Theo gợi ý Đức Bênêđictô XVI, xin có một cái nhìn xem ra ngược với truyền thống về điểm tới của mầu nhiệm Chúa Hiển Dung. Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với quan niệm rằng việc Chúa Giêsu tỏ mình vinh quang trên núi thánh là để củng cố niềm tin cho các môn đệ trước khi các vị đối diện với khổ hình thập giá mà Người sẽ đón nhận tại Giêrusalem. Vậy có thể nói điểm tới của mầu nhiệm Chúa Hiển Dung là các môn đệ. Tuy nhiên chúng ta thử hỏi không lẽ Chúa Giêsu chỉ củng cố niềm tin cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan thôi sao. Còn chín vị kia thì thuộc hàng thứ yếu, không đáng củng cố niềm tin ư ? Và giải thích thế nào lời căn dặn của Chúa Giêsu với ba vị là đừng nói cho ai biết những gì vừa chứng kiến trên núi. Hơn nữa, Tin mừng còn tường thuật chính ba vị cũng chằng hiểu “từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì.”(Mc 9,10).

Đã từng có lối giải thích rằng sau khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn thì các môn đệ buồn chán (x.Mt 1621-23; Mc 8,31-33; Lc 9,22). Thế nhưng cả ba Tin mừng Nhất Lãm đều tường thuật khi Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao thì chín vị kia vẫn nhiệt thành với việc rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật. Cụ thể có một trường hợp không thể trừ quỷ được và sau đó Chúa Giêsu giải thích là “giống quỷ ấy không thể trừ được nếu không ăn chay và cầu nguyện” (x.Mt 17,21; Mc 9,29).

Thế thì chúng ta thử xoay điểm tới của mầu nhiệm hiển dung vào chính Chúa Giêsu xem sao. Dưới cái nhìn Kitô học thì Chúa Kitô khi vào trần gian mặc lấy thân phận con người thì Người nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Khoảng thời gian tại thế thì Chúa Kitô sống và hoạt động chủ yếu theo nhân tính. Thỉnh thoảng Chúa Cha cho phép Chúa Con làm người hành xử theo thiên tính những khi thật cần thiết cho công cuộc mạc khải và cứu độ. Theo chiều kích nhân tính thì Chúa Kitô cần có thời gian và điều kiện đủ để nhận thức về căn tính Thiên Chúa và sứ vụ cứu độ của mình. Thuở ấu thơ, khi còn trong vòng tay của mẹ Maria, trẻ Giêsu chưa thể ý thức rõ về căn tính Thiên Chúa của mình. Và vào tuổi thiếu niên thì Người bắt đầu nhận ra căn tính của mình. Dữ kiện năm mười hai tuổi tại Giêrusalem đã xác nhận sự thật này với câu trả lời của Người: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49). Nhưng lúc ấy thì hầu chắc thiếu niên Giêsu chưa thể hiểu rõ về sứ mệnh của mình. Vào năm ba mươi tuổi, khi để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa ở dòng sông Giođan thì Chúa Giêsu nhận ra sứ vụ cứu độ và con đường thực thi sứ vụ ấy. Tuy nhiên cũng cần có đó thời gian để Người thêm vững vàng xác tín về căn tính và sứ vụ của Người.

Thoặt đầu khi đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật, Chúa Giêsu đã được đông đảo dân chúng mến mộ. Tuy nhiên một thời gian sau đó, Người đã gặp phải sự chống đối gay gắt và cả mưu mô thâm độc của nhiều biệt phái, luật sĩ và nhiều vị trưởng Hội đường. Chắc chắn Chúa Giêsu có ít nhiều sự “xao xuyến” trong tâm hồn. Chính Tin mừng nói rõ sự thật này. Khi dẫn đoàn môn đệ lánh về vùng Xêgiarê Philipphê và ở đó Người đã hỏi các ngài rằng: “người ta nói Con Người là ai ?” và Người cũng hỏi các vị: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (x.Mt 16,13-20). Phải chăng đằng sau những câu hỏi để thăm dò quan niệm của tha nhân về căn tính của mình thì thoáng có đó sự “xao xuyến” ? Theo chiều kích “nhân tính” thì chúng ta dễ dàng chấp nhận sự thật này, dẫu cho qua câu trả lời như “trên mây gió” của Phêrô mà Người nhận ra là mạc khải của Cha trên trời.

Vài ngày sau, Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên núi cao để cầu nguyện và ở đó mầu nhiệm hiển dung xảy ra. Thử hỏi chính Chúa Giêsu tự tỏ dung nhan Thiên Chúa của mình ra trước mặt môn sinh hay là Chúa Cha cho Con của mình hiển lộ dung nhan của Đấng “sáng láng uy quyền” ? Thử hỏi chính Chúa Giêsu gọi hai vị của thời Cựu Ước ra đàm đạo hay Chúa Cha cho hai vị xuất hiện để đàm đạo với Con Mình về cuộc khổ nạn tại Giêrusalem sắp tới ? Nếu nghiêng về giả thiết là chính Chúa Cha mới là tác giả của mầu nhiệm hiển dung thì điểm tới của mầu nhiệm này chính là Chúa Giêsu. Khi cho Con của mình hiển dung là Chúa Cha muốn củng cố sự xác tín của Chúa Con làm người về căn tính của mình. Khi cho Môsê và Elia hiện ra đàm đạo cũng là để giúp Chúa Con bớt “xao xuyến” trước cái giá phải trả khi thực thi sứ vụ cứu độ. Chúng ta đừng quên rằng “cơn xao xuyến” đã đeo đẵng Con Thiên Chúa trong thân phận con người mãi đến tận “đêm Tiệc Ly”, trong vườn cây dầu và cả những phút giây hấp hối trên thập giá. Và nó chỉ chấm dứt khi Chúa Giêsu cất lời “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30), “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Tôi là ai ? Và tôi có mặt ở đời này để làm gì, có sứ mạng gì ? Đây chính là những câu tự vấn mà thiết nghĩ rằng không chỉ cần có trong những lần luyện tập “linh thao” mà thỉnh thoảng nên có trong cuộc đời để mỗi người chúng ta lấy lại sự bình an đích thực mà sống trọn kiếp người. Tuy nhiên xin đừng ảo tưởng là sẽ thoát được mọi nỗi xao xuyến cách này thể khác. Dẫu vậy trong niềm tin thì chúng ta tin rằng Đấng đã tự nguyện nhận lấy nhiều nỗi xao xuyến sẽ không để chúng ta đơn côi một mình. Ơn của Người luôn đủ cho chúng ta (x.2Cr 12,9) và hơn nữa chính Người đã hứa là sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. (x.Mt 28,20).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột