Mù loà thể lí

Cuộc sống luôn có những điều kiện kèm theo, ngay cả khi nhìn ngắm mắt ta cũng bị điều kiện hoá. Chính những điều kiện hoá này là nguyên nhân gây nên những cái nhìn khác nhau. Bởi nhìn khác nhau dẫn đến phán đoán khác nhau. Phán đoán khác nhau đưa đến hành động khác nhau. Điều kiện ảnh hưởng đến nhìn ngắm bên ngoài cũng lắm mà điều kiện bên trong cũng nhiều. Bên ngoài ảnh hưởng đến cách nhìn như tuổi tác, di truyền. Chính vì thế mà trong câu chuyện Đức Kitô mở mắt sáng cho người mù từ lúc mới sinh đưa ra những quan điểm khác nhau. Đại chúng cho là người mù là người từng ăn mày trong xóm nay được sáng mắt; số khác lại cho là một người nào đó giống anh ta mà không phải chính anh ta. Trong khi anh ta xác nhận là chính anh trước đây mù nay được sáng mắt.

Mù loà về lương tâm

Về phương diện lương tâm, tâm trí ta bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán và chủ thuyết hay quan điểm chính trị. Những điều kiện này ảnh hưởng lớn tới cách suy luận, phán đoán của cá nhân. Kinh Thánh ghi nhận rõ ràng là những người Pharisiêu bị ảnh hưởng bởi phong tục của họ khi họ phê phán Đức Kitô là người tội lỗi vì đã phạm vào luật cấm làm việc ngày lễ nghỉ. Họ suy luận, phán đoán và tin chắc họ đúng. Số khác cãi lại không chú trọng vào ngày lễ nghỉ nhưng chú trọng vào thành quả tốt lành của người mù mắt sáng khi họ đáp. Nếu là người tội lỗi thì không thể làm điều kì lạ, mở mắt người mù từ lúc mới sinh. Lối giải thích này không được nhóm lãnh đạo chấp nhận.

Cha mẹ của người mù bị ảnh hưởng của điều kiện xã hội. Hai ông bà sợ bị phán xét và cấm đoán của tập đoàn lãnh đạo nên họ đành cay đắng nói dối lương tâm mình. Hai ông bà chối không biết vì sao con họ được mắt sáng. Thay vì vui mừng, họ lo sợ đáp với những người thẩm vấn họ. Chúng tôi xác nhận, nó là con chúng tôi, nó bị mù từ lúc nó mới sanh. Còn làm sao nó sáng mắt, ai chữa cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, quí vị hỏi nó thì tốt hơn. Kinh thánh thuật rõ. Hai ông bà nói thế vì sợ tập đoàn lãnh đạo hành hạ. Họ không thể kêu oan và có kêu rất có thể không được giải đáp thoả đáng còn bị tư thù hãm hại.

Mù loà về đức tin

Ánh sáng tâm linh đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được các điều kiện về cả thể lí lẫn phong tục tập quán. Ánh sáng tâm linh được sách Samuel diễn tả rất rõ khi Samuel đuợc chỉ định đi xức dầu tấn phong vương quyền cho David, trở thành vua tương lai của Israel. Samuel gặp tất cả các con của Jesse. Ông vẫn chưa thấy yên tâm và tiếp tục hỏi cho đến khi gặp David đang chăn chiên ngoài đồng và ông xức dầu cho David bởi tâm ông được Thánh Thần hướng dẫn làm việc đó. Cái nhìn tâm linh đòi buộc chúng ta nhìn bằng con tim với tấm lòng yêu mến. Đừng để khối óc ảnh hưởng, phong tục, tập quán kiềm chế, ngoại hình lung lạc khi quyết định nhưng phán đoán sự việc dựa vào tình yêu và lòng mến để nhận định sự việc. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô cho biết chúng ta cần ánh sáng Đức Kitô soi đuờng, dẫn lối trong cuộc sống. Cần có ánh sáng Đức Kitô khi nhận định và phán đoán. Để làm được điều này cần dứt khoát loại bỏ bóng tối, đón nhận ánh sáng Đức Kitô với tất cả tấm lòng chân thành. Tin thờ các tà thần là dấu chỉ mù loà về đức tin; tôn thờ cá nhân, nhân vật lịch sử là mù loà về đức tin. Không chịu tìm hiểu về Kinh Thánh dẫn đến hậu quả mù mờ về đức tin Kitô giáo; biếng nhác lãnh nhận các bí tích sẽ biếng nhác việc phụng thờ Thiên Chúa và nguôi ngoai về đức tin. Chính vì lười biếng trong việc học hỏi về Kinh Thánh mà người ta coi bệnh tật là hình phạt do tội gây ra. Cây cối có tội gì, con vật có tội chi. Chúng cũng già nua, cũng ốm đau, bệnh tật. Như thế bệnh tật, già nua là một phần của tất cả các sinh vật.

Mở mắt người mù Đức Kitô giúp chúng ta nhận biết mù đức tin nguy hiểm hơn mù thể lí bởi mù đức tin dẫn đến con đường chết, con đường tối tăm ngàn thu. Nhờ lòng tin người mù nhìn nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trong khi người mắt sáng lại không nhìn nhận biết Đức Kitô. Bước đầu tiên để nhận ánh sáng đức tin là lòng khiêm nhường. Thiếu khiêm nhường không thể tiến bước trên đường tin theo Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org