Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo Việt Nam không hiểu rõ nghĩa các từ của Phật Giáo như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ của người Công Giáo như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..

Đối với người Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10, tháng kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được. Ngoài ra tại sao Mân Côi lại gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi và tại sao người Công Giáo Việt Nam lại không hiểu rõ ý nghiã các từ này. Vấn nạn đặt ra như vậy nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến 3 vấn đề sau: (1) Kinh Mân Côi là gì ?. (2) Tai sao gọi là Kinh Mân Côi?. (3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?

1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:

Theo định nghiã của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh. Đây là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214.

2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.

Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ: Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù là La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Tiếng Anh gọi là Corona, Chaplet, Garland là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh. Trong tiếng Anh cổ, từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu nên được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi. Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇 [méiguijing] tức Mai Côi Kinh có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.

3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.

Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.

3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:

3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi

3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi

3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.

3.1.4-Hán Vệt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.

3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰 [méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.

3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰: hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.

Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.

3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:

3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario) để chỉ kinh Mân Côi và Cô Rô Na (Corona) là tràng hạt

3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:

- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy

- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.

3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.

3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.

3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng

3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm (sic) ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.

3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

3.3. Từ Nào Đúng?

3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫 trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huình Tịnh Paulus Của đều chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.

Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.

3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰 [gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi

4. KẾT LUẬN

Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Hiện nay, đa số người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi. Như vậy không thể nói như tác giả Nguyễn Đình Diễn rằng chỉ có một từ Môi Côi là đúng, còn các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Mẹ để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng chỉ kinh kính Đức Mẹ.