Thân tặng anh V. và nhóm U-80

Vừa nhận được lời cháu V. mời dự sinh nhật thứ 75 của anh, em nhớ ngay đến câu nói hóm hỉnh, tuy đơn sơ, ngây ngô tinh tỉnh, thế mà lại thời danh bất ngờ, như đã được trích dẫn rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu, đó là lời của Bố Larry Lorenzoni (SDB trên vùng San Francisco), đại khái thế này: “Birthdays are good for you. Statistics show that the people who have the most, live the longest.” Xin tạm dịch thoát ý là: “Mừng sinh nhật thì tốt lắm. Thống kê cho biết người càng mừng nhiều sinh nhật bao nhiêu thì càng sống thọ bấy nhiêu.”

Thời gian thật như chớp mắt. Mới ngày nào anh em mình còn dong duổi trên lưng ngựa sắt để ra sân vận động Linh Xuân Thôn tập dượt đá bóng, chuẩn bị cho mùa giải thanh niên Thủ Đức. Thế mà thấm thoát đã gần nửa thế kỷ rồi đấy! Bây giờ ra sân anh em mình còn chạy nổi để…nhặt được bóng thôi thì cũng kể là kỳ công rồi.

Nếu theo Đỗ Phủ, “nhân sinh thất thập cổ lai hy,” thì anh đã vượt quá cái ngưỡng hiếm hoi của con người bình thường rồi đó. Còn nếu theo thống kê thời đại (vietnamnet.vn--ngày 29/09/2016), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam mình hôm nay là 75.6, đứng thứ hai Đông Á (dưới Singapore, 82.1, nhưng trên Mã Lai 74.7, Thái Lan 74.4, Indonesia 68.9, Philippines 68.3, Campuchia 68.2, Lào 66.1…) thì anh vừa đúng tuổi thọ trung bình. Nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh, thì anh vẫn chưa tới mức: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi…” (TV 90:10).

Nói cho vui thế thôi, chứ sống chết là ở trong tay Chúa. Mỗi ngày được sống thêm là cả một hồng ân, điều mà ta thường không để ý tới, cứ “take it for granted’ theo kiểu nói của người Mỹ. Thực ra, ngay sự hiện hữu của bản thân mình cũng đã là một huyền nhiệm: Tại sao ta lại được sinh ra, chứ không phải mãi mãi chìm ngập trong hư vô? Mà sinh ra sao lại là người Việt Nam, chứ không phải là Ấn Độ, hay Mỹ, hoặc Mễ như người hàng xóm bên nhà? Bởi vì ta được Chúa thương, đơn giản thế thôi! Và đó là lý do mình phải đọc Kinh Cám Ơn mỗi ngày: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…” Rồi từng ngày sống, từng niềm vui hay nỗi buồn, tất cả cũng đều do Chúa, đúng như sách Giảng Viên đã viết: “Đối với con người, không có gì tốt hơn là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra ! Nhưng chính tôi đã thấy là điều đó cũng do Thiên Chúa mà đến, vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho?” (GV 2: 24-25) Sau đó, Giảng Viên kết luận: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (3:14)

Thực ra, con người ngày nay càng ngày càng sống thọ hơn xưa, do sự phát triển về nhiều mặt từ khoa học, kỹ thuật, đến khoa y tế, dinh dưỡng, khoa bảo trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, khoa thể dục thể thao… Người ta không còn sợ chết yểu nữa, trái lại, người ta đang cố công tìm hiểu mọi cách thức sống tuổi thọ một cách đầy phẩm chất, thoải mái, hạnh phúc sung mãn. Hằng ngày không biết bao nhiêu thứ thuốc chống lão hóa, bao nhiêu loại kem làm trẻ da được quảng cáo nhan nhản trên truyền hình truyền thanh. Còn các hãng bảo hiểm thì thi nhau chế tạo những chương trình “chăm sóc dài hạn”, cùng với việc người ta xây cất thêm hoặc nâng cấp các viện dưỡng lão cũng như thăng tiến dịch vụ tới mức tối đa nhằm phục vụ một lớp người đang gia tăng sĩ số và nhu cầu phục vụ.

Oái oăm thay, trong khi con người ngày càng sống thọ hơn, thì chính thế giới này lại đang bị lão hóa, bởi giới già ngày càng đông, mà giới trẻ ngày càng ít đi: tuổi trẻ ngày nay tuy vẫn lập gia đình hoặc sống chung không hôn thú, nhưng rất ngại sinh đẻ. “Marriage: yes, kids: no”. Chính vì thế, nghe nói ở Nhật có một dịch vụ ngày càng thịnh hành là người giữ trẻ đem trẻ con đến các viện dưỡng lão để làm công việc giải khuây cho các cụ. Chỉ cần nhìn thấy lũ trẻ nô đùa hồn nhiên, cười nói ríu rít, ngay cả khóc nhè, cũng làm cho các cụ thấy ấm lòng và vui vẻ y như tìm lại được những ngày ấu thơ và tạm quên đi những tháng năm chầm chậm như thể ngừng trôi bên trong khuôn viên “nhà giữ già.” Điều này cũng tự nhiên thôi. Có người bảo rằng nếu bạn muốn trẻ và gầy, thì cứ giao du với quý vị lớn tuổi và đẫy đà. Thảo nào quý cha thầy SDB lúc nào cũng tươi trẻ vì suốt ngày cứ quanh quẩn với đám nhóc tì, chạy nhẩy, đá bóng (ngay cả giữa buổi trưa nắng gắt), hoặc chơi game với chúng. Sống và làm việc với giới trẻ và cho giới trẻ. Đúng là “phụng sự Chúa trong niềm hân hoan” của tuổi trẻ.

Triết gia Immanuel Kant viết về quy luật hạnh phúc thế này: “Hạnh phúc là khi có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu, và có điều gì đó để hy vọng. “ Bây giờ, ngoài sáng nhà thờ, chiều nhà thánh, việc của anh là giữ nhà trông cháu, chăm sóc vườn tược, vui thú điền viên, họp mặt bè bạn. Về khoản “có ai đó để yêu” thì cho dù chị đã “mang lời khấn nhỏ, bỏ anh đứng bên đời kia” (Trịnh Công Sơn: Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ), thì anh vẫn còn có đàn con và lũ cháu ngoại bên cạnh, và đương nhiên trở thành chuyên viên giữ trẻ lúc nào không hay. Chúc anh “được sống lâu bên đàn con cháu” (TV 128:6) vì “con cái là hồng ân của Chúa, và con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban (TV 127: 3). Nhân đây, xin nói thêm với anh là người Mỹ hay kháo láo với nhau thế này: ‘mình phải đối xử tử tế với con cái bởi lẽ chính chúng nó sẽ quyết định chọn viện dưỡng lão nào để đưa mình vào.’ Rồi cũng sẽ đến lượt Việt Nam mình thế thôi.

Đành rằng có tuổi thì cái gì cũng chậm lại, từ đi đứng (xương cốt rã rời, nếu may mà không bị bệnh gout) cho đến di chuyển (mắt mũi kèm nhèm sao dám lái nhanh). Nhưng ngược lại, cái tốc độ lão hóa thì gia tăng vùn vụt (đang xuống dốc mà). Chẳng thế mà mới năm ngoái đến năm nay sao thấy nó khác nhau một trời một vực. Thôi thì cũng đành chứ biết sao? Tuy nhiên, không ai có thể xóa được nét thanh xuân vẫn được giữ kỹ trong đáy sâu tâm hồn mình, đúng như câu thơ ai đó vừa ngâm: “Soi gương thì thấy mình già, soi lòng lại thấy mình là…thanh niên.” Thi sĩ John Andrew Holmes (1904—1962) đã dùng một hình ảnh khá cụ thể khi viết: “Lúc đã có tuổi, tâm hồn bạn phải tươi tắn, nở ra như một đóa hoa hồng chứ đừng cuốn khép lại như một loài bắp cải.” Việt Nam ta có câu: “Gừng càng già càng cay.” Còn Tây thì họ bảo: “Rượu càng để lâu càng ngon.” Hoặc: “Cây vĩ cầm càng cũ kỹ thì tiếng đàn lại càng du dương.” Thực ra thì đời người đâu khác gì hoa trái: từ mầm xanh ra đến cành non, từ nụ trổ ra hoa, từ trái ương đến trái chín vàng ươm. Cái gì cũng có thời của nó, đúng như Giảng Viên đã viết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây…(GV 3:1-8)

Phải đấy, cho dẫu từ nay trở đi, “tiền mua nến còn mắc hơn tiền mua bánh sinh nhật”—theo lối nói của danh hề Bob Hope—không ai có thể ngăn được nét tươi trẻ của nhánh cây trong hồn mình vẫn vun tưới hàng ngày. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Bốn mươi là mùa thu của tuổi trẻ, còn năm mươi chính là mùa xuân của tuổi già.” Nếu vây thì anh mới đang ở đầu mùa hè của giai đoạn hậu trung niên mà thôi. “Tuổi tác không đo lường bằng năm tháng. Thiên nhiên không phân phối năng lực một cách đồng đều đâu: có người vừa sinh ra đã già khọm, còn có người thực sự sung sức ở tuổi 70.” Đó là tuyên bố của Dorothy Thompson (1893—1961), một nhà báo và văn sĩ lừng danh của Mỹ. Hóa ra, già trẻ không do tuổi tác, mà “ở tại lòng ta.” Tuy nhiên, từ sau lời rao giảng của Chúa Giêsu, sống trẻ--dẫu ở vào lứa tuổi nào chăng nữa--không còn là một chọn lựa tùy ý, thích thì làm, không thì thôi, mà đã trở thành một điều kiện để vào thiên đàng: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (Mc 10:13-16).

Chúc anh, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 75, giữa muôn vàn những niềm vui nỗi buồn chợt đến chợt đi của cuộc đời, luôn sống với tâm hồn tươi trẻ, để lúc nào Chúa gọi thì được vào thiên đàng thẳng một mạch.

Lễ Lao Động Hoa Kỳ 2017