Chúa nhật 29 Thường Niên

Bài Đọc 1: Is 45:1, 4- 6

Cyrô là vua dân ngoại, nhưng lại được Thiên Chúa xức dầu để trở nên công cụ phục vụ cho Ngài trong việc giải thoát dân Chúa và làm cho danh Chúa được nhận biết khắp muôn nơi. Lời của Chúa nhắc đi nhắc lại cho Cyrô biết rằng chỉ có một Chúa chứ không còn có Chúa nào khác. Thiên Chúa đã chọn ông để làm những điều đó cho dân của Ngài ngay từ khi Cyrô còn chưa nhận biết Ngài. Nơi đây chúng ta nhận thức và tin tưởng rằng Thiên Chúa có quyền trên mọi dân tộc và trên mọi nhà lãnh đạo. Thiên Chúa có thể dùng bất cứ một dân tộc hay một nhà lãnh đạo nào để thi hành chương trình và ý định của Ngài, bất kể là dân tộc hay nhà lãnh đạo đó có nhận biết Ngài hay không.

- Làm sao một người không nhận biết Chúa lại có thể trở nên dụng cụ của Chúa? Bạn có thể cho một vài thí dụ ai là những người đang thi hành ý định và chương trình của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay? Và họ thi hành như thế nào?

Bài Đọc 2: 1 Thessalonica 1,1- 5

Thánh Phaolô đã cảm tạ Thiên Chúa có các Kitô hữu Thessalonica vì cuộc sống sinh hoa kết trái của họ đối với Tin Mừng. Đời sống của họ đã nêu cao tinh thần đức tin, đức mến và lòng trông cậy. Họ đã chứng tỏ ra được rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn họ qua Tin mừng mà Phaolô đã rao giảng cho họ. Họ đã thể hiện tinh thần Tin Mừng trong cuộc sống không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín. Họ đã bắt chước gương của Phaolô và đã trở nên gương sáng cho những giáo đoàn khác.

- Chúng ta phải làm gì và sống như thế nào để thể hiện tinh thần Tin Mừng trong đời sống của cá nhân cũng như của gia đình và xứ đạo?
- Chúng ta đã tin tưởng sống những điều chúng ta nói và nói những điều chúng ta sống như thế nào?

Bài Phúc Âm: Matt 22,15- 21

Các người Biệt phái đã tìm cách gài bẫy Đức Giêsu bằng câu hỏi có được phép đóng thuế cho vua Cêsarê của Rôma hay không. Nếu trả lời là có thì Ngài sẽ bị coi là kẻ phản quốc đi nộp thuế cho vua dân ngoại. Những người Do Thái chính hiệu sẽ không chấp nhận điều đó. Trái lại nếu trả lời là không, có nghĩa là Ngài công khai chống lại đế quốc Roma và Cêsarê là người đang nắm quyền cai trị. Như thế Ngài có thể bị bắt và bị kết tội là kẻ phản loạn. Đức Giêsu thừa hiểu lòng dạ của họ. Ngài bảo họ đưa cho Ngài đồng tiền nộp thuế, và trên đồng tiền có khắc hình của Cêsarê; do đó Ngài bảo họ, "Vậy cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa."

- Làm thế nào chúng ta biết được những thứ gì thuộc về Thiên Chúa để trả về cho Thiên Chúa?
- Quyền đạo và quyền đời nên tách biệt nhau, nhưng quyền đạo và quyền đời có được tách biệt khỏi Thiên Chúa và đường lối của Thiên Chúa hay không? Tại sao?

Bài Giảng Gợi Ý

Khi những người biệt phái dùng tên của Cêsarê để đưa vào cuộc tranh luận với Đức Giêsu có nghĩa là họ đã mánh lới để đưa Ngài vào bẫy nguy hiểm chính trị: "Xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào? Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" Đứng trước vấn nạn này, Đức Giêsu bị đặt vào một thế không thể thắng. Nếu nói là cứ đóng thuế cho Cêsarê thì Ngài sẽ bị coi là đồng hạng với những người phản quốc; và nếu nói là không nên đóng thuế cho Cêsarê thì Ngài bị ghép vào tội xúi bảy người khác làm loạn chống lại hoàng đế La Mã. Biết là họ không có thiện ý, Ngài đã khiển trách họ là những kẻ giả hình. Ngài bảo họ đưa cho Ngài xem đồng tiền nộp thuế. Trên đồng tiền có khắc hình ảnh của Cêsarê. Ngài hỏi họ, "Hình tượng và danh hiệu này của ai?" Họ trả lời là của Cêsarê; và Ngài nói với họ, "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê", và ngài nói thêm, "Cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa." Đức Giêsu đã nghiêm chỉnh cho biết là họ có trách nhiệm đối với chính quyền và trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Họ sống với hai chế độ: Chế độ nước trời và chế độ trần thế.Thiên Chúa và Cêsarê đều có quyền trên họ, cả hai thần quyền và thế quyền không loại trừ nhau.

Hình Tượng và Danh Hiệu Này Của Ai?

Đây chính là câu hỏi không những làm cho những người biệt phái phải suy nghĩ, nhưng chính chúng ta cũng phải suy nghĩ. Đồng bạc có khắc hình và danh hiệu của Hoàng đế La Mã. Do đó Đức Giêsu nói "Của Cêsarê thì hãy trả về cho Cêsarê." Thuộc địa và những người sống trong thuộc địa cũng như hệ thống tiền tệ thuộc về Hoàng đế La Mã. Những người sống và xử dụng hệ thống tiền tệ đó phải nộp thuế cho Hoàng đế La Mã. Nhưng Đức Giêsu lại nói thêm, "Cái gì của Thiên Chúa thì trả về cho Thiên Chúa". Điều này nói lên rằng khi Ngài hỏi hình tượng và danh hiệu này của ai thì Ngài cũng nhắc cho những người hỏi Ngài và cho chúng ta biết rằng hình ảnh của Cêsarê được khắc ghi trên đồng bạc thì trả về cho Cêsarê, nhưng hình ảnh của Thiên Chúa đã được khắc ghi trong linh hồn, con tim và thân xác con người chúng ta thì phải trả nó về cho Thiên Chúa. Lời sách Sáng Thế Ký đã ghi rõ, khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã nói, "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" (1:26). Như vậy chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Và đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã kết luận những gì của Thiên Chúa thì hãy trả về cho Thiên Chúa. Chúng ta không những chỉ thuộc quyền và có trách nhiệm đối với đất nước và chính quyền trần thế mà thôi. Trái lại chúng ta và tất cả mọi chính quyền còn thuộc quyền và có trách nhiệm đối với Thiên Chúa.

Tiên tri Isaiah trong bài đọc thứ nhất đã nói về vua Cyrô. Ông thờ thần riêng của xứ sở ông. Ông thi hành chính sách ông nghĩ ra, và lo làm những gì có lợi nhất cho ông. Ông không biết gì về Thiên Chúa của dân Do thái. Nhưng Thiên Chúa đã biết rõ ông và dùng ông làm khí cụ để giải cứu dân của Ngài. Giúp họ trở về quê hương và tái thiết đền thờ Giêrusalem cho họ. Thánh Phaolô trong bài đọc hai, đã gởi thư chào hỏi các tín hữu thuộc giáo đoàn Thessalonica. Ngài đã cảm tạ Thiên Chúa cho họ. Đức tin, lòng trông cậy và tinh thần yêu thương của họ là công việc của chính Đức Kitô và Thần khí của Đức Kitô. Họ thuộc về Đức Kitô. Họ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chúa Thánh Thần. Mỗi người đã được tuyển chọn bởi Thiên Chúa và nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Họ thuộc về một tổ chức tinh thần, là thành phần của Thân Thể Đức Kitô. Do đó chúng ta không được quên rằng chúng ta không những chỉ là công dân của một đất nước trần thế, nhưng chúng ta cũng là công dân của cả nước trời dưới quyền thống trị của Đức Kitô. Và như thế chúng ta có trách nhiệm với cả hai.

Trả Cho Cêsarê Những Gì Thuộc Về Cêsarê

Cyrô và Cêsarê là hình ảnh đại diện cho chính quyền đời trong xã hội con người. Tất cả mọi người đều thuộc về một xã hội và được hưởng những quyền lợi cũng như những sự phục vụ của xã hội đó mang lại cho họ. Và do đó họ phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội đó. Khi Đức Giêsu nói, "Của Cêsarê thì hãy trả về cho Cêsarê" có nghĩa là không ai được quyền trốn tránh trách nhiệm đóng góp của mình cho xã hội. Hầu hết chúng ta đang thi hành điều này hàng ngày. Khi đi mua sắm hay đổ xăng xe chúng ta đều phải trả tiền thuế cho mỗi mặt hàng. Mỗi tháng chúng ta phải trả tiền ga, điện, nước, tiền điện thoại. Hàng năm chúng ta phải trả tiền thuế nhà, thuế đất, thuế lợi tức. Ở Hoa Kỳ cứ vào ngày 15 tháng tư hàng năm là tất cả mọi công dân phải có trách nhiệm khai và nộp thuế cho chính phủ. Sống ở Hoa Kỳ chúng ta xài tiền Dollars, và ai cũng thích kiếm được nhiều dollars. Chúng ta có trách nhiệm phải đóng thuế không được miễn trừ. Tuy nhiên hình như khi phải đóng thuế thì nhiều người lại cố tìm mọi cách để trì hoãn hoặc trốn tránh. Làm như thế là phản lại tinh thần của Đức Giêsu đã dạy. Theo như lời của Ngài thì đóng thuế là một trách nhiệm nghiêm chỉnh của mọi công dân. Trong một quốc gia mà tất cả mọi người dân ý thức được trách nhiệm của mình để đóng thuế cách nghiêm chỉnh thì chính quyền sẽ có phương tiện để phát triển và phục vụ cho đời sống của người dân được an ninh và trật tự. Trái lại nếu người dân cứ tìm cách gian lận trốn thuế thì chính phủ không thể làm việc hữu hiệu được. Người dân cũng có bổn phận phải tham gia vào đời sống chính trị, bầu cử và chọn lựa những người thanh liêm chính trực vào làm việc trong chính quyền để phục vụ lợi ích chung. Đây chính là ý nghĩa mà Đức Giêsu muốn nói, "Của Cêsarê thì hãy trả về cho Cêsarê."

Trả Cho Thiên Chúa Những Gì Thuộc Về Thiên Chúa

Vấn đề không phải chỉ đơn giản là trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê, nhưng chúng ta còn phải trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Là những Kitô hữu, chúng ta được đưa vào một cộng đoàn xã hội thiêng liêng. Mỗi người chúng ta chính là đồng bạc của Nước Trời. Trên đồng bạc đó có khắc ghi hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta hỏi mình xem hình ảnh của Th