Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

2- ĐTC cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

3- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ Tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

4- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

5- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

6- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai

7- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

8- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố.

9- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC chủ sự thánh lễ khai mạc mùa Chay năm thánh với nghi thức xức Tro.

Trong buổi tiếp kiến chung với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 1/3/2017. ĐTC đã nói: Mùa Chay là thời gian ăn chay hãm mình để sống lại với Chúa Kitô, để canh tân căn tính được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “bên trên”, từ tình yêu của Thiên Chúa. Mùa chay là lộ trình của hy vọng, là dấu chỉ bí tích của sự hoán cải, đòi hỏi nhiều dấn thân. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, ĐTC đã chủ sự thánh lễ khai mạc mùa chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma.

Từ Vatican ĐTC đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4.30 chiều, ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma. Đi trong đoàn rước với ĐTC, có hàng chục Hồng Y, Giám mục, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhắc nhở về ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và mời gọi mọi người trở về cùng tâm hồn thương xót của Chúa Cha. Ngài nói:

”Mùa chay là một con đường dẫn chúng ta đến chiến thắng của lòng thương xót trên tất cả những gì không phù hợp với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Mùa chay là con đường đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ đau khổ đến vui mừng, từ sự chết đến sự sống. Cử chỉ xức tro qua đó chúng ta bắt đầu hành trình, nhắc nhớ chúng ta về thân phận nguyên thủy của mình: chúng ta đã được rút từ đất, chúng ta đã được hình thành bằng bụi đất… Chúa muốn tiếp tục ban cho chúng ta hơi thở sự sống, cứu chúng ta khỏi những thứ hơi thở khác là sự nghẹt thở vì sự ích kỷ của chúng ta, nghẹt thở vì những tham vọng nhỏ nhoi và âm thầm dửng dưng lãnh đạm; sự nghẹt thở bóp nghẹt tinh thần, thu hẹp chân trời và làm cho nhịp tim đập bị gây mê”.

ĐTC nói thêm rằng: “Mùa chay là mùa để từ khước. Từ khước sự nghẹt thở vì ô nhiễm do thái độ gây ra do sự dửng dưng, không nghĩ đến cuộc sống của người khác; nghẹt thở vì mỗi toan tính coi rẻ sự sống, nhất là sự sống của những người mang trong thân thể mình gánh nặng của bao nhiêu sự hời hợt… Mùa chay cũng là mùa tái hô hấp, là mùa mở rộng con tim cho hơi thở của Đấng Duy nhất có khả năng biến đổi chúng ta là bụi đất thành con người. Đây không phải là mùa xé áo trước sự ác quanh chúng ta, nhưng đúng hơn là mùa dành không gian trong cuộc sống chúng ta cho tất cả những điều thiện mà chúng ta có thể thực hiện được”.

Trong nghi thức sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko 93 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (SD 1-3-2017)

- Đức Thánh Cha cổ võ hiệp nhất Công Giáo và Anh giáo.

ĐTC cổ võ thái độ khiêm tốn và cùng thực thi các công tác từ bi thương xót như con đường tìm về hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng chiều Chúa Nhật 26-2-2017 khi viếng thăm giáo xứ “Các Thánh” (All Saints) của Anh giáo tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập giáo xứ này. Đây cũng là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ Anh giáo ở Roma.

Trong số những người hiện diện ở Thánh Đường, có ĐGM Anh giáo Robert Innes đặc trách vùng Âu Châu, Mục Sư Jonathan Boardman, chánh sở Giáo xứ Anh giáo “Các Thánh”, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Kasper nguyên chủ tịch Hội đồng này, và ĐHY George Pell người Úc, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Trong bài giảng sau đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Corinto, ĐTC nhắc đến những chia rẽ trong cộng đoàn này và những khó khăn thánh Phaolô gặp đối với cộng đoàn tại đây, và ngài nói rằng:

“Khi chúng ta là cộng đoàn các tín hữu Kitô đã chịu phép rửa, đứng trước những bất hòa, chúng ta hãy đặt mình trước tôn nhan thương xót của Chúa Kitô để vượt thắng những bất hòa ấy, chúng ta cũng hãy làm như thánh Phaolô đã làm tại một trong những cộng đoàn Kitô tiên khởi…”

ĐTC nói thêm rằng: “Một tình hiệp thông chân thực và vững chắc sẽ tăng trưởng và vững mạnh khi ta cùng nhau hoạt động cho những người túng thiếu. Qua chứng tá hòa hợp về đức bác ái, tôn nhan thương xót của Chúa Giêsu sẽ trở nên hữu hình trong thành thị của chúng ta”.

ĐTC cũng đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Anh giáo hãy khiêm tốn cảm tạ Chúa vì sau 2 thế kỷ nghi kỵ nhau, giờ đây đã có thể nhìn nhận rằng ơn thánh phong phú của Chúa Kitô cũng đang hoạt động nơi những người khác. Ngài nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì giữa các tín hữu Kitô có sự gia tăng ước muốn xích lại gần nhau hơn, ước muốn này được biểu lộ qua việc cầu nguyện chung và cùng làm chứng tá Tin Mừng, nhất là qua những hình thức phục vụ khác nhau. Chúng ta hãy khích lệ nhau trở thành những môn đệ ngày càng trung thành với Chúa Giêsu, ngày càng tự do đối với những thành kiến quá khứ, và ngày càng mong muốn cầu nguyện cho nhau và với nhau”.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã chúc lành cho sáng kiến giáo xứ “Các Thánh” của Anh giáo kết nghĩa với Giáo Xứ Công Giáo cùng tên ở Roma. ĐTC cũng cho biết ngài cùng với các cộng sự viên đang nghiên cứu dự án viếng thăm nước Nam Sudan cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo, theo mời đề nghị của một số GM Công Giáo, Tin Lành Trưởng lão và Anh giáo. (SD 26-2-2017)

- Ngày 28 tháng Hai đánh dấu năm thứ tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI.

Ngày 28 tháng Hai, năm 2013, rất đông các tín hữu đã tới Công Trường Nhà Thờ thánh Phêrô để tạm biệt Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân dịp ngài xuất hiện lần cuối cùng ở nơi công cộng trong tư cách Giáo Hoàng. Trong khoảnh khắc lịch sử này, ngài nói:

"Tôi chỉ đơn thuần là một kẻ hành hương bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình của mình trên trái đất này. Tuy nhiên, với trái tim của tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự suy tư của tôi, với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, tôi vẫn muốn làm việc cho lợi ích chung và lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Và tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi lời chúc tốt đẹp của anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và của thế giới. Tôi xin cảm ơn anh chị em…”

Những tình cảm mạnh mẽ vẫn còn in đậm trong tinh thần của các tín hữu hiện diện ở công trường trong ngày hôm ấy. Khó mà quên được tác động của chuyến bay lịch sử tới Castel Gandolfo bằng trực thăng với Đức Giáo Hoàng từ nhiệm trên đó, dưới đất là một tấm thảm gồm các cánh tay vẫy vẫy chào tạm biệt ngài.

Di sản cầu nguyện của Đức Bênêđíctô XVI sẽ được làm mới lại vào ngày 28 tháng 2 này, vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô kết thúc triều đại Giáo Hoàng của ngài. Hàng năm, vào ngày quan trọng này, nhiều tín hữu trên toàn thế giới vẫn tổ chức những buổi cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Bênêđíctô và theo các ý chỉ của ngài. Ngày kỷ niệm lần thứ tư này cũng sẽ là một thời điểm quan trọng, dẫn đến ngày sinh nhật lần thứ 90 của Đức Bênêđíctô (ngày 16 tháng 4 năm 2017).

- Các Giám Mục Úc đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội.

Đối diện với những chất vấn của ủy ban hoàng gia điều tra lạm dụng tình dục, các Giám Mục Úc đã đưa ra các quan điểm khác nhau về ấn tín bí tích giải tội. Đức TGM Anthony Fisher của Sydney nói rằng ngài sẽ không báo cáo với cảnh sát nếu ai đó thú nhận lạm dụng một đứa trẻ, và sẽ ban phép xá giải cho người phạm tội sau khi ngài đã “sử dụng tất cả khả năng để thuyết phục hối nhân” báo cáo sự việc với cảnh sát.

Trong khi đó, Đức TGM Denis Hart của Melbourne nói rằng ngài sẽ giữ lại không ban phép xá giải nếu hối nhân không chịu báo cáo với cảnh sát. Khi được hỏi về việc ngài sẽ phản ứng ra sao nếu chính đứa trẻ bị lạm dụng tiết lộ sự việc trong tòa giải tội, Đức TGM Fisher nói rằng ấn tín bí tích giải tội là bất khả xâm phạm. Ngài sẽ không báo cảnh sát nhưng ngài “sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thuyết phục đứa trẻ” cùng đi với ngài ra gặp cảnh sát. Nhưng nếu đứa trẻ từ chối không đi thì ngài đành bất lực.

Đức TGM Philip Wilson của Adelaide không đồng ý về điểm này. Ngài nói rằng ấn tín bí tích giải tội chỉ được áp dụng cho những tội lỗi được thú nhận trong tòa giải tội, và “khi một đứa trẻ nói với chúng ta về điều đã xảy ra, đứa trẻ ấy không phải là đang xưng tội”, cho nên ấn tín bí tích giải tội không được áp dụng trong trường hợp này.

- Phụng vụ đại kết nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh.

Ngày 22 tháng Ba tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule. Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu. Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trình thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá.

Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu từ tháng 5, 2016. Phí tổn cho việc tu bổ, khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tông truyền hỗ trợ. Tổng thống Abbas của Palestine và vua Abdallah II của Giordani, trong quá khứ, cũng đã tuyên bố hỗ trợ việc trùng tu này.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo Hội nói trên đã cùng nhau quyết định các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

- Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka chống việc sửa đổi luật cho phép phá thai.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka kêu gọi các tín hữu lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ trong việc sửa đổi luật cho phép phá thai dễ dàng hơn. Hiện tại Sri Lanka chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp đe dọa đến sự sống của người mẹ. Nhưng tin tức truyền thông cho biết chính phủ đang cân nhắc thay đổi những luật liên quan.

Hiru News ngày 1 tháng 2 tuyên bố rằng bộ trưởng bộ Tư pháp của Sri Lanka đang tìm cách hợp thức hóa phá thai trong các trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân, hay người mang thai dưới 16 tuổi hay khi bị suy thai nghiêm trọng.

Hội đồng Giám mục kêu goi người Công Giáo phản đối cố gắng này và kêu gọi các chính trị gia Công Giáo chặn đứng sự thay đổi luật này.

Đức Cha Valence Mendis của Chilaw, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục cho biết là toàn thể Hội đồng Giám mục đã ký một lá thư bày tỏ sự chống đối của các ngài. Các Giám mục xin cầu nguyện để đền tội cho nỗ lực phá thai, ngay cả trong trường hợp bị cưỡng hiếp hay loạn luân.

K.K. Karunathilake của phân khoa Khoa học xã hội của đại học Kelaniya cho biết là mỗi ngày có khoảng 600 vụ phá thai ở Sri Lanka. (Ucan 24/02/2017).

- Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội Công Giáo chống lại việc xây tường biên giới với Mêhicô.

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi lên cầm quyền tổng thống Trump đã ký nhiều sắc lệnh, trong đó có việc xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Tổng thống Trump cho biết việc xây bức tường biên giới sẽ bắt đầu trong vài tháng tới đây.

Không cần phải nói, ai cũng đã biết lập trường của Giáo Hội đối với người di cư tỵ nạn. Kể từ khi lên làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã luôn luôn kêu gọi “xây cầu” và “đạp đổ” mọi bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và các giai tầng xã hội. Từ vài năm qua, đứng truớc làn sóng người di cư tỵ nạn của các nước Trung Đông và Phi châu tìm vào Âu châu ngài khích lệ các chính quyền tiếp đón họ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập cuộc sống xã hội.

Hồi cuối tháng giêng vừa qua, ĐHY Peter Turkson, chủ tịch Bộ thăng tiến phát triển nhân bản toàn vẹn, cũng đã bầy tỏ âu lo của Toà Thánh trước quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ xây tường biên giới với Mêhicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tin SIR ĐHY bên lề một đại hội tại đại học giáo hoàng Laterano, ĐHY nói: “… Toà Thánh âu lo, vì nó không chỉ liên quan tới tình hình của Mehicô, mà còn là dấu hiệu cho thế giới nữa. Không phải chỉ có Hoa Kỳ muốn xây tường chống lại người di cư, nhưng điều này cũng xảy ra bên Âu châu. Tôi cầu mong các nước Âu châu không bắt chước ông Trump…”

Chính sách của tổng thống Trump chống lai người di cư cũng khiến cho các Giám Mục Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối. ĐC Joe Vasquez, Giám Mục Austin, chủ tịch Uỷ ban di dân của HĐGM Hoa Kỳ, đã khẳng định rằng, Giáo Hội Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để gần gũi và liên đới với các người di cư và gia đình họ. Ngài cho rằng bức tường biên giới này sẽ khiến cho người di cư, nhất là những nguời dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, sẽ bị các tay buôn người và buôn lậu khai thác bóc lột tệ hại hơn nữa.

ĐHY Daniel Di Nardo, TGM Galveston-Houston, chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng bầy tỏ sự âu lo sâu xa đối với việc này. Theo ĐHY, lệnh xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô sẽ chỉ khiến cho dân chúng hoảng loạn sợ hãi. Chúng không phải là kiểu tốt nhất giúp bảo đảm an ninh cho người Mỹ.

Đức Tân Hồng Y Joe Tobin, TGM Newark, cũng truyên bố: “Một quốc gia đầy sợ hãi thì nói tới việc xây các bức tường … chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi trước khi nó dẫn chúng ta vào trong bóng tối”.

- Quân Iraq chiếm được phi trường Mosul và tiến vào trung tâm thành phố

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Sáu 24 tháng Hai tuần trước, chính phủ Iraq cho biết sân bay quốc tế Mosul và doanh trại quân đội Ghazlani ở lân cận, và cả vùng ngoại ô phía tây nam Mosul đã được hoàn toàn giải phóng.

Ngay từ khi chiếm được sân bay Mosul, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã ra sức phá hoại để sân bay này không còn dùng được nữa. Tuy nhiên, theo nhận định sơ khởi của các chuyên viên, công binh Iraq có thể phục hồi nhanh chóng các đường băng cho các máy bay vận tải quân sự đáp xuống.

Các tin tức mới nhất cho biết, sau khi chiếm được phi trường Mosul vào hôm thứ Năm 23 tháng Hai, lực lượng Iraq đã chiếm được quận Al Maamun và đang tấn công khu vực trọng điểm của tây Mosul bao gồm tòa nhà chính phủ, ty cảnh sát thành phố, tòa án, bệnh viện quân đội, lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và viện bảo tàng Mosul.

Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng đây có thể là “giai đoạn hết sức nguy hiểm” đối với thường dân. 750,000 người được tin là còn kẹt trong vùng giao tranh.

- Cáo phó của Giáo phận Phan Thiết: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống vừa qua đời tại Việt Nam

Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Phan Thiết, đăng trên VietCatholic hôm nay ngày 1 tháng 3, 2017, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Chính toà Giáo phận Phan Thiết, đã được về cùng Chúa lúc 8g00, thứ Tư ngày 1 tháng 3 năm 2017 tại Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi, 32 năm Linh mục và 16 năm Giám mục.

Theo thông tin được đăng trên trang mạng diện toán của Giáo phận Phan Thiết, Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9g00 sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 3 năm 2017 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phan Thiết.

Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, cũng được trích từ trang mạng điện toán của Giáo phận Phan Thiết:

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống sinh ngày 02 tháng 7 năm 1952 tại Cao Mộc, Thái Bình.

Năm 1964: học tiểu chủng viện Long Xuyên.

Năm 1971: học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết.

Năm 1978: tu học tại Đại Chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.

26-10-1985: Thụ phong Linh mục, do Ðức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình.

1985-1992: Phụ tá giáo xứ Tân Mỹ, Hóc Môn, Sài Gòn.

1987-1992: Ðặc trách xứ Bạch Ðằng, Hóc Môn, Sài Gòn.

1992-1993: Phụ khảo tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

1993-1998: Du học tại Paris-Pháp, đậu văn bằng Thạc sĩ Thần học.

1998-2001: Giáo sư tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.

14-07-2001: ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hiệu tòa Tortiboli.

17-08-2001: Lễ tấn phong tại Vương Cung Thánh Đường Ðức Bà Sàigòn. Chủ phong: Đức Tổng Giám mục GB. Phạm Minh Mẫn; phụ phong: ĐGM. GB. Bùi Tuần và ĐGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

25-07-2009: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết.