CƠN BỆNH HIỂM NGHÈO

Vào cuối năm 1936, nghĩa là sau khi làm báo ở Saigon được gần hai năm, Hàn Mặc Tử trở về miền Trung, và đang lúc chuẩn bị vào lại Saigòn, thì chàng bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy toàn thân, đôi khi thấy tai, mũi ửng đỏ. Ban đầu, chàng và gia đình nghi ngờ không biết có phải là triệu chứng của bệnh cùi hay không? Cả nhà đi tìm nguyên nhân để giải thích. Họ xét gia phả, thì gia đình hai bên nội ngoại không có ai mắc chứng bệnh ấy. Họ không tìm ra nguyên nhân, nhưng đặt nghi vấn vào cổ thuyết dân gian cho rằng khi còn làm việc ở Sở Đạc Điền vào những năm 1932-1933, Hàn Mặc Tử thường hay đi qua làng mạc vùng quê, vào sáng sớm hay đêm khuya, có khi đi qua những bãi tha ma vào ngày mưa to gió lớn, do đó mà có thể đã mắc bệnh cùi.

Theo thi sĩ Quách Tấn, trong sách Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử, thì chính Hàn Mặc Tử cũng tin vào cổ thuyết trên. Chàng kể lại cho Quách Tấn và Quách Tấn viết lại nguyên nhân mắc bệnh như sau:

Tử có một người bạn gái ở Phan Thiết, hai bên hẹn nhau chiều thứ Bảy nọ cùng chơi Lầu Ông Hoàng. Tử đi xe tốc hành ra Phan Thiết. Đến ga thì đã thấy cô bạn đứng đợi.

Đêm hôm ấy có trăng nên hai người rủ nhau đi bộ. Giữa đường bỗng trời phát mưa giông. Chung quanh không nhà không quán. Hai người dắt nhau vào núp dưới bia một ngôi mộ trong nghĩa địa ở cạnh đường. Cách nhà bia chừng vài ba mươi thước, có một túp lều tranh xiêu vẹo tồi tàn. Ngoài ra chỉ có mả con mả lớn.

Gió mỗi lúc một mạnh, mây kéo mỗi lúc một dầy, rồi mưa đổ. Trời tối đen như mực, sấm chớp vang dậy tứ bề. Cảnh thật rùng rợn. Bỗng nơi túp lều tranh xiêu vẹo, tồi tàn kia vụt lóe ánh lửa. Ánh lửa cứ hừng lên rồi lại tắt, tắt rồi lại hừng lên. Đồng thời lại nghe tiếng rên ầm ầm như tiếng thùng sắt lăn trên đường trải đá. Hai người sợ rởn ốc, song không biết làm sao được, đành phải ôm nhau ngồi đợi mưa.

Mưa vừa ngớt hột, hai người dắt nhau chạy, băng nhào trên mồ cũ mả mới, chạy một mạch về nhà. Sau đêm hôm ấy, trong mình Hàn Mặc Tử thấy ngứa ngáy, nhất là đôi chân.


Khi biết mình thực sự mắc bệnh cùi rồi, Hàn Mặc Tử, lúc ấy vừa 24 tuổi, không còn quan tâm gì đến vấn đề nguyên nhân nữa. Thực tế nó nằm ỳ ra đấy. Nó ghê gớm quá, nó nghiệt ngã quá. Nó làm cho Hàn Mặc Tử ớn lạnh, hoảng hốt, tuyệt vọng. Đồng thời, trong quãng thời gian này, Mộng Cầm, người yêu của chàng lại đi lấy chồng. Nên bao nhiêu đau khổ do bệnh tật và cuộc tình đổ vỡ, đã làm cho chàng bị thác loạn tinh thần, tâm hồn như hoàn toàn bị tan rã.

Thế rồi, bệnh càng ngày càng tăng, Hàn Mặc Tử, một phần muốn tránh lây bệnh cho gia đình, phần khác sợ dân chúng biết báo Sở Vệ Sinh bắt về trại cùi, nên vào khoảng đầu năm 1937, gia đình âm thầm gửi Hàn Mặc Tử đi lánh bệnh ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định như Xóm Động, Xóm Tần, Ghềnh Ráng, Gò Bồi. Tại Gò Bồi, căn nhà chàng ở chỉ là túp lều tranh vách đất, giữa đồng không mông quạnh, cách Quy nhơn 15 cây số. Hàng ngày gia đình phải lén lút tiếp đồ ăn cho Tử.

Chàng cũng tuyệt giao với bạn bè. Chàng cấm người nhà không được loan tin chàng mắc bệnh. Bao nhiêu thư từ gửi tới, chàng đều không trả lời. Tuy nhiên, tin chàng bị bệnh rồi cũng được thiên hạ loan ra. Thi sĩ Quách Tấn, bạn chí thân của Hàn Mặc Tử kể về chuyện này như sau:

Cuối năm 1937, một người bạn gái ở Quy Nhơn vào Nha Trang cho biết Tử mắc bệnh nan y. Chẳng khác một cơn ác mộng bao vây, lòng tôi mong đó là tin thất thiệt. Nhưng lẽ nào một người bạn lại đi chúc dữ một người bạn như thế. Tôi không dám ngờ, nhưng cũng không dám tin. Tôi bèn theo địa chỉ của người bạn gái cho, viết thư ra hỏi Tử. Tôi liền được một phúc thư, một bức thư đầy thương cảm.

Anh ơi, gần một năm nay muốn dấu anh nên không viết thơ cho anh, lòng tôi hết sức đau khổ. Song thà chịu đau khổ còn hơn cho anh biết, khiến anh phải đau khổ vì tôi. Nay thì không thể dấu anh được nữa, đành nói thực cùng anh.

Khi Hàn Mặc Tử ở Gò Bồi, bà mẹ cố chạy chữa thuốc thang cho con. Nhưng điều đáng chú ý là chàng không chịu uống thuốc Tây, mà chỉ tin vào thuốc Nam, thuốc Bắc. Nghe đâu có thầy hay, thầy giỏi thì dù phải trèo non, lặn suối, chàng và mẹ chàng cũng lặn lội tới nơi. Hết nơi này, sang nơi khác, nhưng tiền vẫn mất, tật vẫn mang. Có khi mới uống thuốc của ông lang này được vài ba thang, lại nghe chỗ khác có ông lang hay hơn, thế là chàng và mẹ chàng lại lặn lội tới nơi. Vì tâm trạng nóng lòng như vậy, nên nhiều phen, chàng bị phạm thuốc. Hơn nữa chữa bệnh cùi là phải dùng các vị độc chất để diệt trùng, nên thuốc đã hành hạ thân xác chàng. Lắm bận, chàng bị mờ cả đôi mắt trong năm bảy hôm. Và có khi, vì trái thuốc, chàng đã chết đi sống lại ba bốn lần.

Theo các sử gia viết về Hàn Mặc Tử, chính những giây phút nguy kịch đó, Mẹ Maria đã hiện đến cứu chữa chàng. Chính chàng cũng nhận điều đó và đã viết lên bài thơ Thánh Nữ Đồng Trinh để cảm tạ Đức Mẹ. Đây là một số câu trích trong bài thơ nói trên:

Lậy Bà là đấng tinh tuyền thanh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:

Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi hớp như bao là khí vị

Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí

Và trong tay nắm một nạm hào quang.


Thi sĩ Quách Tấn, người bạn thân tình nhất của Hàn Mặc Tử, không phải là người Công Giáo, nhưng đã làm chứng về chuyện Đức Mẹ cứu chữa chàng như sau:

Một đêm Tử nằm mộng thấy Đức Mẹ Maria lấy nhành dương liễu nhúng nước thánh rảy khắp mình Hàn Mặc Tử, Tử cảm thấy ớn lạnh. Cho nên khi cầm viết được, Tử liền soạn bài Thánh Nữ Đồng Trinh để tạ ơn Đức Mẹ.

Còn nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại, cũng không phải là người Công Giáo, đã viết về chuyện này trong tác phẩm Hàn Mặc Tử:

Chính trong cơn bệnh hoạn của chàng, mỗi lần chàng chết đi sống lại, là chàng đều cảm thấy bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu chữa chàng. Cho nên hơn hết cả muôn vì thần thánh, Thánh Mẫu Maria là đấng đáng cho chàng ca tụng. Việc ấy chàng đã làm trong một bài thơ tuyệt diệu, mà tôi muốn làm sao cho thấu đến tòa Khâm Mạng toàn cõi Đông Dương, đến cả Tòa Thánh La Mã nơi có Đức Giáo Hoàng. Những bài thơ của Hàn Mạc Tử về loại đạo hạnh này có thể đặt chàng ngang hàng với thi hào Pháp Paul Claudel .

Bệnh tình của Hàn Mặc Tử mỗi ngày một thêm nghiêm trọng. Và đúng là hoạ vô đơn chí. Trong mấy năm ấy, đau khổ, tai họa, chết chóc, bệnh tật cứ liên tiếp đổ ập xuống gia đình đáng thương này. Từ ngày ông thân sinh chết, cả gia đình hoàn toàn trông nhờ vào ông anh cả Nguyễn Bá Nhân, làm nghề thầu khoán. Năm 1936 là năm Hàn Mặc Tử lâm bệnh, thì cũng năm đó, ông Nhân chết vì tai nạn xe cộ. Gánh nặng gia đình trút hết lên vai bà mẹ già yếu, với số lương hưu bổng 21 đồng mỗi tháng.

Trước tình thế cùng quẫn đó, Hàn Mặc Tử đã năm lần bảy lượt quyết định đi vào Bố Thí Viện Quy Hòa, nhưng mẹ và các chị em không cho. Đang lúc mong mỏi có ai giúp đỡ thì Hàn Mặc Tử được sự giúp đỡ của một người bạn ở Nha Trang, đó là ông Quách Tấn. Ông gửi một vị lương y đến tận Gò Bồi để chữa trị. Nhờ vị lương y, bệnh tình của Hàn Mặc Tử thuyên giảm một cách rõ rệt. Chàng mừng quá, nhiều lần oà lên khóc, ôm chầm lấy ông thầy thuốc mỗi khi đến bắt mạch cho chàng.

Đang lúc phấn khởi như vậy, thì vấn đề tài chánh gia đình lại trở nên quẫn bách hơn bao giờ hết. Trong một bức thư gửi cho bạn thân là Trần Thanh Địch, chàng than thở: Địch ơi, cuộc đời Trí rung rinh lắm rồi, hiện nay Trí khổ lắm, không có tiền uống thuốc Địch ạ ! Bệnh Trí mỗi ngày một khá nhiều lắm, thế mà không biết làm sao có tiền để mua thuốc. Lâu nay, Trí không mấy khi làm phiền gia đình về sự thuốc men nữa cả. Không bao giờ Trí nói cho ai biết. Người thầy thuốc có lòng thương Trí, cho Trí uống chịu thuốc, nhưng bây gi họ cũng không thể cho nữa, vì họ cũng nghèo khổ qúa rồi.

Chàng đinh ninh nếu có đủ thuốc men, căn bệnh sẽ lành hẳn. Niềm tin đó, làm cả gia đình tràn trề hy vọng. Riêng chàng, chàng mừng rỡ tung tin đi khắp nơi cho bạn bè biết: là một ngày gần đây, mình sẽ khỏi bệnh, sẽ trở lại sinh hoạt văn nghệ với anh em như thường lệ. Nhưng có biết đâu, số phận hẩm hiu đã an định. Cơn bệnh sau mấy tháng giảm bớt, bỗng nhiên bộc phát trở lại một cách dữ dội. Vị lương y đành thúc thủ, ông âm thầm ra đi, mà lòng ngậm ngùi cho thân phận nghiệt ngã của một con người tài hoa. Lúc ấy, Quách Tấn cũng không làm gì hơn được, mỗi tháng dành dụm biếu bạn 10 đồng để uống thuốc.

Tuy vậy, mẹ Hàn Mặc Tử vẫn không tuyệt vọng, còn nước, còn tát. Trong nhà có gì, bà đem bán hết để đưa con đi Thôn Tấn vì nghe ở đó có bà lang chữa lành người cùi. Về Thôn Tấn, bệnh trạng của Tử lại trở nên trầm trọng hơn, trong lúc tài chánh gia đình tới hồi hoàn toàn kiệt quệ. Cuối cùng, vào giữa năm 1940, Hàn Mặc Tử nghe lời anh rể là Bửu Dõng, đến bệnh viện Quy Nhơn xin khám bệnh. Bác sĩ cho biết Hàn Mặc Tử đã bị phong cùi và các bộ phận trong cơ thể, đã hầu như hoàn toàn bị hủy hoại. Có lẽ, đây là hậu quả tất nhiên của việc dùng quá nhiều độc chất trong thuốc Nam để trị bệnh. Còn dung dạng bên ngoài, chỉ có đôi bàn tay là bị co quắp, mặt bị nám một vệt lớn bên má trái, còn tai, mũi của Hàn Mặc Tử chỉ ửng đỏ mà thôi.

Sau khi nghe lời bác sĩ, Hàn Mặc Tử yên trí là chàng không còn sống bao lâu nữa, nên một lần, với vẻ mặt đầy xúc động, chàng ôm lấy mẹ, nức nở nói với mẹ: Mẹ ơi, con sắp chết nay mai mẹ ạ, mẹ thương con không, nhưng con không sợ chết mẹ ạ. Con nghĩ rằng con phải bỏ mẹ, phải vĩnh viễn xa mẹ nên con đau khổ quá mẹ ôi.

Thế rồi, chàng gác hết mọi chuyện văn chương, chữ nghĩa, suốt ngày, đọc kinh cầu nguyện, hướng tâm hồn về với Chúa và mẹ Maria. Viết thư cho bạn bè, Hàn Mặc Tử thường nói: Đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đến nơi có Chúa, có Mẹ Maria chờ đón tôi ở đó.

Đang lúc chuẩn bị tâm hồn như vậy, thì bọn lý hào ở Thôn Tấn tố cáo với nhà cầm quyền, nên ngày 20 tháng 9 năm 1940, trong một buổi sáng tinh sương, Hàn Mặc Tử khóc xướt mướt, từ giã mẹ và anh em, bước lên xe để sở Vệ Sinh áp tải về trại cùi Quy Hoà. Trong khi xe mở máy, Hàn Mặc Tử vén màn lên nhìn lại lần cuối cùng những người chị hiền lành, những đứa cháu ngây dại, và nhất là bà mẹ già lọm khọm suốt đời hy sinh cho con. Tất cả đang đứng ôm mặt khóc nức nở.

Bài sưu khảo ngày mai: Hàn Mặc Tử Trong Trại Cùi Quy Hoà