Theo tin Vatican News, Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh, ngày 15 tháng 5 vừa qua, đã tổ chức một hội nghị tại Vatican với chủ đề “Pháp và Ngôn: Đối Thoại và Hợp Tác Trong Một Thời Đại Phức Tạp” (Dharma and Logos: Dialogue and Cooperation in The Complex Age) với sự tham dự của khoảng 200 đại diện các tôn giáo “Dharmic” vốn phát xuất từ Ấn Độ và nhiều Kitô hữu.

Tôn giáo "Dharmic"



Tòa Thánh không cung cấp nhiều tin tức liên quan tới hội nghị này. Tuy nhiên, dựa vào diễn văn ngày 16 tháng 5 của Đức Phanxicô với các đại diện hội nghị, ta biết tôn giáo “Dharmic” bao gồm Ấn Giáo, Phật Giáo, Đạo Jain (Jainism) và Đạo Sik (Sikhism). Bốn tôn giáo này đều phát xuất từ Ấn Độ. Ấn Giáo thì đã có từ thời tiền sử. Tới thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, Đạo Jain và Đạo Phật xuất hiện gần cùng một lúc như một phản ứng “vô duy thần” (non-theist) trước chủ trương duy thần (theism) của Ấn Giáo. Còn Đạo Sik thì mãi đến thế kỷ 15 Công Nguyên, mới xuất hiện, dưới ảnh hưởng của Hồi Giáo.

Tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng cả bốn tôn giáo đều có chung ý niệm “dharma”. Dịch là Pháp là dịch theo Phật Giáo, chứ thực ra bốn tôn giáo này hiểu dharma khác nhau.

Theo Bách Khoa Britanica, trong Ấn Giáo, dharma là luật tôn giáo và luân lý điều hướng tác phong cá nhân và là một trong bốn mục đích của đời sống. Ngoài dharma áp dụng cho mọi người, bao gồm việc nói thật, không gây thương tích và đại lượng..., còn một dharma đặc biệt gọi là svadharma áp dụng tùy theo giai cấp, địa vị.

Phật giáo vẫn thường dịch dharmapháp, một trong tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Nhưng pháp không hẳn là luật tôn giáo cho bằng là học thuyết, là chân lý phổ quát chung cho mọi cá nhân thuộc mọi thời đại do Đức Thích Ca công bố. Tóm lại, Pháp đây là Chánh Pháp, là giáo lý của Phật, là điều mà các bậc giác ngộ nhìn nhận trực tiếp, là bản tánh chân thực của sự thật, và là điều mà Phật giảng cho người khác như là con đường. Bởi thế, Pháp là con đường chân chính dẫn chúng ta thoát khỏi khổ đau của luân hồi và vòng sinh tử.

Còn với Đạo Jain, dharma ngoài nghĩa là con đường chính trực theo nghĩa đức hạnh luân lý, còn có nghĩa siêu hình như một “bản chất” trường cửu giúp mọi vật chuyển động.

Việc gọi bốn tôn giáo trên là “dharmic” có hai điều đáng lưu ý: Thứ nhất, gọi họ là tôn giáo “dharmic” cũng giống như gọi Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo là các tôn giáo “Abrahamic” vì cùng nhìn nhận Abraham là “cha của niềm tin”, tuy ba tôn giáo này có những dị biệt nền tảng.

Đại đa số nhân loại

Hai nhóm tôn giáo này, trên thực tế, hiện đang điều hướng lương tâm của hầu hết những con người nhân bản của hành tinh này. Thực vậy, theo số liệu thống kê năm 2005: Do Thái Giáo chiếm 0.23%, Kitô Giáo chiếm 33.06%, Hồi Giáo chiếm 20.28%, Ấn Giáo chiếm 13.33%, Phật Giáo chiếm 5.87%, Đạo Sik chiếm 0.39% và Đạo Jain chiếm 0.07%, tổng cộng là 73.23% tổng số dân số thế giới.



Trong chủ đề của hội nghị, ta thấy nổi bật hai từ quan trọng “Pháp và Ngôn” (Dharma and Logos) là ngầm nói tới hai nhóm tôn giáo chiếm đại đa số nhân loại này. Pháp chủ yếu nói đến con người, cố gắng của họ trong việc tự giải thoát khỏi trầm luân đau khổ, vốn là đặc trưng chung của bốn tôn giáo phát xuất từ Ấn Độ, còn Ngôn chủ yếu nói đến Lời sáng tạo, Lời hằng sống, Lời từ trên cao tự mạc khải để mời gọi con người kết hợp và thăng hoa, vốn là những nét chủ yếu của ba tôn giáo cùng nhận Abraham làm “tổ phụ”.

Dĩ nhiên, hai nhóm tôn giáo này có nhiều điểm rất khác nhau. Có thể nói, các tôn giáo “Abrahamic” là tôn giáo đức tin (faith religions), trong khi các tôn giáo “Dharmic” là tôn giáo thực nghiệm (empirical religions). Trong các tôn giáo sau, không có điều gì cần phải tin theo nghĩa của các tôn giáo đầu (đồng thuận với những tuyên tín và tuyên xưng được lên công thức cẩn thận). Họ cho rằng, kinh nghiệm và việc đích thân thực hành việc suy niệm sẽ dẫn tới tác phong đạo đức, và cuối cùng, tới khôn ngoan.

Trong các tôn giáo Abrahamic, Thiên Chúa là tất cả, còn chúng ta chỉ ở trên Trái Đất này tạm thời, chờ ngày về với Người trên cõi phúc.
Các tôn giáo Dharmic dựa vào việc hiểu chính bạn và mục đích của đời sống là giác ngộ và tránh luân hồi.

Đối thoại và hợp tác



Nhưng khi mời cả bốn tôn giáo trong nhóm “dharmic” này tới Vatican dự một hội nghị liên tôn với đại diện Kitô Giáo, Đức Phanxicô không lưu ý tới các khác biệt cho bằng tới “đối thoại và hợp tác”. Ngài nói: “Đối thoại và hợp tác là điều chủ chốt vào một thời điểm giống thời điểm của chúng ta, khi các nhân tố phức tạp và chưa từng có đã và đang dẫn đến những căng thẳng và tranh chấp gia tăng, đi đôi với bạo lực ở cả qui mô lớn lẫn nhỏ. Quả là một nguyên cớ để cảm tạ Thượng Đế khi các nhà lãnh đạo tôn giáo tích cực phát huy nền văn hóa gặp gỡ bằng cách nêu gương đối thoại phong phú và cùng nhau làm việc hữu hiệu để phục vụ sự sống, nhân phẩm và chăm sóc thiên nhiên”.

Điểm thứ hai, không hẳn bốn tôn giáo "dharmic" hài lòng với danh xưng này. Hai tác giả David Frawley ( [1990]), From the River of Heaven: Hindu and Vedic Knowledge for the Modern Age, Berkeley, California: Book Passage Press) và Rajiv Malhotra ([2011], Being Different: An Indian Challenge to Western Universalism, HarperCollins Publishers India) đã sử dụng nó để làm nổi bật các điểm tương tự của các tôn giáo này nhằm kêu gọi sự hợp tác giữa họ với nhau.

Nhưng theo Paul Hacker, trong Halbfass, Wilhelm (1995), Philology and Confrontation: Paul Hacker on Traditional and Modern Vedānta, SUNY Press), hạn từ dharma “đã mặc lấy một ý nghĩa và một chức năng hoàn toàn mới trong tư duy Ấn Độ thời hiện đại, bắt đầu với Bankim Chandra Chatterjee thế kỷ 19. Diễn trình này, trong đó, dharma được trình bầy như tương đương với, nhưng cũng là một đáp ứng đối với, ý niệm “tôn giáo” của Tây Phương, phản ảnh sự thay đổi căn bản trong cảm thức Ấn Độ về căn tính và trong thái độ đối với các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác. Các khí cụ “tôn giáo” và “quốc gia” của người ngoại quốc trở thành các khí cụ để tự định nghĩa mình, và thế là một cảm thức mới và mong manh về “tính hợp nhất của Ấn Giáo” và của căn tính quốc gia cũng như căn tính tôn giáo đã đâm rễ.

Tuyên bố chung

Nhiều người chỉ trích phương thức mà họ gọi là vụ bao gồm (inclusivist) này vì đã sao lãng nhiều dị biệt căn bản giữa các tôn giáo này.
Tuy nhiên, khi Tòa Thánh sử dụng danh xưng này là sử dụng trong bối cảnh “đối thoại và hợp tác” một cách hoàn toàn tích cực. Không nhằm xóa nhòa các dị biệt chính đáng của các tôn giáo Ấn Giáo, Phật Giáo, Đạo Jain và Đạo Sik.

Chắc chắn đó cũng là quan điểm của đại diện các tôn giáo này tại hội nghị ở Vatican. Chính vì thế, họ đã cùng có lời tuyên bố chung như sau:

Chúng tôi, các nhà học thuật và tín đồ Kitô Giáo và các tôn giáo Dharmic (Phật Giáo, Ấn Giáo, Đạo Jain và Đạo Sik) từ Ý và từ ngoại quốc, tụ họp ngày 15 tháng Năm 2018 dự hội nghị có tên là “Pháp và Ngôn. Đối Thoại và Hợp Tác Trong Một Thời Đại Phức Tạp. Người Phật Giáo, Người Kitô Giáo, Người Ấn Giáo, Người Jain và người Sik”. Đây là hội nghị đầu tiên thuộc loại này được tổ chức ở Ý, và được chuẩn bị bằng hàng loạt các cuộc gặp gỡ được tổ chức trong một khoảng thời gian dài với sự tham gia của các thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn, Hiệp Hội Ấn Giáo Ý, Hiệp Hội Phật Giáo Ý, Hội Sikhi Sewa, Viện Nghiên Cứu Jainist ở London và Văn Phòng Quốc Gia Đại Kết và Đối Thoại Liên Tôn của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Hội nghị đã được tổ chức trong một bầu khí thân ái và được chia thành nhiều giai đoạn: khai mạc, 4 buổi học thuật và hành vi cuối cùng. Đây là một trải nghiệm phong phú hóa và học hỏi.

Được khuyến khích bởi các kết quả tích cực của Hội Nghị hôm nay, chúng tôi muốn khẳng định những điều sau đây với sự thỏa thuận chung:

1.Chúng tôi nhìn nhận rằng ngay sự kiện chúng tôi gặp nhau trong tinh thần bằng hữu và tôn trọng đã là dấu hiệu chúng tôi cùng mong ước điều này: đối thoại và hợp tác là điều có thể trong thời đại phức tạp này.

2. Chúng tôi ý thức rằng việc mưu cầu phúc lợi trong hòa bình cho mọi người là một chứng từ của các niềm tin tôn giáo liên hệ của chúng tôi và, đồng thời, xác tín chúng của chúng tôi.

3. Chúng tôi nhất trí rằng các vấn đề phức tạp và các thách thức nghiêm trrọng đang gây khổ cho thế giới hiện nay của chúng ta.

4. Chúng tôi tin rằng các kho tàng tâm linh trong các truyền thống tôn giáo của chúng tôi và tình liên đới nhân bản chung phải hỗ trợ cho việc vượt qua các thử thách của thời đại.

5. Chúng tôi khẳng định rằng hội nghị liên tôn này đã đóng góp nhiều cho việc thâm hậu hóa lòng tôn trọng, hiểu biết và hợp tác hỗ tương.

6. Chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng và nhu cầu gia tăng cam kết của chúng tôi cho việc đối thoại chung và hợp tác hỗ tương, trong tinh thần yêu thương và sự thật, trong khi duy trì việc bám rễ sâu xa vào các truyền thống tôn giáo liên hệ của chúng tôi ngõ hầu có khả năng giải quyết hữu hiệu các thách thức của thời ta và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại.

7. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà học thuật và tín đồ các tôn giáo của chúng tôi bắc các nhịp cầu, nối vòng tay với mọi người thiện chí để hỗ trợ việc xây dựng hòa bình trên thế giới hôm nay và ngày mai.