Ngày 9 tháng Hai, 2017, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng đã công bố một bài có nhan đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”. Cha Bernado Cervellera, giám đốc thông tấn xã Asia News, nguyên giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và nguyên là giáo sư tại Đại Học Bắc Kinh đã có bài nhận định sau.

Card. Tong’s article on China-Holy See dialogue, arouses joy and dismay
Bernado Cervellera

Bài viết mới nhất của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng về quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican đã làm dấy lên niềm vui và thất vọng. Sau một bài báo được công bố cuối tháng Tám năm ngoái về “Sự hiệp thông của Giáo Hội tại Trung Quốc với Giáo Hội phổ quát”, hôm nay ngài đã công bố một chương mới về cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh với tựa đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”.

Xuyên suốt trong bài viết của Đức Hồng Y, ta có thể thấy được niềm vui của ngài đến từ một sự lạc quan đi kèm với một tinh thần thực dụng (tiêu biểu cho lối suy nghĩ Trung Quốc). Vị Hồng Y tin rằng tất cả mọi thứ có thể được giải quyết: Đức Thánh Cha được công nhận là thẩm quyền tối cao của Giáo Hội; Hiệp hội Yêu nước được thay đổi từ chỗ là một công cụ kiểm soát mà các thành viên là những người bị bắt buộc phải vào Hội, nay trở thành một tổ chức “tự nguyện”; sự hòa giải [với Rôma] của 7 giám mục bất hợp pháp (có 8 vị nhưng một vị đã qua đời vào ngày 04 tháng Giêng); việc công nhận trong tương lai các giám mục thầm lặng; tự do tôn giáo “cơ bản” của Giáo Hội Công Giáo được chính phủ bảo đảm (riêng cho Công Giáo mà thôi khác với tự do tôn giáo - và tự do chính trị - đối với người Hồi giáo Tân Cương và Phật giáo Tây Tạng).

Tuy nhiên, càng đọc sâu hơn, người ta càng mất tinh thần trước các giải pháp khác nhau được đề xuất để giải quyết những khó khăn của Giáo Hội tại Trung Quốc. Đức Hồng Y Thang Hán nói đúng lắm khi cho rằng vấn đề cốt lõi là vấn đề “Giáo Hội học” – là tính chất Công Giáo của Giáo Hội, mà nếu không có tính chất ấy Giáo Hội không thể tồn tại – nói vắn tắt là chuyện bổ nhiệm giám mục. Còn các chuyện khác như tự do mở trường, trả lại các tài sản bị tịch thu cho Giáo Hội (mặc dù luật pháp Trung Quốc vẫn cho rằng các tài sản này phải bị tịch thu), khả năng có thể truyền bá đức tin… tất cả đều là những vấn đề thứ yếu. Đức Hồng Y Thang Hán gọi những thứ này là “tự do hoàn toàn” mà, trong “thực tế” dù không có những thứ ấy Giáo Hội vẫn có thể hoạt động được, ít nhất là cho đến bây giờ.

Phải chăng chỉ là một sự thay đổi trong ngôn từ?

Tuy nhiên vấn đề quan trọng là việc bổ nhiệm giám mục vẫn không rõ ràng, nếu không muốn nói là tạo ra ngộ nhận. Đối với Đức Hồng Y Thang Hán “Đức Giáo Hoàng phải được giữ nguyên là thẩm quyền cuối cùng và cao nhất trong việc bổ nhiệm các giám mục” và “việc bầu bán các ứng viên Giám Mục của một Giáo Hội địa phương chỉ là một cách để trình bày kiến nghị của Hội đồng Giám mục địa phương”. Tuy nhiên, trong thực tế điều này sẽ cho phép Hội đồng Giám mục Trung Quốc - do Hiệp hội Yêu nước và Bộ Tôn giáo vụ chỉ đạo – lựa chọn các ứng cử viên, và Đức Giáo Hoàng, là “thẩm quyền cao nhất”, chỉ là người ban phép lành vào giờ chót với một cái gật đầu nhỏ nhoi. Theo nguồn tin của AsiaNews từ Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đối thoại, chính quyền Trung quốc thực sự chỉ muốn Đức Giáo Hoàng giữ quyền phủ quyết, và ngài chỉ được phủ quyết nếu có những lý do chính đáng. Và nếu những lý do ấy không thể chấp nhận được, Hội đồng Giám mục có quyền tiến hành việc phong chức ứng viên Giám Mục mà họ đã lựa chọn. Thật khó có thể hiểu được đây là một hy vọng mà Đức Hồng Y muốn diễn đạt, hay đây chỉ là một cách đọc tình hình hiện nay, với sự thay đổi ngôn từ, nói rằng Đức Giáo Hoàng chọn ứng cử viên, nhưng trong thực tế các bổ nhiệm lại là độc lập [với Vatican]. Và chính Đức Hồng Y cũng thừa nhận rằng các thỏa thuận “về việc bổ nhiệm Giám Mục sẽ không khác nhiều so với những cách thức mà trong thực tế hiện nay đang được sử dụng bởi cả hai bên”!

Những màn nhào lộn của Hiệp hội Yêu nước “tự nguyện”

Trò nhào lộn chữ nghĩa cũng rất hiển nhiên khi nói rằng sức mạnh của Hiệp hội Yêu nước trong việc “tự đề cử, tự phong” các giám mục sẽ được loại bỏ, làm cho nó chỉ còn là “một hiệp hội yêu nước theo nghĩa hẹp, theo nghĩa đen của nó: một hội tự nguyện, phi lợi nhuận, một tổ chức yêu đất nước và Giáo Hội, bao gồm các giáo sĩ và giáo dân từ khắp nơi trên đất nước”. Không biết những từ này có phải là một mong muốn, một giấc mơ, một thực tế hay chỉ là một cuốn truyện giả tưởng về ngôn ngữ học. Cho đến nay, về mặt quy chế Hiệp hội Yêu nước luôn chỉ là một hiệp hội “tự nguyện”, nhưng tất cả các giám mục chính thức đều bị buộc phải tham gia. Những người dám bước ra như Đức Cha Thaddeus Mã Đạt Khâm của Thượng Hải - đã ngay lập tức bị quản thúc tại gia. Và ngay cả bây giờ khi mà Đức Cha Mã Đạt Khâm đã chịu khuất phục đăng ký trở lại, ngài vẫn còn bị cô lập trong chủng viện Xà Sơn, bị tước mất chức danh “giám mục”, ít nhất là theo quan điểm của Hiệp hội Yêu nước, vì nó khẳng định ngài chỉ là một “linh mục”.

Ngoài ra, Đức Hồng Y Thang Hán cũng không thể loại bỏ thực tại điều khiển của Hiệp hội Yêu nước trong cuộc sống và sứ vụ của các Giám Mục. Chỉ cần hẹn gặp Giám Mục Bắc Kinh, ông ta sẽ yêu cầu bạn liên lạc với Hiệp hội Yêu nước vì ông không thể tiếp một linh mục nước ngoài mà không được phép. Chỉ cần cố gắng nói chuyện với một giám mục và bạn sẽ thấy ông nhất mực yêu cầu gặp bạn bên ngoài văn phòng của ông, ngoài trời, nơi không có những máy nghe lén được đặt ở khắp mọi nơi trong văn phòng.

Các giám mục thầm lặng

Từ quan điểm này, vấn đề tự do của các giám mục thầm lặng là tương tự như trường hợp các giám mục chính thức. Đức Hồng Y Thang Hán thật chí lý khi viết rằng “thái độ của chính phủ đối với các cộng đồng không chính thức đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây so với những năm 1980”. Nhưng mà điều đó không có nghĩa là không có kiểm soát, không có những vụ bắt giữ, không có những nghi ngờ vô lý là “chống cách mạng”. Một giám mục thầm lặng là Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc, trong nhiều thập kỷ qua ngài cống hiến đời mình cho sự chăm sóc người dân, người bệnh, trẻ em bị bỏ rơi, làm việc cho và với mọi người. Ngài là một mẫu gương về một lòng yêu nước chân thật và hoàn toàn bất bạo động. Tuy nhiên, vấn đề là chính sự dấn thân này của ngài lại là căn cớ cho người ta “nghi ngờ”. Giáo sư Richard Madsen, một nhà xã hội học về các tôn giáo, lưu ý rằng các chính phủ cộng sản luôn nuôi dưỡng một sự nghi ngờ rằng có “quá nhiều nhân tố phi nhà nước” đang làm việc thiện và do đó, “chính phủ có thể cảm thấy bị gạt ra khỏi các cơ hội để ‘giúp đỡ mọi người’ và ‘kiểm soát con người’ và điều này đưa đến các tiềm năng xung đột” vì chính phủ đòi hỏi lòng yêu nước, nhưng Đảng Cộng sản đòi hỏi một sự khuất phục toàn diện và không muốn cho ai có dịp chơi nổi hơn nó. Yêu nước hơn nó cũng không được!

Nói cho cùng, trong nhiều năm qua các giám mục thầm lặng (và chính thức) đã đề xuất với chính phủ rằng họ muốn được đăng ký tại Bộ tôn giáo vụ, chứ không phải là với Hiệp hội Yêu nước, là tổ chức muốn xây dựng một “Giáo Hội quốc doanh” độc lập với Tòa Thánh, và hoàn toàn phục tùng quyền lực của Đảng. Các yêu cầu này cũng được Đức Hồng Y Thang Hán lặp lại trong chương nói về “sự công nhận của chính phủ với các giám mục không chính thức”, nhưng câu trả lời trong những năm qua luôn luôn là một khẳng định có tính chất chung cuộc: “KHÔNG”. Nếu bây giờ mà người ta chính thức trả lời “ĐƯỢC” cho vấn đề này, thì nó mới là một sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican.

“Tự do đầy đủ” và “tự do cơ bản”

Phần cuối cùng của bài viết là một trong những phần hấp dẫn nhất. Đức Hồng Y Thang Hán nói rằng so với vấn đề bổ nhiệm các giám mục của Đức Giáo Hoàng, tất cả các vấn đề khác chỉ là thứ yếu. Điều này đúng vì việc bổ nhiệm các giám mục chạm vào bản chất bí tích và tín lý về mầu nhiệm của Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề bắt nguồn từ thực tế là Đức Hồng Y Thang Hán trình bày phương pháp bổ nhiệm và đề cử như một “sanatio”, một việc đã rồi, và thỏa thuận này - ngài nói – “là một bước tiến quan trọng”. Tôi đã vạch ra những nghi ngờ nghiêm trọng về phương pháp không có thực chất này, nó chỉ là một sự đánh tráo từ ngữ chứ không có chút thay đổi nào về chất, và hơn thế nữa sự thay đổi này giản lược quyền bính của Đức Thánh Cha đến độ ngài chỉ còn là người ban phép lành cho một điều gì đó đã được quyết định ở nơi khác và bởi những người khác.

Một mối quan tâm khác là sự giản lược thuật ngữ “quyền tự do cơ bản” vào việc bổ nhiệm các giám mục mà không hề lo lắng là trong thực tế các ngài sẽ thực hiện các chức năng của mình như thế nào. Đúng là những hạn chế trong “các phương thức truyền bá đức tin, quản lý các cơ sở giáo dục, việc bồi thường ít ỏi các tài sản của Giáo Hội không phải là một mối đe dọa hay không làm phương hại đến bản chất của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc”. Nhưng chúng ta có thể làm gì với chút ít “tự do cơ bản” này? Liệu các giám mục có phải xin phép gặp những người khách từ Giáo Hội hoàn vũ không? Các linh mục có còn phải mất thời gian cách ly giáo xứ mình hàng tháng trời để tham gia vào các khoá tẩy não về chính sách tôn giáo của chính phủ không? Một giám mục có trách nhiệm phải tham gia vào một lễ phong chức giám mục bất hợp pháp, không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng không? Các ngài có còn bị đe dọa trừng phạt và phải đối diện với những trở ngại nghiêm trọng cho việc thực hiện các chức vụ của mình bởi vì họ đã cố gắng gặp gỡ các anh em của mình trong Giáo Hội thầm lặng không?

Có lẽ “quyền tự do cơ bản” này nên được nới rộng hơn một chút, nếu không nó sẽ trở nên khó khăn để hiểu được sự khác biệt giữa một tình huống đã được thoả thuận và một tình huống làm liều.

Và như thế - như các linh mục và giám mục chính thức và thầm lặng thường nói - “tất cả các thỏa thuận nên được hoãn lại cho đến khi chúng tôi có được sự bảo đảm tự do tôn giáo thật sự”