Vào tháng mười một tới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm Bangladesh và Myanma, là hai nước đang phát triển ở Châu Á và ngài sẽ mang theo một thông điệp hòa bình và chung sống giữa những đàn áp đang xảy ra.

Cuộc viếng thăm sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng 11 cho tới ngày 2 tháng 12.

Cha Cervellera, một linh mục của giáo hoàng học viện truyền giáo (PIME) và là tổng biên tập của AsiaNews, đã dành nhiều thời gian ở Miến điện và Bangladesh, cho biết:

"Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, theo tôi, nhấn mạnh đến sự kiện là việc chung sống sẽ giúp tương lai cho đất nước, chứ không phải là xung đột."

Đức Giáo Hoàng đặc biệt sẽ đề cập đến hoàn cảnh bị ngược đãi lâu dài cuả sắc dân Rohingya mà ngài từng nói ra nhiều lần.

Vài nhóm Phật giáo quá khích cuả Miến điện (xứ đa số là phật giáo) đã không chấp nhận các nhóm theo Hồi giáo và những người này cũng bị quốc gia Hồi giáo lân cận là Bangladesh từ chối khi họ tìm cách đến trú ẩn ở đây.

"Vì vậy, họ không có quốc gia, họ là những người di cư đúng nghiã, nghiã là họ không hề có một nơi nào để gối đầu," Cha Cervellera nói.

"Và vì vậy mà Đức Giáo Hoàng đặc biệt bảo vệ họ, để cho người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo biết rằng chúng ta giúp đỡ người khác thì không phải là dựa trên cơ sở tín ngưỡng, trên cơ sở tài sản, hoặc khả năng của họ, nhưng đơn giản vì họ là con người."

Một cái gì đó cần lưu ý về chuyến viếng thăm, Cha Cervellera nói, số dân Công Giáo trong cả hai nước là rất nhỏ. Ở Bangladesh thì ít hơn 3% và tại Miến điện, ít hơn một phần trăm.

Vì vậy, Giáo Hội chắc chắn là một thiểu số nhỏ, và thêm vào đó, Myanmar và Bangladesh là hai quốc gia đang phát triển, điều đó đặt các quốc gia này vào "vùng ngoại vi của thế giới."

Cha Cervellera nói tiếp: "Đức Giáo Hoàng thường nói: tôi sẽ đi đến các vùng ngoại vi. Tôi thấy Đức Giáo Hoàng đang thực sự đi vào các vùng ngoại vi để gặp gỡ người Công Giáo và nâng đỡ sứ mạng của họ."

Ngoài việc là một tôn giáo thiểu số, Giáo Hội Công Giáo tại hai quốc gia này cũng được tạo thành từ nhiều sắc dân thiểu số với nhiều nguồn gốc khác nhau.

Bên cạnh vấn đề dân Rohingya, ĐGH sẽ có thể lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc khủng bố liên tục các dân tộc thiểu số khác, Cha Cervellera nói.

"Có nghĩa là, khi Đức Giáo Hoàng nói về việc bảo vệ dân tộc thiểu số, ngài cũng bảo vệ người Công Giáo."

"Tuy nhiên, trong việc bảo vệ người Công Giáo, hay bảo vệ dân tộc thiểu số, ngài đề cập tới bối cảnh cuả toàn thể xã hội, bởi vì con đường hoà bình là hiệu quả nhất cho tất cả mọi người," Cha Cervellera nhấn mạnh.

Cha Cervellera cũng nhấn mạnh rằng tuy người Công Giáo ở khu vực này là một thiểu số nhỏ, nhưng sự đóng góp vào việc phát triển cuả quốc gia là một phần rất quan trọng. Vì giáo hội "có bệnh viện, chỗ ở, trạm y tế cho người nghèo, trường học, trường chuyên nghiệp, trường cao đẳng, hợp tác xã."

"Giáo hội trợ giúp các xã hội đó phát triển và trưởng thành."

Cha Cervellera nói rằng ngài đã từng ở Bangladesh và Myanma và có thể nói rằng người Công Giáo "là một cộng đồng rất nhiệt tình trong Đức tin." Đức tin của họ là "ý nghĩa cho cuộc sống của họ, những gì mang lại màu sắc và phẩm giá."

Mặc dù đôi khi người Công Giáo phải chịu đựng trước những khủng bố và đàn áp vì tình trạng thiểu số cuả họ, điều này có vẻ cũng làm tăng cường tính Công Giáo của họ, do việc tìm kiếm sự an ủi trong sự đồng hoá với một danh tính phổ quát lớn hơn (danh tính Công Giáo) mà họ là hội viên.

Mặc dù những người Công Giáo tại hai quốc gia này là những người nghèo nhất, sống trong những túp lều tranh, ngủ trên sàn bẩn, "họ vẫn vui mừng," ngài nói, và họ muốn chia sẻ niềm tin cuả họ với người khác.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi từ họ, sự nhiệt tình này. Và có lẽ chúng ta có thể hỗ trợ họ trong những cách nào đó. Bởi vì sứ vụ của họ cũng là cuả chúng ta," Cha Cervellera chỉ ra như vậy.