Giải đáp phụng vụ: Nến tín hữu trong đêm Vọng Phục sinh được thắp vào lúc nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Chúng con đang có các bất đồng trong giáo xứ của chúng con vể cách tiến hành một số phần của Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Thứ nhất (1): Khi có ngọn lửa mới ở ngoài trời, lệnh rước đi vào nhà thờ dường như là khá rõ ràng trong chữ đỏ. Tuy nhiên, ở lần hát thứ hai (số 16), câu "mọi người thắp nến từ ngọn lửa của cây nến Phục sinh..." dường như bị hiểu sai, vì nhiều người đi trước cả thầy phó tế, nên họ thắp nến hoặc từ ngọn nến Phục sinh sau lẩn hát thứ nhất, hoặc từ các người khác. Cá nhân con cảm thấy rằng chúng ta nên tuân theo chữ đỏ càng sát càng tốt. Con cảm thấy chúng ta nên theo sát các hướng dẫn một cách chặt chẽ hơn. Việc thắp nến cũng tạo ra một sự hiểu biết trân trọng hơn và tốt hơn về phép rửa tội của chúng ta. Thời gian kéo dài và trật tự phụng vụ sẽ là đáng giá cho việc này. Cha có thể đề nghị gì trong cách thức con nói nên giải quyết vấn đề này? Thứ nhì (2): Sau lần hát thứ ba “Ánh sáng Chúa Kitô, Lumen Christi" (số 17), cụm từ "Và thắp hết các đèn trong nhà thờ..." cũng dường như rõ ràng, nhưng trong giáo xứ của chúng con và nhiều giáo xứ khác trong khu vực, bóng tối vẫn còn đó. Tất cả các bài đọc được đọc trong bóng tối với đèn pin được sử dụng cho việc đọc sách. Sau đó, khi chữ đỏ nói (số 31): "nến bàn thờ được thắp sáng", tất cả đèn nhà thờ được bật sáng, và Kinh Vinh danh (Gloria) được hát. Các gợi ý nào có thể được thực hiện để cho chữ đỏ được tuân giữ cách chặt chẽ hơn? Con cảm thấy khó chấp nhận rằng chúng ta thay đổi phụng vụ theo ý thích của chúng ta, vốn không phải là việc chúng ta làm, đặc biệt là khi chữ đỏ là khá rõ ràng rồi. Hay là con cũng đang quá "đúng theo phụng vụ"? - T. V., Ottawa, Ontario, Canada.


Đáp: Tôi không nghĩ rằng bạn đọc này của chúng ta là không đúng, khi muốn rằng chữ đỏ cần được tuân theo cách chính xác.

Văn bản của chữ đỏ cho biết:

"Khi ngọn nến đã được thắp sáng, một thừa tác viên lấy than ra khỏi lửa và đặt vào bình hương, và linh mục bỏ hương vào bình theo cách thông thường. Thầy Phó tế, nếu không có Phó tế, một thừa tác viên phù hợp khác, cầm cây nến Phục sinh và đoàn rước được hình thành. Người cầm bình hương, có bỏ hương, đi trước thầy Phó tế hoặc thừa tác viên khác cầm nến Phục Sinh. Sau họ, là linh mục với các thừa tác viên khác và dân chúng cầm trong tay nến chưa thắp sáng.

"Tại cửa nhà thờ, thầy Phó tế, đứng và nâng cây nến và hát: "Ánh sáng Chúa Kitô" và tất cả đều thưa “Tạ ơn Chúa”.

"Linh mục thắp nến của mình từ ngọn nến Phục sinh.

"Sau đó thầy Phó tế tiến vào giữa Nhà thờ, đứng lại, và nâng nến lên và hát lần thứ hai ...

"Mọi người thắp nến của mình từ cây nến Phục sinh và tiếp tục cuộc rước.

"Khi thầy Phó tế đến trước bàn thờ, thầy quay mặt ra phía dân chúng, nâng nến lên và hát lần thứ ba ...

"Sau đó, thầy Phó tế đặt cây nên Phục sinh trên giá nến lớn, đặt cạnh tòa giảng hoặc ở giữa cung thánh.

"Ðến đây thắp hết các đèn trong nhà thờ, trừ các ngọn nến bàn thờ".

Về Kinh Vinh Danh, chữ đỏ cho biết:

"Sau bài đọc cuối cùng trích Cựu Ước cùng với đáp ca và lời nguyện, thì đốt nến trên bàn thờ và linh mục xướng kinh Vinh Danh. Mọi người cùng đọc hay hát tiếp. Trong lúc đó kéo chuông hoặc đánh chiêng trống, tùy theo thói quen địa phương”.

Như bạn đọc của chúng ta nhắc đến, chữ đỏ là rõ ràng về việc rước nến Phục sinh. Đồng thời, một số thích nghi có thể là cần thiết, do hoàn cảnh địa phương hoặc do nhu cầu phụng vụ.

Thí dụ, ở Canada, có thể là không phải mọi người đều chờ đợi bên ngoài nhà thờ, khi nhiệt độ ban đêm vào tháng Ba và tháng Tư có thể dao động quanh mức 0 độ Celsius. Trong các trường hợp như vậy, phần lớn dân chúng có thể đứng cầm nến chưa thắp bên trong nhà thờ.

Trong thời kỳ đông lạnh hơn, một số biện pháp thiết thực có thể được thực hiện, chẳng hạn chỉ mở cửa chính nhà thờ, khi đoàn rước đến, và sử dụng dây thừng hoặc các phương tiện khác để hướng dẫn đoàn rước.

Tương tự như vậy, vì mục đích an toàn và phụng vụ, khu vực xung quanh ngọn lửa mới, nên có rào cản để người dân không tự ý thắp nến của họ tại đó.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là làm cho các tín hữu hiểu, thông qua một số hình thức chuẩn bị ban đầu, như có một lời dẫn ngắn gọn trước khi buổi lễ bắt đầu, cũng như về tầm quan trọng của biểu tượng của mọi ngưởi thắp nến từ cây nến Phục sinh, vốn tượng trưng cho Chúa Kitô Phục Sinh, Người mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và ánh sáng mới. Một khi giá trị biểu tượng đằng sau chữ đỏ được nắm bắt, thì sẽ dễ dàng hơn để sống phụng vụ thật đầy đủ.

Điểm thứ hai cũng là khá rõ ràng. Sau khi thầy Phó tế hát lần thứ ba câu "Ánh sáng Chúa Kitô”, các đèn trong nhà thờ được thắp sáng.

Tập tục đọc các bài đọc trong bóng tối là không phù hợp với chữ đỏ, và dường như không phải là sự lưu giữ trực tiếp từ phụng vụ cũ của hình thức ngoại thường, vì chữ đỏ của hình thức ngoại thường cho đêm Vọng Phục sinh cũng quy định việc thắp sáng nhà thờ, sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô".

Tuy nhiên, chữ đỏ của hình thức ngoại thường là hơi khác, vì chỉ hàng giáo sĩ thắp nến của họ sau lần hát thứ hai của câu "Ánh sáng Chúa Kitô", và dân chúng thắp nến của họ sau lần hát thứ ba, vốn trùng hợp với việc thắp sáng đèn trong nhà thờ. Chữ đỏ này có thể làm giảm tác dụng của nhà thờ chỉ được sáng bằng các ngọn nến.

Cũng là đúng rằng thời gian hát kinh Vinh Danh được nhấn mạnh nhiều hơn trong hình thức ngoại thường, so với nghi thức hiện tại.

Theo Cẩm nang hướng dẫn của Fortescue-O'Connell-Reid:

"[Linh mục] xướng 'Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, Gloria in excelsis'. Các chuông của nhà thờ, lớn và nhỏ, đều rung reo suốt cả kinh Vinh danh, phần hát kinh này được đệm đàn phong cầm. Các tượng ảnh trong nhà thờ được mở phần che ra”.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mặc dù không được quy định trong các nghi thức, có thể chắc rằng một mong muốn kéo dài thời gian thắp nến của nhà thờ , và tầm quan trọng được dành cho kinh Vinh Danh, dẫn đến tập tục phổ biến rộng rãi cho việc trì hoãn thắp sáng đầy đủ Nhà thờ, cho thời điểm này, hoặc ít nhất là cho đến sau khi hát xong bài Mừng Vui Lên (Exsultet). Tập tục này sau đó được chuyển sang nghi lễ hiện tại.

Bạn đọc trên đây của chúng ta sống ở Canada, nhưng tôi đã thấy tập tục này cũng có ở Mexico và các nước Nam Mỹ. Ở một số nơi, nhiều linh mục vẫn nghĩ rằng đây là cách đúng đắn để thực hiện, và là một lỗi lầm khi chỉ thắp đèn sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô”.

Lẽ tự nhiên, tôi ủng hộ việc tuân theo chữ đỏ đã được thiết lập. Chữ đỏ nói rằng "các đèn trong nhà thờ được thắp sáng", chứ chữ đỏ không quy định rằng tất cả các đèn phải được bật sáng lên.

Vì lý do này, mặc dù cá nhân tôi không ủng hộ hình thức thắp sáng dần dần này, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ chống lại chữ đỏ, để thắp sáng một phần nhà thờ sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô", và sau đó bật tất cả hoặc hầu hết các đèn sau bài “Mừng vui lên”, khi các ngọn nến bị dập tắt.

Không có gì trong Sách lễ, cũng không gì trong nghĩa chung của nghi thức hiện tại, có thể ủng hộ sự kéo dài gần như mờ tối, cho đến Kinh Vinh Danh. Tuy nhiên, bài “Mừng vui lên” là lời loan báo về Chúa Phục Sinh, và các bài đọc của Cựu Ước không là dấu chỉ của một khoảng thời gian của tối tăm, nhưng là các bài ngôn sứ giúp cho việc hiểu đầy đủ về sự viên mãn trong Chúa Phục Sinh.

Chúng ta có thể nói rằng, theo một cách nào đó, ánh sáng của các nến bàn thờ tại thời điểm này tượng trưng cho sự xuất hiện của nhiệm cục bí tích của ơn cứu độ, mà trung tâm của nó là việc cử hành Thánh lễ.

Ở nơi đâu nhấn mạnh thời điểm này của Lễ Vọng là một tập quán đã được thiết lập từ lâu, người ta có thể được chấp nhận chờ cho đến thời điểm này, để bật đèn chiếu sáng trực tiếp bàn thờ. (Zenit.org 28-3-2017)

Nguyễn Trọng Đa