CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN - NĂM A

Con đường chẳng mấy ai đi

(Bài đọc 1: Sop 2, 3. 3,12-13, Bài đọc 2: 1 Cr 1, 26-31, Tin mừng: Mt 5, 1-12a)

Thông thường khi muốn đi đến đâu, chúng ta vẫn thường chọn con đường nào ngắn nhất, tốt nhất, sạch sẽ, rộng rãi và dễ đi nhất để đi. Và không chỉ là đường đi, trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, trước mỗi công việc, nếu được chọn lựa, tôi và quý OBACE cũng vẫn thường chọn công việc nào dễ nhất, nhẹ nhàng nhất. Nói chung, chúng ta vẫn ngại những con đường gồ ghề, sỏi đá, vẫn sợ những công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, hy sinh, chúng ta thích sự dễ dãi.

Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay lại mời gọi chúng ta đi con đường thập giá, con đường của những đòi hỏi, hy sinh, con đường của sự từ bỏ chính bản thân mình. Đây quả là sự khờ dại trước mắt mọi người, và đúng là con đường chẳng mấy ai đi, nhưng chính Đức Giêsu lại khẳng định, đó là con đường duy nhất đem lại bình an và sự sống vĩnh cửu cho mỗi người chúng ta.

1. Con đường “khờ dại”:

Trong cuộc sống thường ngày, chẳng ai trong chúng ta muốn nhắc đến hai chữ “thập giá”, bởi vì khi nói đến thập giá là nói đến sự hy sinh, nói đến những đau khổ, mà tự nhiên, không ai trong chúng ta lại thích hy sinh, hay muốn đau khổ bao giờ. Và không chỉ hôm nay, nhưng ngay từ thời Đức Giêsu, thập giá luôn là một biểu tượng của tội lỗi, vì đó là hình phạt nặng nề nhất cho phạm nhân. Đồng thời, nó còn là một biểu tượng của sự ô nhục nặng nề, vì nó được dựng lên ở nơi cao, nhiều người qua lại. Chính Đức Giêsu, trong thân phận của một con người, cũng đã từng sợ hãi cầu xin Chúa Cha cất thập giá cho Ngài trong Vườn Cây Dầu. Nhưng cuối cùng, nhờ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và đối với chúng ta, Đức Giêsu cũng đã đi trọn con đường thập giá tới tận đỉnh đồi Canvê (x. Lc 22, 42). Sau này, trong thư gởi cho các tín hữu thành Corintô, thánh Phaolô cũng nói: “thập giá chính là cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cr 1,23).

Như thế, dưới con mắt của con người thuộc mọi thời đại, thập giá luôn là một biểu tượng của sự chống đối, của sự khờ dại. Thập giá bị coi là khờ dại bởi vì nó luôn đi ngược với những đòi hỏi tự nhiên của con người chúng ta hôm nay.

Nếu như con người hôm nay đang tìm mọi cách, kể cả những cách vô luân, như: buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em, chèn ép, tham nhũng… để thu góp lợi ích, và tìm thoả mãn cho bản thân mình, thì thập giá lại đòi chúng ta một sự hy sinh vô vị lợi, sống “tinh thần nghèo khó”. Sống tinh thần nghèo khó là sống tinh thần siêu thoát với những của cải, là làm chủ của cải và tiền bạc mình có, chứ không để nó làm chủ mình. Sống tinh thần nghèo khó còn là sự ý thức rằng mình chỉ là người quản lý, để rồi luôn sẵn sàng chia sẻ cho những người đang sống chung quanh chúng ta.

Thập giá còn bị coi là khờ dại, bởi vì nó đòi mỗi người chúng ta sống “hiền lành”, và “thương xót người” trong khi đó, đối với con người hôm nay, thì “có qua, có lại mới toại lòng nhau”. Hơn thế nữa, với ảnh hưởng của phim ảnh và các tác động của xã hội, nhiều người hôm nay vẫn quan niệm rằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, “quân tử báo thù mười năm chưa muộn”, thì việc chúng ta sống yêu thương “tha thứ” và “ăn ở thuận hoà” với mọi người, kể cả những người làm mất lòng chúng ta theo đòi hỏi của Tin mừng, đúng là “khờ dại” trước mắt người đời.

Tóm lại, con đường thập giá luôn đi ngược với mọi suy nghĩ, tính toán theo sự khôn ngoan tự nhiên của con người. Đồng thời, thập giá còn đòi hỏi những ai đi theo nó phải có một sự cố gắng, hy sinh liên tục, nên rất ít người dám bước đi trên con đường thập giá. Chính vì thế, trong thư gởi cho các tín hữu thành Corintô, mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô đã tuyên bố: “Anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng”.

Vâng, nhìn lại suốt dòng lịch sử, chúng ta thấy những người đi theo con đường thập giá của Đức Kitô không có ai là khôn ngoan, sang trọng theo xác thịt: đó là một thánh Antôn ẩn tu, một thánh Phanxicô thành Assise sẵn sàng bỏ mọi gia tài của cải, chia sẻ cho người nghèo để bản thân mình sống một cuộc đời nghèo khó; đó còn là một thánh Phanxicô Xaviê đã từ bỏ vinh quang của mái trường đại học ở Paris, “thủ đô Ánh Sáng”, cất bước đi đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh để rao giảng Tin mừng; đó còn là Đức Giám Mục Jean Caissaigne, người đã can đảm lìa bỏ gia đình, quê hương để rồi đến sống và chăm sóc các anh chị em bị phung hủi ở vùng đất Di Linh, trên quê hương Việt Nam của chúng ta, và cuối cùng chính ngài cũng đã qua đời vì căn bệnh phong đó.

Thế nhưng, trải qua hơn 2000 năm qua, chính nhờ những người bị coi là “khờ dại theo xác thịt” đó mà thế giới này đã bớt đi biết bao nhiêu đau khổ, và biết bao nhiêu người khác đã nhận được niềm vui, và bình an. Hơn thế nữa, cho đến hôm nay, tên gọi Giêsu vẫn là niềm hy vọng cuối cùng cho rất nhiều người, cho dù ngoài miệng, họ có tuyên xưng niềm tin hay không. Thập giá, đúng là con đường “dại khờ”, nhưng lại là con đường dẫn đến sự sống.

2. Con đường đưa đến sự sống:

Con đường thập giá là con đường hẹp, con đường “dại khờ” theo cái nhìn của con người, nhưng lại là con đường chắc chắn nhất đem lại bình an, và là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Trong lời rao giảng của mình, Đức Giêsu đã từng khẳng định: “Hãy vào cổng hẹp. Vì rộng rãi và thênh thang, là con đường dẫn đến hư vong; và lắm kẻ đi ngang qua đó. Còn cổng hẹp và đường chật, thì dẫn đến sự sống, và ít kẻ gặp được nó” (Mt 7, 13-14).

Chính vì muốn các tín hữu thành Corintô xác tín hơn vào con đường thập giá của Đức Giêsu, thánh Phaolô đã nhắc nhở họ: “Điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi… hầu mọi xác thịt không thể vinh danh trước mặt Người”. Quả thật, Thiên Chúa đã chọn con đường thập giá mà ban ơn cứu độ, để không ai trong chúng ta có thể tự mãn về chính mình. Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian chê chối, coi là yếu đuối, tầm thường để làm nên những công trình vĩ đại, ngõ hầu, mọi người có thể nhận thấy quyền năng vô biên của Ngài.

Mặt khác, qua miệng ngôn sứ Sophonia, chính Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai “sống khiêm tốn, và nghèo hèn, biết tin tưởng vào Thánh Danh Chúa… không làm điều bất công,.. không nói lời phỉnh gạt”, tất cả những người đó “sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy”, tâm hồn họ sẽ luôn được bình an.

Giờ đây, nhờ sự trợ lực của Thánh Thể, chớ gì từng người chúng ta can đảm đi theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, dám chấp nhận “bị ghen ghét, bách hại, vu khống… vì lẽ công chính”. Nếu chúng ta can đảm sống như vậy, chắc chắn rằng lời hứa của Đức Giêsu: “Phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời” sẽ dành cho mỗi người chúng ta. Amen.