II. Quan điểm Do Thái Giáo

Người ta vẫn coi quan điểm của Giáo Hội Baptist Miền Nam Hoa Kỳ là cổ vũ tính bổ túc chứ không cổ vũ tính bình đẳng nam nữ. Một số hệ phái Kitô Giáo khác cũng nghiêng về phía nhấn mạnh tới các dị biệt nam nữ để chứng minh tư cách “làm đầu” của người đàn ông.

Thực thế, tại Hội Thoại Humanum, Henry B. Eyring, Chủ Tịch Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô của Các Thánh Ngày Sau Hết (Mormon), cũng nhấn mạnh tới các dị biệt nam nữ, ngầm cho thấy vai trò đứng đầu của người đàn ông. Ông nói: “chúng tôi (vợ chồng ông) đã bổ túc cho nhau vượt quá bất cứ điều gì chúng tôi có thể tưởng nghĩ. Khả năng chăm dưỡng người khác của nàng lớn lên trong tôi khi chúng tôi trở nên một. Khả năng đặt kế hoạch, điều khiển và lãnh đạo trong gia đình chúng tôi lớn lên trong nàng khi chúng tôi kết hợp trong hôn nhân. Tôi hiểu ra rằng chúng tôi cùng lớn lên thành một, từ từ nâng cao và lên khuôn lẫn nhau, năm này qua năm nọ. Khi hút tỉa sức mạnh của nhau, việc này không hề làm giảm các ơn phúc bản thân của chúng tôi”.

Tổng giám mục Nicholas Okoh của Hiệp Thông Anh Giáo Nigeria, trong bài phát biểu tại Hội Thoại Humanum, cho rằng người đàn ông phải đứng đầu gia đình và trong Giáo Hội, dù Hiệp Thông Anh Giáo đã phong chức giám mục cho phụ nữ. Ngài ủng hộ lập trường của Craig Blomberg trong cuộc tranh luận về tư cách đứng đầu của đàn ông, khi cho rằng “dù một số người viết hoàn toàn tách biệt các vấn đề trong gia đình với các vấn đề trong Giáo Hội, đa số đồng ý rằng [Giáo Hội] khởi đầu vốn rập khuôn theo [gia đình]. Học hỏi hơn nữa về kế sách của Thiên Chúa dành cho các người chồng và các người vợ, ta sẽ có thể có lý khi từ đó suy ra các vai trò của đàn ông và đàn bà trong cộng đồng tín hữu”. Tư cách đứng đầu gia đình được dành cho người đàn ông; điều này đúng cho cả hôn nhân và gia đình Kitô Hữu lẫn hôn nhân và gia đình truyền thống.

Tóm lại, tuy nhiều Giáo Hội thệ phản phong chức linh mục và cả giám mục để đứng đầu các Giáo Hội địa phương, nhưng họ lại có khuynh hướng hiểu nghĩa bổ túc nam nữ không theo nghĩa hợp tác hay cùng tùng phục lẫn nhau như Công Giáo mà nhấn mạnh tới liên hệ cầm đầu (nam) và phục tùng (nữ).

Do Thái Giáo thì sao? Xem ra cũng không khác gì. Thánh Kinh của họ vốn ghi rõ ở Sáng Thế Ký 3:16: “Ngươi [người đàn bà] sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi”.

Tuy nhiên, có người (xem The Role of Women, tại mechon-namre.org) cho rằng vai trò của người đàn bà trong Do Thái Giáo truyền thống đã bị giải thích và hiểu lầm một cách thô thiển. Thực ra vị trí của người đàn bà không thấp hèn như nhiều người hiện đại vốn nghĩ. Thực vậy, địa vị người đàn bà trong halakhah (Luật Do Thái) đã có từ thời Thánh Kinh tốt hơn địa vị của người đàn bà trong luật dân sự Hoa Kỳ của thế kỷ trước. Nhiều lãnh tụ quan trọng của phong trào nữ quyền thế kỷ 20 như Gloria Steinem và Betty Friedan là phụ nữ Do Thái.

Trong Do Thái Giáo truyền thống, đàn bà phần lớn được coi là tách biệt nhưng bình đẳng. Các nghĩa vụ và trách nhiệm của họ khác với đàn ông, nhưng không kém quan trọng.

Thực vậy, sự bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà có nguồn gốc tối cao là chính Thiên Chúa. Người Do Thái luôn coi Thiên Chúa có cả các phẩm tính nam và phẩm tính nữ. Gọi Người theo giống đực chỉ là để thuận tiện, vì tiếng Hípri vốn không có hạn từ trung tín. Thiên Chúa không thuộc giống đực hơn chiếc bàn chiếc ghế.

Phần lớn các học giả Do Thái cho rằng theo Sáng Thế 1:27, Thiên Chúa dựng nên “con người” với phái tính đôi, sau đó, mới tách thành nam và nữ.

Người đàn bà, trong Do Thái Giáo truyền thống, có khi còn được coi là trổi vượt hơn đàn ông, như được phú bẩm nhiều “binah”, tức trực giác, hiểu biết, trí hiểu, hơn đàn ông, vì các rabbi cho rằng họ được “xây thành” (St 2:22) chứ không “nặn ra” (st 2:7) như đàn ông. Mà gốc của chữ xây, trong tiếng Hípri có cùng các phụ âm như chữ “binah”. Họ cũng cho rằng các tổ mẫu Xara, Rêbécca, Raken và Lêa có khả năng nói tiên tri cao hơn các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp. Phụ nữ không thờ Bò Vàng và gần gũi lý tưởng của Thiên Chúa hơn đàn ông.

Họ cũng chiếm giữ nhiều chức vụ đáng kính trong Do Thái Giáo từ thời Thánh Kinh: Miriam được coi là một trong các nhà giải phóng của Con Cái Israel, cùng với các anh trai mình là Môsen và Aaron. Một trong các Phán Quan là phụ nữ (Đêbôra). Bẩy trong 55 tiên tri trong Thánh Kinh là đàn bà.

Mười Điều Răn nhắc đến cả cha lẫn mẹ. Tuy người cha được nhắc đến trước trong Xh 20:12, nhưng mẹ đã được nhắc đến trước trong Lv 19:3. Nhiều nguồn truyền thống coi việc đảo ngược này nhằm nhấn mạnh rằng cả hai cha mẹ đều được tôn kính bằng nhau.

Tất nhiên có nhiều xem xét tiêu cực về phụ nữ, nhất là trong văn chương Talmud. Đàn ông được khuyên không nên kết giao với phụ nữ. Nhưng việc này liên quan đến tính “dê” của đàn ông nhiều hơn, chứ không phải vì phụ nữ xấu xa. Phụ nữ được khuyên không nên theo đuổi việc học cao đẳng hay các chức vụ tôn giáo, nhưng việc này chỉ là để họ không sao lãng các bổn phận hàng đầu của họ là làm vợ và làm mẹ. Các rabbi không sợ đàn bà ít tâm linh, họ chỉ sợ đàn bà quá tâm linh mà thôi.

Trong Do Thái Giáo truyền thống, quyền lợi phụ nữ cao hơn phụ nữ Tây Phương ít nhất cho tới thế kỷ 20: họ được quyền mua, bán và sở hữu tài sản, ký khế ước riêng.

Đã đành, vai trò hàng đầu của họ là làm vợ và làm mẹ, nhưng Do Thái Giáo truyền thống coi rất trọng các vai trò này và ảnh hưởng tâm linh của chúng đối với gia đình họ: người đàn ông đạo đức mà lấy phải người đàn bà xấu xa, anh ta sẽ trở thành kẻ xấu xa; trái lại, người đàn ông xấu xa lấy được người đàn bà đạo đức, anh ta sẽ trở thành người đạo đức. Đứa con của một phụ nữ Do Thái Giáo và một người đàn ông ngoại giáo là người Do Thái Giáo vì ảnh hưởng tâm linh của người mẹ; đứa con của một người đàn ông Do Thái Giáo và một người đàn bà ngoại giáo không phải là người Do Thái Giáo. Phụ nữ được miễn các giới luật (mitzvoth) tích cực [“ngươi hãy”] phải thực hiện trong những thời khắc nhất định vì bổn phận làm mẹ và làm vợ của họ quan trọng hơn.

Phần lớn các hiểu lầm về vai trò của phụ nữ phát sinh từ phạm vi trên, coi chúng như các ngăn cấm. Thực ra, tuy không buộc phải thực hiện các mitzvot trên, họ vẫn có thể thực hiện nếu họ muốn. Thứ hai, vì việc miễn chước trên có liên quan đến hội đường, nên nhiều người cho rằng phụ nữ không có vai trò gì trong sinh hoạt tôn giáo của Do Thái Giáo. Thực ra không hẳn thế, vì sinh hoạt tôn giáo của Do Thái Giáo không xoay quanh hội đường mà là xoay quanh gia đình, nơi vai trò của đàn bà không kém quan trọng như đàn ông.

Thực vậy, ở đấy, có ba mitzvot được dành cho phụ nữ đó là nerot (đốt nến để khởi đầu ngày Sabát), challah (tách riêng một phần bột đã nhào) và niddah (nằm riêng khi có kinh).

Tiện đây, cũng nên hiểu bản chất của mitzvot trong Do Thái Giáo và sự tách biệt đàn ông đàn bà. Do Thái Giáo vốn cho rằng bản chất con người là nổi loạn chống lại uy quyền; nên ai làm một điều gì đó vì được truyền lệnh phải làm thì được coi có công trạng nhiều hơn người làm điều gì đó vì tự quyết định làm. Hơn nữa, motzvot vốn được coi là một đặc ân ban cho dân Israel, nên càng nhiều mitzvot để buộc phải tuân giữ, ta càng có nhiều đặc ân hơn.

Vì đàn bà không buộc phải thi hành một số mitzvot, nên việc giữ các mitzvot này không tính vào công trạng của họ. Và vì họ bị đòi hỏi thi hành ít motzvot hơn đàn ông, nên đàn bà được coi là ít công trạng hơn đàn ông. Chính trong bối cảnh này, mà người đàn ông ca ngợi Thiên Chúa vì “đã không tạo nên con làm đàn bà”. Lời cầu nguyện này không hề hàm ý làm đàn bà là điều tồi tệ, mà chỉ có nghĩa làm đàn ông “diễm phúc” hơn vì nhiều nghĩa vụ hơn.



Còn về việc đàn ông đàn bà cầu nguyện ở các nơi khác nhau, và nếu cùng một nơi thì phải cách nhau tấm màn mechitzah, thì có hai lý do: thứ nhất, để khi cầu nguyện, mấy ông khỏi chia trí về mấy cô gái đẹp; thứ hai để tránh hoạt động tính dục hay làm tình hội đồng (orgies) trong lúc thờ phượng như thói quen của các tôn giáo ngoại đạo cùng thời với Do Thái Giáo. Tóm lại là vì “yếu điểm” của đàn ông. Hơn nữa, nên nhớ sinh hoạt tôn giáo, đối với Do Thái Giáo không chỉ diễn ra nơi hội đường, mà thẩm thấu mọi khía cạnh của đời sống, mọi điều bạn làm, từ lúc thức dậy vào buổi sáng tới lúc bạn vào giường, từ những gì bạn ăn đến quần áo bạn mặc và công việc làm ăn bạn quản trị.

Thực ra, Do Thái Giáo không đơn giản chỉ có hình thức cổ truyền mà nhiều hình thức đã xuất hiện. Chính vì thế, có khá nhiều lập trường về liên hệ nam nữ.

Theo trang mạng mishpacha.org, không phạm vi nào trong đời sống Do Thái đã trải qua một biến đổi triệt để như phạm vi các vai trò phái tính. Nó đã trở thành chất nam châm thu hút một cuộc tranh luận nẩy lửa và những chia rẽ sâu xa nhất trong thế giới Do Thái Giáo.

Chủ trương của Do Thái Giáo cổ truyền đã được trình bầy ở trên. Qua thời cận đại, càng ngày biên giới phân biệt nam nữ, kể cả trong phụng vụ, càng mờ nhạt đi. Hiện nay, nhiều phụ nữ tiến vào cả lãnh vực nghiên cứu Torah, vốn dành cho nam giới trước đây, nhiều người trở thành học giả về Torah. Năm 1983, Phong Trào Bảo Thủ còn tấn phong phụ nữ làm rabbi. Do Thái Giáo Cải Cách thiết lập nguyên tắc trung tính về phái tính (gender neutrality) cả mấy thập niên trước Phong Trào Bảo Thủ. Họ phong rabbi cho phụ nữ từ năm 1972 và các buổi thờ phượng bình đẳng đã diễn ra nhiều năm trước đó.

Về tương quan nam nữ, theo Rebbetzin Tziporah Heller, truyền thống truyền khẩu Do Thái cho rằng: Thiên Chúa khởi đầu dựng nên một con người đầy đủ có cả nam lẫn nữ. Rồi Người thấy điều ấy không tốt, vì nếu như thế, anh ta sẽ có ảo tưởng tự mãn về chính mình. Một tự mãn như thế mâu thuẫn với ý niệm Thiên Chúa là nguồn của mọi sự. Nên Thiên Chúa đã tách con người thành hai người riêng rẽ để tạo ra một tình huống lành mạnh gồm cả lệ thuộc, khát mong và hiến tặng hỗ tương. Người không muốn để các con người nhân bản hiện hữu một mình vì như thế, họ không có ai để cho đi, không có ai để lớn lên với, và không có gì để cố gắng đạt tới.

Nhưng nếu thế, chỉ cần hai con người giống hệt như nhau là được rồi, đâu cần phải khác nhau thành nam nữ? Câu trả lời là: để tối đa hóa việc cho đi, người nhận phải khác với người cho. Nếu là hai người hoàn toàn như nhau, việc cho đi vẫn có thể diễn ra, nhưng một cách giới hạn. Người cho đi dựa vào chính nhu cầu của mình, vì người nhận cũng có cùng những nhu cầu y hệt. Muốn thực sự là một người cho đi, người này phải tính đến nhu cầu của người nhận chứ không chỉ là điều người cho muốn. Khi cho một người có các nhu cầu khác với mình, người ta được huấn luyện phải nghĩ và cho trên những điều kiện khác với của riêng mình.



Thành thử tách biệt thành hai con người khác nhau là để ta biết cách đánh giá, yêu thương, cho đi, và chăm sóc những người không như ta.

Trong Hội Thoại Humanum, cựu Đại Giáo Trưởng Do Thái Giáo của nước Anh, Ngài Jonathan Sacks, đã nhấn mạnh tới sự bổ túc này, chứ không nhấn mạnh tới những điểm khác nhau; lưu ý tới hợp tác, không lưu ý tới cầm đầu, phục tùng. Với bài diễn văn duyệt lại việc phát triển của hôn nhân qua 7 câu truyện bắt đầu với hành vi tính dục của loài cá ở Tô Cách Lan cho tới hành vi tính dục của con người thời nay, cựu Đại Giáo Trưởng đã được toàn thể Hội Thoại hoan hô vang dậy.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài diễn văn của Ngài Sacks tại Hội Thoại Humanum.

Buổi sáng nay, tôi muốn bắt đầu cuộc đàm đạo của chúng ta bằng cách kể truyện về ý niệm đẹp đẽ nhất trong lịch sử văn minh: đó là ý niệm yêu thương đem sự sống mới vào trần gian. Dĩ nhiên, có nhiều cách để kể câu truyện này, và đây chỉ là một trong những cách ấy. Nhưng đối với tôi, đây là một câu truyện của bẩy khoảnh khắc chủ yếu, mỗi một khoảnh khắc đều khiến ta ngạc nhiên và bất ngờ.

Khoảnh khắc thứ nhất, theo một tường trình báo chí ngày 20 tháng Mười năm 2014, diễn ra tại một chiếc hồ ở Tô Cách Lan cách nay 385 triệu năm. Theo một phát giác mới, lúc đó có hai con cá đến với nhau để thực hiện điển hình đầu tiên của việc sinh sản bằng tính dục mà khoa học biết được. Cho đến lúc đó, sự sống được lưu truyền một cách phi tính dục, bằng việc phân chia tế bào, đâm chồi nẩy lộc (budding), phân cắt (fragmentation) hay trinh sinh (parthenogenesis), tất cả đều đơn giản hơn rất nhiều và đỡ “tốn phí” hơn là việc phân chia sự sống thành đực và cái, mỗi phái có vai trò khác nhau trong việc tạo ra sự sống và duy trì sự sống.

Khi ta xét đến việc ngay trong thế giới động vật, bao nhiêu cố gắng và bao nhiêu năng lực mà việc đến với nhau của đực và cái đã phải trải qua, trong việc trình diễn, tán tỉnh, đua tranh và đánh nhau, hẳn ta phải thắc mắc tại sao lại để cho việc sinh sản bằng tính dục xẩy ra làm chi. Các nhà sinh vật học cho đến nay vẫn không biết chắc tại sao nó đã xẩy ra. Một số người nói rằng để bảo vệ chống lại các loài ký sinh hay để miễn dịch chống lại bệnh tật. Nhiều người lại cho rằng chỉ là vì cuộc gặp gỡ giữa hai thể đối nghịch sẽ sản sinh ra tính đa dạng. Bất chấp cách này hay cách kia, cá ở Tô Cách Lan đã khám phá được một điều mới mẻ và đẹp đẽ sẽ mãi mãi được mô phỏng sau đó bởi gần như mọi hình thức tiến bộ của sự sống. Sự sống bắt đầu khi đực và cái gặp nhau và ôm lấy nhau.



Khoảnh khắc bất ngờ thứ hai là thách thức độc đáo đặt ra cho homo sapiens do hai nhân tố: chúng ta đứng thẳng làm hẹp khung chậu (pelvis) nữ, và chúng ta có một bộ óc lớn hơn, gia tăng tới 300 phần trăm, nghĩa là có một chiếc đầu to hơn. Kết quả: bé thơ của con người phải sinh ra sớm hơn các chủng loại khác, và do đó, cần sự che chở của cha mẹ lâu hơn. Điều này khiến việc làm cha mẹ của con người trở thành đòi hỏi khắt khe hơn bất cứ chủng loại nào khác, và phải là công việc của hai con người hơn là một. Do đó, việc kết cặp của con người là một hiện tượng hết sức hiếm hoi trong các loài có vú, không giống các chủng loại khác nơi phần đóng góp của con đực thường chấm dứt với việc thụ tinh. Nơi những động vật linh trưởng (primate) nhất, các người cha còn không thèm nhìn nhận con cái mình, nói chi tới việc chăm sóc chúng. Ở nơi khác trong thế giới động vật, bổn phận làm mẹ thì hầu như phổ quát nhưng bổn phận làm cha là thứ họa hiếm.

Thành thử điều xẩy ra cho con người nhân bản là việc kết hợp của người cha và người mẹ sinh học để chăm sóc con cái họ. Bởi thế diễn trình là: khởi đầu với thiên nhiên, sau đó là văn hóa và thứ ba là ngạc nhiên.

Nơi những người hái lượm săn bắn, việc cặp đôi là một chuẩn mực. Rồi tới nghề nông, thặng dư kinh tế, các đô thị và văn minh, và lần đầu tiên, bắt đầu xuất hiện các bất quân bình rõ rệt giữa người giầu và người nghèo, kẻ quyền thế và người vô quyền. Các ngôi đền (ziggurat) vĩ đại của Mesopotamia và các kim tự tháp của cổ Ai Cập, với cái nền rộng và đỉnh hẹp của chúng, là những lời tuyên bố hùng vĩ bằng đá cho thấy một xã hội phẩm trật trong đó thiểu số có quyền trên đa số. Và biểu thức quyền lực hiển nhiên nhất của phái nam tiên khởi, bất luận là người hay linh trưởng, là thống lãnh được quyền chiếm hữu những đối tượng nữ nhiều khả năng sinh đẻ và do đó, tối đa hóa được khả năng lưu truyền các gien của mình cho thế hệ kế tiếp. Bởi đó, mà có chế độ đa thê, một chế độ hiện hữu ở 95 phần trăm các loài có vú và 75 phần trăm các nền văn hóa được khoa nhân chủng học biết đến. Chế độ đa thê là biểu thức tối hậu của bất bình đẳng vì nó có nghĩa: nhiều nam nhân không bao giờ có cơ hội có vợ và có con. Và suốt trong lịch sử, ghanh tị tính dục là động lực đệ nhất dẫn tới bạo lực, cả nơi động vật lẫn nơi con người.

Điều trên khiến cho chương đầu của Sách Sáng Thế có tính cách mạng trong các tuyên bố của nó đến độ coi mọi con người nhân bản, bất kể giai cấp, mầu da, văn hóa hay tín ngưỡng, đều là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng trong thế giới cổ thời, chỉ có các nhà cai trị, các vua, hoàng đế và pharaô mới được coi giống hình ảnh Thiên Chúa. Thành thử điều Sách Sáng Thế muốn nói là: tất cả chúng ta đều là vua chúa. Mỗi người chúng ta đều có phẩm giá bằng nhau trong vương quốc đức tin dưới quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Từ đó, có thể nói mỗi người chúng ta đều có quyền ngang nhau để kết hôn và có con cái; đây là lý do tại sao, bất kể chúng ta đọc câu truyện Ađam và Evà ra sao, và quả có những dị biệt trong cách đọc của Do Thái Giáo và của Kitô Giáo, qui phạm mà câu truyện này giả thiết là: một người đàn bà, một người đàn ông. Hay như chính Thánh Kinh quả quyết “Đó là lý do tại sao người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình, và họ trở nên một thân xác”.

Đơn hôn không lập tức trở thành quy phạm, kể cả trong thế giới Thánh Kinh. Nhưng nhiều câu truyện thời danh nhất của nó, về sự căng thẳng giữa Xara và Haga, hay giữa Lêa và Raken và con cái họ, hay giữa Đavít và Bétxêba, hay các bà vợ vô số của Salômôn, tất cả đều là những phê phán dẫn đường tới đơn hôn.

Và có một nối kết sâu sắc giữa độc thần và đơn hôn, cũng như từ phía ngược lại, giữa việc thờ ngẫu thần và ngoại tình. Độc thần và đơn hôn nói về mối liên hệ bao quát giữa Tôi và Ngài, giữa bản thân tôi và một người khác, bất luận người khác này là người phàm hay thần thiêng.

Điều làm cho việc xuất hiện chế độ đơn hôn khác thường là các giá trị của xã hội thường được giai cấp thống trị áp đặt. Mà giai cấp thống trị, trong bất cứ xã hội phẩm trật nào, thường được hưởng lợi nhiều hơn nhờ việc được lang chạ và đa hôn, cả hai đều có tính nhân thừa cơ may các gien của họ được lưu truyền cho thế hệ kế tiếp. Với đơn hôn, người giầu và người quyền thế mất mát còn người nghèo và người vô quyền thì được lợi. Bởi thế, việc trở về với chế độ đơn hôn đánh đổ các lợi điểm thông thường của thay đổi xã hội và là một chiến thắng thực chất cho phẩm gia bình đẳng của mọi người. Mọi cô dâu và mọi chú rể đều là vương giả; mọi gia hộ đều là một cung điện khi được trang hoàng bằng tình yêu.

Khoảnh khắc phát triển đáng kể thứ tư là cung cách điều trên biến đổi đời sống luân lý. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc các nhà sinh học biến hóa sử dụng các mô hình vi tính (computer simulations) và thế lưỡng nan của các tù nhân bị ở tù liên tiếp để giải thích lý do tại sao lòng vị tha hỗ tương lại hiện hữu nơi tất cả các động vật có tính xã hội. Chúng ta hành xử với người khác theo cách chúng ta muốn họ hành xử với chúng ta, và chúng ta đáp trả họ theo cách họ đáp trả chúng ta. Như C S Lewis từng nhấn mạnh trong cuốn The Abolition of Man của ông ta, tính hỗ tương là Luật Vàng chung của mọi nền văn minh.

Điều mới mẻ và đáng lưu ý trong Thánh Kinh Do Thái là ý niệm cho rằng tình yêu, chứ không phải sự hợp tình hợp lý (fairness), là nguyên tắc điều hướng của đời sống luân lý. Có ba tình yêu. “Người hãy yêu Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi”. “Ngươi hãy yêu người lân cận ngươi như chính ngươi”. Và, trong các sách Môsen, được lặp đi lặp lại không ít hơn 36 lần là câu sau “Ngươi hãy yêu người khách lạ vì ngươi biết làm khách lạ là như thế nào rồi”. Hay nói cách khác: Thiên Chúa đã dựng nên thế giới tự nhiên trong yêu thương và tha thứ thế nào, thì chúng ta cũng có nhiệm vụ dựng nên một thế giới xã hội trong yêu thương và tha thứ như thế. Và tình yêu này là ngọn lửa đốt lên trong hôn nhân và gia đình. Luân lý tính là tình yêu giữa người chồng và người vợ, cha mẹ và con cái, mở rộng ra ngoài tới thế giới.

Khoảnh khắc phát triển thứ năm lên khuôn cho toàn bộ cấu trúc của kinh nghiệm Do Thái Giáo. Ở Israel cổ thời, hình thức thỏa hiệp nguyên thủy có tính thế tục, tên là giao ước, đã được sử dụng và biến đổi thành một lối suy nghĩ mới về mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong trường hợp Nôê, và giữa Thiên Chúa và một dân tộc trong trường hợp Ápraham và sau đó người Do Thái trên núi Sinai. Giao ước giống một cuộc hôn nhân. Nó là lời đoan hứa hỗ tương sẽ trung thành và tín thác giữa hai con người hay nhiều hơn, mỗi người sẽ kính trọng phẩm giá và sự toàn vẹn của người kia, cùng làm việc với nhau để cùng đạt với nhau điều mà họ không thể đạt được một mình. Và có một điều mà cả Thiên Chúa cũng không thể đạt được một mình, một điều phải được sống bên trong trái tim con người. Điều này cần tới chúng ta.

Bởi thế, chữ Hípri emunah, vốn được dịch sai là đức tin, thực sự có nghĩa lòng tín trung (faithfulness), trung thành, trung nghĩa, lòng kiên định, không bỏ đi dù gặp lúc đường đi gian khổ, tin tưởng vào người kia và tôn kính niềm tín thác của họ nơi ta. Điều giao ước đã làm, và ta thấy điều này nơi hầu hết các tiên tri, là hiểu mối tương quan giữa ta và Thiên Chúa theo ngôn từ của mối tương quan giữa cô dâu và chàng rể, giữa vợ và chồng. Như thế, tình yêu không những là căn bản của luân lý mà của cả thần học nữa. Trong Do Thái Giáo, đức tin là một cuộc hôn nhân. Không ở đâu nói như thế một cách đẹp đẽ bằng Hôsê khi ngài nhân danh Thiên Chúa nói rằng:

“Ta sẽ đính ước ngươi với ta mãi mãi;

Ta sẽ đính ước ngươi trong chính trực và công lý, trong yêu thương và cảm thương.

Ta sẽ đính ước ngươi trong trung tín, và ngươi sẽ biết Chúa”.

Người đàn ông Do Thái đọc các lời trên mọi buổi sáng ngày thường trong tuần khi chúng tôi cuộn giải tefillin (đựng các cuộn Thánh Kinh) quanh ngón tay của chúng tôi thành như một nhẫn cưới. Mỗi buổi sáng, chúng tôi lặp lại cuộc hôn nhân của chúng tôi với Thiên Chúa.

Điều trên dẫn tới ý niệm thứ sáu và khá tinh tế là: chân, thiện, mỹ, và cả sự sống nữa, không hiện hữu nơi bất cứ con người hay thực thể nào mà là hiện hữu “ở giữa” (in between) điều mà Martin Buber gọi là Das Zwischenmenschliche, tức đối âm (counterpoint) liên ngã của nói và nghe, của cho và nhận. Suốt trong Thánh Kinh Do Thái và văn chương rabbi, chiếc xe chuyên chở sự thật là đàm đạo. Trong mạc khải, Thiên Chúa nói và yêu cầu ta lắng nghe. Trong cầu nguyện, ta nói và xin Thiên Chúa lắng nghe. Không bao giờ có cảnh chỉ nói một mình. Trong Thánh Kinh, các tiên tri lý luận với Thiên Chúa. Trong Talmud, các rabbi lý luận với nhau. Thực vậy, đôi khi tôi nghĩ rằng sở dĩ Thiên Chúa chọn dân Do Thái là vì Người thích một cuộc lý luận tốt. Do Thái Giáo là một cuộc đàm đạo ghi lại nhiều giọng nói, nhưng không đâu say mê hơn trong Diễm Ca, một bản tấu ca (duet) giữa một người đàn bà và một người đàn ông, giữa người được yêu và người yêu nàng, một bản tấu ca được Rabbi Akiva gọi là thánh thiêng của các thánh thiêng trong nền văn chương tôn giáo.

Tiên tri Malaki gọi tư tế nam là người canh giữ luật sự thật. Sách Cách Ngôn nói về người đàn bà tiết hạnh rằng “luật nhân ái yêu thương ở trên môi miệng nàng”. Chính cuộc đàm đạo giữa các giọng nói nam và nữ, giữa sự thật và tình yêu, giữa công lý và thương xót, giữa lề luật và tha thứ, đã lên khuôn cho đời sống tâm linh. Thời Thánh Kinh, mỗi người Do Thái phải dâng nửa đồng shekel vào Đền Thờ để nhắc chúng ta nhớ: mình chỉ là một nửa.

Có những nền văn hóa dạy rằng ta không là gì cả. Lại có những nền văn hóa khác dạy rằng chúng ta là tất cả. Quan điểm của người Do Thái là: chúng ta là một nửa và chúng ta cần mở lòng ra đón nhận một ái đó, nếu chúng ta muốn trở thành toàn vẹn.

Tất cả các điều trên dẫn ta tới khoảnh khắc thứ bẩy: trong Do Thái Giáo, gia hộ và gia đình trở thành khung cảnh trung tâm cho đời sống đức tin. Trong một câu duy nhất của Thánh Kinh Do Thái để giải thích tại sao Thiên Chúa chọn Ápraham, Người nói: “Ta biết hắn để hắn dạy dỗ con cái hắn và gia hộ hắn duy trì đường lối của Chúa bằng cách làm những điều đúng và chân chính”. Ápraham được chọn không phải để thống trị một đế quốc, chỉ huy một quân đội, thực hiện các phép lạ hay đưa ra các lời tiên tri, mà chỉ để làm bậc cha mẹ. Ở một trong các câu thời danh nhất của Do Thái Giáo, Môsen truyền rằng “Các ngươi sẽ dạy những điều này cho con các ngươi một cách liên tục, nói với chúng khi chúng ngồi trong nhà các ngươi hay khi các ngươi đi đường, khi các ngươi đang nằm và khi các ngươi trỗi dậy”. Cha mẹ là các nhà giáo dục, giáo dục là cuộc đàm đạo giữa các thế hệ, và trường học đầu tiên là gia đình.

Như thế, người Do Thái trở thành một dân tộc có xu hướng gia đình một cách thâm hậu, vì chính điều này đã cứu chúng tôi khỏi thảm họa. Sau khi Đền Thờ Thứ Hai bị phá hủy vào năm 70, người Do Thái đã phải tản mác khắp thế giới, ở đâu cũng là thiểu số, ở đâu cũng không có quyền lợi, chịu một số cuộc bách hại tồi tệ nhất chưa từng dân tộc nào phải chịu xưa nay; ấy thế nhưng họ đã sống thoát vì họ không bao giờ đánh mất ba điều: cảm thức gia đình, cảm thức cộng đồng và đức tin.

Và họ được đổi mới mỗi tuần nhất là vào ngày Sa bát, ngày nghỉ ngơi khi chúng tôi dành cho hôn nhân và gia đình điều chúng cần hơn cả và đói khát hơn cả trong thế giới hiện nay, tức thì giờ. Có lần, tôi đã sản xuất một cuốn phim tài liệu cho BBC về trạng thái gia đình ở Anh, và tôi đem người lúc đó là chuyên gia hàng đầu của Anh Quốc về chăm sóc trẻ em, Penelope Leach, tới một trường tiểu học Do Thái vào một sáng thứ Sáu.

Tại đó, cô thấy các trẻ em diễn trước điều các em sẽ thấy vào buổi tối hôm đó quanh chiếc bàn ăn của gia đình. Có các em năm tuổi đóng vai bà mẹ và ông bố già chúc lành cho các em năm tuổi đóng vai con cái, trong khi các em năm tuổi đóng vai ông bà trọng tuổi đứng coi. Cô bị thôi miên bởi toàn bộ định chế này, và cô hỏi xem các em thích nhất điều gì của ngày Sabát. Một bé trai 5 tuổi quay qua cô và thưa: “đây là đêm duy nhất trong tuần bố em không phải vội vã”. Khi việc quay phim đã hoàn tất, lúc cuốc bộ ra khỏi ngôi trường, cô quay qua tôi và nói: “thưa đại giáo trưởng, ngày Sabát của ngài đã cứu được cuộc hôn nhân của cha mẹ các em”.

Đó là một trong những cách kể truyện, cách của người Do Thái, bắt đầu với sự ra đời của việc sinh sản nhờ tính dục, sau đó, là các đòi hỏi độc đáo của việc làm cha mẹ, rồi cuộc chiến thắng sau cùng của đơn hôn như lời tuyên bố nền tảng về bình đẳng, tiếp theo là cách hôn nhân lên khuôn viễn kiến của ta về đời sống luân lý và tôn giáo đặt căn bản trên tình yêu, giao ước và lòng trung tín, thậm chí tiến đến chỗ coi sự thật như một cuộc đàm đạo giữa người yêu và người được yêu. Hôn nhân và gia đình là nơi đức tin tìm được mái ấm của nó và là nơi Thánh Nhan Thiên Chúa sống trong tình yêu giữa người chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái.

Như vậy thì điều gì đã thay đổi? Sau đây là một cách diễn tả. Cách đây ít năm, tôi có viết một cuốn sách về tôn giáo và khoa học và tôi tóm tắt sự khác nhau giữa chúng với nhau bằng hai câu văn. “Khoa học tách rời sự vật ra để xem chúng hành động ra sao. Tôn giáo thì đặt sự vật lại với nhau để xem chúng có ý nghĩa gì”. Và đó cũng là cách suy nghĩ về văn hóa. Văn hóa đem các sự vật lại với nhau hay tách rời chúng ra với nhau?

Vì hàng loạt các lý do khác nhau, một số liên quan tới các phát triển y khoa như kiểm soát sinh sản, thụ thai trong ống nghiệm và nhiều can thiệp khác về di truyền học, một số liên quan tới sự thay đổi luân lý như ý niệm cho rằng ta được tự do làm bất cứ điều gì ta thích miễn là đừng gây hại tới người khác, một số liên quan tới việc chuyển giao trách nhiệm từ các cá nhân sang nhà nước, và các thay đổi khác và sâu xa hơn trong nền văn hóa Tây Phương, gần như mọi sự trước đây được hôn nhân đem lại với nhau, nay đã được tách rời khỏi nhau. Tình dục tách rời khỏi tình yêu, tình yêu tách rời khỏi cam kết, hôn nhân tách rời khỏi việc có con cái, và việc có con cái tách rời khỏi trách nhiệm chăm sóc chúng.

Kết quả là ở nước Anh năm 2012, 47.5 phần trăm trẻ em sinh ngoại hôn, có cơ trở thành đa số vào năm 2016. Số người kết hôn ít hơn và 42 phần trăm các cuộc hôn nhân kết liễu bằng ly dị. mà việc sống chung cũng không thay thế cho hôn nhân. Trung bình, thời gian sống chung ở Hoa Kỳ và Anh Quốc dưới 2 năm. Kết quả là việc gia tăng rõ rệt nơi người trẻ các xáo trộn về ăn uống, ghiền ma túy và rượu mạnh, các hội chứng liên quan tới căng thẳng, trầm cảm và mưu toan tự tử cũng như tự tử thật. Việc đổ vỡ hôn nhân đã tạo ra một hình thức nghèo nàn mới tập trung nơi các gia đình có cha hoặc mẹ đơn lẻ, và trong số các gia đình này, gánh nặng chính rơi xuống vai phụ nữ; năm 2011, họ đứng đầu 92 phần trăm các căn hộ cha hoặc mẹ đơn lẻ. Ngày nay ở Anh, hơn một triệu trẻ em lớn lên không hề được tiếp xúc bất cứ cách nào với người cha của các em.

Điều trên đang tạo ra một phân cách trong lòng các xã hội và sự phân cách này chưa hề được thấy kể từ ngày Disraeli nói tới “hai quốc gia” cách nay một thế kỷ rưỡi. Những trẻ em nào được diễm phúc lớn lên trong mối liên kết yêu thương bền vững với hai con người từng đem các em vào đời, tính trung bình, sẽ khỏe mạnh hơn về thể lý và xúc cảm. Các em sẽ thành công hơn ở trường và nơi làm việc. Các em sẽ có nhiều mối liên hệ thành công hơn, hạnh phúc hơn và sống lâu hơn.

Và dĩ nhiên, có những ngoại lệ… Tuần này, ở Anh, một cuốn phim mới đã được trình chiếu, kể lại câu truyện về một trong những đầu óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đó là Alan Turing, nhà toán học của Cambridge, người từng đặt nền tảng triết lý cho ngành vi tính và trí khôn nhân tạo, và giúp thắng cuộc chiến tranh bằng cách phá được Enigma, tức mật mã của hải quân Đức. Sau chiến tranh, Turing bị bắt và bị đưa ra tòa vì tác phong đồng tính luyến ái, bị thiến bằng hóa chất, và chết lúc 41 tuổi do độc tố cyanide, được nhiều người cho là tự tử. Đây là một thế giới mà chúng ta không nên bao giờ trở lại.

Nhưng lòng cảm thương của chúng ta đối với những người quyết định sống cách khác không nên ngăn cản chúng ta trở thành những người cổ xúy cho định chế duy nhất có tính nhân bản hóa hơn cả trong lịch sử. Gia đình, đàn ông, đàn bà, và đứa con, không phải là một chọn lựa lối sống trong nhiều chọn lựa khác. Nó là phương thế tốt nhất chúng ta từng khám phá ra để dưỡng dục các thế hệ tương lai và giúp trẻ em lớn lên trong một khuôn khổ ổn định và yêu thương. Chính ở đây chúng ta học được nghệ thuật tinh tế của khoa biên đạo múa liên hệ choreography of relationship) và cách xử lý các tranh chấp không thể không có bên trong bất cứ nhóm nhân bản nào. Chính ở đây, lần đầu tiên, chúng ta dám liều cho và nhận yêu thương. Chính ở đây, thế hệ này chuyển giao các giá trị của mình cho thế hệ kế tiếp, bảo đảm tính liên tục của văn minh. Đối với bất cứ xã hội nào, gia đình cũng là điều chủ yếu cho tương lai của nó, và vì tương lai con cái, chúng ta phải là người bảo vệ nó.

Vì đây là một cuộc tụ tập tôn giáo, nên xin cho phép tôi được kết thúc bằng một mẩu giải thích Thánh Kinh. Câu truyện của gia đình đầu tiên, của người đàn ông và người đàn bà đầu tiên trong vườn Địa Đàng, nói chung, không được coi là thành công. Bất kể chúng ta có tin tội nguyên tổ hay không, nó vẫn không kết thúc tốt đẹp. Sau nhiều năm nghiên cứu bản văn, tôi muốn đề nghị một cách đọc khác.

Câu truyện kết thúc với ba câu xem ra không hề nối kết với nhau. Chẳng dây mơ rễ má. Chẳng luận lý học chút nào. Trong Sáng Thế 3:19, Thiên Chúa nói với người đàn ông: “ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn cho tới ngày ngươi trở về lòng đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra; ngươi hiện hữu từ bụi đất thì ngươi sẽ trở về với bụi đất”. Rồi trong câu tiếp theo, ta đọc thấy “con người gọi vợ mình là Evà, vì nàng là mẹ mọi sự sống”. Và trong câu kế tiếp “Chúa là Thiên Chúa làm quần áo da cho Ađam và vợ ông và mặc cho họ”.

Thử hỏi mối liên kết giữa ba câu trên ra sao? Tại sao việc Thiên Chúa bảo người đàn ông rằng ông là một kẻ tử sinh lại dẫn ông tới việc cho vợ mình một cái tên mới? Và tại sao hành vi này xem ra đã thay đổi thái độ của Thiên Chúa đối với cả hai người, đến độ, Người làm một hành vi đầy nhân ái, là làm quần áo cho họ, gần như thể Người đã tha thứ cho họ một phần? Tôi cũng xin nói thêm: chữ “da” trong tiếng Hípri gần như không thể phân biệt được với chữ “ánh sáng”, đến nỗi Rabbi Meir, nhà hiền triết vĩ đại của đầu thế kỷ thứ hai, đã đọc bản văn như sau: Thiên Chúa làm cho họ “quần áo ánh sáng”. Ông muốn nói gì đây? Nếu chúng ta đọc bản văn một cách cẩn thận, ta sẽ thấy: cho tới lúc này, người đàn ông đầu tiên chỉ cho vợ mình một cái tên hoàn toàn có tính chủng loại. Ông gọi nàng là ishah, đàn bà. Ta hãy nhớ lời ông nói khi thấy nàng lần đầu: “Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi; nàng sẽ được gọi là đàn bà vì được lấy ra từ đàn ông”. Với ông, nàng là một mô phỏng (type), không phải một ngôi vị. Ông cho nàng một danh từ, không phải một cái tên. Ông định nghĩa nàng như một hữu thể phát sinh (derivative) từ chính ông: một điều lấy ra từ ông. Với ông, nàng chưa là một ai đó khác, tự mình là một ngôi vị. Nàng chỉ là một thứ phản chiếu của chính ông.

Bao lâu người đàn ông còn nghĩ mình bất tử, thì ông đâu có cần ai khác. Nhưng giờ đây, ông biết mình là loài tử sinh. Một ngày kia, mình sẽ chết và trở về bụi đất. Chỉ còn một cách duy nhất là một điều gì đó của chính ông phải sống tiếp sau khi ông chết. Điều này sẽ có thể nếu ông có một đứa con. Nhưng ông làm sao tự mình có con được. Chính vì thế, ông cần có vợ.

Chỉ nàng mới có thể sinh con. Chỉ một mình nàng mới giảm thiểu được tính tử sinh của ông. Và không phải vì nàng giống ông nhưng vì nàng không giống ông. Chính lúc đó, với ông, nàng hết còn là một mô phỏng, mà đã trở thành một ngôi vị ngay trong chính nàng. Và một ngôi vị thì phải có tên riêng. Nên ông đã cho nàng cái tên ấy, tên Chavah, “Evà” nghĩa là “người cho sự sống”.

Chính lúc đó, lúc họ sắp sửa rời vườn Địa Đàng để đối diện với trần gian, một nơi tối tăm, như ta đã biết, Ađam đã cho vợ mình tặng phẩm đầu tiên của tình yêu, một cái tên riêng.



Cũng chính lúc đó, Thiên Chúa đáp trả cả hai trong yêu thương và làm cho họ quần áo để che sự trần truồng của họ, hay như Rabbi Meir từng nói “quần áo ánh sáng”.

Và từ đó, sự việc cứ thế diễn tiến: khi một người đàn ông và một người đàn bà đến với nhau trong sợi dây trung tín, Thiên Chúa mặc cho họ quần áo ánh sáng, và chúng ta tiến gần Thiên Chúa như chưa bao giờ tiến gần đến thế, trong việc đem sự sống mới vào hiện hữu, biến văn suôi sinh học thành thi ca tinh thần nhân bản, cứu bóng tối trần gian bằng sự sáng lạn của tình yêu.

Kỳ sau: Quan điểm Công Giáo về tính bổ túc nam nữ