Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến di dân

Đức Thánh Cha tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn quốc tế về chủ đề “Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, và tiến sĩ Hans-Gert Poettering người Đức, nguyên chủ tịch Nghị viện Âu Châu, Đức Thánh Cha nhắc đến hiện tượng rộng lớn di dân và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và tị nạn.

Đức Thánh Cha nói: “Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành.. đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di dân và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó ngoài quyền xuất cư, còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “cần giúp những người di dân và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa hoặc bị xáp nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hóa của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng liên kết 4 động từ nói trên, ngày nay chính là một nghĩa vụ đối với các anh chị em chúng ta vì những lý do khác nhau, phải rời quê hương của họ. Đó là nghĩa vụ theo đức công bằng, văn minh và liên đới.

Ngài nói: “không còn có thể bênh vực những chênh lệch không thể chấp nhận được về kinh tế, ngăn cản việc thực thi nguyên tắc mọi của tài nguyên trái đất là để dùng chung cho tất cả mọi người... Không thể chấp nhận một nhóm nhỏ kiểm soát tái nguyên của nửa thế giới.”

Đức Thánh Cha nói: “Đứng trước những thảm trạng ghi đậm trên cuộc sống của bao nhiêu người di dân và tị nạn - chiến tranh, bách hại, lạm dụng, bạo lực, chết chóc - chúng ta không thể không có những tâm tình cảm thông tự nhiên và liên đới. “Em ngươi ở đâu?” (Xc St 4,9): câu hỏi này Thiên Chúa đặt ra cho con người từ thửơ nguyên thủy, có liên quan tới chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em di dân.. “Đó không phải là câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tôi cho tôi, cho anh, và cho mỗi người chúng ta”.

2. Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh.

Những người phò sự sống tìm cách ảnh hưởng đến quyết định phá thai của phụ nữ có thể bị phạt tù 2 năm.

Hôm thứ Năm, 16 tháng 02 năm 2017, Quốc hội Pháp, với đa số thuộc đảng xã hội, đã thông qua đạo luật cấm những trang mạng không công khai mình phò sự sống nhưng tìm cách thuyết phục phụ nữ bỏ ý định phá thai. Họ coi đây là một tội phạm, và người vi phạm có thể bị phạt tù 2 năm hoặc phạt tiền 30 ngàn euro.

Laurence Rossignol, bộ trưởng về quyền phụ nữ nói rằng những người phò sự sống vẫn được tự do lên tiếng chống lại việc phá thai, miễn là họ công khai tuyên bố mình là ai, mình làm gì và mình muốn gì.

Luật của Pháp đã ngăn cản những người phò sinh biểu tình bên ngoài các cơ sở phá thai. Những người ủng hộ dự luật mới cho rằng chiến thuật phò sự sống đã hoạt động trên mạng internet và phải bị dừng lại.

Ðức Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille, chủ tịch hội đồng Giám mục Pháp đã viết thư cho Tổng thống Francois Hollande để bày tỏ lo ngại về dự luật. Ngài kêu gọi Tổng thống đừng cho phép thông qua dự luật này. Ngài gọi nó là một “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ”.

Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Paris để phản đối chống lại luật này. Các người biểu tình mang theo biểu ngữ viết: “Bảo vệ người yếu đuối thì thật sự mạnh mẽ.”

3. Các tín hữu Công Giáo dấn thân trong phong trào đại kết và ngành giáo dục tại Đông Timor.

“Có một hy vọng lớn lao cho tương lai của việc loan báo Tin Mừng ở Ðông Timor, nhưng luôn cần củng cố đức tin của cộng đoàn chúng ta.” Ðức cha Virgilio do Carmo da Silva của giáo phận Dili, Ðông Timor, đã chia sẻ với hãng tin Fides như thế.

Ðảo Timor bị chia làm 2: phía tây thuộc Indonesia, còn phía đông trở thành quốc gia độc lập vào năm 2001, tách rời khỏi Indonesia.

Ðông Timor có khoảng 1.2 triệu dân (96.5% là Công Giáo và 2.5% theo Tin lành), chia thành 3 Giáo phận: Dili, Baucau và Maliana.

Tháng 8 năm 2015, Tòa thánh và Cộng hòa dân chủ Ðông Timor ký hiệp ước công nhận tính cách pháp lý của Giáo Hội và các tổ chức của Giáo Hội và đảm bảo Giáo Hội được tự do thực hiện sứ mệnh của mình vì lợi ích của dân tộc Ðông Timor. Hiệp định này được phê chuẩn trong năm 2016.

Nhận định về tình hình của Giáo Hội Công Giáo ở Ðông Timor, Ðức cha da Silva nói: “Ðức tin của các tín hữu cần liên tục được củng cố và đâm rễ trong linh đạo Công Giáo và trong truyền thống của những giá trị Tin mừng.”

Ðức cha cũng nói rằng trong một đất nước được đánh dấu bởi tỷ lệ người trẻ rất cao, “các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên được mời gọi để thực hiện các nỗ lực được phối hợp để đồng hành với việc đào tạo các tín hữu và tiếp tục các chương trình mục vụ giúp củng cố đức tin của dân chúng, từng bước một.”

Ðức cha nhấn mạnh: “Thực tế là trong một số trường hợp và hoàn cảnh của cuộc sống, người Công Giáo ở Ðông Timor có xu hướng quay trở lại hệ thống niềm tin duy linh cổ xưa của họ.” Do đó, theo ngài, “Giáo Hội cần dấn thân hoạt động với họ và cho họ, để họ học cách luôn luôn kín múc từ gia sản đức tin Công Giáo và hướng đến Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.”

Một điểm khác nữa mà cộng đoàn Công Giáo đang đối diện, đó là sự hiện diện sinh động của các Giáo Hội Tin lành và có sự tranh đua giữa các tín hữu. Ðức cha cho biết là Giáo Hội đang bắt đầu một hành trình đối thoại với các Giáo Hội Kitô khác,, trong dấu chỉ của sự tôn trọng lẫn nhau và đại kết, để tránh việc các tín hữu chuyển từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác.

Theo Ðức cha, trong các nhu cầu hiện tại đối với xã hội trẻ Timor, có nhu cầu phát triển ngành giáo dục. Ðó là lý do cộng đoàn Công Giáo, đặc biệt là sự dấn thân của các dòng tu như Salêdiêng và dòng Tên, đóng góp và cộng tác với các học viện trong hệ thống giáo dục. Từ năm 2002, hệ thống giáo dục được tái xây dựng hoàn toàn.

4. Giám Mục Nam Phi lên án bạo lực chống người nước ngoài

Một giám mục Nam Phi đã lên án một loạt những vụ bạo lực chống lại người nước ngoài tại nước này, và cảnh báo rằng một cuộc biểu tình thường xuyên chống người nhập cư sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho đất nước.

Đức Cha Abel Gabuza, chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị hãy “đưa ra cách thức hiệu quả hơn để phát hiện và chống lại những hành vi bạo lực bài ngoại trước khi nó bùng lên.”

Đồng thời, Đức Giám Mục Gabuza nói rằng những cộng đồng nào gặp rắc rối bởi tội ác của các công dân nước ngoài nên đòi hỏi hành động của cảnh sát và các nhà lãnh đạo chính trị, chứ không nên hành xử pháp luật trong tay của mình.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi là chính phủ phải tăng cường kiểm soát biên giới”.

5. Các viên chức Vatican cùng các nhà lãnh đạo Hồi giáo Ai Cập dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đến Ai Cập trong tuần này để tham gia vào một cuộc họp tại Đại học Al Azhar về chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Hội nghị được tổ chức tại tổ chức nghiên cứu hàng đầu về tư tưởng Hồi giáo Sunni, sẽ làm nổi bật sự hợp tác giữa Vatican và Al Azhar trong công cuộc “chống lại hiện tượng cuồng tín, cực đoan, và bạo lực nhân danh tôn giáo.”

Đức Hồng Y Tauran dẫn đầu một phái đoàn Vatican trong đó bao gồm Tổng Giám Mục Bruno Musaro, các sứ thần tại Cairo; Đức Giám Mục Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo; và Đức Ông. Khaled Akasheh, chuyên gia của Hội đồng về các vấn đề Hồi giáo.

Hội nghị đã diễn ra trong 2 ngày 22 tháng 2 và 23, nhân kỷ niệm chuyến viếng thăm lịch sử của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Al Azhar vào năm 2000.

6. Khủng bố Hồi Giáo IS thề sẽ gia tăng tấn công các Kitô hữu tại Ai Cập

Chi nhánh bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Ai Cập đã tung ra một video vào hôm thứ Hai 20 tháng Hai cho thấy một tên nổ bom tự sát đã giết chết gần 30 người trong cuộc tấn công vào một nhà thờ đầy chật người hồi tháng Mười Hai năm ngoái và thề sẽ gia tăng nhiều cuộc tấn công các tín hữu Kitô Ai Cập.

Trong đoạn video dài 20 phút, bọn khủng bố Hồi Giáo IS nói các Kitô hữu Ai Cập là những “con mồi rất được ưa chuộng” của nhóm cực đoan này.

Các Kitô hữu Ai Cập, chiếm khoảng 10% dân số, đã là mục tiêu tấn công của những kẻ cực đoan Hồi giáo trong những năm vừa qua, đặc biệt kể từ năm 2013 sau vụ lật đổ một tổng thống Hồi giáo, là ông Mohammed Morsi. Kitô hữu hậu thuẫn quân đội trong cuộc chính-biến do tướng Abdel-Fattah el-Sissi cầm đầu. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã coi đây là một cái cớ để gia tăng các cuộc tấn công chống lại các tín hữu Kitô.

Đoạn video cho thấy cảnh hoang tàn của nhà thờ chính tòa Thánh Máccô tại Cairo hồi trung tuần tháng mười Hai năm ngoái và nói rằng đó “mới chỉ là bắt đầu.”

Tướng El-Sissi, nay là tổng thống Ai Cập, thường xuyên đến thăm các nhà thờ Chính Thống Coptic ở Cairo vào các ngày lễ lớn, nhưng nhiều người trong cộng đồng Chính Thống Coptic phàn nàn rằng có rất ít thay đổi trong cuộc sống của họ kể từ el-Sissi nhậm chức vào năm 2014, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi người Hồi giáo thường xuyên tấn công nhà cửa và các doanh nghiệp của các tín hữu Kitô thông qua một loạt các vấn đề, bao gồm cả việc xây dựng hoặc phục hồi của các nhà thờ, tranh chấp đất đai hoặc bắt cóc đòi tiền chuộc hay buộc các thiếu nữ phải lấy người Hồi Giáo.

7. Một Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh của tổng thống Donald Trump

Khẳng định rằng “Tôi không chống lại những người tị nạn, vì bản thân tôi là một người tị nạn,” một Giám mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California đã lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Donald Trump đối với bảy quốc gia Hồi giáo.

Đức Giám Mục Bawai Soro, người đã đến Hoa Kỳ trong tư cách một người tị nạn từ Iraq vào năm 1973, đã viết trên tờ San Diego rằng “sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã minh họa mối nguy hiểm hiển nhiên mà Hoa Kỳ hiện phải đối mặt đối với trào lưu khủng bố Hồi giáo cực đoan.”

“Ông Trump không cần phải xin lỗi ai về lệnh cấm nhập cảnh của ông với lý do đơn giản rằng đến Mỹ không phải là một quyền mà là một đặc ân, đó là một đặc quyền người ta phải xếp hàng chờ đợi bất kể bao lâu để có thể đến Mỹ”.

Vị giám mục nói thêm:

“Nếu biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 là do người Trung Quốc gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với người Trung Quốc; nếu do người Nam Mỹ gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng trên các quốc gia Nam Mỹ; và nếu nó do người Phi châu gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng cho các nước châu Phi. Nhưng thực tế chứng minh rằng kể từ giữa những năm 1990 gần như tất cả các kẻ khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan đều là từ Trung Đông.”

8. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đề cao nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Josyf Slipyj khi đối mặt với cộng sản

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, đã viết một bài ca ngợi người tiền nhiệm của mình, là Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh năm 1892 và qua đời năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ngài.

Đức Hồng Y Slipyj, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine trong thời gian từ 1944 đến 1984. Ngài đã thẳng thừng “từ chối lời hứa được tự do và bổng lộc cao nếu ngài tuyên bố xóa bỏ Giáo Hội của ngài.”

Đức Hồng Y Slipyj đã bị bỏ tù 18 năm, trong đó có tám năm lao động khổ sai tại Siberia, sau khi chế độ Joseph Stalin đàn áp Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine. Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối.

“Khi đến phương Tây, ngài trở thành một tiếng nói và biểu tượng của một 'Giáo Hội thầm lặng' ở Liên Xô đang bị bách hại bởi chế độ độc tài vô thần.”

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã can thiệp để ngài được trả tự do vào năm 1963, và Đức Phaolô VI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 1965.

9. Đức Hồng Y Josyf Slipyj tù nhân cộng sản Liên Xô

Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh ngày 17 tháng Hai năm 1893 ở làng Zazdrist, Galicia, lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung. Ngài theo học tại Đại học Lviv của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine và Chủng viện Innsbruck ở Áo, trước khi được thụ phong linh mục ngày 30 tháng 6 năm 1917. Từ 1920 đến 1922, ngài theo học ở Rôma tại Viện Giáo Hoàng Đông phương, Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas, và Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ngài trở lại Lviv, lúc đó là một phần của Ba Lan, và giảng dạy tại chủng viện Lviv trước khi trở thành Giám Đốc của trường này.

Ngày 22 Tháng Mười Hai năm 1939, với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài được tấn phong Giám mục giáo phận Serrae và kiêm nhiệm Giám Mục phó tổng giáo phận Lviv với quyền kế vị. Đức Tổng Giám Mục Andrey Sheptytsky đã tiến hành việc tấn phong này một cách bí mật vì sự hiện diện của quân Liên Xô và tình hình chính trị phức tạp tại Ukraine.

Đức Cha Slipyj trở thành người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine vào ngày 01 Tháng Mười Một năm 1944, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky.

Sau khi quân đội Liên Xô chiếm Lviv, Đức Tổng Giám Mục Slipyj bị bắt cùng với các giám mục khác vào năm 1945, bị kết án là hợp tác với chế độ Đức quốc xã. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine của bọn cầm quyền Xô Viết. Sau khi trải qua các nhà giam tại Lviv, Kiev và Mạc Tư Khoa, một tòa án của Liên Xô đã kết án ngài tám năm lao động khổ sai ở Siberia.

Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối. Vì thế, cộng sản Liên Xô triệu tập một hội đồng gồm 216 linh mục vào ngày 09 tháng 3 năm 1946 và ngày hôm sau, cái gọi là “Thượng Hội Đồng Lviv” được tổ chức tại Nhà thờ St. George, tuyên bố giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, và “tái hợp” với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Trong thời gian chịu tù đầy tại Siberia, ngài vẫn lén lút viết và các tác phẩm của ngài được bí mật lưu hành. Năm 1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi cho ngài một bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục. Bức thư đã bị tịch thu. Vì bức thư này và các tác phẩm được lưu hành bí mật của ngài, cộng sản kết án ngài thêm bảy năm tù.

Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1963, ngài được Nikita Khrushchev trả tự do chính quyền sau những áp lực chính trị từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II.

Năm 1949, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII tấn phong Hồng Y in pectore, nghĩa là không công khi danh tính, nhưng điều này hết hiệu lực vào năm 1958 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời.

Năm 1965, Đức Tổng Giám Mục Slipyj được tấn phong Hồng Y công khai, và được bổ nhiệm là Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa Sant' Atanasio. Vào thời điểm đó, ngài là vị Hồng Y thứ 4 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 9 năm 1984. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết, di tích của ngài đã được trả lại cho Nhà thờ Thánh George ở Lviv vào năm 1992.