THỨ SÁU TUẦN THÁNH

1. Thánh Giá – Tình yêu của Thiên Chúa trong đời người.

Theo thánh Gioan, cái chết của Chúa Kitô, trước hết là sự tôn vinh chính Chúa Kitô, tôn vinh tình yêu của Người, một tình yêu hiến dâng mạng sống, một tình yêu chết thay cho người mình yêu, một tình yêu tự hiến thành tấm bánh nuôi sống người mình yêu, một tình yêu tự nguyện trở thành lễ tế hiến dâng Thiên Chúa…

Kế đến là vừa thể hiện, vừa tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tràn trề, một tình yêu mạnh mẽ, một tình yêu thôi thúc “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Còn thánh Phaolô lại nhận ra chính cái chết của Chúa Kitô là sức mạnh giải thoát con người: Chính nhờ Chúa Kitô tử nạn và phục sinh mà “ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ giữ luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13, 39).

Trong thư gởi tín hữu thành Philipphê, thánh Phaolô còn nói rõ hơn sự được tôn vinh của Chúa Kitô: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2, 10-11).

Như vậy, cùng xác tín với hai tông đồ Gioan và Phaolô, chúng ta khẳng định, nơi Thánh Giá, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh của mình.

Đó là tình yêu không cùng của Thiên Chúa Cha hiến dâng Con Một. Đó là tình yêu quyết hy sinh của Thiên Chúa Con để hiến dâng chính mình. Đó là tình yêu tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa Ngôi Ba làm biểu lộ đến vô cùng, khắc sâu đến vô cùng lòng đại lượng của Đấng Chí Thánh là Tình Yêu.

Đấng chịu đóng đinh là Đấng được tôn vinh. Thánh Giá, phương tiện treo thân Đấng chịu đóng đinh, ngàn đời xứng danh Thánh Giá Cứu Độ.

Vì thế, không có bất cứ nơi nào, không có bất cứ lối đường nào, ngoài Thánh Giá, mà chính Thiên Chúa, chính tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Bởi chỉ nơi Thánh Giá, nơi Đấng chịu đóng đinh, tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, khuôn mặt rạng ngời lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn, mạnh mẽ, vững bền.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).

Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng rằng, Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Cái chết ấy còn chứng tỏ, tình yêu Thiên Chúa dành cho ta là thứ tình ở dạng thức cao nhất: Yêu đến tận cùng. Yêu đến tự hiến trọn vẹn. Yêu chấp nhận hiến tế. Yêu chấp nhận hy sinh chỉ vì ích lợi của kẻ khác.

Thánh Giá in sâu vào và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau phục sinh, những thương tích khổ nạn, dấu vết đớn đau của Thánh Giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa.

Thánh Giá băng qua lịch sử, xuyên qua thời gian. Nó còn tiếp tục trải dài và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.

Ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Sự yêu mến và tôn thờ ấy, dẫn ta đến việc tự nguyện đón nhận thánh giá của đời mình, hợp làm một cùng Thánh Giá Chúa, bước theo Chúa, sống như Chúa suốt hành trình dương thế.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú như che mờ bóng Thánh Giá. Con người lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Chúa Kitô, tuôn trào tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

Bởi thế, suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô. Đó cũng là dịp giúp ta ý thức tình yêu, sự sống ấy đang đồng hành với mình, với cuộc đời của từng con người. Nhờ ý thức, ta không dám trôi theo những cám dỗ của thế gian, không dám đánh mất mình cho những “trái cấm” thế tục…

2. Để hiểu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Giá, Chúa Giêsu nhắc ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh của mình: Người là Con Thiên Chúa: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”.

Tự nó, thập giá là sự độc ác, sự thua bại đến nghiệt ngã của lòng yêu thương nơi loài người. Nó cũng chính là thực tại đau buồn do con người tạo ra để giết nhau sao cho tàn bạo nhất, rùng rợn nhất.
Nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó, dù ở bất cứ thời đại nào, loài người phải “đóng đinh” Con Thiên Chúa vào đó.

Bởi chỉ có thể hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn "từ trên cao", trong cái nhìn của Thiên Chúa - Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian chịu chết treo trên thập giá - để biến dấu chỉ của sự trừng phạt thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. Biến thập giá thành Thánh Giá, biểu tượng của tình yêu chiến thắng mà chúng ta tôn thờ.

“Như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”. Qua câu chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa muốn con người nhìn về thập giá "từ trên cao" theo cái nhìn của chính Chúa. Lúc đó, con người sẽ khám phá ra, Thiên Chúa dùng Thánh Giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa giành cho ông Nicôđêmô, cần phải "đặt" Con Thiên Chúa vào Thánh Giá, cần phải "treo" Con Thiên Chúa lên Thánh Giá, để con người hiểu được ý nghĩa của Thánh Giá.
Thánh Giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ sự thù ghét của con người đối với con người.

Nhưng lại là dấu chỉ rõ rệt cho thấy con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người Pharisêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa. Cũng có nghĩa là các Pharisêu không muốn chứng kiến việc Chúa đang lôi kéo lòng dân bước ra từ thế giới của tà tâm đến thế giới chính tâm. Họ tức tối tối. Họ dùng thập giá hòng tiêu diệt Ánh Sáng của trần gian.

Mỗi người Kitô hữu hôm nay, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với Thánh Giá Chúa. Phải chăng Thánh Giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em?

Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

3. Thập giá đời và Thánh Giá phúc.

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: Không thể có một Kitô giáo mà không có đổ máu. Đổ máu là dấu hiệu của chết chóc, của thất bại. Việc đổ máu của Chúa Kitô, trước mặt người đời, trước tất cả mọi phù phím của thế gian mang vỏ bộc khôn ngoan, tiến bộ, văn minh…, cũng chỉ là một thất bại lớn, một sự bị đốn ngã nhục nhã.

Nhưng dưới dòng lịch sử của ơn Thánh - một dòng lịch sử chỉ có thể khám phá bởi lòng tin, bởi sự đơn thành, bởi cái nhìn thoát tục không bao giờ bị rào, bị cản của tiến bộ, của văn minh mà con người theo đuổi - việc đổ máu của Chúa Kitô là sự tôn vinh Thiên Chúa và là ơn cứu độ vĩnh cửu của loài người.

Đó cũng là niềm sung sướng của Hội Thánh, bởi không chỉ trong ngày đổ máu của Chúa Kitô là ngày Hội Thánh đã được khai sinh, mà còn là ngày mà Hội Thánh sung sướng tiến vào cuộc sống mới của Thiên Chúa, được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.

Càng suy niệm, chúng ta thấy nơi Thánh Giá, Chúa như tóm gọn cả một hành trình dài của con người đầy trắc trở, đầy mâu thuẫn, đầy xót xa, biến động. Và những gì diễn ra nơi Thánh Giá cũng như nơi cuộc đời con người vừa như tương tác lẫn nhau, vừa như hoàn toàn đối nghịch nhau.

Thánh Giá như tóm gọn hành trình của một kiếp người, như đang diễn tả toàn bộ mọi trạng thái của kiếp nhân sinh đang trải qua: Yêu thương và thù hận, thành công và thất bại, hy vọng và thất vọng, tin tưởng và sợ hãi, tự do và trói buộc, trung thành và phản bội, hạnh phúc và đau khổ, sự sống và giết chóc…

Đặc biệt, mỗi khi dừng lại ở từng chặng Đường Thánh Giá, Hội Thánh mời gọi mỗi người, không chỉ làm dấy lên trong tâm hồn một cảm xúc đối với cuộc khổ nạn, mà còn là ý thức hồng ân đã được lãnh nhận qua Đường Thương Khó, qua cây Thánh Giá của Chúa Giêsu, và qua đau khổ là mỗi cây thánh giá trong đời mỗi con người, để xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách mang tình yêu vào giữa lòng thế giới, làm cho con người được sống và sống dồi dào.

Chính vì sự liên quan mật thiết giữa Thánh Giá và những gì diễn ra trong đời người, cho ta hiểu rằng, cuộc sống hôm nay không tách rời Thánh Giá. Thánh Giá sẽ biến cuộc sống thành hoa quả ngày mai trong hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi Thánh giá bao trùm trên cuộc sống hôm nay, nên ta tin tưởng, giá trị cuộc sống không là những thực tại trần gian nhưng là thực tại Nước Trời.

Chính nơi đó mới là quê hằng sống. Chính nơi đó mới là quê bình yên. Chính nơi đó mới là quê của niềm hy vọng. Chỉ có nơi quê Trời ấy, ta mới thực sự thoát ly bất trung và bội phản, oán ghét và thù hận.

Sẽ không bao giờ còn giết chóc, lừa lọc, gian dối. Sẽ tiêu tan hết những áp bức, những chà đạp, những độc ác… Và lúc đó, công lý được giương cao, hòa bình được trao tặng, sự thật được hoàn lại cho những ai đã từng bị cuộc sống hôm nay giày vò, ức hiếp.

Bởi đó là Nước mà lòng xót thương của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người là anh chị em có Thiên Chúa là Cha chung. Nước mà giờ đây Thánh giá đã chiến thắng. Chúa Kitô sẽ giương cao ngọn cờ Thánh Giá như biểu tượng của một tình yêu tuyệt đỉnh, của một sự bình an không cùng mà chính Người đã đi qua cuộc đời này và nay trao lại cho chúng ta trong Nước hằng sống.

Cha Hoàng Kim để lại một bài Thánh Ca thường được hát trong Tuần Thánh, ai hát lên cũng thấy bàng hoàng xúc động:

Thập giá ngất cao ở trên thế gian này
Ôi hỡi thập giá chúa Giêsu.
Từ nơi Thánh Tâm yêu thương Ngài,
Sông ơn thiêng khơi nguồn chan hòa,
Qua ngươi máu cứu độ chảy xuống nơi đây.
Ôi hỡi thập giá Chúa Kitô
”.

“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này, ôi hỡi Thập Giá Chúa Giêsu !”. Vâng! thập giá ở đâu mà chẳng có. Mấy chữ “ngất cao ở trên thế gian” vừa như muốn nói lên chiều cao, vừa như cho thấy chiều rộng, vừa như là sự cao cả, quý giá, nhưng cũng nặng nề, lo sợ.

Và Giữa một rừng thập giá của kiếp nhân sinh, lại thấy nổi lên, lại thấy “ngất cao” cây Thánh Giá của Chúa chúng ta. Thánh Giá của Chúa ngất cao là để tỏa bóng, để lôi kéo, để đỡ nâng, để thánh hóa tất cả mọi cây thập giá đời.

Vâng! Thập giá lúc nào mà không có, không mời gọi. Dù run rẫy khi đón nhận, nhưng có ai thoát khỏi thập giá? Thập giá là một người bạn không ai chờ đợi, nhưng nó vẫn cứ đến, vẫn cứ đồng hành trên suốt chặng đường đời của mỗi con người.

Là Kitô hữu, chúng ta hạnh phúc, vì thập giá của chúng ta đong đầy ý nghĩa. Chúng ta biết, thập giá đời mình được tháp nhập, được lồng trong Thánh Giá Chúa Kitô. Thập giá đời dẫu có “ngất cao ở trên thế gian này”, thì mãi mãi vẫn còn đó Thánh Giá Chúa Kitô soi bóng, chiếu sáng ý nghĩa, lan tỏa hạnh phúc, như mặt trời soi vào từng ngõ ngách của trần thế.

Cây thập giá được Chúa Giêsu chọn để làm nơi phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha đã trở nên một báu vật của nhân loại và được gọi là Thánh Giá sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển.

Thiên Chúa đã thánh hóa cây thâp tự: từ một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ. Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời. Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng vinh quang của Đức Kitô.

Người Kitô hữu luôn kính mến và tôn xưng cây thập giá đồng hành với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ là Thánh Giá. Chúng ta thường đọc trước mỗi chặng đàng Thánh Giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, thường làm dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, thường ghi dấu Thánh Giá lên thân mình trước và sau khi dùng bữa, thường ghi dấu Thánh Giá trước bất cứ một nghĩa cử đạo đức nào…, chúng ta thực sự hãnh diện, vui mừng vì Thánh Giá vinh quang của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa:
Vinh quang của ta
Là Thánh Giá Đức Kitô
Nơi Ngài, ơn cứu độ của ta
Sức sống của ta
Phục sinh của ta
Nhờ Chúa ta được cứu độ
Nhờ Chúa ta được giải thoát.


Vậy chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì chính Người là nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta vác thập giá: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt. 1,28).

Xin Chúa ngự trị và cùng vác thập giá với từng người hàng ngày. Nếu ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau đớn, càng u uất… Nhưng nếu ta ngã mình vào Thánh Giá Chúa Giêsu, xin Người đồng hành với, thập giá đời ta, vẫn là thập giá ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, vẫn u uất, sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức sức mạnh của Chúa, có sức sống phục sinh của Chúa.

Mãi mãi thập giá không nhẹ. Nhưng tình yêu Thánh Giá sẽ làm thập giá dễ chịu hơn, và chan đầy ý nghĩa.