồn kín múc lấy sức mạnh mà tiến tới”.

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tự hỏi mình liệu cội rễ của mình có đủ sâu không, hay nó đã bị bứng gốc chỉ biết sống ngày nào hay ngày ấy. Nếu quả vậy, Đức Thánh Cha nói, “Ngay lập tức anh chị em hãy cầu xin ân sủng để tìm về cội nguồn của mình” tìm về những người đã truyền đạt đức tin cho anh chị em.

Cuối cùng là lề luật. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài Tin Mừng theo Thánh Máccô, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta điều răn thứ nhất là: “Hỡi toàn dân Israel! Hãy lắng nghe Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa duy nhất! “

Ngài nói chúng ta phải có ký ức về lề luật như một nghĩa cử của tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người, để hướng dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính.

Đây không phải là thứ luật pháp thuần túy, nhưng là lề luật tình yêu mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta.

Đức Thánh Cha nói “Ta có trung thành với lề luật không? Ta có nhớ tới lề luật của Chúa không, ta có thuộc lòng luật Chúa không? Đôi khi chúng ta là những Kitô hữu, ngay cả những người sống đời thánh hiến, cũng gặp những khó khăn trong thuộc lòng những giới răn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng nhớ đến Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là “dán mắt vào Chúa” và suy nghĩ về những khoảnh khắc mà ta gặp Ngài, là một cách tốt nhất để tiến bước.

Đức Thánh Cha kết luận rằng ký ức và hy vọng luôn đi đôi với nhau, chúng là những bổ sung và bổ khuyết cho nhau.

“Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Chúa đã đến, đã hiến mạng sống mình cho tôi và là Đấng sẽ đến. Ngài là Chúa của ký ức, là Chúa của hy vọng”

Ngài nhắc nhở rằng mỗi người chúng ta, được mời gọi dành ra một chút thời giờ để suy đi nghĩ lại những khoảnh khắc mà ta đã gặp gỡ được Chúa, để nhớ tới những người đã truyền đạt đức tin cho chúng ta, và nâng cao hiểu biết về lề luật Thiên Chúa.