Lịch sử Giáo Phận Phát Diệm

Cách đây 150 năm, vào năm 1840, Hội Thánh Việt Nam chỉ có 3 giáo phận: một ở Nam Kỳ, bây giờ gọi là Đàng Trong, và hai ở Bắc Kỳ, bây giờ gọi là Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Phát Diệm thuộc về về địa phận Tây Đàng Ngoài.

Niên hiệu đáng ghi nhớ đã được ghi nhớ bằng đá khảm (mosaique) trên hành lang chính giữa dan vào toà nhà (xây năm 1930) của Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Tấm bảng đáng ghi nhớ này hiện nay vẫn còn tồn tại. Ba niên hiệu ấy là:

1627 Nhà Truyền giáo đến Cửa Bạng (Ba Làng ngày nay)

1867 Mở Phúc Nhạc

1901 Lập giáo phận Phát Diệm.

Năm 1627

Ngày 19 tháng 3 năm 1627, một cha Dòng Tên, cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đã từng truyền giáo ở Đàng Trong được tàu Bồ Đào Nha chở đến Cửa Bạng (Duy Xuyên, Thanh Hoá) với cha Marquez. Cho nên trong Kinh kính ông Thánh Giuse có câu rằng: "Vậy chính ngày lễ ông Thánh Giuse (19.3), thì đấng làm thày giảng đạo đã được sang nước Việt Nam, mà đem tin lành cho chúng tôi biết Đấng sinh nên muôn vật cùng biết ơn Đức Chúa Giêsu chuộc tội thiên hạ."

hình Cha Alexander de Rhodes

Ngay sau buổi giảng đạo đầu tiên đã có hai người phục lý, xin theo đạo. Cha Đắc Lộ còn ở Cửa Bạng 15 ngày. Ngài dùng thời gian ấy mà giảng đạo. Có nhiều người trở lại. Trong những người ấy, có một ông phù thủy, thày pháp. Trong nhà ông có 25 bàn thờ, thờ ma quỉ. Ma quỉ khuấy ông luôn, nên ông xin xha Đắc Lộ cứu mình; nếu được khỏi, ông xin theo đạo. Cha Đắc Lộ trao cho ông một tượng Thánh Giá, dạy lấy Thánh Giá mà trừ quỉ, bảo lấy nước Thánh mà rảy khắp nhà. Ma quỉ không khuấy khuất ông nữa. Ông xin chịu phép rửa tội.

Lúc đó đang Tuần Thánh, hai cha tổ chức dựng một cây Thánh Giá cao lớn trên đỉnh núi, để ở ngoài bể khơi trông thấy được. Đến ngày thứ sáu Chịu Nạn, đem cây Thánh Giá lên núi, nơi đã định, dựng lên làm phép, rồi mọi người ngồi xuống kính lạy Đức Chúa Giêsu. (xem Hành trình Truyền giáo của Cha Alexandre Đắc Lộ)

1867 Mở Phúc Nhạc

Thời cấm đạo (1833-1862) giáo xứ Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị, Nam Định, giáp tỉnh Ninh Bình cũ) là Nho Chung, và là Tiểu và Đại Chủng Viện địa phận Tây Đàng Ngoài.

Đời ấy Tràng Kẻ Vĩnh nổi tiếng đạo đức, thánh thiện và sầm uất lắm; mọi người trong địa phận có lòng hâm mộ, trọng kính, cho nên có câu ca dao truyền tụng rằng:

"Thứ nhất Thiên Đàng, thứ nhì Tràng Vĩnh."

Phong cảnh Phúc Nhạc

Đây là quê ông Thánh Lý Mỹ và ông Thánh Trùm Đích tử vì đạo.

Cha Trần Lục, và cha Thánh tử vì đạo Lê Bảo Tịnh là sinh viên Tràng Vĩnh, sau làm giáo sư. Riêng cha Thánh Tịnh về sau làm giám đốc Tràng ấy.

Trên bàn thờ chính Nhà Thờ Lớn Phát Diệm có bảy ảnh sơn màu: tính từ phải sang trái, ảnh thứ nhất là ảnh ông Thánh Mỹ; ảnh thứ ba là ảnh cha Thánh Tịnh.

Thời cấm đạo giáo dân xứ Kẻ Vĩnh bị phân sáp, Tràng Vĩnh bị tàn phá.

Đến khi tha đạo, Đại Chủng Viện địa phận Tây Đàng Ngoài đặt tại Nhà Chung Kẻ Sở, còn Tiểu Chủng Viện đặt ở hai nơi: một là Tiểu Chủng Viện Thánh Phêrô ở Hoàng Nguyên, vè tỉnh Hà Đông, hai là Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô ở Phúc Nhạc, thuộc tỉnh Ninh Bình cũ.

Đức Cha Chiếu (Theurel) lập Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc vào năm 1867.

1901 Lập Phát Diệm

Phong cảnh Phát Diệm

Năm 1899 Đức Cha già Đông (Gendreau) giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài sang Rôma dự lễ phong Thánh các vị tử vì đạo Việt Nam (lớp thứ nhất). Người tâu Toà Thánh việc chia địa phận. Địa phận Tây Đàng Ngoài nam giáp tỉnh Nghệ An, phía bắc giáp Trung Quốc. Năm 1895 đã cắt để lập địa phận Hưng Hoá.

Ngày 15 tháng 4 năm 1901, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ra sắc chia địa phận: các tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hoá và Châu Lào, lập địa phận mới lấy tên là địa phận Thanh (Tunkinus Maritimus), và trao cho Đức Cha Thành điều khiển.

Ngày 30 tháng 7 năm 1901 Đức Cha già Đông lập đại Hội Đồng tại nhà chung Kẻ Sở về việc chia địa phận. Các cha thừa sai, các linh mục bản quốc, các thày Địa Chủng Viện, các thày giảng, các học trò Tiểu Chủng Viện, Dòng Mến Thánh Giá và giáo hữu tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Châu Lào thuộc quyền Đức Cha Thành. Lại có lời giao với nhau về sự cầu nguyện: khi có cha nào về địa phận này qua đời, thì các cha địa phận kia sẽ làm một lễ cầu cho linh hồn người... Cha già Mai Đức Thạc nhận xét: "chia người, chia đất, nhưng lòng không chia."

Địa phận Thanh (Phát Diệm) có 24 thừa sai Pháp, 48 linh mục Việt Nam, 18 thày Địa Chủng Viện, 112 thày giảng, 145 học trò Tiểu Chủng Viện, 27 xứ đạo, 3 Nhà Dòng Mến Thánh Giá: Bạch Bát, Phúc Nhạc và Cách Tâm, và tổng cộng có 85,000 giáo hữu. Đức Cha Thành lập xứ Ninh Bình gồm các họ Ninh Hợp, Hào Phú, Yên Vệ, La Vân, La Mai và Áng Sơn. Người xây nhà thờ Ninh Bình, Đại Chủng Viện Thượng Kiệm, nhà thờ Phú Vinh và Nhà Chung Phát Diệm.

1933 Lập địa phận Phát Diệm tiên khởi độc lập bản quốc.

Năm 1933 Đức Cha già Thành được sự phê chuẩn của Tòa Thánh Roma, người lấy các linh mục bản quốc và các xứ đạo toàn tỉnh Ninh Bình mà lập địa phận Phát Diệm tiên khởi bản quốc, trao cho Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng điều khiển.

Cũng năm 1933 Đức Cha già Thành lấy tỉnh Thanh Hoá, có 13 phủ, huyện, lại thêm các xứ về Ai Lao, gồm các vị Thừa sai, và linh mục bản quốc, lập một địa phận mới, gọi là địa phận Thanh Hoá, trao cho Đức Cha Hành (Louis De Cooman, trước đã làm Giám Mục Phó Phát Diệm 16 năm) điều khiển.

Công việc xong xuôi, Đức Cha già Thành xin về hưu.

Trên đây là mấy dòng lịch sử xa gần về Phát Diệm.

Tham Quan danh lam thắng cảnh Phát Diệm

Ao hồ

Hình ao hồ

Quang cảnh gặp đầu tiên khi tham quan Nhà Thờ lớn Phát Diệm, là ao hồ. Ao hồ rộng 4 mẫu ta, tường vây chung quanh. Bờ giáp sân tiền đình, có hai cầu ao dài lát đá thước, để giáo hữu rửa chân tay cho sạch trước khi bước vào Đền Thánh mà cầu nguyện.

Một cù lao nhỏ nổi lên ở giữa ao hồ. Trên cù lao có đài Đức Chúa Giêsu làm vua. Tượng trắng, cao ba thước. Đài không do cụ Sáu làm. Ao hồ là công việc của cụ Sáu, xưa có cây cầu gỗ, có chén song sắt vây, kè đá bọc cù lao. Nay không thấy cây cầu gỗ, chén song sắt và cái kè đá.

Khuôn viên nhà thờ Phát Diệm

Phát Diệm là đất phù sa mới bồi, mềm và xốp. Đã phải đóng rất nhiều cừ, cừ này trên cừ kia, sâu đến 30 thước. Rồi đổ sỏi đổ đá cho đàn trâu đầm dẵm trong nhiều tháng năm để sỏi và đá chìm sâu xuống bùn.

Phải mất 10 năm để mua sắm vật liệu và trù tính.

Nhà Thờ Lớn Phát Diệm nằm giữa một khu đất rất rộng. Phía trước có ao hồ, sân tiền đình. Phương Đình và lăng cụ Sáu.

Hai bên nhà thờ Lớn có bốn ngôi nhà thờ nhỏ hơn nằm song đôi: phía đông có nhà thờ Trái Tim Đức Chúa Giêsu và nhà thờ Thánh Rôcô, phía tây có nhà thờ Thánh Giuse và nhà thờ Thánh Phêrô. Đầu nhà thờ Lớn có ba hang đá và một nhà thờ toàn bằng đá, quen gọi là Nhà Thờ Đá. Sau nhà thờ Đá là khu Nhà Chung.

Đường đi từ Ninh Bình đến Phát Diệm là 27 cây số. Từ đường phố Phát Diệm rẽ vào đường giữa, thì gặp ao hồ. Có bốn cổng đá, hai nhỏ, hai lớn, toàn bằng đá dẫn vào khuôn viên nhà thờ Lớn. Nếu rẽ tay trái, bọc hết bờ ao hồ, thì gặp một cổng đá nhỏ, nay đã xây bít. Đối diện, phía tây cũng có cổng đá nhỏ. Hai cổng đá nhỏ này mang tên: Đông Tựu, Tây Tựu (xưa là Đông Môn, Tây Môn: Cửa Đông, Cửa Tây). Bỏ cổng đá này, đi chừng vài chục thước, gặp cổng tây lớn, toàn bằng đá, có ba cửa rộng bằng sắt. Phía đông cũng có cổng đá, với ba cửa sắt như vậy.

Phương Đình

Phương Đình

Bước qua cổng Đông (hay cổng tây) thấy Phương Đình sừng sững trước mắt. Theo cổ tục, Phương Đình là nơi dành riêng cho các quan khách và hàng chức sắc ngồi chầu lễ trong ngày lễ lớn.

Giữa ao hồ và Phương Đình có một khoảng đất rộng, trồng cây nhãn, (là thứ cây trồng khắp khuôn viên nhà thờ Lớn). Đó là sân tiền đình. Sân này rất hợp cho lễ nghi cử hành ngoài trời. Nó dung nạp mấy vạn người.

Mặt tiền Phương Đình có khắc bốn chữ Hán: Thánh Cung Bảo Toà (đại tự). Lại còn dòng chữ Hán nhỏ hơn: Thánh nhật ký (ghi ngày thánh) Thành Thái Kỷ Hợi (tức là năm 1889).

Mặt sau, cũng khắc trên đá, nhưng bằng tiếng Latinh: Cappella in Coena Domini, nghĩa là Nhà Nguyện Tiệc Ly. Có lẽ cụ Sáu xây Phương Đình để kỷ niệm bữa Tiệc Ly (trong đó Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể) hay để dùng vào Kịch Thương Khó (diễn lại bữa Tiệc Ly trong đó Chúa rửa chân cho các Tông Đồ), hay để dùng như Santa Cellum (sau thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh kiệu Mình Thánh ra đặt tại Phương Đình cho giáo hữu chầu suốt đêm cho đến chiều thứ sáu chịu nạn) Phương Đình có bàn thờ toàn khối đá có lẽ dùng vào việc chầu này?

Phương Đình dài 24 thước, rộng 17 thước, cao 25 thước.

Phương Đình có hai tầng. Tầng dưới có ba lòng. Lòng giữa kê một sập đá xanh toàn khối nhẵn bóng, dài 4 mét 20, rộng 3 mét 20, dày 35 phân. Có sách nói chính là sập rồng chốn Tây Kinh (cũng gọi là thành Tây Giai ở Thanh Hoá). Trong hai lòng hai bên cũng có sập đá toàn khối nhưng kích thước nhỏ hơn một chút. Đầu sập lớn, ở lòng giữa, có bàn thờ đá toàn khối (có lẽ dùng vào việc chầu Mình Thánh đêm thứ Năm Tuần Thánh?). Bà nội linh mục Trần phúc Vỵ kể rằng: "khi bà còn bé, bà lấy lá chuối khô đánh bóng đá cho cụ Sáu. Bé làm việc nhẹ, lớn làm việc nặng". Cụ Sáu huy động lớn bé già trẻ trong việc xây cất. Mỗi sập đá của mỗi lòng hai bên dài 1 thước 80.

Tấm đá dưới Phương đình

Mặt tường của hai lòng Phương Đình có đến mười bức Phù điêu (bas-reliefs). Lòng đàng đông có phù điêu có lẽ của bà Thánh Têrêsa Cả. Phù điêu kia cũng của một nữ Thánh. Mỗi phù điêu cao chừng một mét.

Lòng đàng tây là vị thánh cầm sách và cầm gươm, đó thánh Phaolô; một vị thánh cầm cây Thánh Giá; một thánh cầm gậy chăn chiên và đội mũ hàm cường, có lẽ một thánh giáo hoàng hay giám mục; một vị thánh có một con sư tử, đó là thánh Marcô thánh sử. Phù diêu bằng đá cả.

Bốn phía mặt ngoài Phương Đình đều có phù diêu bằng đá cả. Có đến ba chục bức. Mặt Bắc (phía quay về mặt tiền nhà thờ Lớn và lăng cụ Sáu) có bức phù điêu tạc hình Quan Phi-la-tô; ông thánh Gioan Baotixita tẩy giả; Chúa Giêsu bị bắt; bằng chữ La Tinh: Cappella in Coena Đomini (Nhà Nguyện Tiệc Ly); Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ; bị đánh đòn; bị đội mão gai; bị nhạo cười cho xấu hổ; bị vác Thánh Giá.

Hình trạm trổ các Phù diêu trên đá

Mặt tiền (hướng Nam) có phù điêu Thánh Phaolô; Chúa vác Thánh Giá; Chúa bị đóng đinh; bốn đại tự: Thánh Cung Bảo Toà, khắc trên đá, cùng những hàng chữ nho nhỏ hơn; rồi đến ông Thánh Phêrô; cảnh táng xác; và cảnh sống lại.

Mặt tây có ba Thập Giá trên đồi; cảnh ba phụ nữ thăm mồ; cảnh Chúa lên trời...

Muốn lên tầng trên của Phương Đình, bước vào cửa sắt tay trái mặt tiền. Trèo lượt thang đá, bậc cao khó leo, qua một hành lang dọc mặt tây, rồi lại trèo một lượt thang đá nữa, tất cả chừng 30 mươi bậc, thì tới lầu chuông. Có treo một cái trống to lắm. Lại có một quả chuông khổng lồ, cao tới hai mét, đường kính một mét hai mươi. Nghe nói nặng tới một nghìn rưởi kilô. Có bốn chữ Hán đúc nổi: Canh Dần chế tạo (đúc năm 1890). Chuông này được đúc để kính Đức Bà Maria, thánh cả Giuse và thánh Gioan Baotixita: có tượng đúc nổi ba đấng. Lại có mấy hàng chữ La-tinh đúc nổi: Laudo Deum Verum. Voco plebem. Congrego clerum. Defunctos ploro. Pestem fugo. Festa decoro (tôi ngợi khen Đức Chúa Trời thật. Tôi kêu gọi dân chúng. Tôi tập họp hàng giáo sĩ. Tôi khóc thương người chết. Tôi xua đổi bệnh dịch hạch. Tôi làm đẹp các ngày lễ).

Trên Phương Đình có năm cái chóp, mỗi chóp hai mái cong cong. Trốc mái giữa dựng cây Thánh Giá. Bốn chóp chung bốn góc đặt tượng bốn thánh sử: góc tây bắc có thánh Mat -Thêu với Thiên Thần; góc tây nam có thánh Luca với con bò; góc đông nam có thánh Marco với sư tử; góc đông bắc có thánh Gioan với phượng hoàng.

Nóc Phương Đình là cây tháp cao nơi tốt nhất để ngắm phong cảnh Phát Diệm: Phát Diệm có nghĩa là phô ra vẻ đẹp. Có ông từ ngày ngày đánh chuông Phương Đình Phát Diệm. Ông ăn lương Nhà Chung. Sáng sớm ba giờ tờ mờ đất, ông đã lao cái chầy gỗ dài và lớn đánh vào chuông. Mười lăm phút sau ông đã đánh chuông hiệu nhì. Trong nhà thờ Lớn đã có người sướng kinh ngay. Có lẽ giáo dân đi nhà thờ trước chuông nhất hay sao. Ngày xưa có ông trùm Ngôn (gốc họ Vinh Trung) một mình kéo kinh cả nhà thờ Lớn.

Phương Đình Phát Diệm ngày nào cũng chuông sớm, chuông trưa, chuông chiều, ngân nga, trầm trầm, khơi dậy nhiều tình cảm, nhiều tâm tư... Trên thềm Phương Đình bước xuống, thì gặp lăng cụ Sáu.

Lăng Cụ Sáu

hình Cụ Sáu

Lăng Cụ Sáu nằm ở sân trong của Phương Đình. Sân lát gạch đỏ và đá thước. Kích thước sân 15 mét trên 25. Sân có hai cửa: cửa đông và cửa tây. Hàng rào là chén song đá chạm, cao 2 thước; cột đá, còn cao hơn.

Phát diệm xưa là chốn đồng lau bãi sậy. Biển bồi lên, rồi nước rút đi. Phát Diệm ngày nay là công lao của cụ Sáu, (tức là linh mục Phêrô Trần Lục). Lăng cụ Sáu hình chữ nhật, toàn bằng đá. Bốn góc có bốn cột đá. Đầu cột đá nở một bông sen lớn.

Lăng Cụ Sáu

Đầu mộ có bia bằng tiếng Việt và chữ nho, do linh mục Hoàng Duy Côn, chính xứ Phát Diệm khắc ngày 18 tháng 7 năm 1925. Chữ khắc như sau:

"Thiên Chúa Giáng Sinh 1925 tháng 7 ngày 18 vì bia kỷ niệm Cha Phêrô Sáu nguyên lễ bộ Tham Tri, sung lưỡng quốc khân sai thực tụ trung phụng đại phu, gia lễ bộ Thượng Thư, hàm truy tặng Phát Diệm nam tước. Quán Mỹ Quan, huyện Tông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, rày là Đạo Đức, huyện Nga Sơn, Người sinh năm Minh Mạng VI (1825), thông minh khác thường; năm Thiệu Trị I (1841) dâng mình vào tu viện, cải hiệu Trần Triêm. Tự Đức thứ XIII (1860) lĩnh chức linh mục, Tự Đức XV (1863) nhậm xứ Phát Diệm. Cái quang cảnh hiện tại, chính là tiêu biểu huân lao vĩ đại hơn 40 năm của Người, sung lễ bộ Tham Tri Khân Sai tuyên phủ sứ; Nam Bắc Kỳ trấp an đoạn năm Thành Thái III dâng sớ về hưu: Thành Thái XI phụng chuẩn thực thụ Trung Phụng Đại phu Tham Tri Gia Lễ bộ Thượng Thư hàm; cũng một năm ấy Người qua đời tại Phát Diệm, thọ 74 tuổi. Khải Định thứ X (1925) lại truy tặng cho Người tước Phát Diệm nam. Ấy đấng đại phu đã được thụ huấn trong đời 4 Triều, rày vinh táng ở chốn này. Nên làm bia kỷ niệm. Phát Diệm xứ, chính linh mục Hoàng Duy Côn cẩn chí."

Vậy năm dựng bia đá là năm kỷ niệm 100 ngày sinh của cụ Sáu.

Vua Khải Định tặng tước hiệu Phát Diệm nam (Le Baron De Phát Diệm. Có năm tước, là công, hầu, bá, tử, nam).

Pháp Quốc tặng Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d'honeur. Bình dân gọi cụ Sáu, vì trong Hội Thánh có bảy chức Thánh, thì Người đứng chức thứ sáu nhiều năm thời cấm đạo.

Phường Mỹ Quan, thời cấm đạo gọi là Kẻ Khan, thuộc tổng Cao Vĩnh. Cụ Sáu học tiếng La Tinh, học triết học, và chịu chức sáu (diacre) tại nhà thờ Tràng Vĩnh Trị, xứ Kẻ Vĩnh, Nam Định. Trong thời kỳ Bắc Kỳ cấm đạo Đức Cha Khiêm (Jeantet) quãng năm 1862, lập nhà chung Kẻ Sở là chính toà Giám Mục địa phận Tây Đàng Ngoài (nhà thờ lớn Hà Nội không phải là nhà thờ chính toà Giám Mục). Đức Cha Khiêm và cụ Sáu lập Kẻ Sở. Hai cha con ẩn nấp trong rừng lau bãi sậy, cực khổ. Cha già Phêrô Mai Đức Thạc kể rằng khi họ phải bắt, cụ Sáu ra nộp mình, để Đức Cha dễ bề tẩu thoát. Cụ bị đóng gông, bị điệu ra toà án Hà Nội vì đức tin, bị phát lưu lên tận Lạng Sơn. Trong tù được quan trên kính nể, được bạn tù thương mến, cụ đã làm được nhiều việc ích trong trại giam. Trong thời kỳ này, quãng năm 1859, cụ đã liệu cách không ngoan mà chịu chức linh mục chui để có thể coi sóc giáo hữu ở trong lưu đày.

Theo như tài liệu "Dạo chơi Phát Diệm" có viết rằng:

"Theo như người ta nói thì trước kia nhà xứ Phát Diệm ở xã Trung Đồng, huyện Yên Mô, nằm giáp đê Cự Lĩnh; năm 1862 cha Trần Lục về làm chính xứ đã di chuyển nhà xứ xuống giữa làng Phát Diệm".

Xong việc Người vào Thanh Hoá coi sóc giáo hữu miền ấy và có ý dưỡng bệnh một năm. Năm 1865 Người lại trở về làm chính xứ Phát Diệm cho đến ngày Người thọ chung.

Trong thời gian 40 năm làm cha xứ, cụ Sáu đã xây dựng nhà thờ Lớn và các công trình tôn giáo khác.

Có cụ già nói: Cụ Sáu đi cáng. Có người đánh trống cơm đi trước. Trong những năm gần đây, thấy có bày bán vè cụ Sáu (học giáo lý bằng vần thơ)). Đây là mấy câu:

Làm người có dạy mới khôn;

Những điều ghi nhớ phải chôn vào lòng.

Đạo người cho phải đạo người;

Hết lòng giữ đạo Chúa Trời là hơn.

Có người nói Thống Chế Joffre, và Thống Chế Lyautey đã đến viếng thăm cụ Sáu. Cha già Thạc kể:

"Cuối năm 1896 Đức Cha Thành ra Phát Diệm có ý cho cha Trần Lục biết Đức Cha muốn lập Toà Giám Mục ở Phát Diệm. Cha Trần Lục vui lòng đồng ý. Ngài thưa lại rằng: "Lạy Đức Cha, Toà Giám Mục đặt ở Phát Diệm là hồng phúc tương lai cho Phát Diệm, con mừng lắm; giả như Đức Cha cho con biết sớm, thì nay lo liệu được nhiều việc." Đức Cha đáp: "Cám ơn cụ, miễn là cụ sẵn lòng giúp, ta sẽ liệu làm dần." Từ đó Toà Giám Mục chính thức tại Phát Diệm. Đức Cha Thành về Kẻ Sở kể lại các việc cho Đức Cha già Đông, nhất là cha Trần Lục vui lòng đồng ý lập Toà Giám Mục ở Phát Diệm, và sẵn lòng giúp mọi việc. Đức Cha già Đông thỏa ý, nói rằng: "Cụ Sáu là một Đấng có lòng chung, và có thế lực lắm." Rồi Đức Cha già Đông viết thư cho cha Trần Lục: "Tôi nghe Đức Cha Phó nói: "Cụ vui lòng lập Toà Giám Mục ở xứ Phát Diệm, và sẵn lòng giúp đỡ mọi công việc, tôi vui mừng lắm. Cám ơn cụ. Đó là việc sáng danh Chúa, thêm vẻ vang cho Giáo Hội Việt Nam, và giúp đỡ chúng tôi."

Về lễ an táng của cụ Sáu, cha già Thạc kể:

"Mồng một tháng 7 năm 1899, Đức Cha Thành ở Kẻ Sở được tin cha Trần Lục yếu nặng. Ngài xuống Phát Diệm thăm, đến mồng 6 tháng 7 năm 1899, cha Trần Lục qua đời. Đức Cha già Đông ở Kẻ Sở được điện tín, Ngài cử Cố Chính Linh (Schichlin) đại diện các cha thừa sai xuống Phát Diệm điếu tang cha Trần Lục, và giúp Đức Cha Thành trong đám tang."

Chiều ngày 6 tháng 7 lễ nhập quan. 12 giờ trưa mồng 7 rước linh cửu ra Nhà Thờ chính cho bổn đạo kính viếng, cầu nguyện. Sáng mồng 8 tháng 7, 1899 Cố Chính Linh giảng bài tán dương cha Trần Lục, rồi làm lễ hát cầu nguyện cho người. Quan Thông Sứ Bắc Kỳ cử quan Công Sứ Ninh Bình và một đội lính Lê Dương. Triều đình Huế cử ông Nguyễn Hữu Bài, Bố Chánh Thanh Hoá, đại diện chính phủ Trung Kỳ đến điếu tang cha Trần Lục. Sáu giờ sáng mồng 9 tháng 7 tổ chức rước linh cửu từ nhà thờ ra qua các phố, về nhà thờ. Cuộc rước gồm có các cha, các quan chức, các thày giảng, quí nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, thân hào, nhân sĩ, Tổng Lý, học sinh các trường, các Hội Đoàn, cờ tang, trướng, đối, kèn đại, âm nhạc, nhân dân lương giáo đến 4 vạn người, giáo hữu nam, nữ khăn trắng, mũ mào, áo tang một loạt. Đám rước đại long trọng, trang nghiêm, kính cẩn và thảm động, xưa nay chưa từng thấy! khi linh cửu đã vào nhà thờ an vị. Đức Cha Thành giảng bài tặng khen công đức cha Trần Lục rất bi cảm, hùng hồn cảm động. Đoạn khởi hành lễ qui lăng, do Đức Cha Thành chủ lễ, Cố Chính Linh phụ tế, và hai cha nghĩa tứ cha Trần Lục, phó và phụ phó tế. Cuộc lễ diễn ra rất trang nghiêm, nhiệt liệt!

Lễ tất, rước linh cửu ra cuối nhà thờ an táng, chính giữa đàng vào nhà thờ, đó là thể theo cha Trần Lục đã trối:

"Phải táng xác Ngài giữa lối ra vào nhà thờ, để người ta đi lại, xéo trên mồ."

Nhưng thân hào xứ Phát Diệm xin dịch lui xuống khỏi đàng vào nhà thờ. Khi hạ huyệt, quan Bố Chánh Thanh Hoá thay mặt chính phủ Nam Triều, và quan Công Sứ Ninh Bình thay mặt chính phủ Bảo Hộ đọc bài điếu văn rất cảm động!

"Thái sơn đội! Bạch vân phi! Thiên thu vĩnh biệt!!!"

Cha già Thạc tiếp:

"Lễ an táng cha Trần Lục đoạn, Đức Cha Thành ở lại Phát Diệm một thời gian, xếp đặt các công việc xứ Phát Diệm; Ngài ra bài sai cử cha già Chấn phó xứ Phát Diệm lên quyền chánh xứ Phát Diệm, thay cha Trần Lục, kiểm điểm tài sản, vật hạng trong xứ Phát Diệm, và uỷ cha Diệm nghĩa tứ cha Trần Lục soạn thâu các sổ sách, giấy má, tờ bối. Hai cha tuân lệnh, thu xếp các công việc xong, dựng thành danh sách, số mục, đệ trình Đức Cha. Đức Cha Thành trở về Nhà Chung Kẻ Sở trình lại Đức Cha Già Đông: các công việc cha Trần Lục và xứ Phát Diệm đã thu xếp thanh thoả cả."

Đứng tại lăng cụ Sáu trông lên thấy Tam Quan nhà thờ lớn.

Tam Quan

Tam Quan là danh từ nhà Phật. Tam Quan là không quan, giả quan và trung quan chỉ có ba điều cần xét cho rõ là đường chính yếu vào cửa Phật: một là mọi sự là không cả (không quan); hai là mọi sự là giả cả (giả quan); ba là mọi sự là lẫn không và giả (trung quan).

Tam Quan

Tam Quan gồm đại trung môn, và tả môn, hữu môn.

Tam Quan hay tháp nhà thờ lớn gồm ba tháp và sáu cây cột đá chạm trổ tài khéo. Tháp chính cao 25 thước. Ba tháp mỗi tháp có hai mái cong. Tất cả sáu mái uốn cong, góc mái guộn trôn ốc, đầu cùng cất cao đuôi phượng. Mái tháp giữa lớn hơn mái tháp bên cạnh. Trên mái tháp chính dựng cây Thánh Giá đứng giữa bốn Thiên Thần, mà hai ông thì cầm hai cái loa mà thổi, quay mặt ra. Có bốn chữ Hán đề: Thẩm phán tiền triệu (điểm báo trước ngày thẩm phán).

Tam quan có sáu mái (mỗi tháp hai mái).

Phương Đình có mười mái (năm chóp, mỗi chóp hai mái; mái chóp giữa lớn hơn bốn chóp kia).

Cụ Sáu xây Nhà Thờ Lớn kính Đức Bà Mân Côi: Văn Côi Thánh Điện (chữ Hán). Tháp phải, tháp trái, một tháp có bốn chữ đại tự son: Thập ngũ Văn Côi (mười lăm phép mầu nhiệm Mân Côi); tháp kia cũng bốn đại tự son: Niệm tâm đồ tưởng (bản đồ tạc hình để niệm trong lòng).

Suốt mặt tiền Tam Quan, trên năm cửa đá ra vào, có 15 bức phù điêu đá khắc tích mười lăm mầu nhiệm phép lần hạt Mân Côi, diễn lại đời sống Đức Maria và cũng là đời sống Chúa Giêsu.

Tam Quan có năm cửa ra vào, sâu chín thước. Cửa chính lõm hơn bốn cửa cạnh, xây toàn bằng đá tảng. Nền cũng lót đá thước.

Bước vào cửa sáu bảy thước, gần tới cánh cửa gỗ nặng nề nên ngày lễ lớn mới mở, thì gặp bên phải cũng như bên trái một tượng thiên thần chạm nổi như sắp bước ra khỏi tường đá. Tay phải Thiên Thần cầm bình nước Thánh, ngón tay trái chỉ lên trời. Giáo hữu trước khi bước qua cánh cửa gỗ chạm với chén song gỗ tiện mà vào "Văn Côi Thánh Điện", thì thò tay vào bình nước Thánh, rồi đưa tay lên trán mà làm dấu Thánh Giá trên thân mình. Tượng Thiên Thần giống nhau, nhưng trên đầu mỗi ông có bảng khắc chữ La Tinh khác nhau.

Bảng 1: Vigilate et orate (hãy thức tỉnh và cầu nguyện).

Bảng 2: Petite ut aperiatur vobis. Dimittite si quid habetis adversus aliquem (hãy xin thì sẽ mở cho các con. Hãy tha thứ nếu các con có gì còn mắc với ai)

Bảng 3: Quam terribilis est locus iste, hic est domus Dei (nơi này đáng kính sợ dường nào, đây là nhà của Đức Chúa Trời).

Xem Bình Thiên Thần đựng Nước Thánh

Bảng 4: Praepara animam tuam (hãy dọn linh hồn con) Cụ Sáu đào Ao Hồ cho giáo hữu rửa chân tay mà bước vào nhà thờ. Bây giờ giáo hữu đi tới ngưỡng cửa nhà thờ, cụ lại nhắc phải sửa soạn linh hồn).

Bảng 5: Orate et petite ut publicanus et leprosus (hãy cầu nguyện và cầu xin như người thu thuế và người phong cùi).

Bảng 6: Quaecumque orqntes petitis, credite quiaccipetis (bất cứ điều gì các con xin khi cầu nguyện, hãy tin rằng các con sẽ được.)

Mỗi bên cửa chính có một Thiên Thần. Bốn cửa cạnh hai bên mỗi cửa có một Thiên Thần cầm bình nước phép, đầu đội mũ.

Nhà Thờ Lớn

Phải mất rất nhiều năm để trị nền, tốn công, tốn của, tốn thời giờ. Phải mất mười năm để tập trung vật liệu. Nhưng nghe nói chỉ có 3 tháng là cụ Sáu đã xây cất lên ngôi nhà thờ năm 1891. Năm sau thì ăn mừng (1982).

Vật liệu xây cất là gỗ và đá. Gỗ thì cụ sáu lấy ở 3 nơi: rừng Nghệ (Bến Thuỷ); rừng Thanh (châu Thường xuân, phủ Quảng Hoá và đồn Hồi Xuân); và rừng Đoài (Sơn Tây). Đá thì lấy ở cá núi làng Thiện Dưỡng xa trên 38 cây số. Còn những phiến đá quí lạ hơn thì lấy xa hơn, tận núi Nhôi gần tỉnh Thanh Hoá. Hồi đó chưa có xe lửa, xe ôtô, cần cẩu, hay máy móc gì cả!

Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

Chung quanh Phương Đình và chung quanh nhà thờ lớn có đường kiệu rộng bốn năm thước, lát đá, trời mưa đi không bẩn chân. Nghe nói sân kiệu đàng đông rộng hơn sân kiệu đàng tây.

Nền cao một thước hai tấc, mà chỉ có ba bậc đá, mỗi bậc hai gang, khó leo. Nhưng đầu và cuối nền nhà thờ có thang nhiều bậc dễ lên xuống. Gian cuối không có cửa ra vào, nhưng có cửa sổ chạm hai con sư tử to lớn. Gian cuối bên tay phải có giếng rửa tội, bằng đá khối, đường kính một thước. Sáng sớm một ngày cuối năm 1988 giữa mùa đông lạnh, một người thiếu phụ bế con mới sinh bọc trong khăn, đi từ rất xa mà đến. Cha xứ đi vắng. Một linh mục khách kia đã rửa tội cho em trong giếng này: đó là một kỷ niệm sâu xa và một niềm vui sưởi ấm lòng linh mục đó khó mà quên!

Nhà thờ có 5 lòng, mấy chục cột gỗ lim. Đường kính hơn một thước trở lên. Du khách giang tay ôm thử một cột, không được một nửa. Hai người ôm chưa chắc đã giáp tay. Còn về chiều cao thì lòng giữa có mười sáu cây cột, mỗi cây cao 13 thước, thẳng đứng, tròn đều, chu vi 2 thước 4 tấc, nặng 7 tấn. Lòng giữa lát gạch hoa. Các lòng hai bên lát gạch nung.

Giữa lòng nhà thờ có toà giảng cổ kính bằng gỗ chạm (nhiều nhà thờ địa phận Phát Diệm còn giữ toà giảng ở giữa lòng. Toà giảng có nóc ghép trần mặt bằng để tiếng nói dội xuống, tiếng Pháp gọi là abat-voix, vì thời ấy chưa có máy tăng âm và máy thu thanh Microphone).

Từ toà giảng đến bàn chịu lễ có kê ghế dài có lưng tựa. Còn những gian dưới thì trải chiếu. Ngày nay khi ngẩng mặt lên tòa giảng, thấy có một loa tròn, một loa vuông, bằng sắt. Kẻ trộm đánh cắp một loa tròn. Lễ lớn mới đem ra thêm hai loa thùng.

Về ánh sáng thì nhà thờ lớn tối lắm, vì nhiều cột như cánh rừng âm u. Nhà thờ tối, lại rất tĩnh mịch yên lặng (vì xa nhà dân ở và rất xa đường xe cộ chạy) nên vô cùng thuận tiện cho việc đọc kinh cầu nguyện suy gẫm.

Bàn chịu lễ cổ kính bằng gỗ vẫn còn vững chắc. Giáo hữu lên chịu lễ đi nghiêm trang, chắp hai tay, rồi quì xuống mà rước lễ. Một khách kia đến thăm Phát Diệm trong 3 tuần và đi lễ tại Phát Diệm đã nhận xét như sau: "Trong suốt ba tuần, tôi chưa trông thấy một phụ nữ thoa phấn, bôi son, uốn tóc quăn, không cài cúc cổ áo, mà rước lễ. Ở ngoài phố Phát Diệm các bà các cô trang điểm thế nào, thì tôi không thấy tận mắt ".

Cung Thánh có hai gian. Gian một trồng mười ba chắn song sắt, gian hai trồng mười lăm chắn song sắt, tất cả chạm thân trúc, trên đặt mười sáu bức phù điều đá chạm nổi mười sáu nơi thương khó Đức Chuá Giêsu ( kích thước một thước hai trên một thước).

Gian nhất có Toà Giám Mục. Trên tam cấp đặt ngai son sơn thiếp vàng. Trên ngai có chóp chạm trổ, cũng sơn son thiếp vàng. Sau lưng ngai có huy hiệu của Đức Giám Mục: nửa trên vẽ hình Phương Đình; nửa dưới vẽ hình chim bồ câu nuôi con. Khẩu hiệu của Giám Mục Khắc chữ vàng bằng tiếng La Tinh: In electis meis mitte radices (xin Chúa trổ rễ sâu Đức Tin vào lòng những người con rất tốt của con). Đó là khẩu hiệu của Đức cố Giám Mục Nguyễn Bá Tòng. Khẩu hiệu của Đức Cha già đương kim là: In caritate non ficta (trong tình yêu chân thật, không giả dối). Người sống khẩu hiệu trước khi chọn khẩu hiệu; Người chọn khẩu hiệu nào thì sống khẩu hiệu ấy: sống bác ái chân thật, không giả dối theo lời Thánh Phaolô quan thày vì là đệ tử đích thực của Thánh Phaolô, chia cơm với kẻ đói, mặc áo cho kẻ rách, lấy chăn len choàng lên vai kẻ rét như Thánh Giám Mục Martin thành Tours thật là thứ chim bồ nông lấy thịt mình nuôi con.

Gian nhì đặt bàn thờ chính đá toàn khối, dài ba thước mốt, rộng tám tấc hai, cao tám tấc. Mấy năm gần đây đặt trước đặt trước bàn thờ đá toàn khối một bàn thờ gỗ để làm lễ quay xuống.

Thẩm cung có tượng Đức Mẹ bế Đức Chúa Con. Trên cao là Đức Bà Mân Côi, quan thày Nhà Thờ Lớn. Dưới có một hàng ảnh to vẽ sơn màu. Giữa là Đức Chúa Giêsu Vua. Tả hữu là sáu Thánh Tử vì đạo.

Bên trái: bà Thánh I-Nê Đề, thánh Hoàng Đình Hy; thánh Giám Mục Cao.

Bên Phải: cha thánh Lê bảo Tịnh, ông thánh Thể (chân đóng xà cạp vì đi lính), ông thánh Li Mỹ.

Bàn thờ cạnh tay trái kính Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Bàn thờ cạnh tay phải kính Đức Mẹ Sầu bi. Ở cột cái bên bàn chịu lễ có tượng Đức Mẹ Fatima.

Trần cung thánh ghép gỗ quí đục chạm, sơn son thiếp vàng.

Trong lòng nhà thờ có Đàng Thánh Giá lớn vẽ sơn màu. Hai bên hông nhà thờ lắp cánh cửa gỗ. Khi có lễ lớn, như lễ tân phong Đức Giám Mục Phó hôm 16 tháng 12 năm 1988, người ta tháo cất các cánh cửa đi cho rộng rãi, thoáng khí và sáng sủa. Hôm lễ tân phong vừa nói, bàn thờ đặt dưới mái hiên đàng tây trên khán đài, giáo hữu ngồi trong nhà thờ cũng xem lễ nghi rõ như giáo hữu ngồi ngoài sân.

Năm 1891 cụ Sáu cho ăn Tết thật lớn. Qua Tết cụ cất nhà thờ lớn Phát Diệm. Năm 1892 cụ ăn mừng rất linh đình.

Năm 1991, là kỉ niệm kỷ niệm 100 tuổi nhà thờ lớn của cụ Sau Trần Lục.

Lễ Tấn Phong Phó Giám Mục Phát Diệm năm 1988

Ngày 16 tháng 12 năm 1988 linh mục Giuse Nguyễn Văn Yến đã được tân phong Giám Mục Phó giáo phận Phát Diệm tại nhà thờ Lớn Phát Diệm.

Lễ Tấn Phong Giám Mục

Năm mươi nghìn giáo dân tuốn đến từ các giáo xứ thuộc giáo phận Phát Diệm và thuộc mấy giáo phận liên hệ: Hà nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu, Thanh Hoá, Thái Bình, Hưng Hoá... Có nhiều giáo dân đến từ hôn trước và thức trắng đêm trong khuôn viên nhà thờ lớn Phát Diệm. Họ đi xe đạp hoặc đi bộ. Họ mang cơm đi theo. Họ đi từ xa, vài chục cây số là thường.

Có cả người Mường, mặc sắc phục dân tộc, đi 40 cây số, mang chiêng, cồng đi theo, để dự lễ tân phong và để hoà tấu mừng Giám Mục của họ. Họ còn đồng thanh dâng bài mừng Đức Cha mới bằng tiếng mẹ đẻ. Những người dân tộc này thuộc giáo xứ An Ngãi cách Phát Diệm chừng 40 chục cây số. Các bà các cô mặc quầy thâm, thắt lưng vải sặc sỡ đủ màu sắc. Các cô đánh chiêng thì mặc áo trắng, chiêng bằng đồng, to bằng cái mâm lớn, chính giữa lồi ra cái rốn to như bát ăn cơm. Có một cô mặc áo xanh, thắt lưng xanh lục, gõ vào cái cồng để điều khiển ban hoà tấu. Người Kinh gọi là Mường. Đáp lại họ gọi người Kinh là người Mường! Người dân tộc theo đạo Công Giáo thì giữ luật một vợ một chồng.

Giáo dân người Mường

Tối hôm trước lễ tân phong, ai đi một vòng khuôn viên nhà thờ lớn mà thấy giáo dân thức trắng đêm, lấy trời làm màn, Lấy đất làm chiếu, thì kinh ngạc. Sự thật không phải chiếu đất, mà chiếu đá, vì nhà thờ lớn và năm nhà thờ cạnh chủ yếu xây bằng đá xanh. Hôm ấy giáo dân chấp nhận thiếu ăn, thiếu áo ấm, thiếu nước uống, thiếu ánh sáng, thiếu các tiện nghi, miễn là được dự lễ tân phong Giám Mục của họ. Hàn thử biểu chỉ 18 độ là độ thấp trong xứ nhiệt đới. Gió lạnh buốt tới xương. Đêm thì có xương muối, rét làm hàm răng va cầm cập. Họ nói chuyện với nhau rất là vui vẻ. Cũng có nhóm đọc kinh tối. Chịu cực đến đâu họ vẫn chấp nhận, miễn là dành được chỗ tốt mà xem lễ tấn phong.

Hôm lễ tấn phong, núi Táng Xác (do cụ Sáu Trần Lục xây năm 1874) biến thành núi người: thanh thiếu nhi biến núi đá thành núi người, biến Núi Táng Xác thành khán đài cao nhất tốt nhất để xem lễ.

Giáo dân dự Đại Lễ

Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn chủ phong. Tất cả có bảy vị Giám Mục (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu, Thanh Hoá và hai vị Giám Mục Phát Diệm) và 54 linh mục đồng tế: một con số kỷ lục cho giáo dân Phát Diệm vì cả giáo phận chỉ có 10 linh mục.

Từ khán đài nơi cử hành lễ tấn phong trông xuống một biển giáo dân, coi không khác một vườn hoa đang mùa nở rộ, bởi vì lúc làm lễ trời nắng nên các áo len và khăn cổ đủ màu được trùm lên đầu để che mặt trời.

Đúng giờ ngọ thì lễ tấn phong chấm dứt. Năm vạn giáo dân đồng thanh thưa kinh Truyền Tin như sấm vang. Đoạn, tuy thể xác mệt nhọc, nhưng tâm hồn phấn khởi, mặc dầu có người nửa đêm chưa đi bộ về tới nhà, ai nấy trở về xứ sở mình, tha hồ kể lại cho người nhà những kỷ niệm khó phai mờ.

Đức tân Giám Mục quê Vĩnh Trị, làm cha xứ Vĩnh Trị. Cha Thánh Lê Bảo Tịnh là vị tiền nhiệm. Vĩnh Trị viết trang sử đẫm máu với Thánh tử đạo Lý Mỹ, Trùm Đích, cha Năm và cha Lê Bảo Tịnh. Vĩnh Trị có nhà tràng La Tinh, có trại phung. Năm 1837 nhà tràng Vĩnh trị bị phá tan. Thày Tịnh bị bắt, bị phát lưu 6 năm. Được Tự Đức lên ngôi đại xá, thày Tịnh trở về Vĩnh Trị, dọn mình chịu chức linh mục. Cha Lê Bảo Tịnh mở lại nhà tràng Vĩnh Trị, coi sóc trại phung. Vĩnh Trị. Bị bắt tại Vĩnh Trị, bị xử chém ngày mồng 6 tháng 4 năm 1857. Ba năm sau rước hài cốt về Sở kiện (1860). Cha Lê Bảo Tịnh được phong Á Thánh năm 1909 và phong hiển thánh năm 1988.

Sau khi Đưc Cha Bùi Chu Tạo qua đời, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã chính thức lên cai quản Giáo Phận Phát Diệm và từ đó, sinh hoat giáo phận ngày càng khởi sắc về nhiều mặt.

Các Giám Mục Phát Diệm chôn tại đây:

Trên gian nhất Cung Thánh nhà thờ lớn Phát Diệm có năm mộ Giám Mục. Từ tây sang đông là ba Giám Mục chính, rồi đến hai mộ Giám Mục Phó.

Giám Mục Gioan Maria Phan Đình Phùng:

Mộ 1 là mộ Đức Giám Mục Gioan Maria Phan Đình Phùng, sinh quán Kiến Thái 1891, huyện Kim Sơn. Làm linh mục 5.4.1924. Làm Giám Mục Phó 3.12.1940. Làm Giám Mục chính 28.12.1943. Qua đời 28.5.1944. Cha già Năng, bề trên Dòng Châu Sơn, phủ Nho Quan, nói: "Đức Cha lên Châu Sơn xưng tội. Xưng tội xong thì Người qua đời." (Người xưng tội với cha bề trên là cha Lê Hữu Từ).

Giám Mục J.P. Alexander Marcou (Thành)

Mộ 2 (như một và ba bằng tiếng La Tinh) khắc: An nghỉ nơi đây chờ ngày sống lại J.P. Alexander Marcou (Thành), sinh ra ở giáo phận Montpellier 10.5.1857. Làm linh mục 21.12.1879 (mới 12 tuổi). Tấn phong Giám Mục 15.10.1895. Làm Giám Mục tiên khởi (Phát Diệm) 16.5.1901. Làm Thần Công Hầu Giáo Hoàng (Solio Pontificali Assistens) năm 1930. Suốt 60 năm làm việc tông đồ trong đó có 44 năm làm Giám Mục. Qua đời 7.12.1939 (thọ 83 tuổi, tại Thanh Hoá). Đức Cha già Thành là đấng làm ơn nhiều nhất cho giáo phận Phát Diệm. Người cai quản Phát Diệm 34 năm (1901-1935). Người lo cho Phát Diệm thành giáo phận tiên khởi Việt Nam bản quốc. Người trao Phát Diệm cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, rồi về hưu tại Thanh Hoá. Cha già Phêrô Mai Đức Thạc đã mấy chục năm giúp Đức Cha Thành đã viết năm 19678 "Tiểu sử Đức Cha Thành" (một tập 80 trang).

Giám Mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng

Mộ 3 (ba mộ ba Đức Giám Mục chính đều khắc tiếng La Tinh): Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tiên khởi Giám Mục Việt Nam. Sinh 7.8.1868 tại Gò Công. Làm linh mục 19.9.1896. Làm Giám Mục 11.6.1933. Làm đại diện tông toà 20.10.1935. Tạ thế 11.7.1949. Đức Cha Tòng được chính Đức Giáo Hoàng Pio XI tấn phong tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô ở Rôma.

Từ khi giảng đạo nước Việt Nam tính hơn 300 năm mới có Giám Mục bản quốc. Cha già Thạc kể rằng Đức Cha Thành vào Huế tìm đấng kế vị. Đức Giám Mục Huế giới thiệu cha Hồ Ngọc Cẩn. Đức Cha Thành vào Sàigòn, Đức Giám Mục Saìgòn đưa Đức Cha Thành đến giáo xứ Tân Định gặp cha sở là cha Tòng. Đức Cha Thành mời cha Tòng ra Phát Diệm giảng cấm Phòng cho các linh mục địa phận. Cuối tuần cấm phòng. Đức Cha Thành hỏi cha già Thạc: "Cha Tòng giảng, các cha nghe rõ không?" Cha già Thạc thưa: "Bẩm, rõ và sốt sắng lắm." Luôn đấy, Đức Giám Mục Hà Nội cũng mời cha Tòng lên giảng cho các linh mục Hà Nội. Các linh mục Hà Nội nói: "Cha Tòng giảng thông minh và sốt sắng phi thường!"

Khi được tin cha Nguyễn Bá Tòng lên chức Giám Mục Phát Diệm thì cả địa phận vui mừng và cầu nguyện cho Người dọn mình chịu chức. Cha Luca Đinh Ngọc San đại diện các linh mục Phát Diệm vào Sàigòn tiễn Đức Cha Tòng sang Rôma.

Giám Mục Giuse Nguyễn Thiện Khuyến

Mộ 4 : Giuse Nguyễn Thiện Khuyến sinh năm 1900. Thụ phong linh mục 5.4.1930, thụ phong Giám Mục 24.4.1977, tạ thế 15.12.1981. Ngày 15.12.1988 chín linh mục đồng tế lễ giỗ lần thứ 7 Đức Cha Khuyến tại nhà thờ lớn Phát Diệm (cả địa phận chỉ có 10 linh mục). Bốn thày cho chịu lễ mất 10 phút. Hai ngày sau còn có lễ giỗ tại Cồn Thoi, vì Đức Cha Khuyến làm cha xứ Cồn Thoi. Rồi lại lên Bạch Bát làm lễ giỗ lần thứ ba vì Đức Cha Khuyến làm xứ Bạch Bát mười bảy năm. Cá hai nơi giáo dân đi lễ rất đông.

Giám Mục Giuse Lê Quí Thanh

Mộ 5 (hai mộ Giám Mục Phó khắc bia bằng tiếng La Tinh): Giuse Lê Quí Thanh sinh năm 1900 tại Hà Nam, chịu chức linh mục 17.3.1934, thụ phong phó Giám Mục Phát Diệm 13.2.1964, tạ thế ngày 7.5.1974.

Các Nhà Thờ nhỏ chung quanh Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

Trước hết là bốn ngôi nhà thờ song đôi hai bên hông nhà thờ lớn. Bắt đầu từ phía đông bắc, đầu nhà thờ lớn:

Nhà thờ Trái Tim Đức Chúa Giêsu

Nhà thờ được xây năm 1889. Nhà thờ này làm bằng gỗ lim mật (gọi là lim mật vì gỗ bóng như bôi mật). Cột tròn chẻ múi. Xà ngang xà dọc chạm trổ. Cửa nhà thờ chạm trổ mỹ thuật. Nhà thờ chia làm năm gian với tam quan năm thước. Nhà thờ dài 19 thước, rộng 12 thước, cao 9 thước.

Nhà thờ Trái Tim Đức Chúa Giêsu

Quan Toàn Quyền nước Pháp De Tasseran đề nghị mượn tạm để đem chở sang Paris dự đấu xảo quốc tế. Nhà thờ họ Thượng Kiệm bị san bằng, nên nay trao nhà thờ Trái Tim cho họ Thượng Kiệm là nhà thờ họ.

Nhà thờ Thánh Rôcô

Nhà thờ đượcxây năm 1895.Nhà thờ làm bằng gỗ mít chạm trổ. Chiều dài cũng như nhà thờ Trái Tim. Rộng 6 thước 60. Cao 5 thước 70. Bàn thờ từ cấp cuối cùng lên bậc mõ là một phiến đá duy nhất toàn khối. Trước tam quan nhà thờ Trái Tim và nhà thờ Thánh Rôcô có hai chậu cảnh toàn bằng đá, đường kính một thước tư, cao hai gang tay (4 tấc). Trước kia nhà thờ kính Thánh Gioan Tiền Hô. Năm 1923 dịch tả làm chết nhiều người. Người ta cầu khẩn Thánh Rôcô. Hết nạn dịch người ta dâng nhà thờ kính Thánh Rôcô.

Thánh Rôcô sinh tại Montpellier (như Đức Cha già Thành giám mục tiên khởi giáo phận Phát Diệm): 1295-1327. Thánh Rôcô tạn tụy chăn sóc những người mắc dịch hạch, vì vậy người ta khấn vái Người khi mắc bệnh hay lây. Lễ kính ngày 16.8.

Nhà thờ Thánh Phêrô

Nhà thờ được xây cất năm 1894. Từ nhà thờ Thánh Phêrô, qua lăng cụ Sáu và mặt tiền nhà thờ lớn sang phía tây thì gặp nhà thờ Thánh Phêrô. Thánh Phêrô là bổn mạng cụ Sáu. Nhà thờ làm bằng gỗ lim, chia làm năm gian và tâm quan sâu 5 thước. Kích thước: dài 16 thước, rộng 7 thước, cao 6 thước. Hai bên Cung Thánh trồng chấn song đá chạm thân trúc, trên đặt 12 phù điêu bằng đá chạm chân dung 12 Thánh Tông Đồ. Cột gỗ kê độn đá. Cột gỗ kê độn đá đều chạm. Bàn thờ từ cấp dưới lên bậc mõ là một phiến đá duy nhất toàn khối bảy thước khối, nặng mấy chục tấn.

Nhà thờ này bây giờ kính Thánh I-nha-xiô và trao cho họ Phương Ngoại trông non săn sóc (họ Phương Ngoại và họ Thượng Kiệm là hai họ nhánh của Phát Diệm)



Nhà thờ Thánh Giuse

Nhà thờ được xây năm 1894. Song đôi với nhà thờ Thánh Phêrô là nhà thờ Thánh Giuse, nằm phía đầu nhà thờ lớn hướng tây. Nhà thờ làm toàn bằng gỗ mít. Các cột chạm trổ rất khéo. Trước bàn thờ, trên cao, treo lủng lẳng hai bình hương bằng gỗ chạm trổ vô cùng tài tình, trông như bình hương tây đúc đồng. Bàn thờ là một khối đá duy nhất toàn khối, vì nặng quá nên chìm và còn nằm dưới đáy sông. Bàn thờ hiện nay cũng bằng đá toàn khối, nhưng nhỏ hơn.

Kích thước nhà thờ Thánh Giuse cũng bằng kích thước nhà thờ Thánh Phêrô. Hai bên Cung Thánh có chấn song đá chạm thân trúc, trên mặt 14 bức phù điêu bằng đá thuật hạnh Thánh Giuse, như Thánh Giuse nằm mơ, Giáng Sinh, Thánh Gia trốn sang nước I-chi-tô, Thánh Giuse thợ mộc...

Vườn Giệt-si-ma-ni hay hang Lộ Đức.

Cụ Sáu dựng hang đá vào năm 1896.

Từ nhà thờ Thánh Giuse trở lại đầu nhà thờ lớn, qua phòng áo, thấy có hai cửa ra vào, trên để đại tự "Tiểu Dịch Môn" (cửa nhỏ để đi lại), và "Đại Dịch Môn" (cửa hay vào). Đó là cửa phòng áo.

Đàng trước mặt, có cổng đá, lại thấy có mấy người đang lâm râm khấn vái. Không biết là cái gì, bèn ngẩng mặt lên, thấy hai cột đá cao, đầu cột trang điểm hoa sen thật lớn, mang bảng đề bốn đại tự "Nguyện đảo sơn viên" (đảo như trong chữ: cầu đảo). Đó là vườn Giệt-si-ma-ni, hay là vườn Cây Dầu. Xưa Đức Chúa Giêsu đêm thứ năm Tuần Thánh sau bữa Tiệc Ly vào vườn Giệt-si-ma-ni mà cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha.

Trong vườn cỏ cây chen đá lá chen hoa. Có cây cổ thụ. Rễ cây dây leo chằng chịt tảng đá mỏn núi chẳng khác gì Đế Thiên Đế Thích.

Trước đây, hàng năm, vào Tuần Thánh, giáo xứ Phát Diệm mở lễ trọng có diễn kịch Thương Khó. Phương Đình dùng đế diễn tích Đức Chúa Giêsu rửa chân cho các "đầy tớ" và ngồi ăn bữa tiệc ly với 12 Tông Đồ (thế mới hiểu được mấy chữ La Tinh cụ Sáu ghi mặt sau cửa Phương Đình: "Cappella in Coena Domini", Nhà Nguyện Tiệc Ly. Và cũng có thể Phương Đình làm nơi cất Mình Thánh để giáo hữu chầu đêm thứ Năm Tuần Thánh). Rửa chân và Tiệc Ly xong, Chúa Giêsu vào vườn Giệt-si-ma-ni mà cầu nguyện. Trong tuồng Thương Khó, người đóng vai Đức Chúa Giêsu vào vườn này cầu nguyện. Kế đến màn vui nhộn nhất trong kịch Thương Khó đó là việc "bắt quân dữ": một đoàn đông đảo thày cả, ký lục, lính tráng cải trang "quân dữ" (mấy anh "hề" và không ít "người cơ hội" trà trộn vào để "ăn có") tất cả bọn ấy kéo nhau vào vườn Giệt-si-ma-ni mà bắt trói Đức Chúa Giêsu đem đi nộp cho ba toà quan lớn. Trên cành cây cổ thụ treo tòng teng (hình nộm) "thằng" Giu Đa. Nhiều khi, nhiều nơi "diễn viên" "tài ngoại" nhiều "pha" không đọc thấy trong Phúc Âm, như đám ma Giu Đa...

Kịch Thương Khó trở vào nhà thờ với cổ lệ "ngắm đứng", "ngắm nhân tài" mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu, "ngắm năm dấu đanh" điểm trống, trắc, phèng, thành "một hoạt cảnh", "i-la-ma" trước thời đại.

Cụ Sáu xây vườn Giệt-si-ma-ni có mục đích. Vườn Giệt-si-ma-ni còn là tôn lăng của ba tử đạo: cha Kỳ, cha Dũng là hai linh mục đã coi sóc giáo xứ Phát Diệm, và ông Ngân, giáo dân, quán xã Tự Tân. Mộ chôn ba đáng nằm trên chót hang đá. Trèo lên vất vả và nguy hiểm. Bia đá khắc hàng chữ La Tinh trả công người leo núi. Đọc như sau:

"Sanguis Martyrum Semen Christianorum - Commune sepulchrum trium Dei Famulorum - Reverendi Patris Thomae Kì in parte australi;- Reverendi Patris petri Dũng in medio;- Laici Joannis Ngân in parte septentrionali.- Deus pacis et dilectionis sit aemper nobiscum in saecula saeclorum. Amen" (Máu Thánh Tử Đạo là hạt giống Ki-Tô hữu - Mộ táng chung ba tôi tớ Thiên Chúa: cha Tô ma Kì phía nam; cha Phêrô Dũng ở giữa; - Ông Gioan Ngân, giáo dân, phía bắc.- Xin Thiên Chúa của bình an và tình yêu luôn luôn ở với chúng ta đời đời. Amen).

Về Cha Tôma Kì, Đức Cha già Tạo kể rằng cụ nhanh trí và lý sự lắm. Một hôm lính rượt đuổi cụ. Nhờ nhanh trí mà thoát bị bắt. Cụ chạy trốn. Bí quá. Chạy ngang qua sân nhà người dân, chợt thấy quần lĩnh đàn bà đang phơi. Cụ cúi xuống nhặt cái que, rồi, tay thì cứ đánh vào cái quần, miệng thì la lối chửi bới om xòm. Toán lính săn lùng đi ngang qua, thấy cảnh một ông chồng đánh chửi vợ, gia đình lủng củng, bát đĩa xô xát, bèn bỏ đi. Cụ thoát thân. Nhưng cụ lý sự lắm. Cụ vào tận kinh đô Huế kiện các quan tỉnh. Các quan ghét cụ và tìm cách giết cụ mặc dầu thời ấy đã tha đạo. Cụ Kì tập võ thì bị các quan vẫn ghét cho là cụ mộ lính, rồi tập trận cho họ để làm loạn, phá rối trị an. Ngày xưa "quân dữ" cũng cáo Chúa Giêsu một tội như vậy. Cụ Kì, cha xứ Phát Diệm đã được phúc tử đạo.

Ban đầu vườn Giệt-si-ma-ni là nơi Chúa cầu nguyện, cũng là lăng tử đạo. Ngày nay là hang Lộ Đức. Năm 1925 một cha Thừa Sai Pháp ở Vân Nam (Trung Quốc) tặng Đức Cha Thành một pho tượng Đức Bà Lộ Đức. Đức Cha truyền đặt tượng trên hang đá cho giáo dân sùng bái.

Hang tác xác

Hang Tác Xác là một ngọn núi cao làm bằng đá lấy ở các hang thiên tạo. Nó nằm bên phải hang Lộ Đức. Cụ Sáu xây vào năm 1874. Khi còn diễn kịch Thương Khó, thì táng xác Đức Chúa Giêsu, một pho tượng gỗ như thật, vào hang đá này. Núi cao 12 thước. Núi có 3 động. Qua một cây cầu bắc trên hồ bán nguyệt, tới động thứ nhất. Rẽ sang đông, tới động giữa. Đi mấy bước nữa tới động 3.

Núi có nhiều hang nhiều ngách. Có thạch nhũ như hang thiên nhiên. Sách nói có hàng đá gõ vào nghe như đánh trống. Có giơi sống như trong hang thiên nhiên. Khuôn viên nhà thờ lại trồng rất nhiều cây nhãn. Quả nhãn là thức ăn giơi ưa thích. Sách nói: xây núi đá cũng dùng một kỹ thuật như xây Phương Đình. Đắp đất cao, xoai xoải, rồi trục đá ở dưới đốn. Còn xây hang động, thì chèn đất, chèn cát vào. Một khi đá đã ăn hồ đứng vững, thì moi cát ra.

Hang Đá Bê-Lem

Cụ Sáu xây hang đá Bê Lem vào năm 1898, phía trái hang Táng Xác, về hướng tây. Ngày xưa, đến lễ Giáng Sinh đặt tượng Đức Chúa Con trong hang đá Bê Lem cho giáo dân kính viếng.

Ngày nay, trên chóp hang đá Bê Lem, dựng bộ Cal-va-ri-ô, như có ý liên kết Bê Lem với Cal-va-ri-ô hay Núi Sọ. Bê Lem tưởng niệm mầu nhiệm Nhập Thể. Núi Sọ tưởng niệm mầu nhiệm Cứu Chuộc. Hang đá Bê Lem tưởng niệm cá hai mầu nhiệm.

Nhà thờ Đá

Sau lưng hang đá Bê Lem có phương đình nho nhỏ xinh xinh, hình vuông. Tầng trên treo quả chuông ta. Trong giáo xứ có ai qua đời, thì bắc thang lên đánh chuông thương. Cụ Sáu xây nhà thờ vào năm 1889 toàn bằng đá: nền đá, cột đá, xà đá, vách đá, thềm đá, tháp đá. Có 3 tháp. Tháp giữa cao hơn. Trong toà có tượng trắng Trái Tim Đức Bà. Cụ Sáu dâng nhà thờ đá kính Trái Tim Đức Bà. Hai tháp cạnh thấp hơn, gồm 5 tầng chồng lên nhau, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, tháp cứ nhỏ nhọn dần đi. Ở đầu cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm Hà Nội có cây tháp giống như hai tháp cạnh nhà thờ Đá.

Gian đầu nhà thờ hai bên có hai cửa sổ bằng đá chạm chim phượng. Gian cuối hai bên có hai cửa sổ chạm sư tử, đầu trông như đầu người. Hiện nay nhà thờ Đá trao cho họ Phát Trung coi sóc (họ Phát Trung là họ nhánh của giáo xứ Phát Diệm. Họ Phát Trung có trụ sở là nhà thờ họ Rosa nằm phía bên kia cầu Ngói. Nhà thờ họ Rosa hư hại nhiều, lâu nay không xử dụng, tuy tượng vẫn còn trên toà).

Nhà chung Phát Diệm - Toà Giám Mục.

Ra khỏi nhà thờ Đá, trông thấy cái cổng: cổng nhà chung. Trên cổng có bảng đề: "Chú ý khu vực nhà ở. Miễn tham quan".



Du khách có ý tham quan ngôi nhà của cụ Sáu: cha Trần Lục, ngôi nhà phải hơn trăm tuổi. Trên lợp ngói, trần bằng tre, sàn bằng ván, cửa ghép ván, gài then.

Cụ Sáu qua đời, để lại cho Đức Cha Marcou Thành, giám mục tiên khởi Phát diệm, ngôi nhà cụ ở. Đức Cha để nguyên vậy mà ở, không cho sửa gì, chỉ lắp ổ khoá cửa ra vào. Trong nhà chỉ có một cái bàn viết, một cái ghế ngồi nơi bàn viết, và một cái tủ sách, rồi trải chiếu dưới sàn, để mấy cái gối dựa, theo lối Việt Nam, cha già Mai Đức Thạc 25 năm làm phòng bộ Đức Cha Marcou) Thành kể như vậy. Quanh năm trải chiếu dưới sàn, Đức Cha nằm ngủ đất, sáng dọn đi. Gặp mấy ngày rét lắm về mùa đông, Người lên giường ngủ, đắp chăn bông. Áo may vải ta. Cơm ăn hai bát, hai món đồ ăn, đĩa rau, một quả chuối, không uống rượu chát, không hút thuốc. Người nguyên đi bộ, không đi xe bao giờ. Lên Ninh Bình thì đi thuyền. Khi có khách đàn bà, Người tiếp bốn năm phút, rồi mời cha phòng bộ tiếp thay. Bà Đốc Phủ Thế ở Sàigòn ra, được bà Tuần Phủ Ninh Bình đưa đến yết kiến Đức Cha, Người tiếp bà Đốc Phủ Thế mười phút, rồi mời cha phòng bộ tiếp. Qua 25 năm mới thấy Đức Cha tiếp khách phụ nữ lâu như vậy! Đức Cha rất thương yêu và giúp đỡ kẻ liệt và người nghèo.

Du khách đánh liều bước qua cổng nhà chung có ý để xem ngôi nhà xưa cụ Sáu ở, tiếp đến là một vị Thánh Giám Mục ở, nhưng chỉ thấy một vườn rộng hơn một mẫu, trồng cải bắp cuộn và xu hào (bây giờ là muà đông), và cây táo. Nhà cụ Sáu làm toà Giám Mục đã bị bom san bằng. Ngôi tháp nhỏ treo cỗ chuông tây mọc giữa vườn cũng không còn. Nhà cố Chính Lý, nhà các sư huynh, nhà các cha, nhà các thày giảng, nhà kho, nhà lẫm, Tràng kẻ giảng và nhà Nguyện vân vân, không còn một dấu vết gì cả. Thày cai Phú 82 tuổi; bô Thìn 80 tuổi; bõ Túc, và các chị nữ tu Mến Thánh Giá đào xới lên trồng tỉa. Phía sau nhà chung có miếng vườn thấp trồng được lúa. Vườn rộng một mẫu rưỡi, và hàng năm đóng thuế mất năm tạ thóc. Còn dư thì cha con nuôi nhau. Rau muống luộc chấm muối.

LM John Trần Công Nghị

(viết dựa theo các tài liệu sau đây:)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

* Phát Diệm tài liệu viết tay của Cha Luca Trần Hùng Sỹ (Dưỡng Điềm)

* Báo Phục vụ (1970); một tập đánh máy 22 trang, tựa đề là Dạo chơi Phát Diệm;

* Tiểu sử Đức Cha Thành (Alexandre Marcou) do cha già Phêrô Mai Đức Thạc viết năm 1967.