CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN. C

ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, TẤT CẢ ĐỀU ĐANG SỐNG

(Lc 20,27-38)

Thưa quý vị.

Chúng ta cảm thấy năm phụng vụ C đã gần kết thúc, vấn đề tương lai sẽ ra sao được đưa ra cho chúng ta suy gẫm trong ba tuần tới. Tuần này là về sự sống lại. Nội dung của nó không phải là thế gian sẽ kết thúc thế nào và bao giờ, nhưng tương lai nhân loại ra sao sau khi thời gian chấm dứt, cuộc sống loài người hoàn thành sứ vụ? Cả hai bài đọc 1 và 3 đều đề cập đến sự kiện sống lại. Bài đọc 1 về cuộc tử nạn của 7 anh em nhà Macabê dưới thời vua Antiôkhô. Bài đọc 3 về một người người phụ nữ qua bảy đời chồng mà không có con, cuối cùng khi sống lại bà là vợ của ai? Câu chuyện đặt trước mắt tín hữu nội dung quan trọng về Đức tin. Liệu cuộc đời này sẽ chấm dứt vĩnh viễn hay sự liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ muôn năm tồn tại, bất chấp cái chết và thế giới qua đi? Thực tế chúng ta biết rằng, cuộc sống của mỗi cá nhân trên dương gian không kéo dài mãi mãi, thần chết đánh bại mọi người! Nhưng người Công giáo tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi mình. Ngược lại, Ngài luôn liên kết chúng ta với sự sống vĩnh cửu của mình, ngay cả khi thân xác qua đi trong cái chết. Kinh thánh liên tục mạc khải chân lý này. Mối tương giao bền chặt giữa mỗi linh hồn và Thượng đế luôn được Kinh thánh nhắc lại, nó chẳng bao giờ bị bẻ gẫy, dầu là do sức mạnh khủng khiếp của hoả ngục và tử thần. Đó là lý do Hội thánh luôn thúc giục các tín hữu tin vào bằng chứng của Kinh thánh chứ không phải của khoa học. Thiên Chúa không phải của kẻ chết mà là của người sống. Trước mặt Thiên Chúa tất cả đều đang sống. Khoa học thì chứng minh ngược lại.

Để nuôi dưỡng Đức tin và để kích thích tưởng tượng của các tín hữu, Thánh kinh đã đưa ra nhiều hình ảnh về cuộc sống vĩnh cửu mượn từ các biểu tượng đời này. Ví dụ: Nước hằng sống, Bánh trường sinh, tái sinh, thuộc vương quốc của Thiên Chúa... Dĩ nhiên, chúng chỉ là hình ảnh hoặc ẩn dụ để mô tả một thực tại siêu việt, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Hiện nay chúng ta đã lãnh nhận trong linh hồn thực tại ấy và vẫn kéo dài mãi, một khi cuộc đời dương thế chấm dứt. Nhưng ngôn ngữ chỉ là ý niệm chung chung, tổng quát chứ không phải là các chi tiết chính xác. Bởi lẽ chưa ai có kinh nghiệm, ngôn ngữ loài người bất lực trước những sự thật vô hình. Bà thánh Bernadette Soubirous khi nhìn thấy Đức Mẹ Vô Nhiễm ở bang Massabielle (Lộ Đức) đã kinh nghiệm sự bất lực này, cô bé mơ ước được sống trong cõi vô biên với bà lạ, nhưng không làm thế nào diễn tả nổi. Người ta coi cô bé 14 tuổi mắc bệnh loạn trí, ngày nay gọi là bệnh tâm thần và đã đề nghị nhốt cô vào nhà thương điên! Vì vậy ẩn dụ chỉ là hình thức rất nghèo nàn để mô tả đời sống vĩnh cửu mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Thế nhưng đối với con mắt trần xác thịt, thì đã rõ ràng lắm rồi. Họ cố gắng dùng những hình ảnh mượn từ cuộc sống hay từ óc tưởng tượng lấp đầy chỗ trống và vẽ lên cảnh tượng nào đó trong đầu óc. Ví dụ: Đền bằng vàng, cửa dát ngọc, lối đi trải nệm đỏ, thiên thần có cánh, đàn ca vô tận... Tuy nhiên, những cảnh tượng ấy về căn bản vẫn là cuộc sống dương gian dù rằng được dùng để miêu tả thiên cung thần tiên. Sự thực thì phải nói chúng ta chẳng hề biết gì cả. Bà thánh Bernadette đã phải vượt một quãng đường dài từ tình trạng ngất trí đến khi tỉnh dậy về cõi dương gian.

Những người Sađucêo trong Phúc âm hôm nay lầm lớn khi dùng một nghi vấn giả lấy từ cuộc sống dương gian để minh chứng tính nghịch lý của sự sống lại, một thực tại siêu nhiên. Theo họ cuộc sống mai sau chỉ là một cuộc du hành liên tục của cuộc đời hiện tại. Bảy người chồng kế tiếp nhau của một người phụ nữ sẽ ở cùng mặt bằng thời gian, vậy thì cuối cùng cô ta sẽ là vợ của ai? Thực chất người Saducêo không tin có đời sau, không tin có thiên thần và sự phục sinh, cho nên đối với họ câu hỏi thật thâm độc, trả lời kiểu nào cũng vô lý, nực cười. Các tín hữu thường xuyên suy tư về vấn đề này, bởi vì đối với họ kẻ chết sống lại là quan trọng. Họ không thể tưởng tượng tổ tiên mình, những người đã khuất, không còn tồn tại. Hằng ngày họ vẫn cầu nguyện cho các kẻ thương yêu đã qua đời, sống chung trong ký ức với họ, cho nên khó mà tách rời kẻ sống người chết ra khỏi trí óc các tín hữu. Hơn nữa họ hằng tin tưởng các kẻ đã chết luôn được Chúa thương yêu ban cho một kiếp sống bất tận, không bệnh tật, khổ đau, không nghèo đói, thiếu thốn. Ngược lại hạnh phúc và bình an. Đối với mỗi cá nhân chúng ta cũng vậy, chúng ta khao khát được sống mãi, sống bất tận và đến thời điểm phải ra đi chúng ta cũng hy vọng sẽ sống lại. Như vậy phục sinh để sống cuộc đời mới, đáp ứng khát vọng căn bản của mỗi linh hồn tin kính. Tuy nhiên, phái Sađucêo không than khóc thân nhân qua đời, không tìm kiếm niếm tin sống lại khi họ đặt câu hỏi với Chúa Giêsu. Quan niệm của họ rõ ràng và bất định; không bao giờ có chuyện kẻ chết sống lại. Họ thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội, cộng tác với người La Mã và là tư tế. Rất nhiều thành viên của đảng phái này giàu có và nhiều ảnh hưởng. Họ đặt niềm tin tôn giáo của mình trên 5 cuốn sách đầu của Kinh thánh Do thái, tức sách lề luật của ông Môsê viết ra. Theo như những cuốn sách này thì không có sống lại, bởi Môsê không hề nói chi về chuyện đó. Cho nên niềm tin cốt cán của đạo không bao gồm sự kiện kẻ chết sống lại. Thêm thắt vào là bịa đặt, chỉ những kẻ ít học thức mới chấp nhận hoang đường. Trái lại, nhóm Biệt phái và tầng lớp bình dân không những công nhận 5 cuốn sách của Môsê và còn lời dạy truyền khẩu và các văn bản khác nữa, trong đó có vấn đề kẻ chết sống lại. Thánh Luca đã kể việc tranh luận giữa hai bên trong Công vụ Tông đồ (23,6-10). Và thánh Phaolô đã lợi dụng sự mâu thuẫn này mà thoát nạn. Hôm nay người Sađucêo lại mang câu chuyện ra gài bẫy Chúa Giêsu. Họ lật ngược câu chuyện 7 anh em nhà Macabê thành 7 người chồng của một người phụ nữ và áp dụng sách Đệ nhị luật (25,1-10) để chế giễu những ai tin vào sự sống lại. Họ cho niềm tin đó là hoang đường. Chắc hẳn quý vị đã cảm thấy Đức Kitô thất vọng biết bao khi nghe họ đưa vấn đề ra bàn luận. Bởi Ngài là Thiên Chúa, biết rõ sự thật, còn phái Sađucêô đóng kín, sai lầm và chẳng tỏ dấu chi cởi mở cho chân lý thấm nhuần.

Dầu sao Ngài trả lời họ trong ngôn ngữ họ có thể hiểu được. Tức là đừng dùng lý luận và biểu tượng đời này mà xây dựng thực tế đời sau, một thực tế chưa ai từng kinh nghiệm. Người Sađucêô đã ngây thơ dùng luật Lêvi trong sách Đệ nhị luật 25,5-10, nói rằng nếu một người đàn ông có vợ mà chết không con, thì người anh em kế tiếp phải kết hôn với người đàn bà góa đó để duy trì giòng giống và tài sản cho anh mình. Phái Sađucêô đưa ra tới 7 anh em cùng kết hôn với một phụ nữ, rồi cuối cùng người phụ nữ cũng chết, thì khi sống lại, cô là vợ của ai ? Như vậy, sự sống lại là điều không thể xảy ra (tôi không hiểu trong cộng đoàn chúng ta, chị em nghĩ sao ? Vì theo ý kiến các Sađucêô, chị em không có quyền làm người, bị truyền từ tay đàn ông này tới tay đàn ông khác như thể một tài sản !). Câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho người nghe ngạc nhiên. Theo Ngài (và đây là một mặc khải quan trọng cho nhân loại), có sự khác biệt căn bản giữa cuộc sống đời này và mai sau. Hiện thời kết hôn và sinh sản là điều quan trọng để giòng sông sự sống tiếp tục chảy. Nhưng đối với những ai được xét là xứng đáng hưởng hạnh phúc đời đời, thì mọi sự khác hẳn : Người ta không chết nữa, không cần lo lắng cho tương lai, chẳng phải thu tích tài sản để người khác hưởng dùng. Sự chết không làm chủ được ai nữa, mọi người sẽ giống như thiên thần. Việc sinh sản là điều thừa thãi bởi sự sống tồn tại muôn đời, vì được chia sẻ sự sống vĩnh viễn của Thiên Chúa. Ngài đã ký giao ước với nhân loại thì giao ước ấy muôn thuở, không thể bị bẻ gãy. Cho dù cuộc sống mai hậu hoàn toàn khác với hiện nay, nhưng mối ràng buộc trong giao ước sẽ tồn tại mãi, bởi lòng tín trung của Thiên Chúa. Ngài không thể mâu thuẫn với chính mình làm tiêu tan giao ước. Đó là nội dung của sự sống lại. Nó không tuỳ thuộc vào công nghiệp nhân loại. Nhưng chủ yếu vào lòng trung tín muôn thuở của Thượng đế. Ngài hứa cuộc sống vĩnh viễn cho những tôi tớ mình, thì nhất định việc đó phải xảy ra. Cho nên tôi nghĩ nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi tin tưởng vào mặc khải của Chúa Giêsu : Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống, vì đối với Người tất cả đều sống, kể cả những Tổ phụ đã khuất bóng của dân tộc Do thái, Abraham, Isaac, Giacóp, Giuse, và mọi người đã yên nghỉ từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Chúng ta tin vào giao ước nhiều lần Thiên Chúa đã ký với nhân loại. Thiên Chúa yêu thương, qua Đức Giêsu, hằng săn sóc, gìn giữ chúng ta đời này và muôn thuở đời sau.

Nhưng vấn đề là, về phần mình, lòng tin vào sự sống lại và sự sống muôn đời, ảnh hưởng trên nếp sống hằng ngày của chúng ta ra sao ? Nhiều người tuyên xưng lòng tin của mình, nhưng thực chất thái độ và suy nghĩ của họ giống như người Sađốc, chạy theo tiền tài, danh vọng, địa vị, chức quyền, tất cả những tiện nghi sung sướng thoải mái mà thế gian có thể cung cấp. Họ sống như chẳng có đời sau, hoặc đời sau chỉ là cái bóng mờ. Ngược hẳn với gương lành của 7 anh em nhà Macabê. 7 Người này đã sẵn sàng chịu đựng khổ hình và cái chết để trung thành với Đức Chúa Trời. Không chi có khả năng chia rẽ họ khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa. Người thứ tư nói như sau : “Chúng tôi thà chết vì tay người đời, đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng được Người cho sống lại. Còn nhà vua, vua sẽ không được sống lại, để hưởng sự sống đâu.” Như vậy, niềm hy vọng sống lại ban ý nghĩa cho cuộc đời hiện tại của chúng ta và củng cố lòng tin các tín hữu khi gặp gian nan thử thách. Bà mẹ 7 anh em Macabê đã vững tin vào tình yêu bất tử của Thiên Chúa và dùng lời can đảm an ủi các con đứng vững trong tình yêu này. Như vậy, với lăng kính phục sinh, chúng ta dễ dàng phân định giá trị của thế giới, đâu là những điều thế gian tìm kiếm, ước ao và quý trọng, đâu là những chân lý người tín hữu phải theo đuổi. Nhờ ơn Chúa soi sáng, qua mặc khải phục sinh, chúng ta sẽ nhìn thế gian và những của cải đời này từ một góc độ khác, tức từ viễn tượng đời đời. Viễn tượng này dạy người tín hữu nên đầu tư tiền tài, sức lực, trí khôn, tài năng vào đâu cho hợp lý và bảo đảm tương lai vững bền. Chúng ta chỉ đi qua cuộc đời một lần mà thôi. Nếu đầu tư sai, mọi sự đều hỏng cả, tương lai kể như không có, cuộc sống hiện tại kể như vất bỏ. Do đó, bài học từ Phúc âm hôm nay rất quan trọng : Tôi đã tiêu phí tiền tài, thời gian, trí tuệ, năng khiếu, sức lực, vào việc chi ? Tìm kiếm ơn Chúa ? Bảo trì giao ước với Ngài hay chơi bời trác táng như người con phung phí ? Chúa Giêsu đã chỉ rõ nội dung khác nhau giữa cuộc đời hiện tại và kiếp sống mai hậu, không còn thắc mắc nghi ngờ. Những lựa chọn, những ưu tiên của chúng ta ngày nay chắc hẳn sẽ ảnh hưởng quyết định đến số phận tương lai của mình. Tương lai ấy mở rộng nếu chúng ta nghe theo lời Chúa khuyên nhủ, bằng không nó khép lại. Vậy chúng ta nên làm gì lúc này ?

Nữ hoàng “Lạc quan” sẽ cho chúng ta câu trả lời. Nàng sẽ ban khả năng cho mỗi người, đầu tư chính mình vào những chương trình to lớn. Chương trình có lẽ cả đời chúng ta không thực hiện hết. Nhưng chẳng hệ gì, đã có những người thuộc tương lai tiếp tục. Khi tham gia thực hiện nó, chúng ta sẽ bày tỏ niềm hy vọng sống lại và dấn thân trong đường lối của Đức Chúa Trời : Các dự án đó rất nhiều và cụ thể. Thí dụ : Hoạt động cho công bình bác ái, hoà bình công lý, chấm dứt đói nghèo, bình đẳng màu da, giới tính, chống xì ke, ma tuý, áp bức, bóc lột, khủng bố, chiến tranh, chia rẽ, loại trừ, tẩy chay. Đúng là những dự án lớn đòi hỏi nhiều nghị lực, kiên nhẫn, tiền tài, năng khiếu và ơn Chúa trợ giúp. Chúng chính là dự án thuộc Nước Trời và sẽ được thực hiện bởi những thế hệ con người đầy lòng hy vọng sống lại. B. Pascal đã cống hiến cho các tín hữu một tư tưởng hay, ông gọi là “cuộc đánh cược lớn”. Lý luận như sau : Tin vào sự sống lại, bạn chẳng thua thiệt gì. Nếu sau cái chết, có đời sau, lúc ấy bạn đâu phải thất vọng, ngược lại, được lời to. Trường hợp không đó đời sau, bạn cũng không thất vọng bởi vì bạn có sống đâu mà kinh nghiệm thất vọng. Nhưng Chúa Giêsu đến thế gian không phải để xác nhận Pascal đúng hay sai. Ngài đến để công bố Tin Mừng. Tin Mừng là thế này : “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay cha”. (Lc 23,46). Rõ ràng Ngài đặt trọn vẹn linh hồn, thân xác, thần trí, sức lực của Ngài trong tay Đức Chúa Trời cao cả, là người Cha, Đấng sẽ làm cho kẻ chết sống lại bởi Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của kẻ chết, đối với Cha Ngài, tất cả đều đang sống. Amen.