Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8h sáng ngày thứ Hai 15 tháng Giêng và bay tới thủ đô Santiago của Chí Lợi (hay còn gọi là Chi-lê) lúc 8h10 tối cùng ngày. Ngài sẽ đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago lúc 9h tối và nghỉ đêm tại đây.

Trong ngày thứ Ba, 16 tháng Giêng, tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha sẽ diễn ra trong phạm vi thủ đô Santiago.

Santiago de Chile [santjaɣo ðe tʃile], hay đơn giản là Santiago, là thủ đô và thành phố lớn nhất của Chí Lợi, đồng thời cũng là một trong những thành phố lớn nhất châu Mỹ.

Santiago là tiếng Tây Ban Nha, kết hiệp hai từ “Santo”, nghĩa là Thánh, và “Yago”, nghĩa là Giacôbê. Như vậy, Santiago nghĩa là Thánh Giacôbê tông đồ, vị thánh được Giáo Hội mừng kính vào ngày 25 tháng 7 hàng năm, và được nhắc đến trong Phúc Âm thánh Matthêu:

“Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4:21-22).

Santiago là trung tâm của khu vực bình nguyên rộng lớn nhất của Chí Lợi và có mật độ dân số cao nhất quốc gia. Hầu hết thành phố nằm ở độ cao từ 500m đến 650m so với mực nước biển.

Được thành lập vào năm 1541, bởi nhà thám hiểm Tây Ban Nha Pedro de Valdivia, Santiago đã là thủ đô của Chí Lợi từ thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Trung tâm thành phố vẫn giữ được lối kiến trúc tân cổ điển hồi thế kỷ thứ 19 với các đường phố quanh co như thường thấy ở các nước châu Âu.

Phong cảnh thành phố Santiago được hình thành bởi nhiều ngọn đồi và dòng sông Mapocho chảy xiết. Dãy núi Andes có thể được nhìn thấy từ hầu hết các điểm trong thành phố. Những ngọn núi này góp phần gây ra sương mù, đặc biệt là vào mùa đông.

Vùng ngoại ô của thành phố được bao quanh bởi những vườn nho. Từ Santiago đi sâu vào vùng núi Andes hay ra bờ biển Thái Bình Dương cũng chỉ vài giờ.

Santiago là trung tâm văn hoá, chính trị và tài chính của Chí Lợi và là trụ sở chính của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Cơ quan hành pháp và tư pháp Chilê được đặt tại Santiago, nhưng Quốc hội được đặt tại thành phố Valparaíso, lân cận.

Trong vùng đô thị của Santiago, có 174 di sản được coi là Di tích Quốc gia, trong đó có các di tích khảo cổ, kiến trúc và lịch sử. Chính phủ Chí Lợi đã đề nghị với Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới: Khu bảo tàng El Caño, nhà thờ và tu viện San Francisco và cung điện La Moneda, nơi Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 8h20 thứ Ba 16 tháng Giêng.

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào năm 1575, 34 năm sau khi thành phố Santiago được chính thức thành lập. Trận động đất ở Santiago năm 1647 tàn phá nặng nề thành phố này.

Trận động đất Valdivia năm 1960 và trận động đất Algarrobo năm 1985 đã gây ra thiệt hại nặng ở Santiago, khiến cho chính quyền đề ra các tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra trong tương lai.

Năm 2010, Chí Lợi đã bị một động đất lên đến mức 8.8 độ Richter khiến 525 người chết, trong đó có 13 người ở Santiago, và thiệt hại ước tính khoảng 15 đến 30 tỷ Mỹ Kim. 370,000 ngôi nhà bị hư hại, nhưng các chuẩn mực xây dựng được thực hiện sau trận động đất trước đó đã giúp giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng rất nhiều so với trận động đất ở Haiti một vài tuần trước đó. 100,000 người chết ở Haiti, trong khi ở Chí Lợi chỉ có 525 người chết.

Ngày 27 tháng 6 năm 1561, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Santiago de Chile và bổ nhiệm Đức Cha Rodrigo González de Marmolejo làm Giám Mục tiên khởi. Ngày 21 tháng Năm 1840, Tòa Thánh nâng Santiago de Chile lên hàng tổng giáo phận với tổng diện tích là 9,132 km vuông.

Tổng giáo phận Santiago de Chile ngày nay được coi sóc bởi Đức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello, dòng Salêsiêng, năm nay 76 tuổi. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y nghỉ hưu Francisco Javier Errázuriz Ossa. Ngài là một trong số 9 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, trong tổng số 6,358,210 dân của Santiago, có 4,254,000 người Công Giáo, tức là 66.9%, sinh hoạt trong 212 giáo xứ. Toàn tổng giáo phận có 862 linh mục, trong đó có 250 linh mục triều và 612 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 385 phó tế vĩnh viễn, 1,081 nam tu sĩ không có chức linh mục, và 1,951 nữ tu.