Rod Dreher, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí The American Conservative và là tác giả cuốn The Benedict Option vừa xuất bản hồi tháng Ba vừa qua, gần đây có qua Trento, miền Bắc nước Ý, để tham dự một hội nghị bàn về vai trò của Truyền Thống trong đời sống Mỹ, Âu Châu và Nga. Hội nghị này có sự tham dự của các nhà khoa bảng đến từ ba vùng vừa nói, do đó, nhiều cái hiểu khác nhau về truyền thống đã được trình bầy ở đấy. Nhân cơ hội này, Rod Dreher có viết một bài tựa là Tradition and Traditions (Truyền Thống và Các Truyền Thống) đăng trên tạp chí The American Conservative ngày 15 tháng Sáu, 2017. Sau đây là nhận định của ông.

Ngay từ đầu, tôi nhận thấy nhiều người trong chúng tôi có cảm thức những người khác có những ý nghĩ không thực tiễn về những điều kiện thực sự đang có tại xứ sở quê hương chúng tôi. Thí dụ, người Nga rất năng nổ muốn phản bác quan điểm của những người duy truyền thống Mỹ (như tôi) thường coi Nga như nước bảo vệ các giá trị luân lý và tôn giáo truyền thống của Kitô Giáo. Một số người Nga hiện diện ở đó là các tín hữu tôn giáo, nhiều người khác không phải vậy, nhưng xem ra tất cả đều đồng ý một cách tổng quát rằng ở Nga, thực ra ít có cuộc phục hưng tôn giáo nào như những người Hoa Kỳ có thiện cảm vốn nghĩ.

Một người Nga cho rằng điều đang tái sinh tại Nga không phải là truyền thống Kitô Giáo mà là truyền thống Xô Viết được rửa tội đôi chút. Theo ông này, sự chấn thương của chế độ cộng sản toàn trị đã tiêu diệt các truyền thống Chính Thống Giáo của Nga. Chỉ những giáo sĩ nào chịu hợp tác với Bọn Xô Viết mới sống còn mà thôi.

Nhiều người Nga khác không đồng ý như thế. Tuy nhiên, đối với tôi điều xem ra có ích là xét xem trong bối cảnh Mỹ của chúng ta điều chúng ta gọi là “các giá trị truyền thống” đã thực sự là truyền thống đến đâu. Đúng thật là trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta đang mặc cho nhiều lập trường chính trị hay văn hóa chính trị khác nhau chiếc áo thẩm quyền truyền thống. Việc này có tính sai lạc. “Truyền thống” có thể là một ý niệm hữu dụng dùng để đẩy một nghị trình chính trị qua chỗ xuông xẻ. Một số người Nga nói tới việc điều đang được tô vẽ như là một cuộc phục hung tôn giáo thực sự chỉ là một cuộc phục hưng chủ nghĩa duy quốc gia, có mùi tôn giáo.

Chúng ta có thể luận giải về ý nghĩa của “truyền thống” tại Nga và tại một số xã hội Âu Châu, nhưng không ai bác bỏ sự kiện: các truyền thống có thật. Khi đáp xe lửa hướng lên phía bắc, xuyên qua dẫy Núi Alps của Ý, của Áo, và của vùng Bavaria (Đức), tôi rất ngưỡng phục tuổi tác của khung cảnh kiến trúc hai bên. Hãy nhìn ngôi nhà thờ trung cổ trên ngọn đồi kia. Có ai cầu nguyện trong đó nữa không? Có thể không, nhưng ký ức văn hóa thì khó mà tránh được. Truyền thống mang nhiều hình thức đặc thù: nghệ thuật, kiến trúc, xã hội, và v.v…, khi nó diễn biến tại các xứ Âu Châu.

Ở Mỹ, không như thế. “Truyền thống” nghĩa là chi tại một xứ sở và một xã hội nơi truyền thống là phản lại những gì truyền thống? Mỹ là một quốc gia của Phong Trào Ánh Sáng, một đất nước phản truyền thống một cách có ý thức và khẳng định. Năng động tính của chúng ta trong tư cách người Mỹ phát sinh phần lớn từ xu hướng phản truyền thống của chúng ta, trong đó, có cá nhân chủ nghĩa.

Theo tôi, điều trên giải thích các khó hiểu mà một số tham dự viên không phải người Mỹ gặp phải trong việc nắm được sự kiện này: tình thế đang thay đổi nhanh chóng và triệt để xiết bao tại Hiệp Chúng Quốc. Mặc dù tất cả chúng tôi đều phát xuất từ các quốc gia và xã hội đang trong thời kỳ chuyển tiếp, Âu Châu và Nga vẫn có các truyền thống ổn định hơn, không nhất thiết là các truyền thống tôn giáo. Tôi có thể sai ở điểm này, nhưng tôi trực giác thấy điều này liên hệ tới lý do tại sao phong trào La Manif Pour Tous nhằm duy trì các hình thức và đặc ân của hôn nhân và gia đình truyền thống đã xuất hiện ở Pháp chứ không ở Hoa Kỳ, mặc dù ở Hoa Kỳ, mức độ sùng đạo cao hơn.

Một tham dự viên Âu Châu từng đọc Blog này cho hay: khó mà tin rằng sự việc ở Hoa Kỳ lại thảm hại như Blog này thường mô tả. Một số người Hoa Kỳ (không phải tôi) quả quyết sự việc quả có thảm hại, nhất là trong học thuật. Những người này đặc biệt trưng dẫn việc các cuộc tranh luận về phái tính và dục tính đáng lý phải là một phần thông thường của diễn trình giáo dục thì hiện nay đã bị cấm, và cái giá về nghề nghiệp và bản thân nếu vi phạm các cấm kị mới lạ và nghiêm khắc này. Làm thế nào bạn có thể bênh vực bất cứ thứ truyền thống nào đi ngược lại các qui phạm mới lạ này khi việc bất đồng với chúng có thể có nghĩa nhẹ nhất cũng là phát vãng về xã hội và nghề nghiệp, mà tệ nhất có thể là tự sát về nghề nghiệp?

Hơn nữa, lối suy nghĩ mới lạ và bất khoan dung một cách cứng ngắc này đang thực dân hóa tâm trí thế hệ trẻ Hoa Kỳ. Một giáo sư nói rằng các sinh viên của ông không thể hiểu được việc tại sao một con người lịch thiệp nào đó lại có thể bất đồng với họ về các vấn đề LGBT (đồng tính). Đây không hẳn là việc họ cho rằng người duy truyền thống về luân lý và tôn giáo sai lầm. Mà là việc: quan điểm xưa cũ hoàn toàn bất khả niệm. Bởi thế, quan điểm này hoặc xấu xa hoặc điên rồ về luân lý hoặc cả hai. Trong cuộc đàm đạo riêng, tôi có kể lại câu truyện về một nhà thần học tôi quen biết không dám liều mình dạy tại đại học Công Giáo của ông điều được Giáo Hội Công Giáo tuyên bố là sự thật luân lý về dục tính, dù chỉ như một đề tài để thảo luận lớp. Ông sợ các sinh viên của ông sẽ phản đối, cho rằng ông tạo ra một “không gian bất an toàn” trong lớp học, sẽ phản đối với ban quản trị đại học, và ông sẽ bị khiển trách, thậm chí sa thải.

Ý nghĩ một giáo sư đến việc thảo luận những chuyện như hôn nhân, gia đình, và tự do tôn giáo cũng không dám khi chúng đụng đến các vấn đề LGBT (đồng tính) ngoại trừ phải tuyệt đối đi theo đường hướng suy nghĩ phò LGBT là một ý nghĩ thật khó hiểu đối với một số người không phải là người Hoa Kỳ.

Một trong số các người Nga tỏ ý thất vọng vì các vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến tôn giáo và truyền thống lại dây dưa với chuyện đồng tính luyến ái. Ông tin rằng Kitô Giáo không có chi liên quan tới đồng tính luyến ái cả, và các Kitô hữu nào cứ nhấn mạnh rằng nó có liên quan đang làm một con số không trở thành quan trọng. Đây là quan điểm thiểu số trong phái đoàn Nga, dù một số trong những người có thiện cảm với truyền thống Chính Thống Giáo nhiều hơn cho rằng việc thù nghịch mạnh mẽ đới với các vấn đề LGBT ở Nga liên quan tới thiên kiến nhiều hơn là với suy tư thần học. Điều này họ có lý để phàn nàn, và chắc chắn họ tỏ ý ghê tởm đối với các tàn ác và lạm dụng mà các tên ác ôn thường trút lên những người đồng tính Nga.

Mặt khác, ở Hoa Kỳ, sự việc đã đi quá xa theo hướng đối nghịch, và vì cùng một lý do (thiên kiến và thù ghét vô tâm đối với Người Khác), đến nỗi dễ cho những người Mỹ duy truyền thống chúng tôi hiểu được lý do tại sao người Nga lại có một lòng thù nghịch đến thế đối với ý nghĩ mở rộng các quyền của người đồng tính. Và cũng dễ hiểu lý do tại sao người Nga học được bài học từ điển hình của chúng ta rằng mở rộng lòng khoan dung đối với các vấn đề LGBT chỉ mở cửa cho lòng bất khoan dung triệt để một khi các nhà tranh đấu LGBT và các người ủng hộ họ phỗng được tay trên.

Vấn đề Hồi Giáo cũng được nêu lên. Luật lệ hiện đại, ở cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ, đều dựa vào không phải tôn giáo mà là ý niệm thế tục về quyền lợi. Quả thực, chủ nghĩa cấp tiến thế tục phát xuất từ Kitô Giáo, nhưng đã có một lập trường trung lập hơn đối với các tôn giáo đặc thù. Các xứ Âu Châu xử lý ra sao với các tín hữu Hồi Giáo đang sống giữa họ? Các tín hữu Kitô Giáo tại các xứ Âu Châu nay rất có thể là thiểu số, nhưng không ai nghĩ rằng họ quấy phá nền hòa bình dân sự. Điều này thì hiển nhiên không đúng đối với người Hồi Giáo. Vâng, đã đành không phải mọi người Hồi Giáo, và v.v… Nhưng không một ai nghiêm túc ở Âu Châu hiện nay lại tin rằng họ không có vấn đề gì rất ư, vâng rất ư là khó hiểu trong tầm tay của họ. Ngoài ra, làm thế nào bạn có thể tôn trọng ý muốn hợp pháp của người Hồi Giáo Âu Châu được sống theo các truyền thống riêng của họ? Bạn sẽ vạch đường ranh ở chỗ nào?

Hiển nhiên, chúng ta gần như không có vấn đề này tại Hoa Kỳ, một phần nhờ sự kiện: chúng ta đồng hóa di dân tốt hơn nhiều và phần khác, chúng ta không có khối dân Hồi Giáo quá lớn. Tôi cảm thấy trong chính tôi, ít nhất, một cuộc vật lộn khi cố gắng đi vào đầu óc người Âu Châu liên quan đến Hồi Giáo trong nền văn minh của họ. Là một người Mỹ mạnh mẽ tin vào tự do tôn giáo, phản xạ đầu tiên của tôi là luôn chiều theo biểu thức tôn giáo tối đa nhất. Ấy thế nhưng lý tưởng này vẫn không thể làm lu mờ sự kiện này là người Âu Châu đang đối diện với một nan đề hết sức nguy hiểm và phức tạp. Một câu hỏi được đặt ra: một dân tộc mà các truyền thống tôn giáo đang giảm dần tầm quan trọng sẽ xử sự ra sao khi bị thách thức bởi một lớp người thiểu số nhưng lòng sùng mộ đối với truyền thống tôn giáo lại rất mạnh?

Có lúc, hội nghị đề cập tới sự kiện thật khó có thể thiết lập và duy trì một modus vivendi (cách chung sống hòa bình với nhau) trong một xã hội đa nguyên. Một diễn giả cho rằng nếu một bên nắm giữ quá nhiều quyền lực, thì không thể làm được điều vừa nói. Ông cho rằng Hoa Kỳ chưa ở thế đó. Tôi không đồng ý, cho rằng chúng ta đã đạt tới thế đó rồi qua việc chạm trán giữa quyền LGBT và quyền tự do tôn giáo. Các phần tử ưu tú thế tục, chính giới, kinh doanh, truyền thông, giải trí, một là đi theo phe cấp tiến, hai là, trong trường hợp các chính trị gia bảo thủ và khá nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, đã quyết định tránh không lớn tiếng vì sợ bị coi là cuồng tín, những người này đang làm nghiêng cán cân. Điều mà nhiều đồng bạn bảo thủ về văn hóa và tôn giáo của tôi không nắm được là trong một giai đoạn ngắn ngủi, cán cân của người dân cũng sẽ nghiêng về phía phò LGBT, vì các quan điểm truyền thống hiện chỉ còn tập trung một cách bất cân xứng nơi những người Hoa Kỳ cao niên.

Và lúc ấy điều gì sẽ xẩy ra? Một trong các vấn đề tôi nhìn thấy trong lập trường của Giáo Sư Robert George của Đại Học Princeton (xin xem cuốn video ngắn thuật lại cuộc đàm đạo về Benedict Option với George và Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse) là: lập trường rào-cản-chiến-tranh-văn-hóa mà ông vốn tiếp nhận là một lập trường bất cập một cách triệt để. Tôi đồng ý với ông rằng chúng ta phải đấu tranh quyết liệt bao nhiêu có thể! Nhưng các quyền tự do của chúng ta mang ích lợi gì cho chúng ta nếu chúng ta đánh mất chính các nền văn hóa nội bộ của chúng ta? Benedict Option (Giải Pháp Thánh Bênêđictô = rút lui khỏi thế gian để chuẩn bị trở lại thế gian, chú thích của người dịch) không phải là một giải pháp hoặc/hoặc (either/or) mà là một giải pháp cả/lẫn (both/and), nhưng nhấn mạnh nhiều hơn tới việc đào tạo văn hóa, chứ không đấu tranh luật lệ và chính trị. Dù sao, sau này, tôi cũng sẽ viết nhiều hơn về cuộc đàm đạo giữa George và Sasse.

Một đề tài khác: một giáo sư nêu lên điều ông gọi là “lỗi lầm Hasidic”, được ông định nghĩa là tin rằng truyền thống Do Thái Giáo chân chính đòi phải ăn mặc giống như các người ở shtetl (thị trấn nhỏ đa số dân là Do Thái ở Trung và Đông Âu trước Nạn Diệt Chủng, ghi chú của người dịch) thuộc thế kỷ 18. Chắc chắn ông có lý phần nào. Đàng khác, điều cũng đúng là các lý tưởng phải được cụ thể hóa một cách trông thấy, qua nghệ thuật, kiến trúc, phong tục, thực hành, và cả áo quần nữa. Bí quyết là xác định xem điều gì trong số này là quan yếu để giữ cho truyền thống được sống động, và điều gì không. Và điều này đem chúng ta trở lại điểm mà một số người Nga đã đưa ra ở đầu hội nghị: đó là điều tạo ra truyền thống chân chính là chất liệu cho một cuộc tranh luận thực sự và có hậu quả. Một giáo sư luật người Mỹ nhận xét rằng ở Hoa Kỳ, các người cấp tiến đang cố gắng tái định nghĩa tự do tôn giáo như quyền “tự do thờ phượng” bị nhiều giới hạn hơn, và coi việc này nhất quán với truyền thống Hoa Kỳ, mặc dù chắc chắn không phải vậy.

Sau đó, trong lúc cuốc bộ dọc phố xá Trento, vừa đi vừa nói chuyện, một người Mỹ tham dự hội nghị cho biết: ông rất ngỡ ngàng trước việc các vấn đề của người Nga khác các vấn đề của chúng ta xiết bao, nhưng cũng hết sức tương tự. Cả hai phía chúng tôi đều nói tới vai trò của Nhà Nước liên quan tới đời sống các tín hữu tôn giáo, ở Nga, thì nhà nước đặt bàn chân lớn của họ lên mọi chuyện, một phần qua việc bầu chọn thành viên chính trị, còn ở Hoa Kỳ, thì Nhà Nước xấn xổ với việc hạn chế tự do tôn giáo. Đối với tôi, cái yếu của truyền thống tôn giáo ở cả hai quốc gia trong tư cách phản công tính hiện đại là lý do giải thích cuộc khủng hoảng chung.