Tin McCorvey qua đời ngày 18 tháng Hai vừa qua khiến người ta nghĩ tới điều nghịch lý vĩ đại diễn ra với phong trào phò phá thai của Hoa Kỳ suốt từ năm 1973 đến nay.

Thực vậy, năm đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết Roe v. Wade chính thức hợp pháp hóa phá thai trên cả nước. Nhưng Roe chỉ là tên nặc danh để đi kiện thẩm phán Wade của Tiểu Bang Texas đã không cho cô phá thai. Tên thật của Roe chính là Norma McCorvey, người thực sự chưa bao giờ phá thai tuy có tìm cách phá thai nhưng bị luật sư lừa nên không phá.

Một khởi đầu khó khăn

Theo Washington Post số ngày 18 tháng Hai này, McCorvey là tên chồng, tên thật là Norma Nelson, sinh ở Simmesport, La., ngày 22 tháng Chín, năm 1947. Cha cô, một thợ sửa máy truyề hình, phần lớn vắng bóng trong đời cô.

Cô lớn lên tại Texas, sống một phần tuổi thiếu niên trong một trường nội trú Công Giáo và trường cải tạo dành cho các thiếu niên bụi đời. Má của cô cho hay: bà thường đánh đập con gái trong những lúc giận dữ vì tác phong “đi hoang” của cô trong việc chung chạ tính dục với cả đàn ông lẫn đàn bà.

Còn ở tuổi thiếu niên, Norma đã có một cuộc hôn nhân vắn vỏi với một công nhân ngành sắt, tên là Elwood “Woody” McCorvey. Má cô đã phải nuôi dưỡng đứa con gái của hai người. Bé thơ thứ hai của cô, sinh không giá thú, đã được một gia đình khác nhận làm con nuôi.

Cô cho hay cô mang thai đứa con thứ ba liên hệ tới vụ Roe v. Wade trong một mối tình ở Dallas. Một luật sư về việc nhận con nuôi giới thiệu cô tới gặp Linda Coffee, một người, cũng như Sarah Weddington, mới tốt nghiệp trường luật và đang đi kiếm một thân chủ để thử nghiệm tính hợp hiến của luật phá thai của Texas.

Theo Leslie J. Reagan, một sử gia và tác giả cuốn “When Abortion Was a Crime: Women, Medecine, anh :Law in the United States, 1867-1973”, vào thời ấy, nhiều phụ nữ khá giả muốn phá thai thường tới các tiểu bang hoặc các nước cho phép thủ tục này.

Các phụ nữ như McCorvey, không tiền bạc để đi xa, có một số chọn lựa không được thoả đáng lắm. Họ phải phó thác cho những người cung cấp thủ tục phá thai không có chuyên môn về y khoa hoặc phải tự phá thai lấy, những việc làm thường mang tới kết quả nhiễm trùng hay chết chóc, hoặc đành tiếp tục mang thai.

McCorvey không phải là người khởi kiện đầu tiên muốn thách thức luật pháp tiểu bang, nhưng vụ Roe v. Wade là vụ đầu tiên đạt tới diễn trình thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện. Cô dùng tên giả Jane Roe để bảo vệ quyền tư riêng. Bên bị, Wade, chính là chánh án quận Dallas, một viên chức chịu trách nhiệm thi hành luật lệ phá thai của Texas.

Theo Wikipedia, diễn trình thượng tố của cô diễn ra như sau: Tháng Sáu năm 1969, Norma McCorvey thấy mình có thai đứa con thứ ba. Bạn bè khuyên cố nên khai man là bị cưỡng hiếp để được phá thai hợp pháp. Nhưng vì không có phúc trình của cảnh sát, nên vụ khai man này vô giá trị. Cô bèn nghĩ tới việc phá thai bất hợp pháp, nhưng cơ sở phá thai bất hợp pháp đã bị cảnh sát đóng cửa. Cuối cùng cô được giới thiệu tới hai luật sư Linda Coffee và Sarah Weddington.

Năm 1970, Hai luật sư trên nộp đơn lên Tòa Án Quận vùng Bắc Texas cho McCorvey với tên giả Jane Roe, lúc này không còn cho là mình bị hiếp dâm nữa. Bên bị, như đã thấy, là chánh án Henry Wade. Tháng Sáu năm này, 3 chánh án của Tòa Quận, tuy tuyên bố luật phá thai của Texas không hợp hiến, nhưng không ra lệnh ngưng chấp hành luật lệ này.

Thành thử Roe v. Wade được trình lên Tối Cao Pháp Viện ngay năm đó. Vì nhiều vụ khác, vụ này mãi tới 13 tháng Mười Hai, 1971 mới bắt đầu được xử. Ngay ở vòng lý chứng đầu tiên, 7 quan tòa đều muốn chống lại luật phá thai của Texas, tuy với những lý chứng khác nhau. Chánh án được ủy nhiệm viết lý chứng là Blackburn. Ông này cho rằng luật của Texas mơ hồ. Nên qua tháng 5 năm 1972, ông đề nghị vụ này nên lấy lý chứng lại và việc lấy chứng lý lại diễn ra ngày 11 tháng Mười năm 1972. Và Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết ngày 22 tháng Giêng 1973 với đa số 7 chống 2 ủng hộ Roe. Theo phán quyết này, phá thai là một quyền căn bản dưới Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ý kiến của phe đa số minh nhiên bác bỏ lý chứng “quyền sống” của bào thai.

Nhưng phán quyết trên không có tác dụng gì với Norma McCorvey, vì đến lúc đó, đứa con mà cô muốn trục thai đã 2 tuổi rưỡi và đã cho người khác làm con nuôi!

Theo Washington Post ngày 22 tháng Giêng năm 2016, cô tiếp tục giữ bí mật về tên Roe cho tới năm 1980 khi cô công khai tiết lộ vai trò của mình trong vụ kiện. Sau đó, năm 1994, cô đã xuất bản cuốn “I Am Roe”, nói rõ hành trình của mình xuyên qua thế giới tranh đấu quyền sinh sản, mối liên hệ với phụ nữ và việc ủng hộ phò phá thai của mình.

Cô nói với tờ New York Times năm 1994 rằng “tôi là người đàn bà đơn sơ với một nền giáo dục lớp chín chỉ muốn phụ nữ khỏi bị xách nhiễu hay kết án. Tôi chỉ muốn đặc ân được một bệnh xá sạch sẽ để tiến hành thủ tục… Tôi chưa bao giờ được đặc ân vào một bệnh xá phá thai, nằm xuống và được phá thai. Đó là điều duy nhất tôi chưa có”.

Nhưng chỉ non một năm sau, một bài báo khác cũng của New York Times cho ta những nhận định khác hẳn khi cô được rửa tội gia nhập Kitô Giáo năm 1995. Cô tái sinh, trở thành một tín đồ Phúc Âm ngoan đạo và bắt đầu làm việc cho Operation Rescue, một nhóm chống phá thai.

Không thoải mái trong thế giới hợm hĩnh

Câu truyện xẩy ra như sau: Sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cô làm việc trong các bệnh xá phá thai “cố gắng làm vui lòng mọi người và cố gắng làm người phò chọn lựa đến cùng”, cô nói với tập san Time như thế.

Nhưng cô cho biết “đó là một gánh rất nặng”. Theo cô, hậu cảnh xã hội trong tư cách một đứa trẻ bỏ học lúc còn ở trung học khiến cô thấy không thoải mái giữa những nhà tranh đấu phần lớn thuộc giai cấp thượng lưu và học hành cao cấp, những người góp tay biến phá thai thành một vấn đề có tầm quan trọng khẩn trương cho quốc gia trong các thập niên 1960 và 1970.

Có lần cô phát biểu “tôi không đủ tốt đối với họ… tôi chỉ là một đứa trẻ của đường phố”. Không lạ gì, khi gặp mục sư Benham, cô đã quyết định rời bỏ thế giới hợm hĩnh này.

Từ thù thành bạn

Theo Washington Post, khi mục sư Flip Benham mở một văn phòng cho nhóm chống phá thai của ông bên cạnh bệnh xá phá thai, nơi Norma McCorvey làm việc, cả hai nhìn nhau dưới cái nhìn ý thức hệ riêng của mình. McCorvey coi nhóm của Benham là “những tên giả hình đồi bại, tinh thần thấp hèn, phun lửa, ra vẻ mộ đạo, tự cho mình là chính trực, cuồng tín”.

Còn Mục Sư Benham thì cho tờ New York Times: ông lập văn phòng “ngay ở cổng hỏa ngục”.

Những “kẻ giả hình” mà McCorvey nói đến từng đuổi được một bác sĩ phá thai ra khỏi Dallas và từng đóng cửa một bệnh xá phá thai khác trong thành phố. Và điều Mục Sư Benham gọi là “cổng hỏa ngục” chính là chủ nhân của người phụ nữ được biết nhiều hơn dưới tên giả mà cô từng sử dụng trong vụ thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện để hợp pháp hóa việc phá thai.

Hầu như không có người nào nghĩ rằng McCorvey và Mục Sự Benham làm láng giềng lâu với nhau được. Và tuyệt đối không ai ngờ trước khi năm 1995 qua đi, họ lại có thể gọi nhau là bằng hữu. Cũng không ai ngờ cuộc hạnh ngộ của họ lại dẫn McCorvey đến chỗ dành hết quãng đời còn lại, cho tới Thứ Bẩy tuần qua, làm một người chống lại phong trào mà trước đó cô từng là một biểu tượng.

"Lòng khiêm nhường của ông đã làm tôi đầu hàng"

Một học sinh trung học bỏ học, muốn phá thai nhưng chiến thắng của cô tại Tối Cao Pháp Viện đến quá trễ để cô có thể toại nguyện, McCorvey mùa xuân ấy đang làm việc với tư cách giám đốc tiếp thị tại A Choice for Women ở Bắc Dallas.

Sau một năm sống gần như vô danh, cô cho xuất bản cuốn “I Am Roe”, tự đóng vai trò một khuôn mặt công cộng.
Cũng giống hầu hết mọi người ở Dallas thuộc các giới chống phá thai, cô biết Mục Sư Benham và nhóm của Ông, Operation Rescue. Nhóm này, hàng ngày, phản đối một bệnh xá phá thai gần đó trong suốt 6 năm trời, cho tới lúc nó phải đóng cửa.

Tháng Ba năm 1995, nhóm này rời trụ sở tới một dẫy phòng bên cạnh A Choice for Women. Ngày dọn tới, Mục Sư Benham nói với Dallas Morning News rằng “Chúa ban cho chúng tôi chỗ này ngay tại cửa kế bên nơi người ta đang giết các bé thơ trai và gái”.

Từ ngày đầu tiên, chỗ đậu xe chung của nhóm trở thành nơi tụ tập của những người phản đối và các phóng viên. McCorvey và Mục Sư Benham thay phiên nhau lên tiếng trong các cuộc phỏng vấn đọ sức nhau.

Trong tác phẩm thứ hai của mình tựa là “Won by Love”, McCorvey thuật lại rằng: Mục Sư Benham hỏi cô: “Cô Norma này, có phải cô vẫn còn đang giết các bé thơ phải không?”.

Cô trả lời “Tươi sáng lên đi. Điều ông cần là tới dự buổi hòa nhạc của Beach Boys”.

Mục Sư Benham trả lời: “Cô Norma này, tôi chưa dự một buổi hòa nhạc nào của Beach Boys từ năm 1976”.

Theo McCorvey, các hành xử qua lại giữa họ với nhau trước đó khá ít, vắn vỏi và đầy thù nghịch. Mục Sư Benham từng gọi cô là kẻ sát hại bé thơ trong buổi cô ký tặng sách. Còn cô thì có lần để lại những lời mắng nhiếc trên máy trả lời của mục sư.

Nhưng theo cô, với cuộc nói chuyện vắn vỏi về Beach Boys trên đây, “Flip trở thành nhân bản hơn đối với tôi”. Và cô thú nhận chính lòng khiêm nhường của mục sư đã làm cô phải đầu hàng.

Cô nhớ, có lần Mục Sư tới ngồi bên cạnh cô rồi xin lỗi đã xiên xỏ bêu xấu cô. Mục sư bảo: “Tôi thấy lời tôi nói rơi vào trái tim cô, và tôi biết chúng làm cô tổn thương rất nặng”.

McCorvey cảm thấy té ngửa. Cô cũng xin lỗi và chạy vào bên trong khóc ròng.

Thế là ở khu đặt các văn phòng này xuất hiện một khuôn mẫu kỳ lạ: cảnh sát liên hồi được mời tới và những cuộc phản đối ồn ào liên tiếp diễn ra ở bãi đậu xe, nhưng song song với chúng vẫn có những tình bằng hữu chớm nở giữa các nhân viên của các văn phòng đối nghịch.

McCorvey viết rằng: “cuộc chiến tranh đàng trước bệnh xá của chúng tôi trở thành cuộc chiến tranh yêu thương và ghét bỏ”.

Thực ra đều là "đồng chí"

Khoảng một tháng sau ngày Operation Rescue dọn tới, cảnh sát quận ập tới khám xét. Nhóm chống phá thai này nợ đại công ty phá thai Planned Parenthood hơn 1 triệu dollars sau khi thua vụ kiện vì tội đập phá các bệnh xá trong một thành phố khác.

Tờ Morning News tường trình rằng: các nhà chức trách tịch thu mọi thứ để trừ nợ. Các nhân viên “buộc phải đứng trong một văn phòng không có một chiếc ghế… và thay tã cho các trẻ thơ ngay trên nền nhà”.

McCorvey thì nhớ có qua cửa bên cạnh và thấy các địch thủ của mình trong một thế “hoảng hốt trông thấy”. Cô viết: “tôi rất, rất thương hại”. Nên đã cho họ mượn một máy “fax”.

Và sự tình cứ thế diễn tiến. Cô viết rằng sau giờ làm việc, lúc tư riêng, Mục Sư Benham thường chia sẻ với cô các đoạn Thánh Kinh.

Ngược lại, cô trình bầy sự pha trộn phức tạp giữa tôn giáo và các nền triết lý huyền nhiệm mà cô vốn tin.

Tuy nhiên, cơn giận đối với Mục Sư Benham đôi khi nhen nhúm trở lại khi cô thấy mục sư trả lời những cuộc phỏng vấn một cách như ném bom. Khi lần đầu tiên cô nghe theo thách thức của Mục Sư Benham mà đến nhà thờ, cô rất bất mãn khi nghe bài giảng chống lại người đồng tính, vì McCorvey vốn từ lâu đã được nhận diện là loại người này.
Nhưng, cô viết, “tôi thèm thuồng họ vì những gì họ có”.

Một sáng thứ Bẩy kia, hơn 50 người biểu tình phản đối ùa vào chỗ đậu xe của bệnh xá, gây phiền phức, chỉ vài tháng sau khi một công nhân phá thai bị thảm sát, và chính Jane Roe cũng là một mục tiêu.

Cô viết “tôi rất hoảng sợ. Nhưng rồi, gần như một thiên thần, Flip bước ra”. Bằng một ít lời nhẹ nhàng với người lãnh đạo cuộc biểu tình, mục sư đã khai quang được toàn bộ bãi đậu xe.

Khi mọi người đã đi khỏi, Mục Sư qua bên, kể cho McCorvey một câu truyện. Cô kể lại, Mục sự nói với cô: “Cô Norma này, tôi vốn là một người phò phá thai. Khi vợ tôi thấy nàng có thai 2 đứa con sinh đôi của chúng tôi, tôi bảo nàng phá chúng đi”.

Sự thú nhận trên làm cô hết sức bỡ ngỡ: “Nếu Flip giả thiết là kẻ đại thù của mình, tại sao anh ta lại cho mình biết một tín liệu có thể chứng tỏ có hại cho thanh danh của anh ta?”

Thực ra, vị mục sư này vốn đã kể cùng một câu truyện này cho tờ Morning News cách đó một năm. Nhưng McCorvey cho hay cô đã về nhà và bói bài Tarot xem chuyện này có ý nghĩa ra sao.

Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu ngĩ tới việc sát nhi khi làm việc tại bệnh xá. Và cô viết “một điều gì đó trong tôi đã thay đổi”.

Tái sinh

Tháng Tám năm 1995, McCorvey được một nhân viên của Operation Rescue mời tới nhà thờ. Nhân viên này là người đàn bà mà đôi khi cô được ngắm mấy đứa con của bà. Cô ít biết ai thuộc cộng đoàn này nhưng xem ra ai cũng biết cô trước khi mục sư lên tiếng.

Sau này, cô viết “Tôi thực sự không nhớ được phần lớn những điều mục sư nói nhưng mỗi chữ ông nói bắt đầu mở cửa sổ lòng tôi thêm một chút”.

Sau buổi cầu nguyện, cô theo cộng đoàn tới một căn nhà ở ngoài Dallas, đến một hồ tắm ở sân sau, nơi cô được rửa tội. Biến cố này đã được quảng bá trước đó, nhưng vẫn làm cả nước ngạc nhiên.

Ngày hôm sau, Tổng Thống Bill Clinton nói rằng: “Vâng, theo tôi hiểu, cô ấy đã trải qua một số thay đổi trong đời cô và đã có cuộc hoán cải tôn giáo nghiêm chỉnh và nay tin rằng phá thai là một việc sai quấy”.

McCorvey và Mục Sư Benham giải thích việc hoán cải này bằng các kiểu nói riêng của mình. Mục Sư nói với tờ Morning News rằng: “Qua bức tường của xưởng phá thai, Chúa Giêsu Kitô đã vươn tay ra và chạm tới lòng Norma McCorvey”. McCorvey thì nói với đài phát thanh địa phương rằng “Tôi nghĩ tôi luôn phò sự sống. Trước đây, tôi chỉ không biết đến nó mà thôi”.

Những năm sau đó, cô sẽ trở thành một biểu tượng của phong trào chống phá thai y như cô đã là một biểu tượng của phong trào phò phá thai trước đây. Một điều, có thể nói, đôi khi khá lúng túng.

Vanity Fair từng tường thuật lời McCorvey nói trước tấm phông các bào thai bị phá rằng “Đừng bỏ phiếu cho Barack Obama. Ông ta sát hại các trẻ thơ”.

Một số người tỏ ra hoài nghi cuộc hoán cải của McCorvey, cho rằng cô làm thế để quảng cáo tên tuổi mình. Sau khi cô bỏ hàng ngũ của họ, các người cổ vũ phá thai mô tả cô như một kẻ bù nhìn muốn tìm sự chú ý của thiên hạ.

Nhưng vào ngày sau khi cô chịu phép rửa, xem ra “Jane Roe” không hề chú ý đến chuyện tiếng tăm, chú ý. Khi Morning News gọi để phỏng vấn cô, họ chỉ nhận được lời nhắn này từ máy trả lời: “Sẽ không có các cuộc xuất hiện công cộng của tôi nữa. Tôi sẽ trở lại với con người thông thường Norma McCorvey”.