LẤN TUYẾN (*)

SAIGÒN -- Đưa ra một mô tả mang tính “ước lệ”, nói cho bình dân là có hơi khập khiễng, về những người phụ nữ tạm cho là điển hình “sức mạnh” của... phái yếu (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Từ sang trọng như tài xế taxi, oai phong như vệ sĩ cho đến xô bồ như cánh xe ôm ở bến bãi, hay có khi là những thợ phụ hồ quanh năm phiêu bạt từ công trình này đến công trình khác... tất cả họ đều là phụ nữ, đang trên con đường mưu sinh đầy trắc trở giữa Sài Gòn hoa lệ. Chen chân vào những công việc mà “từ điển” vẫn dành cho đàn ông, vả lại nếu muốn nói cho sòng phẳng, thì đàn ông vẫn thích hợp hơn. Thế nhưng...

(*) Một từ ngữ rất quen thuộc hiện nay tại quê nhà. Thoạt tiên, đó là một lỗi vi phạm trong giao thông, điều khiển xe chạy lấn sang phần đường không ưu tiên cho loại phương tiện của mình. Nhưng có lẽ ở Việt Nam, nhất là Sài Gòn, không ai mà không chạy lấn tuyến cả... Bởi dân số, xe cộ không ngừng tăng lên, trong khi đường xá, hạ tầng thì “vũ như cẫn”! Dần dà nó đã trở thành biểu trưng cho tất cả sự yếu kém của các cơ quan chức năng. Là từ lóng, trong gia đình khi vợ thực hiện chế độ “mẫu hệ”, trong bàn nhậu khi có kẻ qua mặt chủ xị, trong công việc khi ai đó “dẫm chân” ai v.v...


Gái Nhà Nghèo, Kiếp Xe Ôm

Tôi được nghe anh Năm Toàn giới thiệu về vợ mình, chị Năm Nhị (tên thật Võ Thị Ngọc Anh, 1959), cách chân thành: “Bản thân không nuôi nổi vợ con, để bả phải đi như vzậy, tui áy náy, khó chịu lắm chứ! Mà hoàn cảnh giờ vzậy, biết làm sao được anh?” Nhưng cũng đầy tự hào: “Bả là một người tốt bụng, năng nỗ, hoạt bát. Lúc trước một tay bả chăm sóc gia đình, con cái!” Anh chị có 3 cháu, hai đứa lớn có gia đình và nghề nghiệp ổn định. Từ khi chị ra chạy xe ôm, mọi việc trong nhà giao lại cho con dâu. Một thân, một ngựa... sắt là chiếc honda Dam cũ xì. Lúc đầu chị là “dân quốc tế” ở bến xe Miền Đông (BXMĐ), nghĩa là dân tài chạy dù. Để phân biệt với “dân xã viên”, thuộc hai đội xe chính thức ở đây: đội xe hợp tác xã của bến (đón khách trong bến) và đội xe thuộc P.26, Q.BT quản lý (đón khách trước cổng bến). “Chạy quốc tế” rất bấp bênh và trầy trật, không thể nào tranh giành với cánh đàn ông. Ít lâu sau, được sự giúp đỡ, chị được nhận vào đội xe ôm P.26, mang số áo 80, nhờ vậy công việc ổn định hơn.

Chiếc xe khách vừa chờ tới ô đỗ. Cánh xe ôm bâu đen, thật khó mà nhận ra chị, một người phụ nữ trong dòng chảy mưu sinh khắc nghiệt như cái nghề xe ôm: chị Phạm Đoan Trang (sinh 1958). Mới gặp lần đầu, tôi thấy chị thật “đáng sợ”. Gương mặt khô khốc, nám xạm vì nắng bụi. Nhìn chị giống một “gã” hơn là một... chị. Nhưng khi bắt đầu kể về cuộc đời, người phụ nữ ấy trở về đúng nghĩa trái tim mình, nghẹn ngào: “Ngày ngày chạy xe ôm, em ơi! Tối về làm mẹ”. 12 năm trước chồng chị đột ngột qua đời, để lại gánh nặng gia đình với 6 đứa con nhỏ dại. Hiện cả 6 đứa đều thất học, cũng đi làm thuê, làm hồ, bán café, có đứa có gia đình, rồi cũng lỡ dỡ về nhà... mẹ nuôi. Chồng mất được một năm, chị một mình xoay sở đủ cách nuôi “nửa tiểu đội”, có lúc như buông xuôi. May sao có người bán trả góp cho chiếc “cánh én” cũ. Chị bắt đầu ca bài “kiếp xe ôm” từ đó. Đầu tiên chị ra chạy ở ngã sáu Văn Lang (gần công viên Văn Lang, Q.5), giành giật, bị xì ke trấn lột, cướp hết tiền, thậm chí còn bị đánh. Có bữa vừa nuốt cơm, vừa nuốt nước mắt vào trong. Sau những lần đó, chị chuyển ra tận bến xe Văn Thánh. Ở đó lại giải toả, chị về BXMĐ đến nay.

Trường hợp như chị Năm Nhị, chị Trang không nhiều. Ở BXMĐ, ngoài hai chị ra, chỉ có thêm một chị. Còn đa phần các chị em khác phải “chụp giựt” ở vòng “quốc tế”. Ngoài khu vực các bến xe, nhà ga, hiện có thể xem xe ôm nữ như một nghề tay trái, của mấy chị xồn xồn kiếm thêm, khi có khách quen hoặc gần nhà. Một số chị em ở Q.10 lại thường có khách hàng quen là những cô “ca-ve”. Khi cần, những xế nữ này cũng có thể trở thành kẻ dắt mối.

Mà thôi chẳng thà chấp nhận “lấn tuyến” ngay trên thánh địa của mấy ông xe ôm như chị Năm Nhị, chị Trang... chứ còn cái kiểu “đi lầm đường” của một số chị em khác không biết có nên không?

Đáng tiếc tôi không có được tấm ảnh nào, các chị đều từ chối và giải thích ngắn gọn: “Việc đó không làm lâu lắm rồi...” Nghe chạnh lòng qúa!

“Bi Nhiêu Thì Bi, Chết Chóc Gì, Chỉ Sợ...”

“...Chỉ sợ bị chê: con gái gì mà yếu như sên í! Cho nên những lúc cảm thấy mệt vẫn phải cố tỏ ra nhanh nhẹn, nặng nhẹ gì cũng là chuyện nhỏ”, Mến (26 tuổi, quê Bắc Giang) cười gượng, không ngẩng lên nhìn tôi.

Hình ảnh những cô gái đi phụ hồ như Mến chẳng còn gây thắc mắc, lạ lẫm gì cho người dân Sài Gòn. Đâu đâu trong bất kỳ công trường xây dựng lớn bé nào, từ nhà dân bình thường, biệt thự cao cấp cho đến những công trình lớn cấp quận huyện, TP, Quốc gia, đều có lực lượng “nón lá, khẩu trang” cặm cụi làm việc. Họ từ khắp mọi miền đổ về, cứ nơi nào rục rịch đào móng, che bạt là các chị xuất hiện, xin với chủ thầu. Nếu “trúng tuyển”, thủ tục đơn giản đến bất ngờ: chỉ cần ghi một cái tên (để điểm danh và phát tiền) là xong. Ngoài ra, chẳng cần giấy tờ gì thêm, chẳng một hợp đồng lao động nào được ký kết. Thậm chí chủ thầu cũng chẳng cần biết họ bao nhiêu tuổi, địa chỉ ở đâu. Hết giờ làm việc, ai về nhà nấy (trưa có thể nghỉ lại công trường). Đến cuối tuần dò tên lĩnh lương, chủ thầu sẽ nhớ mặt. Tiền công của các chị xê dịch từ 30 đến 35 ngàn đồng/ngày, và luôn bị trả thấp hơn nam giới làm cùng công việc 5 đến 10 ngàn (hiện tỉ giá ở VN là USD 1.00 ăn VND 15,753.00). Chẳng có chế độ bảo hiểm nào. Trừ một số nơi, chủ yếu các công trình do nhà nước đầu tư, may ra có thể được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, được phát quần áo, mũ nón bảo hộ lao động (thường do chủ thầu mua). Thời gian làm việc từ 7h00’-11h30’, 13h00’-17h30’ (nghĩa là 9 tiếng/ngày). Và như bao người nhập cư nghèo khổ khác, họ sống trong những khu “liên hợp” nhà trọ sập xệ, rách nát: 3-4 người “đóng cũi” trong diện tích 10-15m2, vệ sinh kém, mỗi tháng trả khoảng 200.000đ/người. Trong khi các đồng nghiệp nam đỡ được cái khoản này, vì có thể đóng trại ở lại công trường.

Tại công trường xây dựng chung cư Khu Công Nghiệp Tân Bình, giữa khung cảnh ngổn ngang sắt thép, gạch đá, có hơn 30 chị em đang làm việc (chiếm tỉ lệ khoảng 20% lao động ở đây). Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm sự riêng.

Phải xin phép mấy lần với tay cai ở đây, giờ nghỉ trưa tôi mới được hỏi chuyện chị Trương Thị Mùi, 32 tuổi, tạm trú Tây Thạnh, Q.TB. Ở quê (Thanh Hóa), ruộng vườn không nuôi nổi mẹ già và con gái 7 tuổi (chồng chị đã mất). Tháng Giêng năm 2003, chị vào TPHCM đi phụ hồ, là điều chị xác định ngay từ khi ở nhà. Chị cười hạnh phúc khoe rằng từ ngày vào Nam đến giờ, đã gửi về cho gia đình 2 triệu đồng (hơn 8 tháng trời lao dộng đấy các bạn!). Chị hy vọng đến cuối năm sẽ gửi thêm được 2-3 triệu nữa, khi mà chủ thầu thanh toán cho chị đầy đủ các khoản tiền còn thiếu. Trường hợp các chị Vân (34 tuổi, Quảng Ngãi), Ánh (40 tuổi, Bắc Giang) có đỡ hơn chút xíu. Các chị có chồng cùng đi làm chung. Ở đây, có cả gia đình từ cha mẹ, con cái, dâu rễ đều làm phụ hồ. Khi chúng tôi hỏi Hường, cô gái cũng quê Bắc Giang: “Tương lai định thế nào?”, em ngần ngại, rồi cười cười: “Sao cũng được...” -“Cái gì, sao cũng được?”, đến lúc này em: “Dạ, dạ, không phải đâu ạ, em chỉ làm một thời gian thôi!” Không biết có thật không hay do qúa bối rối em trả lời đại cho xong. Dù sao cũng mong có “phép màu” nào đó, vì em còn qúa trẻ mà.

Đặc biệt có chị em cô bé tên Huệ (19 tuổi) khá xinh xắn, trắng trẻo, thoạt nhìn tôi cứ tưởng em là nữ sinh trường trung học gần đó. Năm 1992, ba má em đưa cả gia đình từ An Giang lên TP “...lúc tụi em còn nhúc hà!” Nhà em trước ở gần khu vực này, sau bị giải tỏa, về mua đất, cất nhà ở Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Chị em Huệ đã làm đủ nghề... có cả bán vé số. Em kể có lần mượn được một số tiền, chị em ra bán trái cây gần những khu đang xây cất như thế này. Rồi giọng em nghẹn ngào, giận dữ: “Đang buôn bán ngon lành, tự nhiên bị bọn du côn ăn thiếu, rồi quyệt tiền không trả, tụi em đánh nhau một trận cho hả giận, rồi... đứt vốn phải dẹp hàng.” Cuối cùng cả bốn người (2 cô chị, 1 cậu em) đành đi làm phụ hồ nuôi ba má và 3 đứa em nữa đi học. Đến nay cũng đã được 3 năm trời.

Em xinh đến nỗi tôi tự hỏi: không biết còn ai can đảm dám bước đi như em?

Trong khi bao cô gái khác chấp nhận bán rẻ mình, chấp nhận cái giá của bọn con buôn để... cho “đúng tuyến” với “phận nữ nhi” liễu yếu đào tơ, tay yếu chân mềm. Thì em, em chấp nhận “lấn tuyến” mà lấm lem, nhễ nhãi với đất cát, với “nắng nung nôi, mưa dầm dãi” trên công trường, chỉ vì một niềm tin đơn sơ, mà ngay chính em cũng không nhận thức được: vào một ngày, em có được cả một đời tràn ngập yêu thương.

Cuối cùng, không chỉ “trộn hồ, xúc cát”, bất kể công việc gì, miễn không cần chuyên môn, cũng chẳng cần khéo léo, chỉ cần... sức mạnh: khuân gạch, bẻ khung sắt, vác bao xi măng... là những người phụ nữ mà tôi gặp đều làm ráo. Bởi những người như các chị rất cần việc, chứ việc không cần người. Hằng ngày, có rất nhiều chị em khác đến rồi lại ra về, vì đã đủ quân số, vì sức khoẻ kém, vì công trình sắp hoàn thành... “Cạnh tranh” như thế, nên chẳng ai dám ngại ngần công việc gì. Dường như đó cũng chính là ưu điểm lớn nhất của những người phụ nữ này hay nói đúng hơn của tất cả những người nghèo. Với họ, cuộc đời tuy thiếu thốn nhưng vẫn thật đẹp và đáng sống. Đẹp, vì chẳng có gì vui nhiều, cũng chẳng có gì phải buồn lâu. Đáng hít từng hơi thở cuộc sống, vì hạnh phúc chỉ cần là một “bữa cơm hôm nay ngon qúa!”, chị Mùi thốt lên trong lúc vừa ăn vừa tiếp tôi, hay hạnh phúc giản dị là số tiền dành dụm trong ống heo đầy thêm vài ba ngàn và hạnh phúc... chỉ có bấy nhiêu.

Giêsu rong ruỗi ơi, nếu được, xin cứ bên chúng con trong mọi nỗi đời lúc đắng chát, lúc nồng cay, thậm chí cháy đen... Trước khi tất cả chúng con được... thôi khóc, cùng Ngài cười nụ cười CHÂN LÝ YÊU THƯƠNG!

Phóng sự từ Saigòn ngày 25-9-2004