Giáo Hội tuyên một người là thánh như thế nào?

Trước nhất, Giáo Hội nhấn mạnh rằng mình không tạo ra “các thánh”, chỉ Thiên Chúa mới tạo ra được. Việc Giáo Hội có thể làm là thừa nhận điều Thiên Chúa đã thực hiện trong đời sống của một cá nhân hay một nhóm tín hữu nào đó mà thôi. Truyền thống nhận diện các cá nhân nhất định nào đó là thánh có từ thế kỷ thứ nhất và sau đó một thời gian dài vẫn chưa có một thủ tục chính thức nào cả. Các thánh đơn thuần được nhận diện qua việc tung hô và truyền thống bình dân. Đã đành đây là một phương thức dân chủ hơn, nhưng phương thức này, vì thiếu việc “kiểm soát phẩm chất”, nên cũng có thể là huyền thọai hay bị nghi ngờ về tính sử học (kết quả đôi khi gây bối rối. Thí dụ, năm 1969, Tòa Thánh buộc phải nhìn nhận rằng có rất ít chứng cớ sử học đối với sự hiện hữu của Thánh Christopher [ông thánh cõng Chúa Kitô], vị trước đây vốn được coi là thánh quan thầy của những người đi du lịch, và do đó, ngày lễ của ngài bị loại khỏi lịch của Giáo Hội).

Từ thế kỷ thứ mười, Tòa Thánh bắt đầu đòi hỏi một diễn trình chính thức trước khi tuyên bố ai đó là thánh; diễn trình này được gọi là “án phong thánh” (canonisation); gọi như thế vì vị thánh mới được ghi vào sổ chính thức, tức “canon”, bảng liệt kê các người nam nữ được công nhận là thánh. Trên lý thuyết, diễn trình phong thánh vẫn duy trì yếu tố dân chủ mạnh mẽ ở chỗ nó bắt đầu với điều, về phương diện kỹ thuật, được gọi là “tôn kính” (cult), nghĩa là người tín hữu bình dân xác tín rằng vị này đã sống một đời sống thánh thiện phi thường, và do đó, đã được tín hữu bình dân sùng kính. Giáo quyền chỉ can thiệp sau khi lòng sùng kính bình dân này đã thành hình; đây là lý do tại sao, trong hầu hết trường hợp, thời gian chờ phải ít nhất 5 năm sau khi vị này qua đời mới khởi sự tiến trình phong thánh. (Các vị giáo hoàng hiện đại có khi miễn chước thời gian chờ đợi này như trong trường hợp Mẹ Têrêsa và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì chứng cớ của lòng sùng kính bình dân đã quá mạnh và rõ ràng).

Việc duyệt xét chính thức bắt đầu ở cấp địa phương, trong đó, vị giám mục phát động một cuộc điều tra về đời sống của người được đề nghị để xác nhận các nhân đức bản thân và tính chính thống về tín lý. Một khi việc này đã hoàn tất, vụ việc được chuyển tới Thánh Bộ Phong Thánh; nơi đây, một ủy ban các nhà thần học khảo sát các tài liệu rồi đưa ra các đề nghị. Vụ án sau đó được trình cho một ủy ban gồm các Hồng Y và các giám mục khác của chính Thánh Bộ này, và nếu phiếu bầu thuận lợi, vụ án sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng, người có thể quyết định ký điều gọi là “sắc lệnh thừa nhận các nhân đức anh hùng” và tuyên bố ứng viên là “Đấng Đáng Kính”.

Bước kế tiếp gọi là “phong chân phúc” (á thánh) và thường đòi phải có bằng chứng một phép lạ (trừ trường hợp tử đạo). Vì giả thiết thánh là người đã ở trên thiên đàng rồi, nên một phép lạ được coi như bằng chứng vị này quả đang ở với Thiên Chúa và có khả năng chuyển cầu cho một ai đó, một thứ con dấu chứng tỏ Thiên Chúa ưng thuận ứng viên. Phép lạ phải xẩy ra sau khi vị này qua đời, và để đáp ứng một lời khẩn cầu chuyên biệt. Trong đại đa số trường hợp, các phép lạ trong các vụ án phong thánh là được chữa khỏi các căn bệnh thể lý. Thí dụ, phép lạ dẫn đến việc phong chân phúc cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hồi tháng Năm năm 2010 là việc phục hồi của một nữ tu người Pháp khỏi chứng Parkinson, cùng một chứng bệnh từng làm điêu đứng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các điều được coi là phép lạ này sẽ được duyệt xét bởi một nhóm bác sĩ và khoa học gia của Tòa Thánh; vác vị này phải chứng thực rằng sự chữa lành đã hoàn tất (chỉ “cảm thấy đỡ hơn” là không đủ), tự phát, lâu dài, và y khoa không giải thích được.

Sau khi được phong chân phúc, ứng viên sẽ được xưng là “chân phúc” hay "á thánh" và ngày lễ của ngài có thể được cử hành bởi vùng hay nhóm người mà vị này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với họ. Giai đoạn chót, tức phong thánh, đòi bằng chứng một phép lạ nữa. Khi một vị thánh được phong thánh, ngày lễ của ngài được mở rộng cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Hành vi phong thánh được coi là không thể sai lầm và không thu hồi được, nên Giáo Hội thường hết sức cẩn trọng trước khi chính thức đặt hào quang lên bất cứ vị nào.

Nếu giả thiết các thánh là những người thánh thiện như thế, tại sao rất nhiều vụ án phong thánh bị tranh cãi như vậy?

Thực ra, phần lớn các vụ phong thánh không gây tranh cãi chi cả. Trong suốt 27 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II phong 482 vị thánh mới, và tới năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XI cũng đã phong thêm 45 vị. Đại đa số các vụ phong thánh này không hề gây một gợn sóng nào trong công luận, như Thánh Charles Núi Argus, một linh mục Ái Nhĩ Lan thế kỷ 19, và Thánh Marie-Eugénie de Jésus, một nữ tu Pháp cùng thế kỷ, cả hai vị đều đã được Đức Bênêđíctô XVI phong hiển thánh hồi tháng Sáu năm 2007. Giống các trường hợp này, phần lớn các trường hợp phong thánh đều liên quan tới những con người sống một cuộc sống âm thầm tận hiến cho Giáo Hội và cho đức tin; gương sáng của các ngài là điều quan trọng đối với những nhóm người hay địa phương quan trọng, và thực sự không nổi tiếng ở những nơi khác.

Nói thế thôi, chứ thực sự vẫn có một số trường hợp gây ra tranh cãi rộng rãi, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Thí dụ được nhiều người biết đến là:

Thánh Josemaría Escrivá, vị sáng lập của tổ chức Công Giáo Opus Dei, được phong thánh năm 2002. Dù được Đức Gioan Phaolô II ca ngợi là vị “Thánh Vĩ Đại Của Đời Thường”, Thánh Escrivá bị các nhà phê bình tố cáo đã có mối liên hệ gần gũi với chế độ phátxít Tây Ban Nha thời Franco, và từng phát động một tổ chức bí mật, chỉ lưu ý tới giầu có và quyền lực hơn là sống theo Tin Mừng. Các người Công Giáo cấp tiến thường coi việc phong thánh cho Thánh Escrivá như một biểu tượng cho hướng đi bảo thủ của Giáo Hội dưới thời Đức Gioan Phaolô II.

Edith Stein, chính thức được gọi là Thánh Têrêxa Bênêđícta Thánh Giá, một tân tòng gốc Do Thái Giáo được Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1998. Thánh Stein trốn Đức qua Hoà Lan năm 1942 để tránh cuộc bách hại của Quốc Xã, nhưng bị bắt và gửi tới Auschwitz, cuối cùng chết ở phòng hơi ngạt. Các người phê bình cho rằng Thánh Stein không phải là vị tử đạo Kitô Giáo, vì bà bị giết vì căn bản bà thuộc gia tài Do Thái Giáo, và việc phong thánh cho bà nhằm gửi đi thông điệp tế nhị này: “người Do Thái Giáo tốt” phải trở lại Đạo Công Giáo.

Đức Pô IX, cai trị Giáo Hội từ năm 1846 tới năm 1878 và được phong chân phúc năm 2000. Là vị giáo hoàng cai trị lâu nhất trong lịch sử, những người ái mộ ngài nhớ tới ngài như một người phục vụ trung thành đã dẫn dắt Giáo Hội trong một thời kỳ hết sức sóng gió, trong đó, có việc sụp đổ các Quốc Gia Giáo Hoàng vào năm 1870. Ngài là vị giáo hoàng đã đem lại cho Giáo Hội các tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai và sự vô ngộ của Đức Giáo Hoàng. Các người phê bình chế giễu ngài như một người độc tài, phản động, và bài Do Thái. Trong số các lời tố cáo ngài, có tình tiết nổi tiếng về Edgardo Morara, cậu bé Do Thái 6 tuổi, được một gia nhân rửa tội cho vào năm 1858 và bị lấy khỏi cha mẹ theo Do Thái Giáo. Bất chấp sự phản đối của quốc tế, Đức Piô IX đã không trả lại em bé này.

Đức Piô XII, vị giáo hoàng cai trị Giáo Hội từ năm 1939 tới năm 1958, và là vị đã được Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố là “Đấng Đáng Kính” năm 2009. Như đã thấy trên đây, hiện đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của Đức Piô XII trong Thế Chiến II: một bên ca tụng ngài như đấng anh hùng vì các cố gắng nhân đạo có tính hậu trường, trong khi bên kia bắt lỗi ngài đã không lên tiếng rõ ràng hơn chống lại Quốc Xã.

Trên đây không hẳn là danh sách đầy đủ. Thực vậy, ngay các vụ được nhiều người Công Giáo coi chắc ăn như bắp cũng vẫn phát sinh ra một vài phát pháo bông. Mẹ Têrêxa, chẳng hạn, đã bị cố trí thức vô thần Christopher Hitchens chỉ trích là nhận tiền của các nhà độc tài và đề cao giáo huấn Công Giáo về kiểm soát sinh đẻ mà Hitchens coi là vô luân trong bối cảnh cuộc khủng hoảng AIDS. Việc phong chân phúc của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng bị nhiều người phản đối, trong đó, có người chỉ trích ngài đã mắc nhiều sai lầm đối với các tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.

Nói chung, một vụ phong thánh gây đau đầu khi ứng viên dính dáng tới một chương gây tranh cãi của lịch sử hay một đợt tranh luận trong Giáo Hội đương thời. Điều này có xu hướng biến các vị giáo hoàng thành các cột thu lôi, vì các vị giáo hoàng mang gánh nặng cai trị và do đó, phải đưa ra các quyết định khó khăn không bao giờ làm vừa lòng mọi người. Một số nhà chuyên môn đã lên tiếng kêu gọi tạm ngưng việc phong thánh cho các vị giáo hoàng; họ cho rằng việc phong thánh không hẳn là vì các thánh (vì các ngài đã ở trên thiên đàng rồi, có cần giúp đỡ gì đâu) nhưng là vì chúng ta, đặt vị thánh làm mẫu mực, và việc bầu một vị nào đó làm giáo hoàng đã đạt được mục đích này rồi. Ngoài ra, các nhà chuyên môn này còn lý luận rằng, Giáo Hội một là phải phong thánh cho mọi vị giáo hoàng, một điều bị coi là làm giảm giá trị của diễn trình phong thánh (ấy là chưa kể đến chuyện cho lịch sử một cú tát vào mặt, như trường hợp Giáo Hoàng Alexanđrê thứ VI), hai là phải lựa chọn, một điều hiển nhiên bị coi là có tính cách chính trị.

Trước lời chỉ trích như thế, các viên chức của Giáo Hội thường có hai câu trả lời: Thứ nhất, theo họ, phong thánh không phải là lời tuyên bố cho rằng ứng viên không bao giờ mắc sai lầm. Đúng hơn, đây là việc tìm ra rằng mặc dù khi còn sống trên trần gian, các ngài có phạm bất cứ sai sót hay lỗi lầm nào, thì các động lực của các ngài vẫn phản ảnh sự liêm chính bản thân và các mục đích đáng nêu gương. Thứ hai, họ cho rằng đấy là lý do tại sao cần một phép lạ. Nếu có đủ tài liệu chứng minh phép lạ đích thực là do ứng viên, thì đó là chứng cớ tư cách thánh thiện của vị này, bất chấp nghi vấn lịch sử có thể vẫn còn lẩn quẩn quanh di sản của ngài.

Tại sao một vài vụ kéo dài cả hàng thế kỷ trong khi các vụ khác lại rất nhanh chóng?

Năm 1983, Đức Gioan Phaolô II duyệt lại toàn bộ diễn trình phong thánh cho nó nhanh hơn, đỡ tốn phí hơn và ít bị chống đối hơn, một phần vì ngài muốn đề cao các mẫu mực thánh thiện đương thời. Kết quả thì ai cũng biết: Đức Gioan Phaolô chủ tọa nhiều cuộc phong chân phúc (1338) và hiển thánh (482) hơn mọi vị giáo hoàng trước đó cộng lại. Từ ngày có các cải tổ này, ít nhất, 20 vụ phong chân phúc có thể được xếp vào loại “cấp tốc”, xẩy ra khoảng 30 năm sau ngày ứng viên qua đời. Các vị có đặc ân này bao gồm lẫn lộn các vị nổi danh (Thánh Padre Pio và hánh Josemaría Escrivá) và các vị tương đối không nổi danh (Anuarita Nengapeta, một vị tử đạo người Congo, và Chiara Badano, một hội viên giáo dân của Focolare). Các ngài là những người đàn ông đàn bà, giáo sĩ giáo dân, từ cả các quốc gia đang phát triển và đã phát triển, và, dĩ nhiên, trong số này có cả Đức Gioan Phaolô II.

Ngoài danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện bản thân và phúc trình phép lạ ra, phần lớn các trường hợp cấp tốc có năm đặc điểm sau đây.

Thứ nhất, phần lớn có một tổ chức đứng phía sau các ngài, hoàn toàn dấn thân cho vụ án, với cả các tài nguyên lẫn thông thạo chính trị để có thể thúc đẩy sự việc. Opus Dei, chẳng hạn, cho rằng mình có cả một đội ngũ các giáo luật gia và họ đầu tư nhiều tài nguyên quan trọng vào án phong thánh cho vị sáng lập của họ. Một phát ngôn viên của Opus Dei ước lượng rằng phí tổn tổng cộng cho án phong thánh của ngài, kể cả việc dựng khán đài cho hai buổi lễ đại thể tại Rôma (phong chân phúc năm 1992, và phong thánh năm 2002) vào khoảng 1 triệu dollars.

Thứ hai, một số vụ cấp tốc liên hệ đến một “cái nhất”, một "cái đầu tiên" nào đó, thường là để nhìn nhận một là một vùng địa lý chuyên biệt nào đó hai là một giới nào đó ít được đại diện. Nữ giáo dân người Ý Maria Corsini được phong chân phúc năm 2001, chỉ 35 năm sau ngày bà qua đời, cùng với chồng là Luigi Beltrame Quaatrocchi, cặp vợ chồng đầu tiên được tuyên bố là “chân phúc”. Nữ Tu María Romero Meneses, người Nicaragua, được phong chân phúc năm 2002, 25 năm sau khi bà qua đời, là vị chân phúc đầu tiên của Trung Mỹ. Điều cũng đáng lưu ý là trong số 20 vụ cấp tốc, hết 12 là phụ nữ. Việc này nhất định có liên hệ đến cố gắng của giáo quyền nhằm đánh tan thiên kiến cho rằng Giáo Hội Công Giáo thù nghịch phụ nữ.

Thứ ba, đôi khi có vấn đề chính trị hay văn hóa do các ứng viên này đại biểu, đem lại cho vụ án một cảm thức khẩn trương. Chẳng hạn, nữ giáo dân Ý Gianna Beretta Molla được phong chân phúc năm 1994, 32 năm sau khi bà qua đời (bà được phong thánh năm 2004). Bà nổi tiếng vì đã từ chối cả việc phá thai lẫn việc cắt bỏ tử cung để cứu đứa con chưa sinh của mình, và vì lý do này, bà được coi là bổn mạng của phong trào phò sự sống.

Thứ bốn, các vụ án được giải quyết cấp tốc là vì vị đương kim giáo hoàng cảm thấy có liên quan tới mối mối quan tâm bản thân của ngài. Thí dụ, án phong chân phúc cho hai linh mục Ba Lan đã được giải quyết mau lẹ dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Đó là Cha Michał Sopoćko, cha giải tội của Thánh Faustina Kowalska, một nhà huyền nhiệm và sáng lập ra việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót; và cha Jerzy Popiełuszko, một lãnh tụ phong trào Đoàn Kết bị người Cộng Sản Ba Lan sát hại.

Thứ năm, các vụ cấp tốc thường hưởng được sự hỗ trợ áp đảo của phẩm trật, từ các vị giám mục cả ở trong vùng lẫn ở Rôma. Chiara Badano, được phong chân phúc chỉ 20 năm sau khi qua đời năm 1990 là vị chân phúc đầu tiên của phong trào Focolare. Phong trào này được ca ngợi nhờ linh đạo hợp nhất và các cố gắng đại kết và liên tôn của nó, ấy là chưa kể lòng trung thành của nó đối với các giám mục và Đức Giáo Hoàng.

Còn tiếp